Càng làm càng rối

Thứ Ba 00:03 01-05-2007

Càng làm càng rối

 

Luật gia Cao Bá Khoát (*)

 

Mới đây đã xảy ra tình trạng:Tỉnh này cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD), nhưng khi doanh nghiệp sang tỉnh khác lập chi nhánh thì không được chấp nhận vì cơ quan đăng ký kinh doanh của tỉnh đó cho rằng doanh nghiệp đã không thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nhưng khi doanh nghiệp về tỉnh đã cấp GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD thì lại được tỉnh trả lời là đã thực hiện đúng thủ tục đầu tư theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP.

 

Đọc lại các điều khoản trong các văn bản pháp lý có liên quan cho thấy cơ sở viện dẫn của cả hai bên đều đúng cả.

 

Theo quy định của Luật Đầu tư thì chỉ cần nhà đầu tư có yêu cầu là cơ quan cấp GCNĐT có quyền cấp GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD. Về nguyên tắc, GCNĐKKD do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và việc đăng ký kinh doanh phải được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về việc cấp GCNĐKKD của mình. Vậy trong trường hợp GCNĐKKD không phải do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp mà là do cơ quan cấp GCNĐT cấp thì ai chịu  trách nhiệm? Rõ ràng, trong trường hợp nhà đầu tư trong nước có yêu cầu thì GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD không có giá trị pháp lý đầy đủ, mặc dù đã được Luật Đầu tư quy định. Cơ quan đăng ký kinh doanh bảo trái Luật Doanh nghiệp, còn cơ quan cấp GCNĐT bảo đúng pháp luật về đầu tư.

 

Đối với nhà đầu tư nước ngoài thủ tục trên thực tế cũng khá lùng nhùng. Nghị định 108 quy định: Trường hợp có dự án đầu tư mới gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế và thủ tục đầu tư theo quy định như là nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam, phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp GCNĐT; GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD.

 

Như vậy nếu nhà đầu tư nước ngoài có một dự án mới là có một doanh nghiệp mới (!) Quy định như vậy thì nhà đầu tư nước ngoài đã có GCNĐT cũng chỉ như nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra là việc phân biệt nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam để làm gì?

 

Các quy định lằng nhằng trên vô hình trung đã tạo ra sự rắc rối cho doanh nghiệp, tạo nên sự lùng bùng giữa cơ quan cấp GCNĐT và cơ quan đăng ký kinh doanh, mặc dù hai cơ quan này cùng nằm trong một sở.

 

Để giải quyết triệt để những rắc rối do việc cấp GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD, cần phải thực hiện những việc sau:

 

Cần sớm sửa Luật Đầu tư và Nghị định 108 bởi vì GCNĐT không thể đồng thời là GCNĐKKD vì bản chất pháp lý của hai giấy này là khác nhau. GCNĐKKD xác lập địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh, tức là doanh nghiệp, trong khi GCNĐT chỉ xác lập tính hợp pháp của một hành vi kinh doanh của doanh nghiệp. GCNĐT gắn với một dự án, còn GCNĐKKD gắn với một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp có thể có nhiều dự án. Cấp GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD có nghĩa là đã đồng nhất một dự án với một doanh nghiệp.

 

Hơn thế nữa trình tự, thủ tục cấp GCNĐT và GCNĐKKD là khác nhau. Thủ tục cấp GCNĐT thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP, còn trình tự thủ tục cấp GCNĐKKD thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP.

 

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có GCNĐT đồng thời là GCNĐKKD muốn thay đổi đăng ký kinh doanh, liệu cơ quan đăng ký kinh doanh có chấp nhận hay không khi mà doanh nghiệp không thực hiện đăng ký kinh doanh theo trình tự, thủ tục của Luật Doanh nghiệp?

 

Trong trường hợp không sửa Luật Đầu tư và Nghị định 108 thì phải thống nhất cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp GCNĐT vào một cơ quan chung. Thực hiện nguyên tắc mọi doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp để xác lập tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp rồi mới thực hiện cấp GCNĐT cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được cấp GCNĐT sau khi có tư cách pháp nhân. Thực hiện nguyên tắc này vừa đảm bảo lợi ích pháp lý lâu dài cho doanh nghiệp, vừa thể hiện được tính thống nhất và thuận tiện trong việc quản lý doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.

 

Làm được những điều trên sẽ tránh được mọi rắc rối về đầu tư hiện nay cũng như giải quyết được tính thiếu đồng bộ trong việc quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra còn tạo tiền lệ để giải quyết dứt điểm tình trạng gắn GCNĐKKD với các loại giấy phép khác. Cần nghiên cứu thống nhất áp dụng quy tắc: đã kinh doanh trước tiên  phải đăng ký kinh doanh, sau đó cấp phép ngành nghề gì thì cấp.     

 

(*) Tác giả là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự

 

GCNĐKKD xác lập địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh, tức là doanh nghiệp, trong khi GCNĐT chỉ xác lập tính hợp pháp của một hành vi kinh doanh của doanh nghiệp. GCNĐT gắn với một dự án, còn GCNĐKKD gắn với một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp có thể có nhiều dự án.

 

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn số 18-2007 ra ngày 26/4/2007  

Các văn bản liên quan