Cần đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật

Chủ Nhật 21:37 23-03-2008

Cần đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật

Mổ xẻ những tồn tại trong quy trình lập pháp hiện hành, từ đó tìm ra được những giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là việc làm cần thiết để QH, các ĐBQH có thêm thông tin và kinh nghiệm, lý luận và thực tiễn trước khi bấm nút thông qua dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ Ba sắp tới.

Cuối năm 2007, tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban Pháp luật chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ Ba (dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5.2008).

Quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được sửa đổi vào năm 2002 (theo Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 11.2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) đã trực tiếp góp phần xác lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động lập pháp, lập quy, đưa công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta ngày càng đi vào nền nếp. Quy trình này đã tạo ra bước ngoặt trong hoạt động xây dựng và ban hành luật của QH, từ chỗ mỗi kỳ họp QH chỉ thông qua được từ 5 - 6 dự án luật, đã tăng lên từ 12 - 15 dự án (tính riêng trong 3 năm cuối nhiệm kỳ QH Khóa XI). Nhờ đẩy nhanh tốc độ nên công tác lập pháp trong thời gian qua kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, ban hành được số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, bước đầu tạo lập được khung pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đã góp phần quan trọng đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp từ khâu lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra đến việc thảo luận, thông qua các dự án luật, pháp lệnh vẫn còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể như: Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và hàng năm vẫn chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu nên tính khả thi chưa cao, phải điều chỉnh lại nhiều lần. Có văn bản chưa thực sự cần thiết nhưng lại được đưa vào chương trình. Việc xác định tên gọi, hình thức, phạm vi điều chỉnh của văn bản và phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong một số trường hợp còn chưa hợp lý. Chưa có sự phân công rành mạnh, hợp lý giữa các cơ quan trong việc soạn thảo nên đã dẫn đến tình trạng chờ đợi, dựa dẫm nhau làm chậm tiến độ lập pháp cũng như giảm chất lượng soạn thảo văn bản, kết quả là nhiều dự án không được soạn thảo, trình đúng tiến độ, không được gửi đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, QH đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Có dự án, do trong quá trình xây dựng chưa có sự trao đổi, bàn bạc kỹ giữa các cơ quan có trách nhiệm nên mặc dù đã được trình ra QH nhưng ý kiến giữa các cơ quan này chưa thống nhất được với nhau về các nội dung quan trọng. Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục Chính phủ xem xét, thảo luận và thông qua dự án luật, pháp lệnh nên trong thực hiện chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Chính phủ phải thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số.

Giá trị pháp lý của việc UBTVQH cho ý kiến đối với dự án luật chưa rõ ràng; việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp chưa được quy định hợp lý nên còn hình thức, lãng phí. Giai đoạn nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH đối với dự án luật và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH đối với dự án pháp lệnh là giai đoạn rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của văn bản nhưng chưa được quy định rõ trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm cụ thể của các cơ quan hữu quan. Chưa có cơ chế hợp lý để Ủy ban Pháp luật thực hiện vai trò bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình QH, UBTVQH thông qua. Quy trình xem xét, thông qua luật tại kỳ họp QH, tuy có cải tiến, nhưng vẫn còn những điểm chưa hợp lý. Chưa có cơ chế để giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn bản luật, pháp lệnh với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên có không ít văn bản mặc dù đã được ban hành và có hiệu lực nhưng chưa thể đi vào cuộc sống vì còn phải chờ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành… Mặt khác, với một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phức tạp với nhiều loại văn bản khác nhau (trên 20 loại), lại do nhiều chủ thể khác nhau ban hành đã dẫn đến tình trạng không ít văn bản có sự chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, gây nhiều khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.

Nghị quyết số 48-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định mục tiêu “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Để có thể đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là phải đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật từ sáng kiến pháp luật đến thông qua luật nhằm đẩy nhanh quá trình soạn thảo, ban hành luật. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật….

Mổ xẻ những tồn tại trong quy trình lập pháp hiện hành, từ đó tìm ra được những giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là việc làm cần thiết để QH, các ĐBQH có thêm thông tin và kinh nghiệm, lý luận và thực tiễn trước khi bấm nút thông qua dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ Ba sắp tới.

Phan Trung Lý
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

 

Các văn bản liên quan