Đại biểu Trần Hoàng Ngân TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Huỳnh Văn Tính tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Về dự án Luật hộ tịch, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một, về sự cần thiết ban hành Luật hộ tịch, tôi nhất trí việc ban hành Luật hộ tịch, vì lý do công tác đăng ký hộ tịch hiện nay còn nặng nề, nhất là nặng về tính chất hành chính, thủ tục, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Vấn đề liên quan đến hộ tịch nằm rải rác ở nhiều văn bản luật. Do vậy, việc pháp điển hóa, hệ thống hóa thống nhất thành Luật hộ tịch là hợp lý trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính của nước ta hiện nay.
Thứ hai, về vấn đề chưa thống nhất giữa hai dự án luật Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân với Đề án 896, dự án Luật hộ tịch quy định giao công chức tư pháp hộ tịch cấp giấy khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo Khoản 2, Điều 16, trong khi đó Luật căn cước công dân cũng quy định trẻ em sinh ra sẽ được cơ quan công an cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân. Tôi thấy hai dự án luật này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án luật, như Bộ Công an là Luật căn cước công dân, Bộ Tư pháp là Luật hộ tịch. Hai bộ này cần phối hợp thống nhất với nhau trong quá trình soạn thảo để tránh trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.
Trở lại vấn đề trên, tôi có ý kiến như sau: Theo quy định của pháp luật hiện hành và từ trước đến nay, giấy khai sinh là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân như họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, họ, tên cha mẹ, làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, văn bằng chứng chỉ, chứng minh nhân dân. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, giấy khai sinh còn có ý nghĩa như giấy thông hành phục vụ cho việc đi lại như dự án Luật hộ tịch quy định là phù hợp, bảo đảm mục tiêu đã được xác định tại Đề án 896.
Theo Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật căn cước công dân thì căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân theo quy định của Luật này là để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Do đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm căn cước trong dự thảo Luật căn cước công dân. Vì vậy, ở độ tuổi dưới 14 tuổi các đặc điểm của trẻ em chưa ổn định, kinh nghiệm đa phần các nước cấp thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi 14-15, thậm chí 18 tuổi, khi đặc điểm nhận dạng khá ổn định, ít thay đổi. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay cấp giấy chứng minh nhân dân từ đủ 14 tuổi,độ tuổi này bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự từ đủ tuổi 14.
Mặt khác, Điều 30 Luật quốc tịch Việt Nam quy định miễn thủ tục xác minh về nhân thân đối với người dưới 14 tuổi. Do đó, cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị xử lý thẩm quyền về cấp số định danh cá nhân theo hướng sau:
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong và chính thức đi vào vận hành thì khi đăng ký khai sinh công chức tư pháp, hộ tịch nhập thông tin khai sinh của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân và ghi vào sổ hộ tịch, trích lục khai sinh, số định danh cá nhân là số thẻ căn cước công dân. Đồng thời thời điểm chuyển đổi thẩm quyền và thủ tục xác lập số định danh cá nhân cần được quy định phù hợp với kết quả triển khai theo đề án 896.
Tôi đề nghị để đảm bảo quyền con người và thúc đẩy việc giảm bớt các loại giấy tờ của công dân thì trẻ em ngay từ khi mới sinh ra phải được câp sổ định danh cá nhân và được thể hiện ở một hình thức tuyển dụng. Cần quy định vấn đề này trong Luật hộ tịch và chọn thời điểm thực hiện cho phù hợp.
Vấn đề thứ ba, về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trong suốt một thời gian ở nước ta về quản lý sổ sách hộ tịch chủ yếu bằng phương pháp thủ công như là lưu giữ sổ sách giấy tờ. Việc này gây nhiều bất cập như bị mờ chữ, mối mọt hoặc cháy hỏng. Thậm chí ở một số địa phương khi xảy ra thiên tai lũ lụt, sổ hộ tịch còn bị thất lạc. Do đó, tôi cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là rất cần thiết. Cơ sở dữ liệu điện tử sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đặc biệt, trong việc thống kê, tra cứu hộ tịch một cách nhanh chóng kịp thời, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội cũng như phúc đáp yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng hiện nay đang có nhiều quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử khác nhau.
Liên quan đến việc quản lý công dân và do các bộ, ngành khác nhau tổ chức thực hiện. Ví dụ như cơ sở dữ liệu điện tử và lý lịch tư pháp do Bộ tư pháp quản lý, cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý. Ngoài ra còn có tàng thư căn cước, chứng minh nhân dân, hộ khẩu do cơ quan công an quản lý. Việc xây dựng quá nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến công dân và giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện dẫn đến nguồn lực bị phân tán không kết nối được nội dung quản lý, khó có thể đảm bảo việc quản lý thống nhất chặt chẽ. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu để có thể tập trung nguồn lực xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất về công dân để các bộ, các ngành, các cấp khai thác đáp ứng yêu cầu quản lý và thuận lợi của người dân.
Thứ tư, về công chức tư pháp và hộ tịch. Vấn đề này tôi nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật. Theo các quy định hiện hành thì tùy từng địa phương. Có địa phương được bố trí một công chức tư pháp hộ tịch, có địa phương được bố trí hai người hoặc nhiều hơn. Trong trường hợp chỉ có một biên chế thì không thể bố trí công chức tư pháp hộ tịch đảm nhiệm công tác hộ tịch chuyên trách được, vì họ còn phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác, khoảng 12 nhiệm vụ khác theo quy định của Thông tư số liên tịch số 04 nắm 2005 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Do đó, tôi đề nghị phải sớm đảm bảo chuẩn hóa và ổn định đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, để sau khi luật có hiệu lực thi hành là thực hiện được ngay. Mặt khác, tôi cũng đề nghị dự thảo cần bổ sung thời điểm có hiệu lực cho phù hợp.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.