Đại biểu Hà Sỹ Đông tỉnh Quảng Trị góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:10 26-11-2014

Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết chúng tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật đầu tư công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật đầu tư công trình Quốc hội kỳ họp  này là một trong bộ luật đã được Ban soạn thảo nghiên cứu sâu sắc và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp trước. Dự thảo luật đã được tiếp thu bổ sung nhiều quy định hết sức quan trọng và đầy đủ, các điều luật giao Chính phủ hướng dẫn trong dự thảo lần trước đã được quy định bổ sung đầy đủ, các quy định trong dự thảo luật đã đổi mới cách thức quản lý đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đi vào một số nội dung cụ thể tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật chúng tôi thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Phạm vi điều chỉnh của luật đã bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công gồm các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng tại Điều 2, đề nghị bổ sung nội dung theo dõi, kiểm tra, giám sát vốn đầu tư công vào nội dung điều này bên cạnh việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công, để bảo đảm bao quát hết tất cả các đối tượng tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Ba, về áp dụng luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tại Điều 3. Cần xem lại điều này vì quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 vừa trùng lặp, vừa mâu thuẫn, cụ thể tại Khoản 1 nêu: Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài thực hiện theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó. Quy định này cho thấy nguyên tắc ưu tiên áp dụng là Điều ước quốc tế sau đó đến luật Việt Nam. Đồng thời với phạm vi rất chung là quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài được hiểu là đã điều chỉnh cả các chương trình, dự án đầu tư công thực hiện tại nước ngoài, nêu tại Khoản 2. Tuy nhiên tại Khoản 2 lại đưa ra nguyên tắc áp dụng luật là ưu tiên áp dụng luật sở tại, sau đó đến việc áp dụng chung cho cả hai luật, luật Việt Nam và luật nước sở tại. Trong khi đó Khoản 1 chưa hề nhắc đến áp dụng luật nước sở tại với trường hợp quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại nước ngoài, đồng thời nội dung tại Khoản 2 này không ưu tiên áp dụng Điều ước quốc tế. Do đó đề nghị sửa lại toàn bộ điều này theo hướng như sau:

Khoản 1 chỉ quy định về việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên lãnh thổ Việt Nam, theo đó tuân thủ pháp luật Việt Nam, trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của luật Việt Nam thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế.

Khoản 2, quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công tại nước ngoài, theo đó tuân thủ cả luật Việt Nam và luật nước ngoài. Trường hợp luật nước ngoài có quy định khác với luật Việt Nam thì áp dụng luật nước ngoài. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam hoặc nước sở tại là thành viên có quy định khác thì ưu tiên áp dụng Điều ước quốc tế.

Thứ tư, về giải thích từ ngữ tại Điều 4, khái niệm "hoạt động đầu tư công", không nên bao gồm việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư. Vì các hoạt động này chỉ là hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư công, không phải là đầu tư công. Do đó đề nghị bỏ nội dung về theo dõi, đánh giá kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công khỏi việc giải thích về hoạt động đầu tư công.

Thứ năm, về nguyên tắc quản lý đầu tư công tại Điều 12, nguyên tắc quản lý đầu tư công cần có tính khái quát cao để định hướng chuẩn hóa cho hoạt động đầu tư công và đó là nguyên tắc thì nó phải chi phối đến hoạt động quản lý đầu tư công từ khâu xây dựng chính sách đến thực thi cũng như kiểm tra, giám sát. Vì thế các quy định về nguyên tắc quản lý đầu tư công cần mang tính khái quát cao nhưng phải bảo đảm đi vào thực chất, cốt lõi của vấn đề là tính hiệu quả, tính tiết kệm, tính phát triển bền vững, với những tiêu chí này thì nên sửa lại Điều 6 về nguyên tắc quản lý đầu tư công như sau: Nên bỏ nguyên tắc nêu tại Khoản 3 điều này, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công cần phải rõ ràng chính các quy định của luật này và các văn bản pháp lý có liên quan, chứ không phải đến lúc thực hiện hoạt động quản lý đầu tư công mới xác định. Nói cách khác nội dung này cần phải được luật hóa một cách cụ thể, rõ ràng để xác định trách nhiệm, chứ không còn là nguyên tắc trong quá trình thực hiện nữa và nếu được luật hóa thì riêng nguyên tắc nêu tại Khoản 1 điều này đã bao gồm cả nội dung này, bổ sung nguyên tắc coi trọng sự phát triển bền vững trong quản lý đầu tư công. Bởi vì hoạt động đầu tư công nếu chỉ hiệu quả, tiết kiệm, đồng bộ vẫn chưa đủ, phát triển bền vững là mục tiêu phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Và đây cũng là mục tiêu phát triển nói chung trên thế giới, do đó hoạt động quản lý đầu tư công cũng cần tuân theo nguyên tắc này.

Thứ sáu, về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với chủ trương đầu tư, trước kia chúng ta hầu như không quan tâm tới công tác này, ngoài các chương trình, mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư, các chương trình, dự án khác việc xác định chủ trương chủ yếu vẫn còn tùy tiện, không tính toán đến khả năng cân đối nguồn vốn quyết định mang tính chủ quan, duy ý chí và đơn giản, tồn tại này kéo dài nhiều năm nên đến nay chưa được khắc phục do thiếu các quy định pháp luật. Dự thảo Luật đầu tư công lần này đã thể chế hóa trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật đầu tư công, các quy định phân công, phân cấp trong quyết định chủ trương đầu tư. Chúng tôi thấy Ban soạn thảo đã nghiên cứu hợp lý đối với các quy định liên quan đến hình thức đầu tư đối tác công tư PPP.

Tôi hoàn toàn nhất trí với các quy định trong dự thảo luật, trong dự thảo luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, Chính phủ phải hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các dự án thuộc đối tượng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác, trong đó có nguồn vốn PPP là rất quan trọng. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo sau khi Luật đầu tư công được thông qua sớm trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành. Ngoài các điểm tôi muốn góp ý trên đây, tôi đánh giá cao các quy định trong dự thảo luật, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự án luật này để tạo lập một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan