“Bùng nhùng” sở hữu trí tuệ

Thứ Hai 11:10 22-05-2006
“Bùng nhùng” sở hữu trí tuệ

Duy Minh Đầu tư

“Thực trạng doanh nghiệp (DN) bị vướng về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) khi sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang là một vấn đề rất phổ biến và bức xúc. Thế nhưng, nhiều DN hiện chưa nắm bắt được một cách cụ thể các quy định của pháp luật về SHTT cũng như vai trò của nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, bà Trương Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cảnh báo.

Hai vấn đề lâu nay khiến DN hay “bùng nhùng” về SHTT là việc chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị, máy móc - có bao gồm các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (mẫu mã); và những vấn đề nảy sinh trong quá trình xác lập và bảo vệ quyền đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Nhãn hiệu, Kiểu dáng, Tên thương mại… Trong các tranh chấp về SHTT thời gian qua, thì tranh chấp về kiểu dáng công nghiệp là phức tạp nhất. Điển hình là vụ tranh chấp “ballet nhựa” giữa Công ty Nhựa Sài Gòn với DN nhựa Đại Đồng Tiến; hay vụ tranh chấp kiểu dáng “võng xếp” giữa Duy Lợi với một số DN khác tại TP.HCM. Điều lo ngại nhất hiện nay là một số DN ăn cắp mẫu mã của nước ngoài đem đi bảo hộ, sau đó đi kiện các DN khác; hoặc một số DN ăn cắp mẫu mã của người khác đem đi bảo hộ rồi kiện ngược lại DN bị “đánh cắp”. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nhiều DN còn rất“mù mờ” về SHTT, chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật, vì vậy không bảo vệ được những thành quả sáng tạo của mình, thậm chí còn xâm phạm quyền của người khác.

Để chuẩn bị hành trang cho các DN trong quá trình hội nhập, bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng Phòng SHTT (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đây là một vấn đề rất khó. Theo khuyến cáo, đối với những hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, DN nên đăng ký nhãn hiệu tại nước nhập khẩu để được bảo hộ quyền khi hàng hoá lưu thông trên thị trường. DN không nên đăng ký nhãn hiệu một cách tràn lan, mà phải xác định xem đơn vị mình có khả năng xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đó không; sản phẩm xuất khẩu gồm những chủng loại nào; tuyệt đối không đăng ký SHTT theo trào lưu, vì như thế sẽ rất tốn kém, mà không hiệu quả. Trường hợp đăng ký nhưng không sử dụng, hiệu lực của các văn bằng có thể bị hủy bỏ. Pháp luật của mỗi quốc gia khác nhau, do đó thủ tục đăng ký tại mỗi quốc gia cũng khác nhau. Chẳng hạn ở Mỹ, cơ sở để được cấp văn bằng là việc sử dụng thực tế tại Mỹ. Chính vì vậy, khi đăng ký nhãn hiệu vào quốc gia nào, DN nên tìm hiểu kỹ pháp luật của quốc gia đó để việc nộp đơn đăng ký có hiệu quả.

Riêng lĩnh vực da giày, bà Như cho biết, nếu việc sử dụng các kiểu dáng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, mẫu mã luôn thay đổi, thì DN không nên đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trường hợp muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho những sản phẩm mới, thì trước khi đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường, DN nên làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Nếu đưa sản phẩm ra rồi mới đăng ký, thì phải mất 9 tháng mới được cấp văn bằng, như thế mẫu mã đã lỗi thời.

Ở các ngành khác như mỹ phẩm, DN thường đăng ký mẫu mã trước, chờ khi có văn bằng mới đưa ra thị trường, cách làm này rất hiệu quả. Đối với DN, quyền SHTT là tài sản kinh doanh và chúng chỉ tăng trưởng khi được khai thác sử dụng hợp lý. Do vậy, việc hình thành chiến lược phát triển quyền SHTT của DN là rất cần thiết và cấp bách.

Quyền SHTT đã trở thành điều kiện bắt buộc cho các quốc gia khi hội nhập sân chơi thương mại quốc tế. Trên cơ sở Hiệp định TRIPS (WTO – 1995), Hiệp định Việt Nam - Thụy Sĩ về SHTT (1999), Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (2000), nhìn chung pháp luật SHTT Việt Nam đã căn bản phù hợp với các chuẩn mực có tính bắt buộc trong các hiệp định kể trên về đối tượng, nội dung bảo hộ, thời hạn được hưởng quyền… Điều quan trọng còn lại phụ thuộc rất nhiều vào DN, tức phải biết trang bị hành trang pháp lý cho mình một cách chu đáo, bài bản khi tiến sâu vào quá trình hội nhập.

Các văn bản liên quan