Các đại biểu Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Thứ Năm 11:06 30-10-2008

Nội dung:
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) 

Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội
Kính thưa Quốc hội,
Theo chương trình, Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại một kỳ họp. Để đảm bảo chất lượng của dự án luật các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận một buổi tại tổ vào chiều ngày 21/10, hôm nay Quốc hội thảo luận, cho ý kiến một buỏi sáng tại phiên họp toàn thể tại Hội trường. Ý kiến thảo luận tại tổ đã được Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp đầy đủ bằng văn bản và đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp sáng nay, xin các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận, cho ý kiến cần tập trung vào một số điểm dưới đây:

Thứ nhất là sản phẩm và dịch vụ nào được đưa vào, đưa ra trong đối tượng chịu thuế. Qua thảo luận ở tổ tập trung chủ yếu vào máy bay, du thuyền, điều hoà nhiệt độ là chính.

Thứ hai, do phải thực hiện cam kết vì nước ta đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới thì buộc phải xếp lại cùng một sản phẩm áp dụng chung một mức thuế suất, ví dụ như rượu chẳng hạn. Hoặc cũng phải có một thời gian để các tổ chức kinh tế sắp xếp lại sản xuất, đổi mới công nghệ thì cũng phải có bước đi của tổ chức thương mại và Quốc hội cho phép, ví dụ như bia chẳng hạn.

Thứ ba, đối với bia đóng chai, đóng hộp thì thuế suất có tính cả vỏ hay không? Ở các nước hầu hết người ta tính cả vỏ, vì các sản phẩm nói chung phải có vỏ.

Thứ tư, về miễn giảm thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, các đơn vị sản xuất kinh doanh thu hộ nộp thay cho người tiêu dùng. Nhưng để có sản phẩm và dịch vụ bán cho người tiêu dùng thì trước hết đơn vị sản xuất kinh doanh phải vay vốn là chủ yếu để tạo ra sản phẩm dịch vụ, còn vốn tự có thì các đơn vị kinh tế ở nước ta cũng rất ít.

Thứ năm, thẩm quyền quyết định thay đổi mức thuế xuất đối với ô tô trong phạm vi tăng, giảm 20% so với mức đã được quy định trong luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong điều kiện kinh tế tài chính không bình thường và trong điều kiện Quốc hội một năm họp có 2 kỳ và trong thực tế chỉ đạo điều hành thì việc điều chỉnh sớm hay muộn một tháng có thể thu thêm hoặc có thể mất hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Trong điều kiện đó thì nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Quốc hội ủy quyền hay là chờ Quốc hội quyết định là hợp lý, thì các vị đại biểu cũng cho ý kiến.

Đấy là năm vấn đề cũng rất cốt lõi của luật này, xin được phép nêu thêm một số ý trước khi các vị đại biểu Quốc hội đi vào thảo luận chính thức. 

Trần Hồng Việt  - Hậu Giang 

Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về sự cần thiết phải sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm phù hợp với tình hình thực tế, kinh tế xã hội của đất nước. Ở đây tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét.

Thứ nhất, ở Điều 2, đối tượng chịu thuế ở Khoản 1, Điểm a có quy định các loại chế phẩm khác từ thuốc lá, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng trong này không nói rõ các chế phẩm khác từ thuốc lá là chế phẩm gì? Nếu chế phẩm đó có lợi ví dụ những chế phẩm đó dùng để tiêu diệt, diệt trừ các loại sâu bệnh, dịch ở các trong xuất nông nghiệp thì như thế có lợi, không thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ở Điểm d, ô tô chở 24, chỗ kể cả ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng mà chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tôi thấy không phù hợp. Bây giờ tôi cho rằng loại ô tô này phục vụ cho nhiều người đi, phần lớn là phục vụ cho các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ kể cả nó là hoạt động sinh lợi của các hộ kinh tế, cho nên loại xe này tôi thiết nghĩ không phải loại hàng xa sỉ mà phục vụ thiết thực cho cuộc sống cũng như cho sản xuất, cho nên tôi đề nghị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế.

Về Điểm h, máy điều hòa nhiệt độ, tôi đề nghị không đưa vào đối tượng chịu thuế vì chúng ta biết, nếu cách đây 10 năm về trước thì máy điều hòa nhiệt độ chúng ta xem như là cao cấp, xa xỉ. Nhưng kinh tế phát triển, mức sống của các tầng lớp dân cư phát triển thì máy điều hòa là việc sử dụng bình thường ở các đô thị. Đặc biệt đô thị ở phía Bắc, đô thị ở miền Trung vào mùa hè không có máy điều hòa nhiệt độ thì sẽ rất khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt. Do vậy tôi đề nghị máy điều hòa nhiệt độ đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế.

Về mức thuế suất hàng hóa, cũng như chúng tôi đề nghị vừa rồi thì loại ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi, không chịu thuế cho nên không có thuế suất. Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng hóa cũng không chịu thuế suất mà trong bản dự thảo này có thuế suất, tôi đề nghị thuế suất bằng 0.

Về dịch vụ: có vũ trường, massage, karaoke theo dự thảo là 40% thuế suất. Còn casino, các trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược thì trong dự thảo có nêu 30% thuế suất. Theo tôi thấy loại hình casino, trò chơi điện tử thực chất là cờ bạc, ăn thua đỏ đen mà mức thuế thấp hơn vũ trường, massage, karaoke là không phù hợp, vũ trường, karaoke tôi cho rằng đó là một loại hình nghệ thuật văn hóa, massage là vật lý trị liệu, nó có tiêu cực là do bị lợi dụng, bị biến tướng mà chúng ta chưa có những biện pháp quản lý tốt, không phải vì như thế mà chúng ta đánh thuế nó cao hơn loại hình cờ bạc. Cho nên tôi đề nghị hạ xuống bằng mức thuế các trò chơi điện tử có tính cờ bạc là 30% thì nó phù hợp.

Một vấn đề nữa, như gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đối với mặt hàng ô tô trong dự thảo này: Trong trường hợp cần thiết Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ có quyết định mức thuế suất là tăng hoặc giảm khoảng 20%. Tôi thấy rằng thuế suất hôm nay chúng ta bàn để chuẩn bị tới đây Quốc hội biểu quyết là Quốc hội quyết định từng loại mức thuế suất. Do vậy việc thay đổi hay không thay đổi mức thuế suất tăng hay giảm phải là thẩm quyền của Quốc hội quyết định, không phải là thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hơn nữa chúng tôi thấy giữa hai kỳ họp Quốc hội chỉ khoảng 5, 6 tháng, việc thay đổi mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt không phải là việc khẩn cấp như tình trạng khẩn cấp thuộc về lĩnh vực quốc phòng an ninh của quốc gia, mà chỉ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước, sau đó mới báo cáo với Quốc hội. Tôi cho như vậy là không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho nên vấn đề này buộc phải đưa ra Quốc hội để Quốc hội quyết định.

Điều 9, giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Chúng ta biết thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng mà doanh nghiệp là người thu tiền bán hàng của người tiêu dùng để nộp thuế tức là nộp thay cho người tiêu dùng. Nếu có thiên tai, dịch bệnh hoặc tai nạn xảy ra đối với doanh nghiệp thì doanh nghiệp không bán được hàng và hàng hoá của doanh nghiệp vẫn còn đó, thì làm gì có cơ sở để giảm, miễn thuế. Hàng sản xuất ra không có người mua, hàng của anh sản xuất vẫn còn nguyên hàng của anh, không có cơ sở nào để chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi nào bán được hàng thì mới chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cho nên việc giảm, miễn thuế lúc này tôi thấy không có cơ sở, không lẽ chúng ta lấy ngân sách để trợ cấp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiên tai và nó thuộc lĩnh vực thuế tiêu thụ đặc biệt, nên chúng tôi cho rằng không có cơ sở nào để giảm, miễn.
Đó là một số ý kiến phát biểu, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Dương Văn Trang  - Gia Lai 

Thứ nhất về đối tượng chịu thuế ở Điều 2, tôi cơ bản nhất trí với các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như Điều 2 của dự thảo. Đối với điều hoà nhiệt độ thì tôi nhất trí như đại biểu Trần Hồng Việt. Riêng du thuyền tôi đề nghị không chịu thuế với những lý do sau đây:

Nước ta có bờ biển dài trên 3 ngàn km, có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hiên nay chưa khai thác hết của ngành du lịch, vì vậy nên khuyến khích sử dụng du thuyền để phát triển ngành du lịch biển.

Loại hình trò chơi điện tử có thưởng tôi đề nghị chỉ quy định những loại trò chơi điện tử sử dụng để kinh doanh mới là đối tượng để chịu thuế.

Đối với tàu bay để phòng và chống lậu thuế tôi đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí tàu bay phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là trường hợp tàu bay vừa phục vụ cho nhu cầu cá nhân, đồng thời vừa phục vụ cho mục đích kinh doanh. Ví dụ như ở Gia Lai thì Hoàng Anh Gia Lai vừa mua một chiếc máy bay. Hiện nay Hoàng Anh Gia Lai đang xây dựng bệnh viện, sau này có thể sử dụng máy bay để chuyển bệnh nhân từ Gia Lai vào Thành phố Hồ Chí Minh và đi nước ngoài, đó là mục đích kinh doanh, nên phải đưa tàu bay vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều 6, về giá tính thuế tôi đề nghị bổ sung quy định tại Khoản 4, về giá tính thuế đối với dịch vụ như vũ trường, massage và karaoke và toàn bộ doanh thu từ hoạt động này mà khách hàng phải trả, không loại trừ các mặt hàng hàng hóa dịch vụ khác kèm theo như thức ăn, đồ dùng ăn uống, vì cơ sở kinh doanh loại hình này là doanh thu cao nhưng chỉ kê khai doanh thu bán vé, tích kê, tiền giờ để chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi đó doanh thu về dịch vụ, thức ăn đồ dùng, ăn uống rất lớn chứ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước sẽ thất thu một khoản lớn.

Về thuế suất Điều 7, về thuế suất đối với rượu bia tôi nhất trí như quy định của dự thảo tuật, về thuế suất và lộ trình áp dụng thuế suất đối với các loại rượu bia nhằm bảo đảm về thực hiện cam kết của nước ta khi gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới.

Về thuế suất đối với thuốc lá, tôi nhất trí giữ nguyên như quy định thuế suất đối với thuốc lá là 65% như quy định của luật hiện hành, lý do nếu giảm thuế suất sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, mặt khác nếu quy định thuế suất cao đối với thuốc lá là nhằm hạn chế người tiêu dùng hút thuốc lá và đồng thời bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Về xe ô tô bán tải, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ quy chế xác định xe bán tải dưới 24 chỗ ngồi thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định của pháp luật để trốn thuế.
Về thuế suất đối với xe ô tô các loại, tôi đề nghị giữ nguyên thuế suất 50% đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh từ 2000 cc trở xuống như luật hiện hành bởi vì giảm xuống còn 40% như dự thảo luật là đồng nghĩa với giảm thu Ngân sách Nhà nước, như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu sửa đổi luật là để sự ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tôi nhất trí tăng thuế suất đối với loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhưng có dung tích xi lanh trên 2000 cc- 3000 cc và xe có dung tích xi lanh trên 3000 cc, loại có dung tích xi lanh trên 2000 cc- 3000 cc có thuế suất 50%, loại ô tô có dung tích xi lanh trên 3000 cc có thuế suất là 60%.

Về thuế suất đối với dịch vụ, tôi đề nghị Quốc hội nâng thuế suất đối với dịch vụ vũ trường, mát xa và karaoke là 60%, casino, trò chơi điện tử có thưởng là 50%, kinh doanh golf là 50% là để điều tiết thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Về thẩm quyền điều chỉnh thuế suất Khoản 2, Điều 7, tôi nhất trí như đại biểu Trần Hồng Việt, tôi không nói thêm.
Về giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt Điều 9, tôi cũng nhất trí như đại biểu Trần Hồng Việt. Xin cám ơn Quốc hội.
 
Nguyễn Hồng Sơn  - TP Hà Nội  

Tôi bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, sau đây tôi xin góp một số ý kiến.
Trước hết về quan điểm và mục tiêu sửa đổi, tôi hoàn toàn nhất trí về quan điểm và mục tiêu sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách. Trong đó cần đáp ứng việc sửa đổi phải phù hợp với cơ chế quản lý của thị trường Việt Nam và phù hợp với cam kết quốc tế, phải định hướng, hướng dẫn cho sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo giữ ổn định nguồn thu cho ngân sách, không gây đột biến trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, thể hiện tính công bằng và minh bạch trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.

Về cụ thể, trước hết về đối tượng chịu thuế theo luật sửa đổi chúng ta đưa thêm 7 loại hành hóa vào đối tượng chịu thuế, trong đó có tàu bay và du thuyền. Về vấn đề này tôi xin đề nghị:

Đề nghị thứ nhất, bỏ tàu bay và du thuyền ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì:
Thứ nhất, thực chất hai đối tượng này chưa phổ biến ở nước ta. Mặt khác nếu thu thuế tàu bay và du thuyền như dự thảo trong đó có mục đích, trừ mục đích kinh doanh thì sẽ không công bằng và minh bạch như theo quan điểm và mục tiêu của dự án sủa đổi. Ví dụ ô tô, khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chúng ta cũng không phân biệt mục đích kinh doanh hay không mà chỉ điều tiết vấn đề này qua thuế trước bạ. Mặt khác dự thảo còn chưa đề cập được vấn đề chuyển đổi, chuyển nhượng tàu bay và du thuyền sau khi đã đưa vào sử dụng giữa các đối tượng có mục đích kinh doanh và đối tượng không có mục đích kinh doanh.
Thứ hai, nếu bảo đảm công bằng, minh bạch thì phải áp dụng đối với tất cả các mục tiêu kinh doanh. Điều này không khuyến khích việc phát triển du lịch bằng phương tiện này đối với nước ta, trong khi nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên bờ biển rất lớn.

Đề nghị thứ hai, bỏ điều hòa nhiệt độ ra khỏi thuế tiêu thụ đặc biệt vì hiện nay điều hòa nhiệt độ không còn là hàng hóa của những người có thu nhập cao, mà đã được sử dụng đại trà trong mọi tầng lớp nhân dân tại các nơi công cộng, trong các cơ quan Nhà nước, thậm chí những nơi công cộng chỉ phục vụ đối tượng trẻ em như Nhà hát tuổi trẻ, Cung thiếu nhi hay phục vụ các đối tượng xã hội là bệnh nhân như trong các bệnh viện, phòng khám để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Mặt khác, công nghệ sản xuất điều hòa hiện nay cũng thân thiện với môi trường hơn. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ tàu bay, du thuyền và điều hòa nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về mức thuế suất, trước hết đối với bia lon, theo luật hiện hành khi tính thuế bia lon là được trừ vỏ lon mà theo dự thảo luật thì không được trừ vỏ lon. Tôi đề nghị cần làm rõ vì theo tờ trình khi giải thích vấn đề này Ban soạn thảo chỉ đưa ra lý do với mức thuế suất chung cho các loại bia, tính như vậy thì bia lon cũng không bị tăng và nếu trừ vỏ lon thì sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, vì bia chai đã bị giảm nhiều. Tôi cho rằng với cách tính như vậy là không công bằng, minh bạch và thiếu tính thuyết phục ban hành lý do:

Thứ nhất, Ban soạn thảo muốn sửa đổi việc tính lại thì phải chứng minh được việc áp dụng như luật hiện hành theo quyết định của Thủ tướng và Quốc hội Khoá XI là sai và không phù hợp thì mới được sửa đổi.
Thứ hai là không công bằng, vì trong khi bia chai, bia tươi thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào nước bia mà không tính vào vỏ. Mặt khác vỏ lon bia hộp cũng giống như vỏ lon nước ngọt khác, trước khi tham gia vào sản phẩm đã chịu thuế VAT, riêng vỏ lon bia lại phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ ba, theo phân tích của Ban soạn thảo để tránh giảm thu cho ngân sách, đây chính là lý do chính. Về vấn đề này tôi đề nghị chúng ta phải nhìn nhận đánh giá toàn diện dự án luật sửa đổi. Theo toàn bộ dự thảo sửa đổi, ngoài việc tăng thêm 7 đối tượng hàng hoá phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn có 6 đối tượng khác tính tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc biệt là rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ, đây là loại rượu phổ biến chiếm tới 95% trong toàn bộ sản lượng rượu tăng thuế từ 30% lên 50% và theo phụ lục 6 thì số thu ngân sách dự kiến tăng theo thuế suất mới này đối với toàn bộ mặt hàng rượu là khoảng 93.604 tỷ đồng.

Mặt khác ôtô từ 6 đến 9 chỗ ngồi cũng tăng thuế từ 30% lên 40% đối với loại dung tích dưới 2.000cc, lên 50% đối với dung tích trên 2.000-3.000cc, lên 60% đối với dung tích trên 3.000cc. Riêng đối với toàn bộ mặt hàng ôtô theo phương án của dự thảo, tổng cân đối giảm thu và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nguồn thu cũng tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng. Trong khi đó khi cân đối toàn bộ mặt hàng bia số thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ giảm khoảng 1.200 tỷ đồng nếu đánh thuế cả vỏ lon bia và nếu trừ vỏ lon bia thì số thuế sẽ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy cho dù ta có bỏ vỏ lon ra khỏi đối tượng chịu thuế đối với bia lon thì khi cân đối các nguồn thu này trong khi chưa tính đến các đối tượng đưa thêm vào và các đối tượng điều chỉnh tăng nữa thì tổng dự án điều chỉnh thuế tăng nguồn thu cũng đã tăng thêm khoảng 90.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy rằng chúng ta có bỏ trừ vỏ lon như luật hiện hành cũng không làm giảm nguồn thu ngân sách, vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên cách tính thuế theo luật hiện hành là có trừ vỏ lon bia.

Thứ hai, đối với bia hơi, theo cam kết chúng ta phải áp dụng một mức thuế suất đối với mặt hàng bia, không phân biệt hình thức đóng gói bao bì. Đối với các nước mặt hàng bia hầu hết chỉ bao gồm bia chai, bia lon và bia tươi, các nước khác hầu như không có bia hơi, trong khi đó bia hơi là mặt hàng phổ biến của nước ta cho các đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời các cơ sở sản xuất bia hơi chiếm tỷ lệ sử dụng người lao động rất cao trong toàn quốc và đều là các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ.

Việc tăng thuế tiêu thụ liên tục từ 30% năm 2007 lên 40% năm 2008 và chuẩn bị tăng 45% và 50% như dự thảo cho các năm tiếp theo. Từ năm 2010 sẽ làm cho các cơ sở sản xuất bia hơi gặp khó khăn đột biến, điều đó không đáp ứng được mục tiêu và quan điểm của sửa đổi luật, mặt khác thực tế trên thế giới các nước rất hay áp dụng các hàng rào kỹ thuật khi tham gia thị trường chung mà doanh nghiệp Việt Nam thực tế cũng đã gặp phải rất nhiều. Vì vậy, với đặc thù bia hơi thì chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ cơ sở sản xuất kinh doanh của chúng ta mà không làm ảnh hưởng đến cam kết quốc tế, vì các nước không sử dụng bia hơi. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ bia hơi ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giữ nguyên mức thuế suất như hiện nay.

Về thẩm quyền điều chỉnh thuế tôi cũng hoàn toàn nhất trí với hai đại biểu đã nêu lên là để đảm bảo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh và đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư. Mặt khác mỗi năm Quốc hội cũng họp hai kỳ mà khoảng cách giữa hai kỳ họp chỉ là 5 tháng, nên tôi đề nghị thẩm quyền điều chỉnh thuế suất đối với tất cả mặt hàng hóa trong đó kể cả ô tô đều do Quốc hội quyết định.

Cuối cùng để đảm bảo tính chính xác khi thông qua luật tôi đề nghị 4 vấn đề tôi vừa nêu:

Một, bỏ tàu bay, du thuyền và điều hòa nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế.
Hai, khi tính thuế vỏ lon bia.
Ba, giữ mức thuế đối với bia hơi.
Bốn, việc điều chỉnh thuế suất sẽ được thông qua từng nội dung trước khi thông qua toàn văn dự án luật
. Xin hết.
 
Nguyễn Thị Mỹ Hương  - TP Đà Nẵng 

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế quan trọng đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn là luật này là công cụ để góp phần nhà nước điều tiết thu nhập và định hướng sản xuất, tiêu dùng trong xã hội. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.

Về mặt lý luận, để đưa ra được những chỉnh sửa, điều chỉnh phù hợp cho Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chúng ta phải dựa trên nghiên cứu tổng thể về những thay đổi, đặc tính tiêu dùng trong dân cư, những thay đổi về thu nhập của các tầng lớp trong dân cư thì chúng ta mới có điều chỉnh cho xác đáng.

Tuy nhiên dự thảo luật lần này được sửa đổi chỉ dựa vào một báo cáo tổng kết không đầy đủ về tình hình thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong 4 năm vừa qua. Mặt khác việc lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân cũng chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn. Chính vì vậy tôi thấy cách sửa đổi như vậy không đảm bảo cơ sở khoa học để chỉnh sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này nhiều đại biểu nhắc đến trong nhiều lần định chỉnh sửa và góp ý cho dự thảo luật ở kỳ họp trước, nhưng Ban soạn thảo không tiếp thu. Tôi cho rằng chúng ta không thể xây dựng luật dựa trên cảm tính như vậy. Một lần nữa xin đề nghị Ban soạn thảo rút kinh nghiệm để chúng ta đảm bảo thực hiện được mục tiêu công bằng trong xã hội thông qua công cụ thuế.

Thứ hai, về những vấn đề cụ thể của dự thảo luật.
Tôi quan tâm đến đối tượng chịu thuế. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có một ý nghĩa, đó là nó cải thiện công bằng theo chiều dọc, nó phải đảm bảo được mục tiêu những người có thu nhập thấp thì nộp ít, những người có thu nhập cao thì nộp nhiều. Tuy nhiên, do chưa có đánh giá toàn diện và chưa có sự rà soát kỹ lưỡng để lựa chọn cẩn thận các đối tượng chịu thuế, nên tôi nhận thấy lần này chúng ta đã bỏ qua rất nhiều đối tượng chịu thuế. Ví dụ, những sản phẩm chỉ dành cho những người có thu nhập cao như mỹ phẩm, có những loại kem dưỡng da 100ml giá của nó có thể lên đến 20 triệu đồng mà chúng ta cũng chưa cân nhắc, xem xét đưa vào đối tượng chịu thuế. Hay những sản phẩm khác như sản phẩm pha lê, đá hoa cương cải biến, thảm len, đối với dịch vụ cũng còn nhiều dịch vụ khác như dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ luật sự, dịch vụ làm đẹp cao cấp, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp v.v... Tôi khẳng định rằng chúng ta đã bỏ sót rất nhiều đối tượng chịu thuế. Trong khi đó đối với máy điều hòa nhiệt độ, qua thời gian 5 năm chúng ta thấy rằng đời sống của người dân đã nâng lên rất nhiều và máy điều hòa nhiệt độ không còn là một sản phẩm cao cấp dành cho những người có thu nhập cao, chúng ta thấy những ai sử dụng, hoặc mua được máy điều hòa nhiệt độ thì người tiêu dùng không phải khó khăn để mua, không gặp khó khăn lắm về thu nhập, nhưng khó khăn lớn nhất đó là tiền điện người ta phải trả mỗi tháng. Thực chất Nhà nước đã thu được thuế rất lớn thông qua tiền điện. Cho nên tôi đồng tình với các đại biểu phát biểu trước tôi và đề nghị bỏ máy điều hòa nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế.

Về thuế suất tôi xin góp ý 2 vấn đề:
Thứ nhất, thuế suất đối với ô tô có 5 chỗ ngồi. Vấn đề này tôi thống nhất với đại biểu ở Gia Lai, chúng ta không nên giảm thuế cho ô tô dưới 5 chỗ ngồi từ 50% xuống 40% như trong dự thảo luật, như vậy sẽ tác động lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, quan trọng hơn nữa là lượng xe ô tô có 5 chỗ ngồi có dung tích xilanh dưới 2.000 phân khối chiếm tỷ lệ rất lớn trong lưu thông mà chúng ta hiện nay thực sự đang gặp phải, đối mặt với vấn đề về môi trường, nạn kẹt xe và cơ sở hạ tầng giao thông của ta chưa đảm bảo. Tôi đề nghị chúng ta chưa giảm thuế cho xe ô tô dưới 5 chỗ ngồi và có dung tích xylanh dưới 2.000 phân khối.

Như vậy với 3 mức dung tích tương ứng đề nghị trong dự thảo luật, tôi đề nghị thuế suất của chúng ta là 50, 55, 60, như vậy chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn thu ngân sách Nhà nước, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội và chúng ta không gây tác động lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về việc giảm thuế đối với xe chạy bằng năng lượng sạch, tôi đề nghị chúng ta không đưa vào trong dự thảo luật này, như vậy sẽ không công bằng vì ở đây chúng ta đánh thuế trên thu nhập cao của người tiêu dùng. Những người sử dụng loại xe chạy bằng năng lượng sạch thường là những người có thu nhập rất cao. Nếu chúng ta chỉ điều tiết qua luật này thì vô tình dẫn đến không công bằng ở chỗ những công cụ khác, những máy móc khác, những phương tiện khác sử dụng năng lượng sạch, chúng ta không giảm thuế cho họ, ảnh hưởng đến tính công bằng.

Vấn đề cuối cùng, tôi xin góp ý vào vấn đề căn cứ tính thuế đối với vỏ bia. Ở đây tôi đồng ý với ý kiến của Ban soạn thảo, có nghĩa là chúng ta không phân biệt vỏ chai và vỏ lon, như lúc trước có đại biểu đã phát biểu về vấn đề vỏ lon và đề nghị giảm trừ, quan điểm của tôi là không được trừ vỏ lon ra khỏi căn cứ tính thuế, một số đại biểu nêu các nhà sản xuất bia trong nước họ có thể uống bia trong một thau hay một cái chậu cũng được bởi vì cái họ mua là nước bia chứ không phải là vỏ bia. Tôi cho rằng cách lập luận như vậy nó không có căn cứ, không phù hợp lý do vì người uống bia không phải không có ai uống bằng thau, chậu được có nghĩa khi người ta mua lon bia đó người ta mua giá trị vô hình, thông qua vỏ lon, nước bia chiếm một tỷ lệ rất thấp trong giá thành trong khi phần lớn chiếm tỷ lệ cao hơn đó chính là vỏ bia và người ta mua lon bia là người ta mua giá trị cảm nhận qua thương hiệu thông qua vỏ bia. Như vậy, tôi đề nghị để phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng công bằng, tôi đề nghị không được giảm trừ, không được trừ vỏ lon ra khỏi đối tượng chịu thuế. Ở đây tôi muốn nói rằng chúng ta phải xác định rõ chúng ta đứng trên lợi ích của ai để chúng ta xây dựng luật thuế. Ở đây tôi đề nghị chúng ta nên đứng trên mối quan hệ tổng hòa của toàn xã hội, toàn quốc gia chứ không phải lợi ích của nhà sản xuất. Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Ngô Văn Minh  - Quảng Nam 

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế, các đại biểu nói nhiều, tôi xin nêu vài ý kiến:

Thứ nhất, đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, tôi rất đồng tình, giá điều hòa nhiệt độ người ta không quan tâm, người ta quan tâm tới tiền điện. Cho nên vấn đề này theo tôi mình nên tính toán thế nào đấy để chúng ta cần đưa cái này như trong đối tượng điều chỉnh của chúng ta, không nên đặt vấn đề ngược lại.

Vấn đề thứ hai, về mặt hàng bia, các đồng chí đại biểu trước nói rồi, tôi thấy bây giờ mỗi khi chúng ta đưa ra vấn đề liên quan đến thuế, đến chính sách về kinh tế thì chúng ta hay nói tới việc chúng ta phải hội nhập WTO, các cam kết quốc tế khác v.v... Nhưng tôi đề nghị chúng ta đọc kỹ cam kết của chúng ta với WTO thế nào để chúng ta không nên tăng thuế đối với mặt hàng bia hơi. Đây chính là sản phẩm trực tiếp phục vụ người tiêu dùng, rộng rãi quần chúng nhân dân lao động. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí tính lon, tính vỏ v.v... các đại biểu trước đã nói rồi, nhưng riêng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đề nghị với Chính phủ trước khi Quốc hội thông qua, đề nghị chúng ta không nên đánh thuế, tăng thuế vào mặt hàng bia hơi như tôi đã nói ở trên.

Vấn đề thuế suất, các mặt hàng khác tôi không nói, riêng đối với dịch vụ tôi thấy: Thứ nhất là vũ trường, massage, karaoke. Thứ hai là casino, trò chơi điện tử có thưởng. Đặc biệt là kinh doanh sân golf. Tôi thấy chúng ta có tăng lên so với hiện hành, nhưng có cái là theo tôi tăng chưa tương xứng với những sản phẩm khác mà trong dự thảo chúng ta đã trình. Ví dụ rượu có nồng độ cồn từ 20 độ đến dưới 40 độ, chúng ta tăng từ 30% đến 50%, có nghĩa là tăng 20%, ôtô chúng ta tăng từ 30% lên 60%, đối với loại 6-9 chỗ ngồi có dung tích xylanh trên 3.000cc chúng ta tăng đến 30%, trong khi vũ trường, massage, karaoke chúng ta chỉ tăng từ 30% lên 40% có nghĩa là tăng 10%. Casino, trò chơi điện tử chúng ta chỉ tăng có 5%, kinh doanh golff chúng ta chỉ tăng 10%, so với hiện hành, tôi nghĩ chưa thoả đáng. Đặc biệt xin báo cáo với các đồng chí tôi hết sức quan tâm đến sân golf mà kỳ họp gần đây Quốc hội có nêu và Chính phủ cũng đã chỉ đạo xử lý là không nên phát triển sân golf.

Tôi thấy nếu chúng ta đánh thuế như thế này thì chính sách của chúng ta là chưa nhất quán, tôi nghĩ chúng ta không khuyến khích việc xây dựng sân golf trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà kinh tế, nhiều nhà chính sách người ta cũng nói đến vấn đề này, đây là một việc rất độc hại, làm cho nhân dân mất đất, môi trường ô nhiễm, sinh bệnh tật. Các đồng chí thấy mới cách đây mấy ngày, Báo an ninh thế giới nói về việc sân golf Lương Sơn - Hoà Bình lấy đi hơn 300 ha đất, dân mất đất sản xuất, nguồn nước tưới cỏ thải chất độc hại ra môi trường, vì dùng một lượng chất hoá học lớn, đưa thẳng ra suối và nhân dân uống, ăn thẳng từ nguốn nước đó. Báo chí đã nêu và Chủ tịch xã các đồng chí cũng rất bức xúc về vấn đề này, người ta dùng từ việc đó là tàn độc nhất, việc này gây ra sự phẫn nộ, bức xúc ở nhân dân, nên đề nghị Quốc hội quan tâm và đánh thuế và tăng thuế thêm về kinh doanh sân golf. Theo tôi không phải là 20% mà nên là 40-50%, để thấy rõ chính sách của ta nhất quán là không khuyến khích xây dựng và phát triển sân golf, còn nếu chỗ này đất đai cằn cỗi cần xây dựng phục vụ nhu cầu cho một số đối tượng thì chúng ta phải đánh thuế cao hơn.

Khoản 2, Điều 7 tôi thống nhất là về thẩm quyền chúng ta không nên ghi như thế này vì riêng về việc ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước vừa qua, chúng ta cũng đã có vài việc đang bàn, theo tôi việc giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thống nhất với các đại biểu là chúng ta giao thẩm quyền này cho Quốc hội.

Về miễn, giảm thuế chúng ta cũng không nên thực hiện vì đây là thuế gián thu.

Vấn đề cuối cùng, tôi xin đề cập về việc hướng dẫn thi hành, đây là việc xây dựng văn bản luật theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tôi thấy trong Điều 11 chúng ta giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện 4 điều, Điều 2, 3, 8, 9 nhưng lại có thêm một câu tôi thấy hình như chưa xuất hiện trong một văn bản pháp luật nào đó là hướng dẫn Điều 2, Điều 3, Điều 8, Điều 9 và các nội dung cần thiết khác. Tôi không hiểu các nội dung cần thiết thế này, ghi như vậy thì thôi mình không cần ghi các điều này vào. Cho nên tôi đề nghị để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong khi các đồng chí có những điều luật rất buồn cười là trong dự thảo Nghị định bê nguyên si, nguyên văn của điều luật ở Điều 2, ví dụ chúng ta thêm vào thuốc lá điếu xì gà, chúng ta thêm vào là thuốc là để hít, thuốc là để nhai, hoặc ngậm ngửi thì trong đó chúng ta thêm 13 từ, trong khi trong luật kia chúng ta bỏ bớt 8 từ trong luật. Tại Điều 4 chúng ta ghi nguyên si vào ở điều luật thì tôi nghĩ là không nên như vậy. Tôi đề nghị chúng ta hãy xem đây là một mẫu mực về việc không cần Nghị định hướng dẫn mà khi luật này ban hành rồi vẫn thực hiện được, có nghĩa là không nên bỏ Nghị định hướng dẫn này, các đồng chí thấy Nghị định chỉ có một trang giấy thì tất cả những điều đó đưa luôn vào luật đi. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì Luật thuế tiêu thụ đặc biệt là một điển hình, một mẫu mực đột phá trong việc xây dựng pháp luật khi ban hành không cần chờ nghị định, thông tư là thi hành được ngay. Tôi đề nghị nhập luôn Nghị định này vào trong luật. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Nguyễn Văn Bình  - TP Hải Phòng  

Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết và cấp bách. Theo tôi khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải cân nhắc vấn đề giải quyết các mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, với các nước đối tác trong các ngành, các lĩnh vực tương ứng, giữa chính sách bảo hộ hợp lý nền sản xuất trong nước với định hướng tiêu dùng, chính sách lao động, việc làm, nguồn thu ngân sách và chống gian lận thương mại. Đây là điều hết sức cần thiết nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, tạo sự hợp tác lâu dài và ổn định giữa các quốc gia.

Một số góp ý cụ thể vào dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, về cơ bản tôi nhất trí với nội dung trong dự thảo, tuy nhiên có nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng. Vì vậy, có thể gây ra cách hiểu khác nhau, theo tôi nên quy định theo hướng càng chi tiết cụ thể càng tốt.

Về đối tượng chịu thuế, tôi hoàn toàn nhất trí với một số đại biểu đã phát biểu về Điểm e, Khoản 1, Điều 2 dự thảo quy định: Tàu bay và du thuyền thuộc đối tượng chịu thuế nhưng chỉ áp dụng cho mục đích cá nhân, còn sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch thì không. Theo tôi ở đây cần phải có tiêu chí để xác định tàu bay, du thuyền có hay không sử dụng vào mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách du lịch để tránh tình trạng khai gian dối về mục đích sử dụng để trốn nghĩa vụ nộp thuế.

Tôi đề nghị bổ sung thêm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh, thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp. Vì trong thực tế hoạt động này còn cao cấp hơn mát xa đơn thuần, mát xa chỉ là một công đoạn của thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp. Ngoài ra cần bổ sung thêm vào đối tượng chịu thuế các cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử, các đồ chơi điện tử gia dụng cao cấp. Việc mở rộng đối tượng chịu thuế với những loại hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập định hướng tiêu dùng.

Về giá tính thuế, cần áp dụng thống nhất quy định giá tính thuế đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó giá tính thuế là giá cho cơ sở sản xuất bán ra tại nơi sản xuất chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt. Có nghĩa là giá tính thuế bao gồm cả giá trị bao bì cả hộp. Ngoài ra để hạn chế việc cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi dụng việc không quy định khống chế về giá tiêu thụ đặc biệt để lách thuế hoặc áp dụng thuế suất tuyệt đối cho các hàng hóa dịch vụ thì cần phải quy định áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá thị trường đối với loại hàng hóa đó, trong những trường hợp các cơ sở sản xuất kê khai giá bán không hợp lý.

Về thuế suất đối với mặt hàng rượu bia, theo tôi không nên áp dụng thống nhất các loại bia cùng một mức thuế suất vì như vậy sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ yếu sản xuất bia hơi là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư dây chuyền mới để sản xuất bia chai, bia lon đòi hỏi lượng thuế lớn, đồng thời phải cạnh tranh với các hãng đã có thương hiệu mạnh là rất khó khăn, do vậy sẽ dẫn đến nguy cơ giải thể các nhà máy bia nhỏ lẻ, kéo theo một lượng lao động bị thất nghiệp, bên cạnh đó thuế suất tăng cao sẽ làm cho tình trạng trốn thuế diễn ra phức tạp hơn. Tôi đề nghị tách thuế suất của từng loại bia, áp dụng mức thuế suất cho mặt hàng bia hơi thấp hơn bia chai và bia lon đến hết năm 2010, sau đó sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện tại các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ đang diễn ra rất nhiều nơi trong cả nước, việc tính thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại này rất khó. Để không bị thất thu đối với các cơ sở sản xuất trên, đồng thời góp phần bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tôi đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để hạn chế những hiện tượng trên.

Đối với mặt hàng ô tô luật cần phải quy định chặt chẽ đối với loại xe ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng vì thực tế hiện nay loại xe này rất khó tính thuế do các thủ thuật lách luật trong quá trình nhập khẩu, lắp ráp gây khó khăn đối với các cơ quan thu thuế.

Tại Điểm 4, Khoản 1 Điều 7 biểu thuế suất đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi phân làm 3 loại có dung tích từ 2.000cc trở xuống và 3.000cc trở lên, theo tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, so sánh với Luật thuế xuất nhập khẩu hiện hành để có sự thống nhất giữa các văn bản luật.

Về vấn đề miễn, giảm thuế, Điều 9 dự luật quy định: người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế, miễn thuế. Vậy thế nào là tai nạn bất ngờ, trong trường hợp nào được xác định là bất ngờ, hiện nay chưa có văn bản nào giải thích, dự thảo cần làm rõ vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi vào dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Lương Phan Cừ  - Đắk Nông  

Cơ bản tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Tôi cũng đánh giá cao việc chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ và các cơ quan có liên quan, ngoài tờ trình và dự thảo còn có báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện luật, dự thảo nghị định kèm theo, bảng đối chiếu các nội dung sửa đổi, bổ sung làm cơ sở cho đại biểu tham gia ý kiến. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, về vấn đề thuế suất đối với tàu bay, du thuyền, tôi cho rằng đây là một vấn đề chúng ta cần tính toán, có nhiều đại biểu phát biểu muốn đưa tàu bay, du thuyền ra khỏi luật thuế. Tôi cho rằng vẫn nên để ở Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là một dạng dịch vụ cao và người có thu nhập cao mới thực hiện được, vấn đề của chúng ta tính toán chỉ là thuế suất.

Thuế suất như thế nào cho hợp lý, trong lúc chúng ta cần khuyến khích du lịch, chúng ta cần sử dụng thiên nhiên ưu đãi của chúng ta, chúng ta muốn phát triển du lịch, trong lúc chúng ta lại hạn chế những dịch vụ cao cấp này. Chúng ta phải có hàng trăm, hàng nghìn máy bay, hàng trăm, hàng nghìn du thuyền chúng ta thu được một khoản ngân sách rất lớn, trong lúc ngân sách của chúng ta đang rất hẹp, tại sao chúng ta không khuyến khích họ, không khuyến khích để chúng ta có. Vấn đề là chúng ta định thuế suất. Ở đây tôi đề nghị thuế suất của chúng ta nên khoảng chừng 10-15%, một mặt chúng ta có thể điều tiết ở cái này, đồng thời chúng ta thu được ngân sách. Chúng tôi đề nghị như thế, bởi vì thậm chí chúng ta đang thu thuế, thu lệ phí của những người bán hàng rong vài ba nghìn, tại sao chúng ta không thu hàng trăm, hàng triệu, hàng trục triệu ở trên những cái này tại sao chúng ta không thu trong lúc ngân sách của chúng ta vẫn hạn hẹp. Chúng tôi không đồng tình chuyện đưa ra khỏi danh mục thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng tính toán lại thuế suất như thế nào cho hợp lý. Đó là ý kiến thứ nhất của chúng tôi về thuế suất đối với tàu bay và du thuyền.

