Cơ quan quản lý nhà nước, AI PHẠT

Thứ Hai 14:23 22-05-2006
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP:
Cơ quan quản lý nhà nước, AI PHẠT?

Trích nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 12/1999/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp(SHCN) hiện đang được Bộ Khoa học Công nghệ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan trước khi hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành.

Đặng Thu An- Hội Sở hữu công nghiệp.

Nghị định số 12/1999/NĐ-CP sau 5 năm ban hành đã có nhiều bất cập. Mặt khác trong Nghị định số 12/1999/NĐ-CP còn có một số các quy định chưa hợp lý, cần phải sửa đổi, bổ sung như: Khung tiền phạt quy định tại nghị định này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô của hành vi vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa; kết cấu khung tiền phạt còn chưa phù hợp, khó áp dụng trong từng trường hợp cụ thể với các quy mô, mức độ vi phạm rất đa dạng; nhiều hành vi vi phạm đối với các đối tượng SHCN mới chưa được quy định trong nghị định này.

Xâm phạm quyền sẽ bị xử phạt
Theo dự thảo nghị định mới, ngoài việc xử lý hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHCN, các hành vi xâm phạm quyền cũng bị xử phạt. Quy định này là phù hợp với Bộ luật Dân sự và phù hợp với thực tiễn. Dự báo trong 5 năm tới, việc xử lý các hành vi vi phạm về SHCN bằng biện pháp hành chính vẫn phát huy tác dụng, đặc biệt là trong công tác chống xâm phạm quyền SHCN trong sản xuất, buôn bán hàng giả về SHCN. Xử lý theo hướng này thường đơn giản và có tác dụng ngăn chặn nhanh, hiệu quả nên thường được chủ SHCN sử dụng. Trong khi đó theo thủ tục tố tụng dân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức, khối lượng công việc và yêu cầu về chuyên môn.

Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ những hành vi xâm phạm quyền SHCN trong trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của nhà nước, xã hội hoặc khi có yêu cầu của chủ SHCN mới áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Còn nếu chủ SHCN khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự thì không áp dụng theo thủ tục hành chính. Dự thảo nghị định quy định hình thức xử phạt bao gồm hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền), hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu giấy tờ, tài liệu, văn bản bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền SHCN bị sửa chữa hoặc giả mạo là tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm) và các biện pháp được áp dụng để khắc phục hậu quả. Về tiền phạt thì mức cao nhất được áp dụng đối với hành vi buôn bán hàng hoá giả về SHCN có thể bị phạt đến 250 triệu đồng và trên 250 triệu đồng; hành vi sản xuất hàng giả về SHCN có thể bị phạt đến trên 200 triệu đồng.

Xác định rõ hành vi vi phạm

Dự thảo nghị định đã xác định cụ thể, rõ ràng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, mức độ vi phạm và mức phạt, cụ thể hoá một số nguyên tắc xử phạt. Những hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT (thuộc quản lý nhà nước của cơ quan quản lý văn hoá, nghệ thuật) như bản quyền tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật...đã được quy định trong Nghị định 31/2001/NĐ-CP thì không quy định tại Dự thảo nghị định này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực SHCN thì dự thảo còn một số quy định chưa phù hợp. Cụ thể như trong dự thảo có nói đến xử phạt hành vi sản xuất, lưu thông buôn bán hàng giả, nhưng không nêu rõ thế nào là hàng giả, hàng giả khác với hàng vi phạm quyền SHCN ở chỗ nào?

Một điểm bất cập nữa là theo Luật Hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên phải xử lý hình sự trong khi đó theo nghị định thì việc xử lý hành chính đối với cả trường hợp trên 250 triệu đồng. Còn về thẩm quyền xử phạt hành chính quy định trong dự thảo vẫn dữ nguyên như Nghị định số 12/1999/NĐ-CP, nghĩa là vẫn quy định có 5 cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính liên quan đến SHCN (UBND các cấp, Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Văn hoá- Thông tin, Cảnh sát Kinh tế, Hải quan, Quản lý thị trường) đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực thi quyền SHTT không hiệu quả. Dự thảo nghị định quy định rất rõ mức phạt của cá nhân, tổ chức khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHCN, nhưng lại không quy định mức phạt đối với Cơ quan quản lý nhà nước về SHCN khi có hành vi vi phạm, ví dụ như vi phạm về thời hạn xem xét và cấp văn bằng bảo hộ theo luật định, làm thất lạc hồ sơ, có hành vi đối xử không công bằng giữa các đơn vị đại diện với nhau, tạo ra ưu thế của đơn vị này đối với đơn vị khác dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.

Các văn bản liên quan