Chính phủ cam kết hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ Năm 14:44 02-08-2007


Chính phủ cam kết hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp



Ngày 24/7/2007, tại TP. HCM Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến khẳng định việc cho ra đời nghị định này là hết sức cần thiết, thể hiện một sự cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ pháp lý cho các DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

DN thực thi pháp luật chưa hiệu quả

Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, tạo một khung pháp lý thuận tiện và tương đối đầy đủ, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN. Thực tế, các DN và các tổ chức kinh doanh ngày càng được thành lập nhiều về số lượng, đa dạng về qui mô, hình thức hoạt động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hôi. Tuy nhiên, trong hoạt động các DN vẫn còn nhiều mặt yếu kém, trong đó có việc thực hiện pháp luật. Trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý chưa cao, nhiều DN chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Nhiều DN hạn chế về nguồn lực để tiếp cận với thông tin pháp lý; hoạt động tư vấn, hỗ trợ của các hiệp hội còn nhiều bất cập. trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích DN, lợi ích quốc gia cần đặt ra yêu cầu phải nâng cao sự hiểu biết về pháp luật của DN…

Về phía quản lý nhà nước, dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản qui định trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp luật cho DN. Tuy nhiên, hoạt động này trên thực tế còn nhiều bất cập. Khi các DN có thắc mắc về pháp luật và có yêu cầu giải đáp thì thường rất ít khi nhận được sự trả lời từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã làm hạn chế việc thực thi pháp luật một cách có hiệu quả của các DN. Chính sự bất cập này làm cho công tác quản lý của Nhà nước bằng pháp luật đối với DN còn kém hiểu quả, pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi đáp ứng yêu cẩu DN. Việc ra đời của Nghị định hỗ trợ pháp lý DN thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức thi hành pháp luật cho DN, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật của DN.
Ông Võ Tấn Thành – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. HCM cho rằng pháp luật hiện nay được ban hành khá nhiều nhưng các DN không kịp thời cập nhật. Do vậy, sự ra đời của Nghị định mang ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện một sự cam kết của Chính phủ đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

Làm gì để “hải đoàn của những chiếc thuyền thúc” đững vững trước sóng to, gió lớn?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI – cho rằng, hiện nay Việt Nam có đến 98% DN nhỏ và siêu nhỏ. Do năng lực hạn chế  nên họ không tuân thủ pháp luật vì không hiểu pháp luật. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam có 6 cái chưa đồng bộ, thống nhất, ổn định, cụ thể, khả thi, hiệu quả. Thị trường dịch vụ pháp lý chưa phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu cho DN. Các Hiệp hội hiện nay thiếu và yếu, không có nhân sự chuyên trách để hỗ trợ pháp lý khi DN cần, các cơ quan nhà nước quá yếu kém trong việc giải đáp thắc mắc cho DN… Do đó, luật sự Huỳnh cho rằng việc ban hành Nghị định hỗ trợ pháp lý cho DN là cần thiết. Bởi lẽ, các DN Việt Nam hiện nay chỉ là “hải đoàn của những chiếc thuyền thúng”, đông những rất yếu, nếu không có sự hỗ trợ về pháp lý của Nhà nước thì rất khó ra biển lớn. Muốn cho “Hải đoàn của những chiếc thuyền thúng” đứng vững trước sóng to, gió lớn, Ban soạn thảo cần phải xây dựng Nghị định để vừa mang tính khả thi, nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Ông Phạm Vinh Quang – phó Giám đốc Dự án Star Việt Nam – cho rằng, cần phải đưa vào Nghị định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho DN. Trong trường hợp nếu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh không thực hiện phải bị chế tài. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này khi để xảy ra tình trạng không trả lời thắc mắc của DN cũng phải được làm rõ, thậm chí cần thiết qui định cho phép DN có quyền khởi kiện các cơ quan này ra toà nếu không trả lời thắc mắc.

Luật sư Phạm Thông Anh – Giám đốc Công ty luật hợp danh Việt Nam (Vinalaw) góp ý: Nghị định cần qui định trách nhiệm của DN trong việc bố trí cán bộ có trình độ pháp luật làm công tác pháp chế để sử dụng pháp luật hiệu quả hơn, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Luật sự Thông Anh cũng đề xuất Chính phủ nên xây dựng một trang web dành riêng cho DN Việt Nam, đồng thời đề nghị xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật có năng lực, trình độ để hỗ trợ DN, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức trong việc giải đáp thắc mắc về pháp luật cho DN.

Theo Pháp luật Việt Nam

Các văn bản liên quan