Vấn đề thứ hai, thuế về mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Tôi đồng tình với nhiều đại biểu về việc chúng ta phải nâng cao mức sống của người dân. Nhưng tôi cũng đồng tình với ý kiến của Chính phủ và ý kiến thứ hai của Ủy ban Tài chính, ngân sách là chúng ta vẫn giữ ở trong này. Ở đây chúng ta thấy điều hòa nhiệt độ của chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng ở thành thị, vẫn tập trung ở thành thị. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri ở Đắk Nông, thưa các đồng chí, dân còn nghèo lắm. Đi đám cưới, (chúng tôi chứng kiến) là cháu ruột của mình, nhưng người ta chỉ tặng được cháu ruột của mình 5.000 thôi. Tại sao chúng ta không chia sẻ với điều này, những người sử dụng điều hòa nhiệt độ có thể chia sẻ và chúng ta có được ngân sách trong lúc chúng ta vận động 1 ngày vì người nghèo, 1 ngày lương cho quỹ người nghèo, thì chúng ta lại không thu thuế này. Nhưng vấn đề ở đây chúng tôi thấy chúng ta phải cân đối, bây giờ mặt hàng điều hòa nhiệt độ đã tương đối thông dụng, chúng ta có thể hạ thuế suất xuống. Tôi đề nghị ở đây để cho tiến trình ổn định, chúng ta không nên là 15% nữa, nên khoảng chừng 10-12%, như thế phù hợp hơn, phù hợp với cả điều tiết của thu nhập đồng thời phù hợp để chúng ta có một nguồn bổ sung ngân sách ổn định ngân sách. Một trong bốn chức năng của thuế là chúng ta phải nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải động viên nguồn thu vào ngân sách, vấn đề thứ hai về điều hòa nhiệt độ đề nghị chúng ta vẫn để ở danh mục thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng thuế suất chúng ta phải tính toán lại cho hợp lý hơn.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi thấy đại biểu phát biểu nhiều vấn đề liên quan đến thuế suất của bia, đặc biệt đối với bia hơi, bia chai. Ở đây chúng tôi thấy trong quá trình điều chỉnh của luật này, chúng ta điều chỉnh mang tính hơi sốc một chút, điều chỉnh quá cao, mang tính đột biến, chúng ta đối với rượu bia từ 30%- 50%, rượu từ 20-40 độ như vậy nó quá xa, gây quá sốc đối với các nhà sản xuất, các nhà đầu tư. Ô tô chúng ta cũng từ 6- 9 chỗ ngồi chúng ta cũng từ 30-60%, cái này chúng ta cũng cần tính toán lại. Tất nhiên là chúng ta phải tính tới nhu cầu của người dân, nhu cầu của người tiêu dùng, tất nhiên chúng ta đã cam kết với Tổ chức thương mại thế giới, nhưng chúng ta cũng phải tính tới người tiêu dùng, chúng ta cũng tính tới nguồn thu của ngân sách nhưng ý kiến của chúng tôi nêu lên ngân sách của chúng ta có nhiều khoản nhưng đối với bia, rượu chúng tôi thấy cần phải tính toán lại cho phù hợp với đời sống của nhân dân. Bia có thể là giải khát rất có lợi cho sức khỏe của người dân, chúng ta uống nhiều chúng ta lạm dụng thôi, chứ bản chất của nó là tốt chứ không phải không tốt, nó là dinh dưỡng, vấn đề của chúng ta là chống lạm dụng, uống nhiều, uống có tính chất say, còn uống bình thường thì chúng ta phải khuyến khích và bảo vệ sức khỏe của người dân, chúng tôi có bàn là khi xây dựng nhà máy bia ở Hạ Long để công nhân ngành than có được một cốc bia khi người ta làm ở dưới hầm lò lên để giải khát, giải độc. Cho nên chúng tôi đề nghị Chính phủ phải tính toán lại điều này.

Vấn đề thứ tư, về thẩm quyền điều chỉnh nên để Quốc hội, Quốc hội của chúng ta họp thường kỳ, thứ hai là để đảm bảo tính ổn định và minh bạch, chúng ta tham gia rồi để làm sao chúng ta phải ổn định đối với người sản xuất, đầu tư, chúng tôi đề nghị thuế suất điều chỉnh ở trong này cũng nên để Quốc hội, Chính phủ có điều kiện trình với Quốc hội thì chắc chắn Quốc hội thấy hợp lý cũng không thể nào từ chối, cho nên tôi đề nghị thẩm quyền này do Quốc hội.

Vấn đề cuối cùng tôi xin nói thêm một ý về tính ổn định của chính sách thuế, tôi hoàn toàn đồng tình với đa số ý kiến của Ủy ban tài chính, ngân sách trong Báo cáo thẩm tra cho rằng chính sách thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, chưa mang tính ổn định, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt từ khi ra đời tới nay đã có 6 lần thay đổi và lần này là lần thứ 7, tính bình quân cứ hơn 2 năm ta lại sửa một lần, cho nên chúng tôi thấy việc này là không ổn định lắm. Trong khi đó Báo cáo tổng kết chúng ta mới đánh giá một cách chung chung, chúng ta chưa chỉ rõ cụ thể những mặt hàng nào có tác dụng và mặt hàng nào chưa có tác dụng trong quá trình sửa đổi của chúng ta. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu vấn đề này để làm sao cho chính sách ổn định hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Mai Hữu Tín  - Bình Dương 

Để chuẩn bị góp ý cho dự Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chúng tôi đã thu thập ý kiến của cử tri và các doanh nghiệp có mặt hàng, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự luật này. Những ý kiến đó chúng tôi đã tham gia tại cuộc họp tổ và đã được phản ánh đầy đủ trong báo cáo tổng hợp. Chúng tôi xin được làm rõ thêm một số điểm như sau.

Thứ nhất ở Điều 2, về đối tượng chịu thuế, chúng tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương - Đà Nẵng là trong dự luật này chúng ta đã bỏ sót rất nhiều mặt hàng và dịch vụ mà lẽ ra chúng ta có thể đưa vào. Ví dụ dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cao cấp cho phụ nữ, mặt hàng pha lê cao cấp, các loại đá quý v.v....

Riêng về mặt hàng máy điều hoà nhiệt độ, chúng tôi đồng ý với hầu hết ý kiến của các đại biểu phát biểu trước. Theo tôi chúng ta không nên coi mặt hàng điều hoà nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU là một mặt hàng xa xỉ, cao cấp. Thực tế ở các thành thị do biến đổi khí hậu và những hạn chế về không gian sử dụng, nên máy điều hòa nhiệt độ thực chất là một thiết bị cần thiết phải có để đảm bảo sức khỏe, bảo đảm điều kiện vệ sinh, tăng năng xuất lao động. Do đó chúng tôi tiếp tục đề nghị chúng ta không đưa mặt hàng này vào diện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nếu chúng ta so sánh với các mặt hàng điện tử tiêu dùng cao cấp mà mọi người cũng đang sử dụng phổ biến hiện nay như ti vi Plasma, ti vi LCD chẳng hạn thì chúng ta không thể coi mặt hàng điều hòa nhiệt độ này là hàng xa xỉ được.

Chúng tôi cũng đề nghị chúng ta xem lại và loại trừ rõ ràng cho dịch vụ mát xa do người khiếm thị và người bị khuyết tật cung cấp. Chúng ta hiểu thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào người tiêu dùng thôi, nhưng việc đánh thuế vào dịch vụ do những người khiếm thị và người khuyết tật cung cấp như vậy thì vô tình sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của thành phần đúng ra phải được ưu tiên này.

Điều 10, hiệu lực thi hành của dự luật, chúng tôi đề nghị, chúng ta chỉ áp dụng một mốc thời gian chung để thực hiện của dự luật này là ngày 1/1/2010. Bởi vì không chỉ riêng các mặt hàng rượu bia phải áp dụng theo các cam kết với WTO mà với các mặt hàng và dịch vụ khác cụ thể như là xe ô tô thì hiện nay các nhà máy ô tô của chúng ta đang gặp khó khăn rất lớn về lượng tiêu thụ và tất cả những cơ sở sản xuất hay kinh doanh dịch vụ này cũng cần có nhiều thời gian để điều chỉnh các hoạt động của họ phù hợp với luật thuế mới và việc áp dụng thống nhất một thời hạn hiệu lực thi hành sẽ giúp cho tất cả các cơ sở này có điều kiện chuẩn bị như nhau.

Chúng tôi đồng ý và hoan nghênh ý kiến của đại biểu Ngô Văn Minh là với hướng dẫn thi hành nêu trong nghị định thì những điều khoản hướng dẫn này thực ra nó không nhiều lắm và chúng ta có thể thể hiện tất cả các việc đó trong dự luật này để chúng ta chỉ cần một văn bản duy nhất, có thể triển khai ngay. Bởi vì trong hướng dẫn của nghị định có nhiều điểm chúng ta đã mở rộng quá mức đối với dự thảo trong luật thuế.

Ví dụ như sân gol, tôi hiểu dư luận hiện nay không ủng hộ việc phát triển sân gol. nhưng chúng ta cũng phải nghĩ lại đối với tất cả các sân gol đang hoạt động hiện nay chúng ta vẫn phải tạo điều kiện để họ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển được. Cũng phải lưu ý thành phần chơi gol không phải chỉ có người Việt trong nước có tiền, mà chúng ta đang cố gắng có loại hình dịch vụ này để thu hút khách du lịch từ nước ngoài vào. Nếu chúng ta tăng thuế lên quá cao, thì vô tình chúng ta loại bỏ loại hình du lịch như vậy và họ chuyển hướng sang đi chơi những sân golf rẻ hơn ở Thái Lan. Chúng tôi đồng ý giữ mức tăng 20% nhưng chỉ tính trên doanh thu từ bán thẻ hội viên và bán vé chơi golf, chứ chúng ta không mở rộng ra bao gồm các loại phí khác như trong dự thảo nghị định quy định.

Chúng tôi đề nghị cần có giải thích từ ngữ thật rõ để có những điểm chúng ta nêu trong dự luật như "trò chơi điện tử có thưởng" trong nghị định đã giải thích rõ nhưng sẽ gây lúng túng là ngoài những trò chơi điện tử có thưởng như Jackpot, chúng ta còn có loại hình trò chơi điện tử có thưởng khác trên mạng Internet, trên ti vi và trên cả điện thoại di động, việc này cũng phải được làm rõ trong dự luật của chúng ta. Xin hết.
 
Đỗ Hữu Lâm  - Long An 

Một, về phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị có thể chúng ta làm rõ thế nào là thuế tiêu thụ đặc biệt? mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt để hướng dẫn sản xuất tiêu dùng cho xã hội, điều tiết sản xuất của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý để tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh một số hàng hóa dịch vụ, để làm rõ,hiểu ý nghĩa của thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ hai, tôi đề nghị cần giải thích thêm một số từ ngữ để khi chúng ta thực hiện luật, tránh kẽ hở, giải thích thế nào là tai nạn bất ngờ? bị thiệt hại nặng là như thế nào?

Về đối tượng chịu thuế để thống nhất với Luật giao thông đường bộ chúng ta vừa thảo luận, sắp sửa thông qua, tại Điểm đ, Khoản 1 tôi đề nghị thiết kế ghi là "xe ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi kể cả xe ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng hóa và có từ hai hàng ghế trở lên"

Tại Điểm n, Khoản 1 tôi đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế lại vì tại Luật Giao thông đường bộ có ghi "xe mô tô 2 bánh và xe mô tô 3 bánh có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên " ở đây chúng ta ghi là "xe mô tô có dung tích xi lanh từ 120 phân khối trở lên " thì điều chỉnh thế nào? Tôi đề nghị thiết kế lại là "xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xi lanh trên 125 phân khối" đề nghị ghi cho thống nhất Luật giao thông đường bộ ghi là "125 phân khối" Cũng tương tự như điểm này thì tại Điểm 4 ,thuế suất loại xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, tôi đề nghị dung tích xi lanh ghi là cm3 cho thống nhất.

Về máy điều hòa nhiệt độ, qua một số ý kiến các đại biểu, tôi cũng có ý kiến ngược lại vì ghi theo kiểu thế hiện nay của dự thảo là phù hợp với thực tiễn như ý kiến của đại biểu Lương Phan Cừ nêu, hiện nay máy điều hòa nhiệt độ tiêu dùng ở phạm vi dân cư người có thu nhập cao hơn nữa chúng ta lại tiết kiệm điện, một phần ảnh hưởng đến môi trường, có chăng chúng ta giảm thuế suất xuống còn 10% chứ không thể đưa ra khỏi thuế suất.

Điểm thứ ba, về mức thuế suất, đánh thuế xe ô tô hiện nay theo phân khối tôi đồng ý vì qua phân tích của các đại biểu, theo tôi xe ô tô chủ yếu tiêu dùng của tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hơn nữa hạ tầng giao thông hiện nay chúng ta còn yếu kém, việc hạ thuế suất là không công bằng, bảo đảm yêu cầu hướng dẫn tiêu dùng, hơn nữa cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Vì vậy tôi đề nghị mức xe ô tô dưới 2.000 phân khối là 50%, từ 2.000 phân khối đến dưới 3.000 phân khối là 55%, trên 3.000 phân khối là 60%.

Về thẩm quyền điều chỉnh thuế suất, tại Khoản 2, Điều 7, tôi thống nhất rất cao với ý kiến các đồng chí vừa phát biểu là để thẩm quyền thuộc Quốc hội quyết định. Như ý kiến các đại biểu phân tích, cũng như 3 nguyên nhân trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách.

Về việc giảm thuế, tôi cũng thống nhất là không giảm thuế lên người sản xuất vì thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu mà người tiêu dùng phải chịu, người nộp thuế chỉ là người nộp thay khi hàng hóa bán ra, người nộp thuế phải thực hiện nộp thuế, còn nhà sản xuất chỉ gặp khó khăn khách quan khi các sắc thuế khác điều chỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét bỏ quy định miễn giảm thuế trong điều luật.

Điểm tiếp theo, tại Điều 10 hiệu lực thi hành, ở đây tôi đề nghị bỏ Khoản 3 vì Khoản 1 ghi thời hiệu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2009, trừ mặt hàng rượu bia là từ ngày 01/01/2010. Tại Khoản 3 thì luật cũ hết hiệu lực từ 01/01/2010 nếu ghi như vậy hai điểm này thì thực hiện theo phần nào. Vì vậy đề nghị bỏ Khoản 3, hơn nữa Khoản 2 cũng nên ghi rõ là bãi bỏ các quy định của luật trừ mặt hàng rượu bia là tới ngày 31/12/2009. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Trần Văn Tấn  - Tiền Giang 

Một, về đối tượng chịu thuế được quy định tại Điều 2, dự thảo luật đã bổ sung nhiều loại hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng theo tôi dự thảo luật vẫn chưa bao quát hết các đối tượng cần thiết nhằm điều tiết tiêu dùng và thu nhập. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, điện tử gia dụng cao cấp, vật dụng cao cấp làm bằng pha lê như các đại biểu trước đã phát biểu, không phân biệt đó là hàng hoá sản xuất trong nước hay hàng hoá nhập khẩu. Bởi vì đây là những hàng hoá, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội. Tôi đề nghị mức thuế suất là 10% để tránh hiện tượng trốn thuế.

Hai, về đối tượng chịu thuế được quy định tại Điều 2, đối tượng không chịu thuế tại Điều 3 và thuế suất tại Điều 7. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 về đối tượng chịu thuế có quy định tàu bay và du thuyền và tại số thứ tự 6, 7 của Điều 7 quy định thuế suất của tàu bay và du thuyền cùng là 30% nếu sử dụng tàu bay, du thuyền để phục vụ nhu cầu tiêu dùng riêng cho tổ chức, cá nhân, gia đình. Tại Khoản 3, Điều 3 quy định tàu bay và du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, du lịch thì thuộc đối tượng không chịu thuế.

Tôi đề nghị nên cân nhắc đối với các quy định vừa nêu, vì phần không chịu thuế quy định như dự thảo luật là không rõ ràng. Nếu trường hợp cá nhân như bầu Đức của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai nhập máy bay về phục vụ cho cá nhân trong trường hợp chưa quy định thuế tiêu thụ đặc biệt, còn dự thảo luật sẽ thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì lúc đó công dân sẽ giải thích là mua tàu bay để phục vụ cho mục đích kinh doanh thì sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định tàu bay và du thuyền là đối tượng chịu thuế và thuế suất là 20%.

Về đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3, Khoản 1 có quy định hàng hóa do các cơ sở sản xuất gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán ủy thác cho các cơ sở kinh doanh để xuất khẩu, tôi đề nghị quy định lại như sau:

Hàng hóa do các cơ sở sản xuất gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu vì thực tế làm sao biết được đơn vị mua hàng hóa này có xuất khẩu hay không xuất khẩu để bán nội địa. Mặt khác, người bán hàng cũng không nhất thiết chịu trách nhiệm về hàng hóa đã bán.

Bốn, về giá tính thuế được quy định tại Điều 6, Khoản 1 quy định đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, nghĩa là giá tính thuê bao gồm cả bao bì, vỏ hộp, theo tôi quy định như dự thảo là đúng nhưng chưa đủ, tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá thị trường đối với loại hàng hóa đó, trong trường hợp các cơ sở sản xuất kê khai giá bán không hợp lý, nhằm hạn chế các cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi dụng việc không tiêu thụ khống chế giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt để lấp thuế hoặc áp dụng thuế suất tuyệt đối cho các hàng hóa dịch vụ.

Về thuế suất được quy định tại Điều 7, tại số thứ tự số 1 thuốc lá điếu xì gà và các phế phẩm khác từ thuốc lá có thuế suất từ 65% tôi đề nghị nâng lên mức 70% vì loại hàng này rất độc hại cho sức khỏe của nhân dân và có quy định mức thuế cao mới hạn chế được mức cao nhất hàng này. Về rượu được quy định tại số thứ tự số 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định loại rượu từ 20 đến dưới 40 độ chịu thuế suất 30%, rượu từ 40 độ trở lên chịu thuế 60%, quy định này xác định mức thuế cao nhằm hạn chế tiêu dùng đặc biệt là rượu mạnh từ 40 độ trở lên vì có hại cho sức khỏe. Nhưng thực tế rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ chủ yếu sản xuất trong nước, trong khi các loại rượu mạnh trên 40 độ lại là loại rượu nhập khẩu. Để tránh việc các đối tác nước ngoài cho rằng Việt Nam đã có sự phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu phù hợp với cam kết gia nhập WTO. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc hạn chế tiêu dùng, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Tôi đề nghị luật cần sửa đổi theo hướng rượu từ 20 độ trở lên sẽ chịu thuế suất 55%, còn rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế suất 25% để bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử và vẫn giữ sự chênh lệch giữa 2 loại rượu là 30%.

Tại số thứ tự số 9 quy định điều hòa nhiệt độ công suất 90.000 BTU trở xuống thuế suất là 15%. Tôi đề nghị nên quy định thuế suất là 10%, vì xét cho cùng mặt hàng này chỉ hạn chế sử dụng qua công cụ điều tiết thuế tiêu thụ đặc biệt. Xã hội ngày càng phát triển, máy điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ, nó trở thành vật dụng thiết yếu trong cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội. Vì vậy theo tôi không nên quy định thuế suất quá cao.

Về kinh doanh golf, bán thẻ hội viên, vé chơi golf thuế suất 20%. Tôi đề nghị thuế suất là 30% hiện tại chưa nên khuyến khích loại thể thao này vì nó chỉ phục vụ cho một số ít người. Mặt khác nếu cho phát triển loại hình này khá nhiều sẽ mất đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy để hạn chế phát triển cần áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao.

Bảy, về hoàn thuế, khấu trừ thuế được quy định tại Điều 8, tôi đề nghị bổ sung vào tên điều này cụm từ "tiêu thụ đặc biệt" và Điều 8 hoàn chỉnh như sau: Hoàn thuế, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời để phù hợp với tên của Điều 9 là giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tám, về giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, dự thảo luật quy định người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc dịch vụ thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế, miễn thuế. Vậy thế nào là tai nạn bất ngờ, trong trường hợp nào được xác định là bất ngờ, rất khó.

Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ, hoặc tốt hơn là bỏ quy định này vì áp dụng chế độ miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là loại thuế gián thu do người tiêu dùng chịu thuế, các cơ sở sản xuất chỉ là người nộp hộ nên việc miễn, giảm thuế đối với loại thuế này là không hợp lý. Hơn nữa đây là những loại hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước cần điều tiết, định hướng cho việc sản xuất tiêu dùng để đảm bảo lợi ích cộng đồng, xã hội, vì hầu hết những loại hàng hóa, dịch vụ này không phải là những loại mặt hàng thiếu yếu cho đời sống nhân dân, không thuộc diện khuyến khích tiêu dùng nên việc quy định miễn, giảm thuế đối với các mặt hàng này là không cần thiết.

Chín, về hiệu lực thi hành được quy định tại Điều 10, tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định hiệu lực thi hành của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là ngày 1/7/2009 để có thời gian tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện và phù hợp với thời gian mà Quốc hội đã thông qua. Vậy quy định riêng đối với mặt hàng rượu bia hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2010 tôi đề nghị quy định lại như sau: Riêng các nội dung quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu và bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Xin hết.
 
Hà Tuấn Hải  - Phú Thọ 

Về đối tượng chịu thuế, đề nghị dự thảo luật quy định thêm dịch vụ làm đẹp và giải phẫu thẩm mỹ cũng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì về mặt kinh tế đây là dịch vụ xa xỉ mà chỉ có một bộ phận người thành phố mới có điều kiện và nhu cầu sử dụng. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thì chúng ta cần hạn chế sử dụng dịch vụ này. Điều này cũng là hợp lý khi luật hiện hành của chúng ta đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ masage một dịch vụ có tính chất và mục đích sử dụng tương tự như dịch vụ làm đẹp và giải phẫu thẩm mỹ.

Mức thuế suất của dịch vụ này có thể để mức tương đương đối với đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt massge là 40%. Đề nghị không nên đưa máy điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000BTU trở xuống vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì hiện nay máy điều hoà nhiệt độ đã trở thành vật dụng thông thường và cần thiết trong đời sống hàng ngày của nhiều gia đình ở các thành phố, thậm chí cả ở vùng nông thôn, nó không còn là mặt hàng xa xỉ nữa. Đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô chạy bằng năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, bởi việc sử dụng ôtô này cần được khuyến khích phát triển do ảnh hưởng tích cực của nó đối với giá cả và môi trường. Từ lý do trên cũng nên hạ thuế suất ôtô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời xuống còn 50% so với mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại. Như thế mới đảm bảo công bằng và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Về đối tượng chịu thuế, dự thảo luật đưa thêm đối tượng chịu thuế là tàu bay và du thuyền, đây là một đối tượng cần thiết phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên dự thảo cũng quy định tàu bày và du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch không phải là đối tượng chịu thuế. Do vậy đề nghị phải có quy định cụ thể để xác định rõ, thế nào được xem là sử dụng cho các mục đích thuộc diện được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trên. Việc làm rõ điều này là vô cùng cần thiết, vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế hàng loạt đối với đối tượng này.

Cũng liên quan đến quy định này, một vấn đề nữa là việc loại trừ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tàu bay và du thuyền phục vụ mục đích kinh doanh, như vậy đã công bằng đối với mặt hàng ôtô hay chưa. Vì câu hỏi đặt ra là nếu ôtô cũng được mua để phục vụ mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, du lịch thì tại sao lại không được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về thuế suất hiện nay trong thực tế ở nước ta một số lượng lớn rượu từ 20 độ trở lên được sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ ở các hộ dân mà nhà nước chưa quản lý và thu thuế được việc này làm thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất rượu trong nước bị thu hẹp dẫn đến sản lượng và doanh thu giảm sút, đề nghị dự thảo luật nên quy định mức thuế suất tuyệt đối tính theo lít rượu cồn nguyên chất đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất rượu trong nước duy trì được sản xuất.

Về thuế suất đối với bia, đa số các doanh nghiệp cho rằng trong thực tế đối với mức thuế suất 50% được áp dụng đối với mặt hàng bia nói chung thì chỉ các cơ sở sản xuất bia lon và bia chai mới có thể bảo đảm được sản xuất kinh doanh và có lãi, bảo đảm nộp ngân sách nhà nước đầy đủ còn những doanh nghiệp sản xuất bia hơi sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phải ngừng sản xuất hoặc phá sản do các doanh nghiệp sản xuất bia hơi đa số là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, phân bố chủ yếu ở miền bắc nhằm phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp, trong khi đó chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất bia hơi ngày càng tăng cao. Mặt khác với mức thuế suất 40% như hiện nay nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán, dẫn đến người tiêu dùng ít đi, doanh thu giảm sút so với những năm trước. Do vậy để giải quyết việc làm cho người lao động nhà nước vẫn thu được ngân sách tránh được nguy cơ ngừng sản xuất, người tiêu dùng có được thu nhập trung bình thấp vẫn có điều kiện tiêu dùng sản phẩm bia hơi, đồng thời vẫn đảm bảo được cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại WTO đề nghị đối với bia hơi nên giữ mức thuế 40% đến năm 2013 để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định cơ cấu sản xuất kinh doanh. Đối với bia chai và bia lon đề nghị tính thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 50% nhưng vẫn phải loại trừ vỏ lon, vỏ chai, nút chai, nhãn hiệu.

Đề nghị tăng thuế suất đối với dịch vụ kinh doanh golf từ 20% như dự thảo lên 25% đến 30%, vì người sử dụng dịch vụ này đa số là những người có thu nhập cao và để định hướng hoạt động kinh doanh golf theo hướng hạn chế việc xây dựng sân golf tràn lan, làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đe dọa đến an ninh lương thực. Tôi xin ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Phương Thị Thanh  - Bắc Kạn 

Trước hết tôi cơ bản đồng tình với dự thảo của luật và ý kiến Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính, ngân sách, tôi xin được phát biểu một số nội dung như sau.

Trước hết về đối tượng chịu thuế, tôi đồng tình với ý kiến của các đồng chí đã phát biểu trước là đề nghị cần rà soát lại đối tượng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh tình trạng, bỏ sót đối tượng, tạo ra sự không công bằng trong quá trình cạnh tranh hoạt động của các doanh nghiệp.

Về tàu bay, du thuyền, đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi cho rằng, việc bổ sung tàu bay, du thuyền để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân vào thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý. Tuy nhiên để tránh tình trạng lợi dụng pháp luật để trốn thuế, đề nghị quy định cụ thể về tiêu chí xác định tàu bay, du thuyền phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là trong trường hợp là tàu bay du thuyền vừa phục vụ nhu cầu cá nhân vừa phục vụ mục đích kinh doanh.

Về mặt hàng điều hòa nhiệt độ, tôi nhận thấy đối với phần lớn tầng lớp nhân dân và nhất là ở khu vực nông thôn thì mặt hàng điều hòa nhiệt độ vẫn là mặt hàng cao cấp. Mặt khác, là việc bỏ mặt hàng điều hòa nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn tới giảm ngân sách Nhà nước. Do vậy đề nghị vẫn giữ nguyên quy định như luật hiện hành. Tôi đồng tình với ý kiến các đồng chí phát biểu trước là mức thuế suất thì cần tính toán lại cho phù hợp hơn.

Thứ hai, về mức thuế suất, về thuế suất đối với ô tô thì tôi tán thành với việc giảm thuế suất đối với xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống là 40%. Về việc giảm thuế đối với loại xe này sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để mua ô tô góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa việc phân biệt xe ô tô có phân khối nhỏ chịu mức thuế suất thấp hơn xe ô tô có phân khối lớn như quy định của dự thảo luật là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với việc điều chỉnh tăng thuế suất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh là 2.000 cc - 3.000 cc và dung tích xi lanh trên 3.000 cc, tôi cho rằng việc tăng thuế suất đối với loại xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích từ 2.000 cc - 3.000 cc và xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cc là hợp lý, vì đây là loại xe có phân khối lớn chủ yếu được tiêu dùng bởi các tầng lớp dân cư có thu nhập cao. Vì vậy, việc tăng thuế suất sẽ góp phần điều tiết thu nhập hướng dẫn tiêu dùng và đảm bảo tính công bằng đối với dòng xe có phân khối nhỏ hơn. Tuy nhiên xin được đề nghị là cần cân nhắc mức độ tăng thuế suất nhằm đáp ứng được yêu cầu điều tiết thu nhập, mặt khác vẫn không gây đột biến của thị trường, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.

Về thuế suất đối với rượu bia. Thuế suất đối với rượu tôi tán thành với việc điều chỉnh thuế suất đối với rượu để phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký. Việc tăng thuế suất đối với một số loại rượu là cần thiết, góp phần điều tiết tiêu dùng hợp lý, tuy nhiên để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh đề nghị áp dụng lộ trình đối với rượu từ 20 độ trở lên cụ thể là từ 45% từ năm 2010- 2012, từ năm 2013 trở đi là 50% .

Về thuế suất đối với bia, tôi tán thành với quy định của Dự thảo về việc không phân biệt bia hơi, bia tươi và lon bia, bia chai mà quy định thuế suất chung đối với bia là 45% từ năm 2010 đến năm 2012 và từ năm 2013 trở đi là 50%.

Về thuế suất đối với casino, tôi đồng tình với ý kiến các đồng chí đã phát biểu trước. Đây là Nhà nước đang thực hiện thí điểm chưa khuyến khích phát triển, do vậy đề nghị tăng mức thuế suất của dịch vụ này lên là 40%.

Về thuế suất đối với dịch vụ kinh doanh sân golf, tôi cũng đồng tình với ý kiến phát biểu trước là đề nghị tăng mức thuế suất lên 30%.

Thứ ba, về thẩm quyền điều tiết thuế suất. Việc điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt, tôi đồng tình là do Quốc hội quyết định vì xác định thuế suất là vấn đề liên quan đến sự ổn định của thị trường và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Hơn nữa việc quy định Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất tiêu thụ đặc biệt cũng không làm ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong việc áp dụng chính sách, vì hàng năm Quốc hội chúng ta họp hai kỳ, mà trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thuế suất cho phù hợp với tình hình thực tế thì Chính phủ vẫn có thể trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh thuế suất áp dụng cho ô tô tại kỳ họp gần nhất.

Về việc miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đề nghị bỏ nội dung này vì đây là thuế gián thu cũng như ý kiến của các đồng chí phát biểu trước. Xin hết.
 
Nguyễn Nhật  - Hà Tĩnh 

Chúng tôi đánh giá cao dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này của Ban soạn thảo, các danh mục chịu thuế cũng như các chính sách phù hợp với cải cách thuế, cam kết lộ trình của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các tổ chức khác của thế giới. Chúng tôi xin có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo nên đánh giá sự thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt lần này ảnh hưởng đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như đối với ngân sách Nhà nước như thế nào? Bởi vì thực chất trong thời gian vừa qua chúng ta cũng có một số chính sách thuế thay đổi cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến một số doanh nghiệp. Ví dụ, qua báo chí chúng tôi thấy vừa rồi chúng ta làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi.

Thứ hai, đối với ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước chúng ta chủ yếu thu từ dầu thô. Thứ hai là thuế. Thứ ba là viện trợ không hoàn lại của nước ngoài. Dầu thô thì bây giờ chúng ta giảm sản lượng khai thác, nếu chúng ta cắt giảm thuế nhiều quá thì ảnh hưởng lớn đến ngân sách, trong lúc đó chi tiêu ngân sách của chúng ta đang rất cần.

Vì vậy chúng tôi có mấy đề xuất như sau.

Thứ nhất, đối với xe mô tô, chúng tôi thấy loại 125cm3 bây giờ mình sản xuất trong nước cũng rất đại trà, người tiêu dùng sử dụng rất nhiều. Cho nên chúng ta cũng không nên đánh giá thuế tiêu thụ đặc biệt đối mô tô loại 125cm3, chúng tôi đề nghị ở đây chúng ta nên đánh giá loại từ 150-175cm3.

Thứ hai, đối với điều hoà. Theo chúng tôi không nên bỏ 100%, bởi vì nói thật với các đồng chí có 2 vấn đề: Một, trong lúc chúng ta đang tiết kiệm điện. Hai là nguồn năng lượng điện trong quốc gia chúng ta cũng chưa cung cấp đủ. Cho nên chúng tôi cũng thống nhất như Ban soạn thảo là loại điều hòa nhiệt độ từ 90.000 BTU trở xuống chúng ta nên đánh thuế vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa đảm bảo ngân sách nhà nước.

Thứ ba, về máy bay, du thuyền, sân golf thì các loại dịch vụ này là dịch vụ rất mới ở Việt Nam, cả nước ta chỉ có duy nhất một máy bay của cá nhân, đối với du thuyền thì gần 3200 km bờ biển, chúng ta có những bờ biển rất đẹp như Quảng Ninh, Nha Trang, Vũng Tàu nhưng chúng ta chưa có du thuyền nào cả. Để khuyến khích du thuyền vào làm đẹp, tăng thêm du lịch thì chúng ta nên đánh thuế mức độ vừa phải, theo tôi chỉ nên 10 - 15%.

Về sân golf chúng ta đang thu hút đầu tư nước ngoài, các nhà du lịch nước ngoài đến Việt Nam, các chỗ vui chơi, giải trí đối với người nước ngoài rất hạn chế. Chúng tôi là đơn vị làm việc người nước ngoài nhiều nhưng duy nhất người ta chỉ tìm đến sân golf, mình đánh thuế cao quá thì thu hút nước ngoài rất hạn chế. Tôi thống nhất chúng ta nên để như Ban soạn thảo là 15 - 20%.

Đối với ô tô trong thời gian vừa qua chính sách về thuế đối với ô tô chúng ta có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, thời gian vừa qua nhập ô tô vào nhiều quá.

Về cơ sở hạ tầng của chúng ta rất kém, tai nạn ô tô thời gian qua nhiều cho nên soạn thảo như trong Tờ trình của Ban soạn thảo chúng tôi hoàn toàn nhất trí, chúng ta chưa nên mở rộng thuế để sử dụng ô tô nhiều để hạn chế tai nạn giao thông và cơ sở hạ tầng của ta còn kém. Xin hết.
 
Nguyễn Đăng Vang  - Bình Định 

Tôi xin có ý kiến về thuế suất đối với rượu với góc nhìn là chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và an sinh xã hội. Một trong những mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là định hướng, hướng dẫn người tiêu dùng, rượu là đối tượng chúng ta cho rằng cần được hết sức quan tâm vì rượu dởm hiện nay phổ biến rất nhiều trong xã hội và làm thất thu ngành này cũng như ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của con người. Trong nhiều trường hợp, rượu cũng ảnh hưởng đến việc gây tai nạn giao thông, rượu cũng dẫn đến bạo lực gia đình và cuối cùng uống rượu nhiều cũng làm đình đốn sản xuất cho nên chúng tôi rất quan tâm đến yếu tố này. Có thể nói rằng hiện nay có ý kiến khác nhau không phù hợp đến sức khoẻ của con người, bởi vì tôi thấy rượu dưới 20độ, luật cũ thuế suất là 20%, đối với dự thảo luật mới cũng là 20%, trong khi loại rượu từ 20-40% độ cồn thuế suất cũ là 30% thì chúng ta nâng ngay lên 50%. Với cách này chúng tôi thấy loại rượu này khả năng cạnh tranh trên thị trường trong thời gian sắp tới đối với rượu công nghiệp sẽ giảm đi rất lớn. Vì hiện nay có thể nói khoảng 80% rượu sản xuất trong dân, loại rượu này chúng ta không kiểm soát được chất lượng và nhiều kết quả phân tích cho thấy loại rượu này có tới 17,2% methanol gây độc cho con người, trong khi quy định chỉ có 0,1%, tức là có độ độc vượt quy định tới 172 lần. Trong khi chúng ta đưa thuế suất của rượu từ 30 lên 50% thì vô hình chung rượu kiểm soát được sẽ rất khó sản xuất trong tương lai và rượu dởm, rượu không kiểm soát được sẽ tiếp tục phổ biến, vì rượu trong dân mình hiện bây giờ khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn/ lít, trong khi rượu bán có công nghiệp thì khoảng từ 15 nghìn đến 40 nghìn/ nửa lít, như vậy đắt gấp từ khoảng 4 đến 6 lần, rất khó cạnh tranh. Tôi xin đề nghị với cách nhìn như vậy tôi thấy chính sách cũ của dự thảo cũ đang hiện hành hợp lý hơn cái mới này, nhưng chúng ta bị lệ thuộc vào WTO quy định là phải có một sự bình đẳng ở đâu? Chúng tôi xin đề nghị là chúng ta có thể đánh thuế theo độ cồn tuyệt đối, đưa lên thành 100%. Không thể loại rượu 65% độ cồn hiện nay cũng như loại rượu 21% độ cồn, nếu nhìn ở góc độ về sức khỏe người tiêu dùng, vấn đề về an sinh xã hội, vấn đề về nhiều mặt khác, chúng tôi thấy đi theo hướng đó phù hợp hơn.

Về vấn đề bia, có thể nói hiện bây giờ bia đang từ 75% đối với bia chai, bia lon xuống còn lại 45% ở giai đoạn đầu và 50% thuế suất từ năm 2013 trở đi, khi giảm như vậy sẽ tăng cường người uống bia lên vì trừ lon và vỏ chai chỉ là một phần rất nhỏ. Và bia hơi đang từ 30% lên 45% trong thời gian đầu và sau đó từ 50% như bia chai thì bia hơi sẽ dần dần bị giảm đi mà hiện nay đang giảm mạnh. Trong khi đấy độ bia hơi chỉ có 3% độ cồn, còn bia kia là 4,5 đến 5%. Như vậy chúng ta khuyến khích uống loại bia nặng hơn là loại nhẹ, nên tôi thấy nhìn ở góc độ bảo vệ sức khỏe con người, thì tôi thấy điều này không phù hợp. Tôi chứng kiến, người ta vào quán uống bia không phải gọi 1 chai, 2 chai mà mang cả két, sau đấy mấy ông ngồi với nhau đến chiều thấy rất nhiều két bia và có ông bảo tôi uống vài chục chai, như vậy rõ ràng hết sức, không tiếc tiền. Tôi xin đề nghị, phải dùng thuế suất cao hơn đối với bia lon và bia chai, nhưng bia hơi thì nên giảm đi và không nên cùng một thuế suất đó, đương nhiên là theo quy định lại cùng chung. Tôi cho rằng có thể có một ngôn ngữ nào đó chẳng hạn như loại giải khát có cồn một ngôn ngữ khác. Tại sao rượu dưới 20% độ cồn thuế suất có 20% mà trên 20% lại lên tới 50%, chỉ cần tăng thêm 1 độ cồn, là thuế suất cao lên rồi.

Chúng tôi thấy rằng, tại đây về mặt logic vẫn chưa hoàn chỉnh lắm, nếu như chúng ta coi như là thuế tiêu thụ đặc biệt là trong đó có mục tiêu định hướng, hướng dẫn cho người tiêu dùng. Đồng thời cũng là thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội. 

Lê Quốc Dung  - Thái Bình 

Tôi nhất trí với các Báo cáo và một số đại biểu đã có ý kiến, tôi cũng có một số ý kiến về vấn đề hơi khác một chút cho nên rất mong đại biểu và Quốc hội quan tâm để chúng ta bàn thêm vấn đề này.

Tôi nghĩ thuế tiêu thụ đặc biệt không nhất thiết cứ đánh vào xa xỉ, mà quan niệm bây giờ thế nào là hàng xa xỉ cũng không phải đơn giản, cơ chế kinh tế thị trường này có lẽ người ta thực dụng rất nhiều, cho nên thứ sa sỉ lại ít đi. Cho nên, chúng tôi thấy hiểu thuế tiêu thụ đặc biệt nên rộng hơn để chúng ta có một quan điểm xây dựng đánh thuế cho chuẩn.

Về quan điểm của chúng tôi, có lẽ thuế tiêu thụ đặc biệt này cũng nằm trong cái chung, nó xuất phát từ những vấn đề rất quan trọng của chúng ta hiện nay. Thứ nhất, tình hình thu ngân sách và cơ cấu nguồn thu ngân sách của nước ta hiện nay không đơn giản. Bởi vì qua báo cáo của năm 2008 chúng tôi thấy phần thu ngân sách bền vững, thu từ nội bộ nền kinh tế, thu từ nội địa chỉ chiếm khoảng 46%, còn phần thu bấp bênh như bán đất, bán dầu, bán than, vay viện trợ v.v... chiếm 54%. Vậy tại sao chúng ta bán đất để chúng ta tăng thu ngân sách được mà không tính toán kỹ càng, chúng ta lại không mở rộng thu thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt. Cho nên chúng tôi cho rằng thuế này cần mở rộng lên để chúng ta chuyển cơ cấu nguồn thu sang bền vững. Hiện nay chúng ta đang đánh thuế thu nhập cá nhân từ 4,5 triệu trở lên chúng ta còn đánh được, sử dụng xe 125cm3 trở lên là những cái rất cần phải đánh mà có số đông đông, hay điều hòa nhiệt độ cũng có số đông đông cần phải đánh, thì tại sao không nên đánh? Theo tôi cần phải đánh. Bởi vì nếu chúng ta chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở những số ít thì không đáng là bao nhiêu cả.

Quan điểm thứ hai là giai đoạn, đất nước phát triển còn rất thấp, phải tiết kiệm rất nhiều, phải thắt lưng buộc bụng rất nhiều. Ví dụ, ở nước Nhật hiện nay người ta rất giàu, nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng có thể nói tất cả vấn đề điều hòa nhiệt độ, các phòng điều hòa từ Thủ tướng đến Nhà vua cho đến nhân viên phải để từ 28 độ trở lên, nghĩa là người ta tiết kiệm kinh khủng. Như không nhất thiết đi họp, đón tiếp phải thắt cavát. Tại sao chúng ta không dùng thuế này để chúng ta tiết kiệm mạnh hơn nữa. Việt Nam ta còn tập quán có nhiều chỗ dùng rất lãng phí, ăn uống, cưới xin, lễ hội, đám ma, đám chay, tiếp bạn bè giao lưu v.v... rất lãng phí, chúng ta phải đánh thuế để tiết kiệm lại. Ngay sổ xố của chúng ta cũng không phải đánh về xa xỉ mà đó cũng là vấn đề cần điều chỉnh.

Khoảng cách đời sống trong xã hội chúng ta đang doãng ra một cách kinh khủng, tại sao chúng ta không điều tiết mạnh tầng lớp từ trung lưu trở lên để nó thu hẹp lại, có nguồn họ thu nhập ngầm mà chúng ta chưa đánh được, chúng ta phải đánh vào phần tiêu thụ của họ, tại sao chúng ta không làm mạnh lên. Chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu làm tốt hơn vấn đề này.
Cần phải thống kê kỹ hơn nữa để có những cái không phải là xa xỉ mà có những cái rất đặc biệt. Ví dụ tiêu dùng đặc biệt ô nhiễm về môi trường cần phải đánh như túi ni lông, các hàng về đồ nhựa, tại sao không đánh để điều chỉnh dần và sau này chúng ta sẽ cấm nó. Tôi nghĩ thuế tiêu thụ này không phải đánh vào người giàu là chính, mà kể cả người bình thường, bình dân nếu nó đặc biệt về vấn đề này, vấn đề kia thì phải đánh.

Với quan điểm như vậy, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:

Đối với bia, tôi thấy cam kết của chúng ta về bia hơi, bia tươi với WTO là đã rõ rồi không phân biệt ra được cho nên cần phải đánh.
Chúng tôi thấy cần phải đánh cả những vỏ hộp, chúng tôi đề nghị cả vỏ hộp về nước hoa quả, chứ không phải chỉ bia, cần phải đánh bởi vì loại tiêu dùng này dùng rất nhiều kim loại mà kim loại hiện nay rất quý, khó, hiếm và sản xuất khó khăn. Tại sao chỉ có vỏ hộp bia mới đánh mà không đánh vỏ hộp nước hoa quả, nước hoa quả ai là người dùng, những người từ trung lưu trở lên, cho nên cần nghiên cứu để đánh thêm chúng ta mới có được nguồn thu mà đó là nguồn thu vững chắc. Kể cả thống kê thêm túi và ni lông, đồ nhựa làm ô nhiễm môi trường cần phải đánh thuế đặc biệt và mở rộng khái niệm thuế đặc biệt ra chứ không phải chỉ người giàu mới tiêu dùng đặc biệt.

Dưới này cả kinh doanh sổ xố cũng đưa vào đặc biệt, chúng ta hiện nay thu sổ xố hàng năm là 6.500 tỷ, nếu cộng vào nuôi bộ máy đó và chia phần thưởng thì khoảng 13.000 tỷ, chính người nghèo đang đánh sổ xố nhiều nhất, khi họ đánh thì càng nghèo đi và chúng ta lại đưa ngân sách xuống nào là nhà cửa, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát, xóa nghèo v.v... cách này không hay lắm. Chúng tôi nghĩ sổ xố nếu có đánh để giảm bớt thu sổ xố này đi, chơi sổ xố của những người nghèo nên đánh, đó cũng là một kiểu đặc biệt.

Đối với bia, rượu chúng tôi đồng tình có thể đánh rộng ra và nâng lên.

Đối với ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng không dùng xăng, chúng tôi nhất trí để khuyến khích loại này và chúng tôi nhất trí với bản dự thảo. Nhưng có vấn đề chúng tôi xin đề nghị, xe mô tô có dung tích từ 125 phân khối, chúng tôi đề nghị là cần đánh và có thể nâng thuế suất lên khoảng 30%, tàu bay, du thuyền thì hiện nay thực ra không có nhiều, chúng tôi cũng nhất trí và có thể nâng thuế suất lên. Riêng về điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống nên cần phải đánh và nâng lên khoảng 20% vì đây chiếm trong số đông của tầng lớp trung lưu, chúng tôi thấy đánh như thế mới có được thuế, còn nếu chỉ đánh những người giàu dùng ít như tàu bay, du thuyền thì đánh được bao nhiêu. Cho nên, chúng ta thấy chúng ta bán đất và thu tiền vào ngân sách được thì chỗ này chúng ta phải đánh thuế, mà đánh rất là công bằng và minh bạch, không có vấn đề gì, để giảm tiền bán tài nguyên đi.

Những vấn đề về vũ trường, mát xa, karaoke, casino, kinh doanh đặt cược, chúng tôi đề nghị phải nâng từ 40-50%, kinh doanh xổ số có thể nâng 20%, chúng tôi đề nghị mức như thế để chúng ta điều tiết và nó phù hợp hơn. Tôi xin hết ý kiến.
 
Phạm Thị Loan  - TP Hà Nội 

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi xin có một số ý kiến như sau. Đây là một sắc thuế gián thu điều tiết thu nhập định hướng sản xuất, định hướng tiêu dùng, cân đối nguồn thu, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với những cam kết quốc tế. Với những mục tiêu ấy, tôi nghĩ rằng để xét những hạng mục thuế đưa vào để tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải có mối quan hệ tổng hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có thể tôi là một doanh nghiệp, nhưng cũng không thể đứng trên lợi ích một doanh nghiệp để phát biểu, mà chúng ta phải trên mối quan hệ tổng hòa giữa 3 đối tượng đó. Tôi có một số ý kiến cụ thể như sau:

Một là về đối tượng chịu thế, tôi rấn tán thành với nhiều ý kiến trước, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Hương - Đà Nẵng. Tôi thấy trong sắc thuế này đang còn thiếu một số hạng mục mà chúng ta chưa đưa vào để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đó là dịch vụ làm đẹp. Tôi là phụ nữ nhưng tôi cũng rất tán thành chúng ta nên đưa dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ vào để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Về xe máy phân khối lớn cũng vậy, hiện nay chúng ta đang muốn giảm phương tiện cá nhân và đường giao thông hiện nay đang rất chật hẹp cho nên xe máy phân khối từ 125cc trở lên tôi cũng đồng ý đưa vào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối với điều hoà nhiệt độ có lẽ chúng ta cũng cần xem xét, vì hiện nay đối với điều hoà nhiệt độ cũng giống như điện, cũng giống như nước, nó là một thiết bị cần thiết cho các toà nhà. Cho nên theo quan điểm của tôi chúng ta nên để trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng để ở mức độ phù hợp để sau này tiến tới chúng ta có thể bỏ dần thuế tiêu thụ đặc biệt cho hạng mục này.

Về thuế suất và phương pháp tính thuế, đối với ôtô tôi không đồng tình với việc hạ thuế suất của loại từ 5-9 chỗ ngồi dung tích xylanh dưới 2.000cc xuống 40%, tôi đề nghị nên để ở mức cũ là 50%. Bởi vì nếu như chúng ta hạ mức thuế này thì nó mâu thuẫn với mục tiêu sửa đổi luật và không đảm bảo yêu cầu định hướng tiêu dùng. Đề nghị loại xe này phải được đưa lên 50% vì đây là loại xe chiếm tới 60% lượng xe, nếu như chúng ta giảm xuống thì sẽ giảm lượng thu của ngân sách Nhà nước và cũng không phù hợp.

Điểm thứ hai là xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. Tôi đề nghị nên đưa vào biểu thuế tiêu thụ bình thường như loại xe 2.000cc trở xuống hay 3.000cc trở lên. Vì như một số phân tích trên, thì người sử dụng những loại đó cũng phải là những người giàu có mà mục tiêu của chúng ta giảm bớt phương tiện cá nhân và bảo đảm cho giao thông. Tôi đề nghị nên đưa về biểu thuế như các dòng xe khác.

Thứ hai, về bia, rượu, tôi hiểu rằng chúng ta có một cam kết quốc tế là đối với bia chỉ được một dòng cho nên chúng ta không thể tách ra làm hai hay ba loại, mà chúng ta chỉ có một mục thuế thôi. Cho nên tôi đề nghị đối với bia, rượu, thì ra nên để mức thuế cao hơn một chút là tăng thuế chung lên 50% cho các loại bia và không tách vỏ hộp như trong dự thảo. Bởi vì đã tính bán thì ta phải tính giá bán ra, mà anh bán ra giá nào thì anh sẽ tính thuế trên giá bán ra, cho nên nếu người ta không bán vỏ thì người ta không tính vỏ và nếu người ta không bán lon thì người ta không tính lon, nhưng nếu đã bán lon, bán vỏ thì phải tính cả thuế trên giá bán ra. Cho nên tôi đề nghị một dòng thuế, nhưng đặt ở mức 50%, bởi vì hiện nay thuế cho bia nếu chúng ta đưa về 45% như thế này thì hàng năm chúng ta thất thu cho ngân sách Nhà nước là 1.600 tỷ. Cho nên cũng chẳng lý do gì mà tại sao lại hạ xuống là 45%, để giảm xuống mất 1.600 tỷ hàng năm cho ngân sách của Nhà nước.

Thứ ba, về miễn, giảm thuế. Tôi đề nghị bỏ chính sách miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, nếu anh bán hàng ra thì anh mới thu, còn nếu anh không bán hàng thì anh không thu. Do vậy nếu anh có vấn đề gì cần hỗ trợ cho người nộp thuế thì đã thể hiện ở các sắc thuế trực thu. Cho nên đây là thuế gián thu và tôi đề nghị nên bỏ quy định miễn, giảm.

Cuối cùng, về thẩm quyền. Tôi cũng như các đại biểu trước đây, tôi đề nghị thẩm quyền quyết định về thuế tiêu thụ đặc biệt phải để Quốc hội, bởi vì các kỳ họp Quốc hội cũng không xa nhau và đây là một biểu thuế để làm ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên chúng ta không nên cứ thay đổi thường xuyên dẫn đến những bất cập và những lo lắng trong xã hội, đề nghị để thẩm quyền cho Quốc hội. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Dương Kim Anh  - Trà Vinh 

Ý kiến của tôi cũng nhằm thể hiện sự tán thành với nội dung Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Báo cáo thẩm tra đã đánh giá, phân tích khá kỹ những vấn đề phù hợp, chưa phù hợp trong những điều khoản của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này. Tôi cũng rất nhất trí với 4 quan điểm, mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mà Ủy ban Tài chính, ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra. Đó là phải phù hợp với định hướng chiến lược của cải cách hệ thống thuế tới năm 2020, phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với cam kết quốc tế, thu hẹp quy định về miễn thuế, giảm thuế, thể hiện tính công khai, minh bạch trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) so với luật hiện hành ít hơn 17 điều, có nhiều điều bỏ, có một số điều mới, có những điều được sửa đổi, bổ sung thêm phù hợp với thực tế, với xu thế hội nhập quốc tế như đưa trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược, các chế phẩm từ lá thuốc lá, mô tô có dung tích xylanh trên 125cc trở lên vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là những dịch vụ, những mặt hàng trong những năm gần đây có xu hướng phát triển, số lượng người tham gia sử dụng ngày càng nhiều mà đa phần là những người có thu nhập cao trong xã hội.

Tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát thật kỹ lại các mặt hàng dịch vụ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà luật chưa đưa vào để đưa vào đối tượng chịu thuế của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này. Nếu tính không kỹ, điểm danh không hết đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì Nhà nước sẽ thất thu và không đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp. Tuy mục đích của việc sửa đổi luật lần này là theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế, nhưng theo tôi mở rộng vẫn phải tính đến yếu tố ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất kinh doanh đảm bảo cho phát triển. Với suy nghĩ như vậy nên tôi xin có một số ý kiến tham gia cụ thể sau đây.

Tôi đề nghị bỏ điều hoà nhiệt độ ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lý do như nhiều đại biểu đã phân tích khi tham gia ở tổ cũng như ở Hội trường hôm nay. Tôi chỉ góp thêm ý kiến thể hiện sự tán thành và đề nghị bổ sung dịch vụ kinh doanh loại hình bowlling vào đối tượng chịu thuế.

Về giá tính thuế, Điều 6, Khoản 3 có quy định: đối với hàng hoá gia công là giá tính thuế của hàng hoá bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng. Đề nghị bổ sung thêm cụm từ "nhưng chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng" để rõ nghĩa hơn.

Về đối tượng chịu thuế Điều 2, Khoản 1 Điểm d có quy định: ôtô chở người dưới 24 chỗ, kể cả ôtô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng loại có 2 hàng ghế trở lên. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "loại có 2 hàng ghế trở lên", vì quy định như vậy dễ gây gian lận thương mại, chỉ cần quy định ôtô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng hoá là đủ.

Ở Điều 3, Khoản 3 quy định: tàu bay và du thuyền sử dụng mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch là đối tượng không chịu thuế. Nhưng ở Điểm e, Khoản 1, Điều 2 lại quy định tàu bay và du thuyền là đối tượng chịu thuế, như vậy tàu bay và du thuyền là đối tượng chiụ thuế để sử dụng cho mục đích gì? Để làm rõ chỗ này tôi đề nghị nên quy định số ghế của tàu bay hoặc trọng tải của du thuyền làm căn cứ xác định đối tượng chịu thuế, hoặc không chịu thuế. Tại Điều 9, ý hai quy định mức giảm được xác định trên cơ sở số thiệt hại do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp theo luật đề nghị sửa lại là mức giảm được xác định trên cơ sở số thiệt hại do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi đã được bồi thường nếu có và không quá số thuế tiêu thụ đặc biệt của năm bị thiệt hại theo luật định, đồng thời đề nghị bỏ đoạn cuối trường hợp bị thiệt hại nặng không còn khả năng sản xuất kinh doanh và nộp thuế thì được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt. Xin hết
 
Đàng Thị Mỹ Hương  - Ninh Thuận 

Để luật được ban hành và đảm bảo thuyết phục được sự đồng tình của xã hội, đảm bảo được sự công bằng trong các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi đề nghị Quốc hội xem xét thật kỹ, thật phù hợp trước khi quyết định, cần phân tích đúng đối tượng tiêu thụ hàng hóa và các dịch vụ đặc biệt có trong xã hội ta. Sức tiêu thụ này có ảnh hưởng như thế nào đến xã hội, đến nền kinh tế của nước ta, đặc biệt đối với các đối tượng được giảm thuế khi ta thực hiện giảm thuế liệu có tăng sức mua hay không? có gây đột biết về trật tự an ninh, an toàn giao thông, an toàn xã hội hay không, tránh việc ta quyết định tăng thuế hay giảm thuế vô tình tạo điều kiện làm lợi cho những đối tượng đầu cơ tích trữ, cho nhóm đối tượng về lợi ích cá nhân có dịp phát triển thu lợi nhuận cao cho riêng mình làm biến động lớn về thị trường, trách tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua chúng ta thấy thuế suất của ta đã làm ảnh hưởng không ít tiêu cực đến đời sống kinh tế của người dân.

Từ vấn đề trên, tôi xin góp ý vào dự thảo luật như sau.

Về đối tượng chịu thuế, tuy ý kiến của tôi cũng có trùng với những ý kiến của các đại biểu trước tôi nhưng tôi vẫn phát biểu để thể hiện chính kiến của mình.

Đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ thì tôi không tán đồng đưa đối tượng này vào luật là đối tượng chịu thuế hoàn toàn vì tôi cho là không thỏa đáng, bởi lẽ như những ý kiến mà các đại biểu đã phát biểu. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải khảo sát lại công sức của máy điều hòa nhiệt độ như thế nào là đủ để sử dụng trong các hộ gia đình với diện tích phòng thông dụng thì ta nên miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho những người dân, những người mà đang sống trong điều kiện của nước ta là điều kiện khí hậu nhiệt đới và những người dân phải sống trong thành phố đô thị chật hẹp. Còn những mặt hàng nào mà có công suất cao hơn phục vụ cho kinh doanh sản xuất thì ta nên đánh thuế theo mức thuế của dự thảo luật quy định.

Bên cạnh đó tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa đối tượng như kim cương, các loại đá quý và các dịch vụ sửa sắc đẹp vào đối tượng tiêu thụ thuế đặc biệt. Tôi lưu ý là các dịch vụ sửa sắc đẹp và quan trọng là ta có quản lý được hoạt động kinh doanh này để mà thực hiện thu thuế được hay không. Còn các mặt hàng mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thì tôi nghĩ không nên đưa vào, bởi vì đây là nhu cầu thiết yếu của chị em phụ nữ làm đẹp cho mình và cho xã hội.

Về mức thuế suất, thứ nhất, tôi thống nhất với việc gộp lại, quy định loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống của dự thảo luật nhưng tôi không thống nhất với việc quy định mức thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống được giảm thuế suất còn 40%. Theo tôi nếu áp thuế như thế thì có khả năng sẽ làm tăng sức mua nhanh đối với loại xe này nhưng tình hình cơ sở hạ tầng giao thông của ta trong giai đoạn hiện nay thì tôi cho là chưa cho phép để có thể tăng loại xe ô tô này tham gia giao thông trên đường, tôi thấy rất mâu thuẫn.

Một mặt Chính phủ, Nhà nước ta đang ra sức vận động người dân ở các thành phố lớn có nạn kẹt xe thì nên giảm lưu lượng xe giao thông trên đường, động viên mọi người nên đi xe buýt. Nhưng trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại đồng tình giảm thuế suất đối với loại ô tô này để cho người dân có thêm cơ hội mua xe ô tô với phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Như vậy tôi thấy chúng ta chưa tinh toán đến khả năng cơ sở hạ tầng giao thông của ta liệu có thể đáp ứng được số lượng khi chúng ta giảm thuế để tăng xe ô tô giao thông trên đường hay không, đặc biệt là nạn kẹt xe của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi đề nghị Ban dự thảo luật chúng ta cần tính toán lại cho phù hợp, đừng kích cầu việc sử dụng ô tô, đặc biệt ô tô chở từ 5 người trong tình hình giao thông như hiện nay. Tôi đề nghị giữa nguyên thuế suất là 50% cho cả hai loại xe ô tô từ 3000 phân khối trở xuống và quy định loại xe ô tô từ 3000 phân khối trở lên cần tăng thuế suất lên là 65% hoặc 70%. Bởi vì hiện nay chúng ta thấy các nhà kinh doanh, những đối tượng có thu nhập cao đa số họ chuộng những loại xe này.

