Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình tỉnh Bến Tre góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:30 01-12-2014

Trịnh Thị Thanh Bình - Bến Tre

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi bày tỏ thống nhất với báo cáo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và những ý kiến phát biểu trước tôi. Tôi xin tham gia một vấn đề về thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài trong dự án luật này.

Tại Điều 117, dự thảo Luật phá sản quy định việc ủy thác tư pháp của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan thẩm quyền của nước ngoài có ghi: "Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân thực hiện ủy thác tư pháp theo Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. Thủ tục ủy thác khác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tương trợ tư pháp Việt Nam. Quy định này tuy hiện nay thống nhất với Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tương trợ tư pháp hiện hành. Song trên thực tế áp dụng thì tính khả thi không cao, do việc ủy thác tư pháp đạt kết quả rất thấp. Nên hiện nay trong giải quyết án dân sự, án kinh doanh thương mại có nhiều vụ án phải tạm đình chỉ kéo dài để chờ kết quả ủy thác tư pháp mà không biết đến chừng nào và cũng chưa có hướng mở ra. Đây là vấn đề rất bức xúc cho cơ quan tố tụng ở địa phương. Và tại địa phương chúng tôi hiện nay cũng đang giải quyết thủ tục phá sản cho một doanh nghiệp và cũng đang gặp khó khăn, phải kéo dài thủ tục do chờ kết quả ủy thác tư pháp cho một số chủ nợ với một món nợ không lớn nhưng đang ở nước ngoài. Dự thảo luật không quy định quyền lợi của những người có liên quan trong thủ tục phá sản ở mức độ nào thì phải ủy thác tư pháp, có nghĩa là quyền lợi dù lớn, dù nhỏ nằm trong đối tượng quy định ở Điều 116 thì tòa án khi thụ lý vụ việc phá sản đều phải làm thủ tục ủy thác tư phá phá sản và đều phải chờ kết quả ủy thác tư pháp mới tiến hành giải quyết được.

Trên thực tiễn kết quả ủy thác tư pháp của tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thấp, đang ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước là người có quyền và nghĩa vụ chính trong các vụ án dân sự, thương mại và đối với việc thi hành Luật phá sản cũng trong tình trạng này, tức là chúng ta chờ đợi kết quả ủy thác tư pháp có khi của một người với một quyền không phải là chi phối nhưng rất nhiều tổ chức, cá nhân phải chờ và kéo dài không biết đến chừng nào. Đây là vấn đề rất hệ trọng và nếu như không có hướng mở thì sẽ làm giảm hiệu lực, thậm chí trong một số trường hợp sẽ làm vô hiệu quy định của pháp luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định tại Chương XI về giải quyết trường hợp ủy thác tư pháp có yếu tố nước ngoài, trong trường hợp do chưa có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc không ứng xử theo nguyên tắc có đi có lại hoặc ủy thác nhưng không có kết quả hoặc chậm có kết quả thì nên quy định trong một thời hạn nhất định, ví dụ như 3 tháng, 6 tháng, tức là theo một thời gian hợp lý thì phải cho tòa án quyền tiến hành thủ tục phá sản để bảo vệ quyền lợi của số đông là tổ chức, cá nhân trong nước. Trường hợp sau khi tuyên bố phá sản nếu tổ chức, cá nhân là người nước ngoài được phân chia tài sản chưa nhận thì giao cho cơ quan thi hành án quản lý tại tại khoản thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Đối với trường hợp phá sản doanh nghiệp là tư nhân, thành viên hợp doanh của công ty hợp danh của công ty hợp danh thì giải quyết theo Khoản 1, Điều 110 dự thảo luật về quyền đòi lại tài sản chưa được thanh toán theo quy định của thủ tục tố tụng dân sự để bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân đa số ở trong nước. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Các văn bản liên quan