Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tỉnh Tây Ninh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Minh Quang TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thị Khá tỉnh Trà Vinh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) - Trà Vinh
Kính thưa Chủ toạ,
Kính thưa Quốc hội.
Về dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, tôi xin tham gia phát biểu ý kiến như sau:
Thứ nhất, Điều 13, về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, cơ bản tôi tán thành với báo cáo thẩm tra. Nhưng tôi xin đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đối với việc mua bán nhà chung cư, nhà cao tầng, vì quyền sử dụng căn hộ chung cư gắn với quyền sử dụng đất khu nhà chung cư đó ở mức độ nào, cụ thể ra sao để khi mua bán tránh chồng chéo, tranh chấp. Thời hạn sử dụng nhà gắn với thời hạn sử dụng đất, nếu trường hợp thời hạn sử dụng nhà thì hết, thời hạn sử dụng đất thì còn, không trùng khớp. Việc mua bán cần quy định như thế nào khi chuyển quyền sở hữu. Luật cũng nên quy định đối với nhà chưa thuộc quyền sở hữu hợp pháp thì việc mua bán, chuyển nhượng mua ra sao. Vì trên thực tế, có những ngôi nhà được mua bán, chuyển nhượng hai, ba lần đổi chủ nhưng chưa có quyền sở hữu hợp pháp vì nó liên quan đến vấn đề thuế chuyển quyền.
Hai, Điều 14, chính sách phát triển nhà ở xã hội, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm đối tượng nào, khu vực nào, nhà ở nào được hình thành từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước đầu tư. Đối tượng nào, khu vực nào cũng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để họ vay tự xây nhà qua các tổ chức tín dụng. Luật cũng cần có chính sách bao phủ nhà được bán hoặc cho thuê cho các đối tượng vùng, miền, nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thu nhập của họ. Cụ thể như vùng nông thôn nên cho họ vay ưu đãi tự xây dựng, kể cả cán bộ, công chức có thu nhập thấp, công nhân thu nhập thấp không đủ điều kiện mua thì cho họ thuê v.v...
Chính sách đưa ra cũng phải cân đối nguồn lực nhà nước trong từng giai đoạn cho phù hợp để bảo đảm tính khả thi và cũng nên nghiên cứu có chính sách để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia. Lĩnh vực này rất khó huy động nên cần có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.
Thứ ba, vấn đề cho thuê đất để xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm để bảo đảm không chồng chéo với Luật đất đai năm 2013 quy định đối với trường hợp xây nhà trên đất cho thuê. Nếu luật quy định chung đối với quỹ đất sử dụng xây nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, gồm cả nhà bán, nhà thuê, mua, cho thuê do nhà nước cho thuê đất là chưa phù hợp, có thể gây phức tạp thêm mà đã biết trước là sẽ gặp khó khăn. Với trường hợp nhà ở gắn liền với đất cho thuê hết thời hạn cho thuê và ngược lại. Đề nghị luật cần quy định cụ thể đối với trường hợp nhà nước cho thuê đất thì chỉ xây dựng nhà ở với mục đích cho thuê và phù hợp với thời gian cho thuê đất tránh chồng chéo.
Thứ tư, về nhà ở công vụ. Với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc đưa chính sách nhà ở vào lương là chưa có khả năng. Trong khi nhà ở công vụ là điều kiện để những người được điều động luân chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác như địa phương về trung ương và ngược lại, kể cả cán bộ được tăng cường về các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa như thầy thuốc, thầy giáo, kỹ sư, kiến thức trẻ là cần thiết.
Không những chỉ tạo điều kiện cho họ toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ được giao, có an cư mới lập nghiệp mà còn để giúp cho người dân vùng khó khăn này có cơ hội được hưởng thụ các chính sách nhà nước như tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao mặt bằng dân trí, tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Tránh chính sách đầu tư cho vùng này thì nhiều nhưng điều kiện hưởng thụ thì chưa có vì không ai chịu về. Như kết dư quỹ bảo hiểm y tế ở thôn, bản, các em học phổ thông trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay, sản xuất còn theo kiểu tự cung, tự cấp dẫn đến nghèo đói cũng ở những vùng khó khăn này. Nhưng để bảo đảm việc thực hiện chính sách này một cách công khai, minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo nên quy định chặt chẽ điều kiện đối tượng phải tương ứng đồng bộ với nhiệm vụ được giao và thời gian luân chuyển, tránh lãng phí, sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, biến tướng. Khi xong nhiệm vụ thì phải kết thúc sử dụng nhà công vụ để người đến nhận nhiệm vụ mới có nơi ở ngay. Hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có ở, không xử lý được.
Thứ năm, về trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phát triển nhà ở. Điều 48, Khoản 4 dự thảo luật quy định: trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc phát triển nhà ở là phải đóng góp kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng chung theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm. Phần cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện nước là trách nhiệm của nhà nước trong việt phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nâng cao mức sống cho người dân. Ở đây trong thời điểm hiện nay chỉ nên phát động khuyến khích để người dân tham gia đóng góp, chứ không thể do Hội đồng nhân dân quyết định mang tính chất bắt buộc, trừ trường hợp hạ tầng trong các dự án thì cũng do nhà đầu tư thỏa thuận với người mua.
Thứ sáu, thời hạn sử dụng nhà ở chung cư, Điều 100. Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quyền sở hữu tài sản với trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản công dân đã được hiến định. Tôi đề nghị luật nên quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà ở công vụ tùy theo cấp độ, cao độ, chất liệu, vật liệu phù hợp với tuổi thọ của công trình có hồ sơ theo dõi tính an toàn và thời hạn sử dụng từng loại chung cư để bảo đảm rõ ràng, minh bạch tránh trây ỳ, khiếu kiện, nhất là đối với căn hộ đã được mua bán, sang chủ. Khi hết thời hạn sử dụng cơ quan quản lý phải có trách nhiệm thông báo trước việc di dời thời hạn tháo dỡ để cải tạo xây mới, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra như một số nước. Nên cũng quy định cấm tự ý cơi nới, phá dỡ, thay đổi kiến trúc như thế nào, tránh làm nham nhở, mất mỹ quan đô thị, không an toàn.
Còn đối tượng đối với chung cư đang sử dụng thì khi luật này có hiệu lực pháp luật cũng cần phải được kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại để bảo đảm phù hợp với luật hiện hành thống nhất chung cả nước.
Cuối cùng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, tránh lặp lại, chồng chéo, vướng mắc sau này khó thực hiện. Xin cảm ơn Quốc hội.