Thứ hai, về thuế suất của mặt hàng bài lá, tôi đề nghị cần nâng lên là 45%.

Thứ ba, các dịch vụ casino, vũ trường cần nâng thuế suất lên từ 45% lên là 50%, tôi cho là phù hợp với tình hình của xã hội ta hiện nay. Riêng đối với dịch vụ massage, chúng ta cần phân loại dịch vụ massage của các tổ chức, cá nhân, của những người khiếm thị. Tôi đề nghị không tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, bởi lẽ người ta nói "giàu hai con mắt" ý muốn nói người khiếm thị chịu rất nhiều thiệt thòi đã tìm cho mình một nghề phù hợp trong đó có nghề dịch vụ massage. Tôi nghĩ chắc chắn rằng dịch vụ massage của người khiếm thị là lành mạnh và cũng tin tưởng rằng những người sử dụng dịch vụ massage của người khiếm thị cũng vì mục đích trị liệu, thư giãn, chia sẻ cùng người khuyết tật. Để khuyến khích, động viên họ, những người khiếm thị biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tôi đề nghị Ban soạn thảo có nên đưa đối tượng này vào đối tượng miễn thuế hay không hoặc chúng ta thực hiện giảm như luật hiện hành để có thể hạ giá thành so với các dịch vụ massage cao cấp khác, tạo điều kiện sống cho những người khiếm thị.

Khoản 2, Điều 7, tôi đề nghị giao thẩm quyền quyết định thuế suất cụ thể trong phạm vi tăng hoặc giảm thuế suất tối đa không quá 20% và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không giao cho Chính phủ. Như vậy trong trường hợp nếu muốn tăng hay giảm mức thuế suất trong phạm vi nêu trên thì Chính phủ phải đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội sau, như ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về Điều 9, giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi đề nghị chúng ta cần cân nhắc lại điều này, quy định như dự thảo luật là chưa phù hợp. Bởi vì theo tôi nghĩ thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, do người tiêu thụ đóng qua doanh nghiệp cho Nhà nước chứ không phải do bản thân doanh nghiệp đóng cho Nhà nước, nên dù có xảy ra tai nạn hay rủi ro v.v... thì doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ chuyển tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của người dân đóng cho Nhà nước chứ không phải miễn giảm cho hoạt động này. Tôi đề nghị cần quy định lại cho rõ ràng, xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Võ Minh Thức   - Phú Yên 

Tôi thống nhất như chỉ đạo của Chủ trì hội nghị, tôi xin tham gia cụ thể 3 vấn đề:

Một là vấn đề liên quan đến thuế bia rượu, thứ hai là thuế xe đặc biệt đối với xe pick-up., thứ ba là thẩm quyền điều chỉnh của thuế suất của Chính phủ.

Vấn đề thứ nhất, về vấn đề bia rượu, nhiều đại biểu đã trình bày, chúng ta phân tích đến nay có 3 việc liên quan tới cái này.

Một là về cam kết của WTO sau 3 năm ký chúng ta phải điều chỉnh

Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất bia lon, có sự phân biệt giữa vỏ chai và vỏ bia lon.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề bia hơi, hiện nay liên quan đến số đông người lao động dùng và đây là đối tượng khi chúng ta điều chỉnh luật này, nó bị thiệt hại nhất, khó khăn nhất. Trên góc độ đó, chúng tôi hết sức chia sẻ đối với lộ trình của Chính phủ, chia làm hai gia đoạn sẽ giải quyết hài hòa 3 mối quan hệ này. Như vậy, chúng tôi thấy bia lon thì đồng ý như dự thảo, bia chai khi điều chỉnh thì có lợi theo hướng cho người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng được lợi và người sản xuất cũng có cơ hội để cải thiện sản xuất một cách tốt hơn.

Riêng bia hơi, tôi đồng ý với nhiều ý kiến của các đại biểu cũng như thảo luận ở tổ, khi chúng ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30- 40% thì đã có trên 50% doanh nghiệp này không còn sản xuất được rồi, bây giờ chúng ta tăng lên đến 50% thì liệu bao nhiêu doanh nghiệp này sẽ được chuyển đổi dây chuyền sản xuất để người ta có thể tồn tại được. Đây là vấn đề đặt ra chúng ta cần phải cân nhắc và liên quan đến rất nhiều người lao động có nhu cầu, chúng tôi đồng ý với đại biểu Dương Trung Quốc khi thảo luận ở tổ, uống bia ngoài những đối tượng say chưa nói, nhưng đây còn vấn đề nhân văn, uống bia trong điều kiện xứ nhiệt đới chúng ta, thì đây là nhu cầu bức thiết, người dân cần phải có bia rẻ và bia có chất lượng để uống. Cho nên, từ cái đó khi chúng ta giảm thuế thì chúng ta cũng bị thất thu, doanh nghiệp không phải dễ dàng gì thay đổi dây chuyền sản xuất và khấu hao hết những thiết bị tài sản không sản xuất được. Qua những cái này, chúng tôi xin đề nghị:

Một, bia hơi nên giữ nguyên thuế suất 30% như những năm 2006, 2007, như vậy chúng ta cho phép đến năm 2010, như vậy trong 3 năm anh phải giữ cái này để thay đổi dây chuyền.
Đề nghị Chính phủ phải có lộ trình khuyến khích ưu đãi như thế nào để cho các doanh nghiệp sản xuất bia chai, bia lon hiện nay chất lượng cao phải mua những cái này, đầu tư cái này thì được ưu đãi thuế, thì chúng ta mới đảm bảo được và người dân mới có bia để uống.
Đối với bia chai tôi đồng ý như giải trình của Chính phủ, thực ra hiện nay sản xuất bia chai cũng như sản xuất nước uống làm bằng chai thì tổn thất của vỏ chai rất lớn. Khi chúng ta không đánh thuế bia có vỏ chai thì bia hơi nồng lượng nâng lên bằng cái này, những người thu nhập người ta hưởng được. Còn bia lon hiện nay chúng ta đánh thuế 75% hạ xuống cái đó thì nó cũng giữ nguyên chứ không có thiệt hại gì cả.

Chúng tôi đồng tình với giải trình của Chính phủ, tôi đề nghị phải giảm bia hơi xuống không phải là 40% nữa, mà 30% thôi, bia chai nên là 50% thì lộ trình này phù hợp hơn.

Đối với xe Pick-up là xe chở người và xe chuyên dùng. Quan điểm đây là đối tượng mới so với luật thuế cũ chúng ta đánh thuế 15%, chúng tôi đề nghị không thu, hiện nay chúng ta đang rất khó khăn khi chuyển đổi, xe công nông bây giờ không đăng ký được, trong khi hạ tầng của ta chưa đảm bảo thì việc chúng ta cần phải khuyến khích xe này, xe này chủ yếu phục vụ sản xuất là chính cho nên chúng ta không nên đánh thuế mà thậm chí khuyến khích để thay đổi. Nếu có đánh thuế phải chăng là những xe mặt hàng cao cấp chúng ta nhập, chứ không ít xe chạy phố chỉ đánh thuế 5%, nếu có xe cao cấp, đầy đủ tiện nghi, xe sản xuất trong nước phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và xe phục vụ sản xuất thì chúng ta không đánh thuế. Xe Pick-up có thùng đằng sau, ngồi thì toàn khói bụi chứ có gì đâu mà đánh thuế, cho nên xe này quan điểm của tôi đề nghị như cũ, không đánh thuế 15%.

Thứ ba, về thẩm quyền điều chỉnh thuế suất, theo Khoản 2, Điều 7 như trong Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt theo thẩm định của Uỷ ban Tài chính, ngân sách và nhiều đại biểu, đây là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thẩm quyền của Quốc hội thì một là chỉ uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong 2 kỳ họp để điều hành các công việc, trong trường hợp thật cần thiết thì Chính phủ trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định và sau đó thông báo cho Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Thứ hai, nếu thấy không cần thiết, để Quốc hội quyết định cũng được, thì nên để đến kỳ họp Quốc hội. Tôi thấy Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình rất rõ lý do và rất nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này. Xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.
 
Đặng Như Lợi  - Cà Mau 

Kính thưa Quốc hội, tôi nghĩ trước khi bàn về nội dung cụ thể của dự án luật có lẽ chúng ta cũng nên xem lại mục tiêu của dự án luật này. Một là bàn cho đúng nếu chúng ta không thay đổi về mục tiêu, chứ không ta bàn một hồi lại xa rời mục tiêu của dự án luật này.

Thứ hai là cũng trên cơ sở mục tiêu đó tôi thấy còn nhiều mặt hàng liên quan đến mục tiêu mà ta đã đặt ra, đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra bổ sung các mặt hàng, thời gian cũng không cho phép để nêu ra vì rất nhiều.

Tôi thấy Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách đã có ý kiến của các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến nêu ra rất đúng, tôi đề nghị đã như vậy rồi thì ta cũng đừng để mất thời gian, có nhiều nội dung đã tán đồng như vậy thì xin Ban soạn thảo với cơ quan thẩm tra chỉ chỉnh lý dự án luật, làm sao thể hiện cái đó là những cái đã được xem xét khá kỹ.

Chúng ta cũng cố gắng làm sao dự báo đúng tình hình, tính toán có căn cứ khoa học hợp lý và tham khảo thêm các sắc thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước trong khu vực và quốc tế để ban hành sắc thuế này có tuổi thọ một chút. Chứ cứ được một vài ba năm lại thay đổi luôn thì người tiêu dùng và người đầu tư cũng không an lòng. Tôi xin đi vào cụ thể một số nội dung theo gợi ý:

Một, đối tượng chịu thuế, các đồng chí có nêu nhiều đến điều hòa nhiệt độ. Tôi không tán thành việc lập luận là máy điều hòa nhiệt độ bây giờ không phải hàng xa xỉ, đây là hàng thông dụng. Bởi vì xung quanh cái đó tôi thấy còn rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, bài lá, vàng mã, đâu có phải xa xỉ, gần như cả nước sài mà tại sao ta vẫn cứ đánh? Bởi vì mục tiêu đã nêu ra cho nên ta phải làm. Bây giờ máy điều hòa khoảng 1/3 dân thành thị sài thôi, ai sài chắc cũng biết rồi, phải có thu nhập cao, nhà cửa đàng hoàng mới làm được, chứ nhà là nhà cấp bốn chắc chạy cũng không chạy nổi, có điều tiết cũng là cần thiết.

Hai nữa chắc là 10-15 năm nữa thì vấn đề về cân đối năng lượng của ta cũng là vấn đề. Đấy là chính sách điều chỉnh để có thể giữ được ổn định của năng lượng, chính sách năng lượng của ta.

Thứ ba, cũng nhiều đại biểu đã nói là môi trường, bây giờ anh làm mát trong nhà anh, anh lại làm nóng cho cả môi trường, cũng khổ lắm. Bây giờ những cái đó cũng cần xem xét một cách hợp lý trong điều kiện cụ thể của mình. Còn về lập luận không phải là hàng xa xỉ thì nhiều cái không xa xỉ. Tôi cho rằng cái đó nên đưa vào là đúng.

Còn về mức thuế suất, tôi chỉ đóng góp về vấn đề của rượu 20 độ, dưới 20 độ thì mức giữ nguyên là 20%, từ 20 độ trở lên thì thuế suất đang 20% đến dưới 40% thì là 30% bây giờ đưa lên là 50% và các mức trên 40%, trước đây là 65% thì bây giờ còn 50%. Tôi không hiểu là cơ sở nào đặt ra vấn đề này, bởi cái gọi là cái tận thu, không khuyến khích uống rượu độ cao hay vì cân đối của thuế suất với bia mà ta đặt ra cái này, tôi không hiểu được. Cơ sở lập luận mức 50% như vậy rõ ràng không thuyết phục mà do anh tự đặt ra, với mức này thì chắc buôn lậu tăng, bởi các nước xung quanh của ta mức rất thấp, các đồng chí có thể đưa ra tài liệu tham khảo để cho các đại biểu hiểu vấn đề này, các nước xung quanh thấp, thì nấu rượu lậu tôi nghĩ càng tăng bởi chính sách thuế như vậy là không hợp lý. Theo tôi, tôi đề nghị một phương án là thuế suất của rượu theo mức tuyệt đối tức là quy định bao nhiêu tiền trên 1 lít rượu theo nồng độ thì có mấy cái lợi:

Thứ nhất là dễ kiểm soát và dễ đo đếm tính toán.
Thứ hai là khuyến khích sản xuất rượu với chất lượng cao và tiêu dùng rượu ở chất lượng cao và các rượu truyền thống của ta cũng sẽ được bảo vệ.
Thứ ba, sẽ giảm được nấu và buôn rượu lậu.
Thứ tư, không bị so sánh với thuế suất của bia.

Theo tôi, đưa phương án đó tính toán rồi đưa ra cái phân tích giữa hai phương án để ta lựa chọn những cái nào có ưu điểm nhiều hơn thì nên đưa vào.

Ý kiến thứ ba, về vấn đề quản lý thuế, cái này đã có Luật quản lý thuế. Hiện nay khoảng 80% rượu do dân nấu và tiêu dùng, cái này vượt ra khỏi sự quản lý, chỉ có khoảng 20% là các đơn vị sản xuất kinh doanh nấu và cộng với nhập khẩu. Vậy trách nhiệm quản lý 80% mà lâu này thuộc về ai, có phải là cơ quan quản lý về vấn đề này là phải chịu trách nhiệm không? hay ta đặt ra luật rồi lại cũng chỉ điều chỉnh số đối tượng mà số đối tượng rất nhỏ, còn cái lớn nhất thì ta lại để ra ngoài và cái đó là trách nhiệm mà trong luật thuế đã quy định và nếu anh không quản lý được thì anh có phải là vi phạm về luật pháp Nhà nước không và cần phải có xử lý thế nào không. Cho nên căn cứ vào luật này theo tôi trên cơ sở của vấn đề thuế suất rượu thì đưa trình lộ quản lý và trách nhiệm quản lý của cơ quan thực hiện chính sách này ra sao. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Huỳnh Thị Hoài Thu  - Đồng Tháp 

Thứ nhất về đối tượng chịu thuế ở Điều 2, tôi cơ bản tán thành với dự thảo luật vì điều luật có sự minh bạch rõ ràng về đối tượng phải chịu thuế, có bổ sung thêm một số đối tượng mới mà thời gian qua chưa bắt buộc phải chịu thuế, thể hiện sự khái quát được những đối tượng có thể sẽ phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng như là điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Tôi đề nghị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế là kinh doanh xổ số kiến thiết, bởi vì trong thực tế xổ số kiết thiết là hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và góp phần vào việc giải quyết việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động, trong đó có một số người là lao động nghèo mà nguồn thu từ bán xổ số kiến thiết chủ yếu là phục vụ cho xây dựng kiến thiết cơ sở hạ tầng cho ở các địa phương.

Về máy điều hòa nhiệt độ, tôi đề nghị đưa ra khỏi diện chịu thuế, tôi thống nhất như cách phân tích của một số đại biểu trước tôi và đưa thêm vào đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đó là dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ. Tôi xin khẳng định là giải phẫu thẩm mỹ này chỉ phục vụ cho đối tượng có thu nhập cao và xã hội cũng không khuyến khích loại hình này.

Phần thứ hai, mức thuế suất. Điều 7, mức thuế suất đối với rượu, bia. Tôi thống nhất cao là các loại rượu có nồng độ cồn từ 20 độ trở lên phải chịu thuế. Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tiêu dùng loại mặt hàng đang phổ biến được nhiều người dân sử dụng. Việc hạn chế này sẽ giảm thiểu được các tệ nạn xã hội và bảo vệ được sức khỏe, đặc biệt là của nam giới.

Đối với bia, tôi thống nhất cao với quy định về việc không phân biệt bia hơi, bia tươi, bia lon, bia chai, mà quy định mức thuế suất chung đối với bia là 45% và thực hiện theo lộ trình từ năm 2010-2012, từ năm 2013 trở đi là 50% nhằm thực hiện cam kết khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Tôi cho rằng thực hiện mức thuế suất như thế cũng đảm bảo được nguyên tắc là điều tiết được tiêu dùng hợp lý quyền lợi của người tiêu dùng và ổn định thị trường cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Áp dụng thuế suất rượu, bia như thế cũng có lộ trình là từ nay đến năm 2010 chúng ta cũng có thời gian chuẩn bị để chuyển đổi cơ cấu một số mặt hàng của các cơ sở sản xuất truyền thống như rươu, bia chẳng hạn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hạn chế những tiêu cực, tệ nạn xã hội phát sinh từ rượu, bia. Tôi nghĩ rằng chỉ một số ít người với mục đích sử dụng rượu, bia để mang tính chất giải khát.

Vấn đề tiếp theo đó là kinh doanh sân golf, bán thẻ hội viên, vé chơi golf với thuế suất là 20%. Tôi đề nghị ở loại hình này chúng ta tăng lên là thuế suất 30%.

Về dịch vụ vũ trường, masage, kraoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược thì tôi đề nghị các loại hình dịch vụ này nên tăng mức thuế suất lên, mỗi loại hình tăng lên 10%.

Về thẩm quyền điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt. Tôi đề nghị nên giao cho Quốc hội quyết định. Xin hết.
 
Nguyễn Văn Pha  - Quảng Bình 

Tôi có 2 ý kiến nhỏ muốn bày tỏ quan điểm của mình với các đại biểu phát biểu từ sáng tới giờ:

Tôi cho rằng còn một số đại biểu quá lạc quan với tình hình đời sống cư dân chúng ta khi nói mặt hàng điều hòa nhiệt độ là thứ phổ thông. Do đặc thù công việc, chúng tôi có nhiều dịp đi các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bằng chúng tôi thấy đa số nhân dân ta không có điều kiện để dùng thứ này. Tôi nói không phải vì không mua được mà mua rồi lấy gì trả tiền điện cho nó. Tôi rất may mắn ở gần các đồng nghiệp ở đoàn Lai Châu, các anh chị nói như ở huyện Mường Tè - Lai Châu là huyện mà nhiệt độ thường cao hơn khu vực xung quanh thì cả Huyện ủy, Ủy ban chỉ có 3 điều hòa nhiệt độ, các đồng chí nói không đủ ngân sách để mà trả tiền đâu. Tôi thấy vấn đề này phải nghiên cứu cho kỹ, vì các đại biểu còn có ý kiến khác nhau nhiều quá. Hơn nữa ngay ở Hà Nội cũng không phải tất cả các bệnh viện đều có điều hòa nhiệt độ đâu, tôi đến thấy chỉ có một số phòng VIP, phòng dịch vụ, còn lại không có. Hay các phòng, ban của huyện cũng vậy, chỉ có một số đồng chí trưởng, phó phòng mới được trang bị điều hòa nhiệt độ còn các công nhân viên là không có.

Mặt khác việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng này là nhằm để hạn chế tiêu dùng, góp phần quan trọng vào tiệt kiệm điện và bảo vệ môi trường như một số các đại biểu đã phát biểu trước tôi, và đây là một chủ trương lớn của chúng ta trong 5, 10, 15 năm tới. Theo tôi cần đưa đối tượng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập và bảo đảm thu ngân sách cho Nhà nước.

Thứ hai, về mặt hàng mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Tôi không đồng tình với một số ý kiến cho rằng phải đánh thuế. Theo tôi làm đẹp là nhu cầu của tất cả mọi người mà trong đó phụ nữ là chủ thể trung tâm và nhất là ở nước ta phụ nữ chiếm đa số. Việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp không những góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp lên, mà còn góp phần thực hiện bình đẳng giới. Tôi biết hiện nay khi mặt hàng này chưa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà đã rất đắt đỏ, nhiều chị em có thu nhập thấp thì không thể chịu nổi, nếu chúng ta đánh thuế nữa thì sẽ có rất nhiều phụ nữ mất quyền làm đẹp, mất cơ hội làm đẹp. Cho nên tôi đề nghị không nên đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Cao Ngọc Xuyên  - Bạc Liêu 

Trước hết, tôi đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Qua trao đổi ở Hội trường, tôi xin có một số ý kiến.

Thứ nhất, đối với rượu, bia, tôi đồng ý theo Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội.

Thứ hai, về điều hòa nhiệt độ, cũng như nhiều ý kiến đề nghị, tôi cũng đề nghị vẫn giữ nguyên.

Đối với ô tô, tức là do ô tô dưới 9 chỗ ngồi trước đây chúng ta áp dụng 2 loại thuế suất khác nhau, bây giờ chúng ta lại áp dụng một cách phân loại khác là theo phân khối, cho nên làm cho xe từ 5-9 chỗ ngồi đang là 30%, nếu áp dụng 50% ngay thì nó tăng lên rất lớn, do đó rất khó khăn. Nếu chúng ta để giữ 2 việc là ô tô dưới 5 chỗ ngồi và trên 5 chỗ ngồi đến 9 chỗ ngồi là 40% thì làm giảm thuế đối với ô tô dưới 5 chỗ ngồi, tôi cũng đồng ý với các đại biểu là không nên giảm mức thuế này. Vì vậy, tôi đề nghị một phương án khác, tức là chúng ta có lộ trình để tiến tới cùng một cách phân loại theo phân khối. Do đó tôi đề nghị đối với ô tô từ 6-9 chỗ ngồi dưới 2.000 phân khối thì áp dụng 40%, còn ô tô cũng dưới 2.000 phân khối mà dưới 5 chỗ ngồi thì 50% giữ nguyên. Tương tự như vậy đối với loại 2.000-3.000 phân khối nếu từ 6-9 chỗ ngồi là 50% như dự thảo, nhưng loại dưới 5 chỗ ngồi thì là 55% và mức trên cùng vẫn là 60%. Tôi đề nghị một phương án đối với ô tô như vậy, tức là chúng ta vừa giữ phân theo phân khối, vừa giữ phân theo chỗ ngồi đúng với xe 9 chỗ ngồi trở xuống.

Thứ ba, đối với casino thì rất nhiều đại biểu đề nghị chúng ta phải tăng lên nhưng tôi đề nghị khi tăng thuế suất thì chúng ta cũng phải có một nguyên tắc không tăng quá lớn, tức là lớn ở đây là vì trước đây chúng ta thuế suất có 10% bây giờ chúng ta tăng lên 20%, có nghĩa chúng ta đã tăng gấp đôi. Như vậy nếu chúng ta tăng nữa thì mức tăng sẽ rất lớn, tôi đề nghị chúng ta giữ nguyên.

Đối với thẩm quyền, tôi đề nghị chúng ta bỏ Khoản 2, Điều 7 và coi như đấy là đương nhiên thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thứ tư, thuế suất đối với rượu, có nhiều đại biểu đề nghị đánh theo thuế suất tuyệt đối đối với độ cồn, tôi nghĩ việc này nếu áp dụng vào toàn bộ các sản phẩm rượu của chúng ta sẽ bị rượu nước ngoài cạnh tranh rất lớn. Bởi vì rượu nước ngoài thì giá trị cao và độ cồn của họ trên 45 độ, nhưng còn rượu của chúng ta giá trị thấp mà độ cồn cũng có thể gần tương đương. Nếu chúng ta đánh cùng một thuế suất tuyệt đối thì làm cho tỷ lệ mà nếu chia ra tỷ lệ thì thuế suất rượu của chúng ta sẽ rất lớn. Trong khi đó thì tỷ lệ rượu thuế suất từ tuyệt đối quy ra phần trăm thì đối với độ cồn của rượu nhập ngoại sẽ rất thấp  như vậy làm cho việc rượu của chúng ta bị cạnh tranh khốc liệt, rất khó đảm bảo cho sản xuất rượu của chúng ta tồn tại được. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.
 
Vũ Hồng Anh  - TP Hà Nội 

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế đề nghị Ban soạn thảo đưa các Khoản 2, 3, 4 của Điều 2 của dự thảo nghị định vào dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và bỏ thẩm quyền quy định chi tiết Điều 2 của Chính phủ tại Điều 11 của dự thảo luật. Về quy định cứng trong luật đối tượng chịu thuế sẽ đảm bảo tính ổn định cũng như tính minh bạch của các loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ hai, về thuế suất đã có nhiều ý kiến khác nhau, tôi xin tham gia 2 vấn đề sau.

Một là tôi chia sẻ với quan điểm của Ban soạn thảo cũng như đa số ý kiến của thành viên Uỷ ban Tài chính, ngân sách về hạ mức thuế suất đối với ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống từ 50% xuống còn 40% vì lý do sau. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt có ý kiến cho rằng sẽ làm tăng số lượng xe ôtô cá nhân, gây ùn tắc giao thông, tuy nhiên theo con số thống kê ở một số thành phố lớn, ví dụ Hà Nội trong số 4 loại hình mà người dân Hà Nội đang di chuyển chính thì tỷ trọng của xe máy chiếm tới 65%, xe buýt chiếm 15%, xe đạp và đi bộ chiếm 13%, các phương tiện khác, trong đó có ôtô và taxi chỉ chiếm khoảng 3%. Như vậy tình trạng quá tải gây nên ùn tắc giao thông do số lượng lớn xe máy đang lưu thông, theo con số thống kê hiện nay Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy.

Hai là việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo điều kiện để người dân có cơ hội mua xe phục vụ cho nhu cầu đi lại chính đáng của mình, đồng thời cũng phù hợp với định hướng của Bộ Giao thông vận tải về thị phần của các loại phương tiện tham gia giao thông trong cả nước nói chung và cho Hà Nội nói riêng. Theo định hướng của Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, ở Hà Nội thị phần vận tải của xe đạp chiếm 4%, xe máy là 30%, xe con và xe taxi chiếm 17% tức là tăng khoảng gần 6 lần so với hiện nay.

Ba là việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống tất nhiên sẽ có tác động đến tình hình nhập khẩu, nhưng không thể khẳng định việc giảm này sẽ làm gia tăng tình hình nhập siêu bởi vì công cụ thuế cơ bản để hạn chế tình trạng nhập siêu là thuế nhập khẩu. Thực tiễn những tháng qua cho thấy khi Chính phủ nâng mức thuế nhập khẩu đối với ô tô thì tình hình nhập khẩu ô tô đã giảm xuống rõ rệt. Bên cạnh đó việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 5 chỗ trở xuống còn có tác động tích cực đối với tiến trình nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô ở nước ta hiện nay.

Đối với sân golf đã có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề sân golf, tôi cho rằng chúng ta cần phải phân biệt chính sách không khuyến khích phát triển sân golf tức là chúng ta hạn chế cấp phép hoặc dừng cấp phép xây dựng sân golf. Đối với những sân golf đã được xây hiện nay chúng ta cần phải có chính sách để tạo cho các sân golf đã được xây phát huy được công năng. Việc phát huy công năng này nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phân cư dân cũng như người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở nước ta. Khuyến khích du lịch và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chúng ta đánh thuế quá cao thì không phát huy được công năng và việc chuyển đổi công năng của các sân golf đã được xây không phải đơn giản.

Về thẩm quyền liên quan đến điều chỉnh thuế suất, tôi xin đề cập đến  khía cạnh pháp lý của vấn đề. Theo quy định hiện hành Quốc hội có quyền quyết định các thứ thuế, mức thuế suất của từng loại thuế hoặc do Quốc hội quy định trong luật hoặc do Chính phủ quy định trong nghị định, hoặc Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh để quy định về mức thuế suất nào đó.

Tuy nhiên về nguyên tắc cơ quan nào quyết định mức thuế suất thì cơ quan đó sẽ điều chỉnh mức thuế suất. Quy định tại Khoản 2 Điều 7 dự thảo luật là trao cho Chính phủ quyền sửa đổi Khoản 2 Điều 7 tức là sửa đổi luật do Quốc hội ban hành. Như vậy trái với Hiến pháp hiện hành vì theo Hiến pháp hiện hành thì các Điều 83, 84 Hiến pháp quy định rõ Quốc hội là cơ quan duy nhất làm luật, sửa đổi luật. Mặt khác, Điều 91 Hiến pháp: không trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội bất kỳ quyền hạn nào liên quan đến cấp phép, điều chỉnh mức thuế suất. Nếu Quốc hội đã quy định trong luật về mức thuế suất thì Quốc hội cũng không thể trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất của mình, như chúng ta đã từng làm đối với thuế giá trị gia tăng năm 1997. Điểm cuối cùng của Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 là vi hiến.

Có ý kiến cho rằng nếu dự luật này được Quốc hội thông qua với hơn 2/3 tổng số đại biểu thì những quy định trái với Hiến pháp trong dự luật này sẽ được coi như là những bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, vì để thông qua Hiến pháp sửa đổi chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu. Quan điểm này không có cơ sở pháp lý, bởi lẽ vấn đề Quốc hội hiện nay đang bàn là sửa đổi luật, không phải là sửa đổi Hiến pháp. Bên cạnh đó không thể lấy thủ tục sửa đổi luật để thay thế cho thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Mặt khác, thực tiễn sửa đổi Hiến pháp những năm qua cho thấy để sửa đổi Hiến pháp Quốc hội ban hành Nghị quyết, không ban hành luật.

Trường hợp Quốc hội thông qua Khoản 2, Điều 7 của Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo tiền lệ cho các lần vi hiến tiếp theo. Như vậy bản Hiến pháp hiện hành sẽ không còn mang ý nghĩa là văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Khi Hiến pháp không còn mang ý nghĩa này nữa sẽ dẫn đến sự hỗn loạn, không thống nhất, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật của nước ta. Để khắc phục những bất cập trong quy định của Khoản 2, Điều 7 dự thảo luật có thể có 2 phương án sau đây.

Phương án thứ nhất, không quy định cụ thể mức thuế suất đối với ô tô mà giao cho Chính phủ quy định. Như vậy Chính phủ sẽ chủ động trong vấn đề nâng hoặc hạ mức thuế suất đối với loại mặt hàng này. Tuy nhiên, phương án này khó có thể đảm bảo tính ổn định của chính sách thuế, cũng như tính công khai, minh bạch trong chính sách thuế. Như vậy sẽ không đảm bảo 1 trong những yêu cầu sửa đổi luật đã đặt ra, đó là phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phương án thứ hai, bỏ quy định của Khoản 2, Điều 7. Như vậy việc điều chỉnh mức thuế suất của loại hàng hóa, dịch vụ này sẽ được điều chỉnh nếu như có nhu cầu thì 2 lần trong 1 năm như các vị đại biểu đã phân tích. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) năm 2008 đã có cơ chế là thông qua luật tại một kỳ họp, tôi nghĩ chính Dự thảo luật này cũng sẽ được thông qua tại một kỳ họp, như vậy sẽ bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế của quản lý nền kinh tế quốc dân. Tôi thống nhất thời điểm hiệu lực của Dự thảo luật này vào ngày 01/07/2009 như nhiều đại biểu phát biểu và đề nghị gộp Khoản 2, Khoản 3, Điều 10 thành một khoản với nội dung như sau: Các quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 05, 08 và Luật Thuế giá trị gia tăng số 57 bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009, ta thống nhất hai điều khoản này lại thành một. Xin hết, xin cảm ơn.
 
Trần Hữu Thế  - Phú Yên 

Đối với Điểm d, Điều 2, đối tượng chịu thuế, trước hết tôi có ý kiến như sau:
Ô tô chở người dưới 24 chỗ thì tôi không thống nhất vì ôtô từ 16 đến 24 chỗ thì phần lớn được dùng để chở người và phần lớn dùng cho các phương tiện công cộng, chứ  rất ít việc mua ô tô từ 16 đến 24 chỗ để sử dụng cá nhân. Cho nên vấn đề này, Điểm d, Khoản 1, Điều 2 thì tôi đề nghị nên sửa là ô tô chở người dưới 16 chỗ là đối tượng chịu thuế, còn các ô tô thiết kế cho chở người, chở hàng và loại có hai hàng ghế trở lên tôi đề nghị đưa ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đó là ý thứ nhất.

Thứ hai, Điểm h, tôi đồng tình với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước là nên đưa điều hòa nhiệt độ công suất 90.000 BTU trở xuống ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về Khoản 2, dịch vụ đối với Điểm a vũ trường, mát xa, karaoke, tôi đề nghị loại bỏ karaoke ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bởi vì đây là một loại hình để phục vụ vấn đề đời sống tinh thần cho nhân dân, trong khi chúng ta rất thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ cho nhân dân, vì vậy, tôi đề nghị đưa cái này ra.

Đối với giá tính thuế, tôi xin đề nghị đối với Điểm b, Khoản 4, Điều 6, đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí, đặt cược thì cách tính thuế đối với loại hình này tôi đề nghị tính từ doanh thu hoạt động nếu chúng ta tiền trả thưởng cho khách rồi mới tính thuế thì vấn đề này rất phức tạp và hiện nay chúng ta không có khả năng để tính toán được điều này, nên tôi đề nghị tính từ doanh thu của hoạt động này.

Điều 7, về mặt thuế suất, đối với Khoản 1, thuế suất tôi xin có ý kiến đối với phần 2 về danh mục hàng hóa về rượu tôi đề nghị giữ như thuế suất tiêu thụ đặc biệt hiện hành là đối với loại 40 độ trở lên, lấy thuế suất là 65%, thứ hai đối với rượu 20 độ và 40 độ tôi đồng ý giữ nguyên là 50%, thứ ba đối với loại rượu dưới 20 độ thì vấn đề này thực tế thị phần chi phối lớn nhất ở nước ta chủ yếu các loại rượu nước ngoài, nếu chúng ta để ở mức 20% như vậy rất thiệt thòi cho các nhà sản xuất  rượu trong nước, tôi đề nghị ở đây ở mức 35%.

Đối với bia, tôi có quan điểm khác đối với các đại biểu, là đối với bia chai, bia lon, tôi đề nghị giữ nguyên mức thuế suất là 75% như hiện nay bởi vì chúng ta không có căn cứ nào để chúng ta giảm thuế suất 75% xuống 50%, cũng không có cam kết quốc tế nào yêu cầu chúng ta phải giảm thuế suất loại này, khi giảm chúng ta lại mất nguồn thu ngân sách 1.200 tỷ theo cách tính, như vậy chúng ta phải cân đối bằng cách đi vay 1.200 tỷ của nước ngoài và như vậy mặc nhiên nhân dân Việt Nam phải trả nợ này trong tương lai, điều này hoàn toàn vô lý. Vì vậy để phù hợp với cam kết quốc tế về thuế đối với bia, với bia hơi tôi đề nghị tăng lên 75% nhưng với giải pháp như sau, chúng ta đều đề nghị đến năm 2013 chúng ta thống nhất về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là bia, trong này 50% nhưng với tôi là 75% nhưng từ giờ đến năm 2013 tôi đề nghị có quỹ hỗ trợ đối với việc chuyển đổi công nghệ đối với bia hơi và bia tươi, trong phần ngân sách, thay vì chúng ta mất đi một năm 1.200 tỷ như báo cáo của Chính phủ. 

Trong vấn đề giảm thuế suất đối với bia chai, bia lon thì chúng ta trích ra mỗi năm 100-200 tỷ để chúng ta hỗ trợ công nghệ đối với bia tươi, bia hơi để cho các doanh nghiệp này có thể hòa nhập được với việc sản xuất trong tương lại và đảm bảo chất lượng.

Đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như ý kiến ở Điều 2, tôi đề nghị ở Điểm c, d ô tô từ 16-24 chỗ và ô tô thiết kế vừa chở người và hàng tôi đề nghị loại bỏ không đưa vào dùng thuế tiêu thụ đặc biệt, cho nên ở đây không có thuế suất.

Điểm b, tôi đề nghị ô tô chở người thay vì từ 10-16 nên giữ nguyên từ 6-16 chỗ ngồi, trừ loại quy định tại các loại khác chúng ta giữ nguyên là 30%.

Điểm a, tôi đề nghị ô tô chở người từ 5 chỗ ngồi trở xuống sẽ chịu dòng thuế như trên nhưng với loại dung tích xi lanh được tính như sau:
Tôi chia làm hai loại, loại từ 3 ngàn cc trở xuống chịu mức thuế 50% và loại 3 ngàn cc trở lên chịu mức thuế 60% . Đối với Điểm e, tôi đề nghị chúng ta nên cân nhắc về năng lượng sinh học, vì nó liên quan đến an ninh lương thực, tôi đề nghị chúng ta nên cân nhắc về các cam kết quốc tế về an ninh lương thực.

Điểm d, vấn đề này tôi đề nghị xem xét lại, vì có căn cứ nào để chúng ta đảm bảo rằng xe này sẽ chạy trên 70% năng lượng, không quá 70% sử dụng xăng. Chỗ này chúng ta không có căn cứ nào để đảm bảo được.

Ở Điểm g, ô tô chạy điện và năng lượng thì tôi đề nghị loại xe trở từ 16 đến 24 chỗ ngồi và loại xe vừa chở người, vừa trở hàng tôi đề nghị ở mức thuế suất 0% vì ở đây vừa đảm bảo môi trường, vừa vấn đề đổi mới công nghệ, tôi đề nghị nên để mức này.
Loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tôi đề nghị ở mức thuế 10% và loại từ 10 chỗ đến 16 chỗ, tôi đề nghị mức thuế 5%.

Ở Mục số 6 về tàu bay và số 7 về du thuyền, tôi đề nghị chính sách thuế của chúng ta nhằm định hướng tiêu dùng là một, nhưng thứ hai còn yếu tố tạo nguồn và nuôi dưỡng nguồn thu. Ở đây hiện nay chúng ta chưa có, phải nói rất ít tàu bay, du thuyền, cho nên chúng ta điều chỉnh thuế ở đây cũng chưa có ích lợi gì, mà chúng ta phải làm sao để chúng ta có nhiều tàu bay, du thuyền hơn thì lúc đó chúng ta mới thu thuế được. Bên cạnh đó ngoài việc chúng ta thu thuế ra thì tàu bay, du thuyền mang tính dân sự đối với khoảng không, đối với lãnh hải thì nó cũng còn ý nghĩa giá trị khác. Tôi đề nghị ở hai loại này vẫn là dòng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tạm thời trước mắt chúng ta áp ở mức thuế 10%.

Ở phần 2 dịch vụ, phần vũ trường, mát xa, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên mức thuế 40% như dự thảo, nhưng karaoke tôi đề nghị loại ra. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.
 
Nguyễn Hoàng Anh  - TP Hải Phòng 

Trước hết tôi thống nhất quan điểm về việc cần thiết để điều chỉnh sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này. Nhưng tôi cũng rất đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Đặng Như Lợi, đó là chúng ta cần phải thống nhất mục tiêu và quan điểm về việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu chúng ta không bám lấy mục tiêu thì rõ ràng khi chúng ta thảo luận thì những vấn đề nó sẽ bị dàn trải, không tập trung được và chắc chắn là việc thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Tôi  nghĩ rằng, với mục tiêu đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thì có rất nhiều mục tiêu và rất nhiều định hướng, nhưng trước hết thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào các sản phẩm mà không khuyến khích tiêu dùng hoặc được sử dụng trong nhóm người có mức sống cao. Bên cạnh đó nó cũng là sắc thuế để nhằm điều tiết sản xuất tiêu dùng và áp dụng trong các trường hợp cần thiết khẩn cấp.

Với nhận thức như vậy tôi nghĩ rằng mặt hàng bình thường thì không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mà có thể điều tiết bằng những sắc thuế khác.

Từ những vấn đề trên, tôi đi vào những vấn đề cụ thể như sau:
Tôi thấy rằng đối với các đối tượng chịu thuế thì mặt hàng bia hơi như Ban soạn thảo giải trình cần được theo lộ trình của cam kết quốc tế, tôi đồng quan điểm với nhiều đại biểu đây là mặt hàng phục vụ cho đại đa số người dân ở mức sống rất bình thường cũng có thể tiêu dùng, đây là nhu cầu bình thường. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để làm sao có mức thuế hợp lý giúp cho sản phẩm này có thể được tiêu thụ tốt trên thị trường, giúp cho người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận sản phẩm.

Về tầu bay, du thuyền và sân golf. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cứ phân tích, tách nó ra, chia nhóm này, nhóm khác thì nó không thuận lợi. Quan điểm của tôi đồng tình với một số đại biểu nên đưa vào diện chịu thuế và có mức thuế đồng nhất không kể mục đích sử dụng là kinh doanh hay sử dụng, tiêu dùng cá nhân. Quan điểm của tôi là có mức thuế rõ ràng, những so sánh khác đều khập khiễng nếu nói ít đối tượng hoặc phục vụ du lịch. Tôi nghĩ rằng du lịch cũng là những người thu nhập cao thì nên đánh thuế, nếu tính đây là ít đối tượng có nhu cầu sử dụng, thì như đại biểu Cừ phát biểu đánh thuế vào người buôn bán nhỏ làm gì, vì cái đó thu rất nhỏ so với thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.

Về xe gắn máy, quan điểm của tôi tôi đồng tình là phải có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng nên ở mức xe dung tích từ trên 175 phân khối trở lên. Lý do tôi nghĩ rằng thuế tiêu thụ đặc phải đánh vào những hàng tiêu thụ đặc biệt như trên, còn nếu chúng ta muốn điều tiết thuế thì chúng ta dùng những sắc thuế khác hoặc các lệ phí, phí chứ không nên đưa tất cả vào thuế tiêu thụ đặc biệt, để đến lúc chúng ta cần nhu cầu thay đổi thì chúng ta phải sửa cả luật rất phức tạp.

Về việc đưa giá trị vỏ lon vào giá trị tính thuế, nếu xét trên yếu tố phân tích những yếu tố khách quan thì tôi nghĩ rằng không đưa vào cũng rất hợp lý, nhưng vì thuế tiêu thụ đặc biệt chúng ta điều tiết tiêu dùng thì mục đích đưa vỏ lon vào giá trị tính thuế tôi nghĩ là hợp lý và tôi cũng thống nhất như dự thảo.

Về vấn đề thuế ôtô, tôi không đi vào cụ thể mà tôi xin góp ý một số vấn đề. Tôi thấy rằng qua dự thảo này, một lần nữa cho thấy sự lúng túng của chúng ta trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô. Có rất nhiều lý do, nhưng tôi xin đưa ra 3 lý do chính, một là chiến lược của chúng ta không rõ ràng, không có lộ trình dài hạn và lúng túng trong điều hành. Chúng ta chủ trương là thúc đẩy phát triển, nhưng thuế thì lại ngắn hạn, mục tiêu thì đã rõ là chiến lược ngành thuế đến năm 2010, vậy thì năm 2008 chúng ta xây dựng phục vụ năm 2009 và 1/1/2010 có giá trị hiệu lực, tôi không hiểu chiến lược này nằm ở giai đoạn nào.

Hai là, lần sửa trước chúng ta nói là cần phải tuân theo lộ trình gia nhập WTO, đặc biệt là chúng ta lại tính theo số chỗ ngồi. Lần này chúng ta lại sửa mục tiêu là đến năm 2010 và không nhắc gì đến lộ trình tham gia WTO nữa, và thay đổi theo hướng dung tích. Vậy những mặt hàng bia, rượu chúng ta đưa vào thì chúng ta nói là cần phải theo lộ trình cam kết của WTO. Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng chúng ta điều chỉnh lần này có phù hợp với cam kết quốc tế hay không, còn nếu không phù hợp với cam kết quốc tế thì tôi đề nghị chúng ta phải xem xét lại cho phù hợp. Cũng đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề này, vì trong tất cả các báo cáo chúng tôi thấy chưa rõ.

Cuối cùng, về thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định khung thuế suất của ôtô. Tôi đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu là chúng ta nên giao quyền cho Quốc hội, không phải vì chúng ta không tin tưởng Thường vụ hoặc quyết định của Quốc hội là quan trọng hơn, mà tôi nghĩ rằng nếu những quyết định mang tính chất khẩn cấp, cấp thiết và cần thiết ở Thường vụ thì phải là những quyết định về thuế liên quan tới những mặt hàng nhập khẩu trong nước không sản xuất được, nên tôi nghĩ khi điều tiết thị trường, điều tiết thuế thì chúng ta có thể dùng, còn những mặt hàng liên quan đến khâu sản xuất lưu thông trong nước thì tôi nghĩ chúng ta nên để cho Quốc hội quyết định thì phù hợp hơn. Về nguyên tắc tôi nghĩ nếu giao thì cũng không vấn đề gì nhưng nên dùng cho những sản phẩm chúng ta chưa sản xuất được.

Một vấn đề nữa, là chúng ta cần có một lý do, mà tôi thấy rằng nếu chúng ta quyết định vấn đề chỉ có một vài tháng như vậy thì đối với chiến lược đặc biệt sản xuất đầu tư nói chung, nhưng đối với sản xuất ô tô thì đây rõ ràng là dư luận và các doanh nghiệp nói rằng trong thời gian qua chính sách thuế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa ổn định dẫn đến các nhà đầu tư khó tính toán, và không thể xây dựng được kế hoạch, chiến lược đầu tư sản xuất lâu dài, Chính vì vậy đối với thuế suất của ô tô chúng ta cũng nên tính toán sao cho phù hợp, vì tôi có đọc vài tài liệu kinh nghiệm quốc tế thì tôi thấy kể cả việc tính thuế trên cơ sở số chỗ ngồi hay tính thuế trên cơ sở dung tích, đều có những cái thuận, cái nghịch. Xin hết
 
Lê Việt Trường  - An Giang 

Tôi xin có ý kiến thứ nhất là đóng góp cho Đoàn thư ký vì chúng ta còn tiếp tục thảo luận ở tổ nữa để góp ý cho dự thảo luật. Tôi thấy vô tình hay hữu ý nhưng công tác tổng hợp của chúng ta trong dự thảo luật này không phản ánh đầy đủ khách quan ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ngay ở điểm đầu tiên về mặt hàng điều hòa nhiệt độ là ở Tổ đại biểu của chúng tôi có góp ý ít nhất có 5 người đặt vấn đề là không tán thành việc để điều hòa nhiệt độ ở lại trong biểu thuế, ở đây lại tổng hợp theo hướng ủng hộ phương án của Chính phủ là có kiến cho rằng điều hòa nhiệt độ là mặt hàng chủ yếu được sử dụng bởi những người có thu nhập cao, tập trung ở thành thị do đó cần đưa đối tượng này vào diện chịu thuế để điều tiết thu nhập, bảo đảm có nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tức là theo hướng có lợi cho cơ quan trình mà chúng ta không phản ánh đầy đủ, khách quan ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Do đó chúng tôi đề nghị chúng ta còn tiếp tục thảo luận ở tổ nữa và công tác cải tiến vừa rồi trong việc bố trí cán bộ đi tập hợp và tổng hợp cần phải tăng cường hơn nữa và có giải pháp thế nào đó để tránh cách chúng ta tổng hợp kiểu như thế này.

Thứ hai, về mục đích ban hành thuế, luật thuế này chúng ta xem xét và thông qua tại một kỳ họp cho nên tôi cũng tán thành nhiều điểm mà các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Tôi đề nghị trong mục đích sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này, chúng ta nên nhấn mạnh hướng dẫn tiêu dùng và định hướng sản xuất. Chúng tôi không tán thành chúng ta nhắc quá nhiều đến chuyện điều tiết, vì thực ra ở đây có rất nhiều mặt hàng chúng ta có điều tiết thu nhập đâu, những người dân bình thường dùng bài lá, vàng mã v.v.... thì ta điều tiết gì ở đây. Hoặc chúng ta nói có điều tiết cũng không nhất quán trong chính sách của chúng ta vì chúng ta đã có rất nhiều các sắc thuế khác, công cụ khác để ta điều tiết thu nhập, như ngày 1/1/2009 tới đây Luật thuế thu nhập cá nhân của chúng ta có hiệu lực và chúng ta được thực hiện việc điều tiết đối với những người có thu nhập cao, hay thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là điều tiết. Vì vậy, thuế này tôi đề nghị không nên nhấn mạnh vấn đề điều tiết ở đây bởi vì nó không nhất quán với chính sách của chúng ta là ta khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, nếu ta dùng quá nhiều công cụ, cái gì cũng nhằm để điều tiết thì những người có năng lực để làm giàu người ta sẽ nản.

Theo đó tôi đề nghị nếu như chấp nhận phương án điều hoà nhiệt độ vẫn là một trong những đối tượng điều tiết của thuế thu nhập thì nên bổ sung một số mặt hàng khác cũng chịu thế thu nhập vì những mặt hàng này chỉ có một phần mới có điều kiện sử dụng được và nó còn ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ các bồn tắm cao cấp lắp trong các gia đình và từ 20 triệu, 30 triệu cho đến hàng trăm triệu, cái này rất tốn nước sinh hoạt. Hai nữa là đồ gỗ cao cấp sản xuất từ gỗ tấm, gỗ miếng mà có nguồn gốc từ thiên nhiên là phá rừng, hay chúng ta thấy nạn lâm tắc không thể ngăn chặn được, đây là tiếp tay, tôi nghĩ đây là cái đáng đánh thuế hơn cả điều hòa nhiệt độ. Tủ lạnh cao cấp 40 triệu đến 50 triệu, hoặc 70 triệu một cái thì cái đó có phải là người dân bình thường sử dụng được đâu, dàn âm thanh cao cấp v.v... Cũng phải nghiên cứu thêm một số loại hình khác như trong việc sử dụng trò chơi điện tử, ví dụ nhắn tin có thưởng trên truyền hình thì tôi thấy chỉ 1 tin nhắn 2000 đồng, 1 triệu tin nhắn có 2 tỷ rồi và chúng ta không biết có điều tiết không. Còn các nội dung khác mà các đại biểu khác đã phát biểu tôi xin không nhắc lại. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
Ngô Quang Xuân  - Đồng Tháp 

Thời gian cuối cho nên tôi không phát biểu cụ thể, tôi chỉ xin nêu một số ý kiến.
Điểm thứ nhất, theo tôi đây là một luật rất khó và luật cũng rất mới. Cho nên ý kiến của chúng ta còn nhiều ý khác nhau, nhưng tôi nghĩ luật này rất cần thiết phải sửa đổi để chúng ta có bổ sung tiếp theo. Tôi nghĩ lộ trình chiều 14/11 tới đây chúng ta giữ được để  Quốc hội biểu quyết thông qua thì tôi cho là rất cần thiết.

Điểm thứ hai, nói là thuế tiêu thụ đặc biệt có nghĩa là có rất nhiều loại thuế khác như một số đại biểu vừa nói. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng không phải cái gì chúng ta cũng đưa vào thuế này. Trong lúc trước khi các nước ký kết để chấp nhận chúng ta vào tổ chức thương mại thế giới thì hầu hết chúng ta chỉ quan tâm vào 3 loại vấn đề:

Thứ nhất, thuế ô tô của chúng ta lúc đó còn 200% và họ quan tâm thuế xe máy phân khối lớn.

Thứ hai là loại thuốc lá, ở đây có thuốc lá điếu chúng ta lúc đó là 100% sản phẩm để sản xuất thuốc lá là 35%, còn rượu bia lúc bấy giờ chúng ta đánh thuế trên 75%, nên khi chúng ta đã hạ được tất cả, họ đàm phán họ yêu cầu chúng ta đã xem xét năng lực của kinh tế nước ta và chúng ta cũng hạ xuống một mức chấp nhận được cho nên họ thông qua. Tôi nghĩ trong Tờ trình của Chính phủ và trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng nêu được quan điểm này, đặc biệt nêu được lộ trình cắt giảm thuế và một số thì cắt giảm, một số thì tăng lên, tôi nghĩ lộ trình như rượu bia cho đến năm 2013, chúng ta có lộ trình thế tôi cho là hợp lý.

Ý kiến thứ ba, tôi nghĩ là chính chúng ta đã thảo luận để dựa trên tiêu chí là bảo đảm lợi ích người tiêu dùng nhưng cũng bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp.

Thứ hai, cũng nhiều ý kiến nêu nhưng tôi cũng tán thành tức là phải dựa trên chiến lược thuế và chủ yếu đóng góp vào để phát triển sản xuất.

Thứ ba, phù hợp với lộ trình cam kết quốc tế của chúng ta.

Loại ý kiến thứ ba tôi muốn nêu tức là thái độ đối với một số đối tượng, tôi nghĩ có nhiều ý kiến khác nhau nhưng những ý kiến trên tôi nghĩ không nên đưa tất cả, đưa quá nhiều đối tượng vào thuế tiêu thụ đặc biệt này, bởi vì có các loại thuế khác điều tiết rồi. Ví dụ những loại liên quan rất nhiều đến tương lai phát triển của đất nước đó là phát triển đến du lịch, phát triển đến kinh tế đối ngoại, phát triển đến công nghệ mới những loại như du thuyền, máy bay, phương tiện chạy bằng năng lượng mặt trời v.v... Những cái đấy tôi nghĩ phải tính rất cẩn thận để có hướng phát triển, trong đó cũng phải có thái độ đối với những dịch vụ cho là cao cấp như casino và sân golf. Casino tôi nghĩ về quan điểm chúng ta vẫn nên có bởi vì chúng ta tách ra ngoài các đảo rất xa để có quản lý thật là chặt chủ yếu chúng ta e vấn đề quản lý, chứ còn trong du lịch là rất cần bởi vì có các khu dịch vụ cao cấp như thế thì du lịch cao cấp họ mới đến, hay sân golf đúng là có nhiều vấn đề trong này nhưng tôi nghĩ ở các nước họ cũng xem xét một cách rất công bằng chứ không phải từ cực độ này để chuyển sang cực độ khác. Bây giờ đồng ý ví dụ an ninh lương thực như đồng chí nào nói, tôi nghĩ an ninh lương thực quản lý bằng nhiều biện pháp chứ đây là một góc của nó, không phải là chuyện an ninh lương thực. Ví dụ, vấn đề sân golf, tôi nghĩ đối với khu đô thị hay dự án cao cấp trên 5 sao, 6 sao, 7 sao, để thu hút du lịch cao cấp chúng ta nên xem xét để có thái độ thích hợp với đối tượng này, không nên có thái độ này, thái kộ khác, nó kỳ thị. Tôi nghĩ những cái này hướng của chúng ta đang đi tới năm 2020, 2030 v.v... Tôi nghĩ để nó nâng lên hình ảnh, nâng lên kinh tế và nâng lên du lịch rất hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, xin cảm ơn Quốc hội.
 
Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội

Kết thúc phiên họp sáng nay đã có 28 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, kết hợp với ý kiến thảo luận tại tổ, sau phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu một cách nghiêm túc, tiếp thu một cách xác đáng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo giải trình với Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp sau. Qua thảo luận buổi sáng hôm nay, cho phép tôi có một số ý kiến kết thúc như sau.

Một, về đối tượng chịu thuế, có mấy điểm Quốc hội quan tâm. Một là đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội chưa muốn đưa điều hòa nhiệt độ ra ngoài đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng nếu mà vẫn còn đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì cũng nên nghiên cứu hạ thấp mức thuế suất xuống.

Thứ hai, một số ý kiến đề nghị nêu rõ tiêu chí đối với một số sản phẩm và dịch vụ để tránh sự lợi dụng, phù hợp với khả năng quản lý của nước ta như tàu bay, du thuyền, ô tô lưỡng dụng v.v...

Thứ ba, một số ý kiến đề nghị xem xét đưa thêm một số đối tượng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để nó đầy đặn, đầy đủ hơn.

Nhóm ý kiến thứ hai, các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát thật kỹ những cam kết của chúng ta khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, cái nào đã cam kết thì chúng ta phải thực hiện cho đúng cam kết. Cái nào có lộ trình thì chúng ta cũng nên chọn mức thuế suất và thời điểm cho nó phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Nhóm vấn đề thứ ba là về thuế suất, Quốc hội lưu ý mấy điểm.

Một là thuế suất trong từng nhóm sản phẩm, từng nhóm dịch vụ sao cho hợp lý giữa các sản phẩm và giữa các dịch vụ.

Hai là thuế suất đối với ôtô cá nhân loại dưới 2.000cc của loại xe dưới 9 chỗ ngồi, đặc biệt là loại dưới 5 chỗ ngồi, ôtô lưỡng dụng và một số loại ôtô khác cho phù hợp hơn.

Ba là đối với xe chở khách từ 24-36 chỗ ngồi, ý chung là thuế suất phải thấp hơn, cá biệt đối với ôtô lưỡng dụng ngoài việc xác định rõ tiêu chí cũng có ý kiến cho rằng không nên áp dụng thuế suất đối với loại ôtô này trên thực tế chủ yếu là phục vụ cho sản xuất.

Bốn là đối với môtô có phân khối lớn nên chọn điểm xuất phát đối với loại môtô có loại phân khối nào, trên 125cc trở lên hay là trên 150cc trở lên v.v..... và cũng phải xem xét thêm mức thuế suất.

Năm là cũng nên cân nhắc thuế suất đối với ôtô sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt chú ý đến chủ thể được sử dụng loại ô tô này thường là ô tô cao cấp và đắt tiền.

Ý kiến thứ sáu, có ý kiến cho rằng một số trường hợp nên nghiên cứu, áp dụng thuế tuyệt đối chứ không áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm.

Nhóm vấn đề thứ năm, về miễn, giảm thuế cũng còn có ý kiến khác nhau cho rằng đây là thuế gián thu, thu hộ người tiêu dùng. Trong thực tế khó xác định việc thiệt hại trong thực tế như thế nào một cách khách quan. Vì vậy, nhiều ý kiến muốn bỏ quy định này, một số ý kiến đề nghị vẫn có nhưng quy định cụ thể trong điều kiện như thế nào thì được miễn, giảm thuế. Trong thực tế có thiệt hại về lũ lụt, thiên tai và những nguyên nhân bất khả kháng khác.

Nhóm vấn đề thứ sáu, về điều chỉnh thuế suất, đa số ý kiến đề nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong điều kiện bình thường. Trong Hội trường hôm nay không có đại biểu nào phát biểu trong điều kiện không bình thường. Như sáng nay tôi có gợi ý một điểm trong điều kiện không bình thường việc điều chỉnh tăng hoặc giảm chậm 1 tháng hoặc sớm một tháng thì có thể thu thêm hoặc bớt đi vài chục tỷ thậm chí vài trăm tỷ. Trong điều kiện bình thường đa số các đại biểu Quốc hội đề nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nhóm thứ bảy, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý tới tính ổn định của chính sách thuế, trong điều kiện ở nước ta còn đang trong quá trình chuyển đổi như thế nào cho hợp lý, còn ổn định thì ai cũng muốn, trong quá trình chuyển đổi như thế này và hội nhập vào thế giới chúng ta cũng mới bước đầu làm sao cho uyển chuyển, phù hợp với điều kiện thực tế của chúng ta để có lợi cho sản xuất và tiêu dùng.

Nhóm vấn đề thứ tám, một số vấn đề về kỹ thuật liên quan tới cải tiến, cách quy định ở trong các nghị định hướng dẫn thi hành và điều cuối cùng của dự thảo luật thì Quốc hội cũng nhiều lần đề nghị những vấn đề gì đã rõ rồi thì chúng ta đưa ngay vào trong luật, hạn chế đến mức tối đa hướng dẫn những văn bản dưới luật, tính pháp lý vừa thấp hơn mà văn bản hướng dẫn lại dày nhiều lần văn bản luật thì không nên, trong thực tế có những nội dung này mâu thuẫn với những quy định của luật mà Quốc hội đã thông qua.

Nhóm vấn đề thứ chín là mốc thực hiện luật này, cũng còn có hai loại ý kiến một là áp dụng chung và một mốc thời điểm có hiệu lực, có ý kiến là chọn một số sản phẩm có thể cho áp dụng hiệu lực sớm hơn trong điều kiện hiện nay.

Nhóm vấn đề thứ mười, đa số các vị đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát lại phương án điều chỉnh này nó tác động như thế nào đến ngân sách Nhà nước trước mắt, cững như là một số năm cứ tạm gọi là trung hạn và dài hạn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đương nhiên nó phải có một tầm nhìn trong tổng thể hệ thống thuế.

Chúng tôi được biết các cơ quan hữu quan cũng đã nghiên cứu và cũng đấu tranh cọ sát để rồi cũng có những ý kiến đi đến thống nhất, còn có những ý kiến chưa thật thống nhất cao hoặc còn khác nhau khi hình thành dự án luật này để trình với Quốc hội.
Cuối cùng, theo chương trình chiều nay các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, xin mời Quốc hội nghỉ. 

Quốc hội nghỉ

Các văn bản liên quan