Bản tổng hợp ý kiến về Dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của VCCI Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 16:21 03-08-2007


Phòng Pháp chế VCCI HCM:
 
Tham luận về góp ý Dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(Hội thảo tổ chức ngày 24/7/2007 tại VCCI HCM)
 


Việt Nam đã gia nhập WTO. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi, hòan thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các nguyên tắc chung của WTO, đảm báo lợi ích quốc gia, tạo hành lang pháp lý thông thóang cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) họat động, phát triển nền kinh tế của đất nước.
 
Bên cạnh họat động xây dựng pháp luật chúng ta đã có những họat động hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt quy định pháp luật liên quan, hạn chế rủi ro, trở ngại, vi phạm trong họat động kinh doanh. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để hệ thống hóa, cụ thể hóa, luật hóa họat động này nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của họat động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
 
Bộ Tư pháp đã có những khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá rất kỹ về thực trạng thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước, sự cần thiết của việc ban hành nghị định riêng cho họat động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như đề cập trong tờ trình chính phủ.
 
Dự thảo nghị định ngày 11/7/2007 do Bộ Tư pháp sọan về cơ bản là tương đối hòan chỉnh, đáp ứng mục đích, yêu cầu đã đặt ra.
 
Để góp phần vào việc hòan chỉnh dự thảo, Chi nhánh VCCI tạI TP.HCM xin có một số ý kiến góp ý sau:
 
I- GÓP Ý CHUNG
 
1- Mặc dù là văn bản quy phạm pháp luật quy định về họat động có tính chất “hỗ trợ” nên dự thảo chỉ quy định trách nhiệm, không đưa ra quy định xử lý chế tài các vi phạm không thực hiện đủ, đúng, không làm hoặc làm không đúng trách nhiệm. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn áp dụng, phù hợp với sự cần thiết, tầm quan trọng của họat động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, dự thảo cần đưa thêm vào quy định xử lý, chế tài.
 
2- Doanh nghiệp là đối tượng được hỗ trợ pháp lý. Tuy nhiên bên cạnh quyền lợi cũng cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, Ủy ban, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai, thực hiện tốt trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chẳng hạn khi nhận được đề nghị góp ý, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật hoặc các đề nghị liên quan khác, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trả lời kịp thời (góp ý cụ thể hoặc ít nhất cũng trả lời không có ý kiến góp ý). 

   II- GÓP Ý CỤ THỂ 
  
1- Điều 3, khoản 3: bỏ “góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý” vì việc bảo đảm thực hiện các biện pháp hỗ trợ của các Bộ và Ủy ban không phải là nguyên nhân dẫn tới sự phát triển của thị trường này do bản thân hoạt động hỗ trợ của các Bộ và Ủy ban không phải là các hoạt động dịch vụ, và hoạt động này nếu triển khai tốt sẽ hạn chế (ít nhất về số lượng) dịch vụ tư vấn pháp lý. 
          
2- Điều 5: bỏ khoản 2 do cần phải coi đây là trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban tự thực hiện kịp thời không cần phải đợi đến khi doanh nghiệp có yêu cầu. 
          
Bổ sung: 
          
. Cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan ban hành các văn bản pháp luật chậm nhất 1 ngày làm việc sau khi ban hành phải đăng toàn văn văn bản ban hành lên trang thông tin chính thức của cơ quan mình. Duy trì đăng tải văn bản trong suất thời gian hiệu lực của văn bản. Đồng thời trên trang thông tin chính thức của cơ quan ban hành phải có danh mục đầy đủ các văn bản pháp luật đã ban hành gồm tối thiểu các nội dung: tên, số hiệu, ngày ban hành, nội dung chính, thời hiệu áp dụng, còn/hay hết hiệu lực. Danh mục văn bản, toàn văn văn bản phải được đăng tải đảm bảo tiện tra cứu cho doanh nghiệp. 
  
. Các Bộ, Ủy ban phải đăng tải danh mục đầy đủ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực, phạm vi do mình phụ trách gồm tối thiểu các nội dung: tên, số hiệu, ngày ban hành, nội dung chính, thời hiệu áp dụng, còn/hay hết hiệu lực và toàn văn các văn bản còn hiệu lực (có thể lập đường dẫn tới trang thông tin chính thức của cơ quan ban hành văn bản nhưng phải đảm bảo doanh nghiệp có thể truy cập được). Danh mục văn bản, toàn văn văn bản phải được đăng tải đảm bảo tiện tra cứu cho doanh nghiệp. 
  
. Đối với các văn bản hết hiệu lực, nhưng cần thiết cho doanh nghiệp tham khảo để giải quyết các vụ việc đã xảy ra trong thời hạn hiệu lực của văn bản, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của doanh nghiệp, các Bộ, Ủy ban  có trách nhiệm cung cấp kịp thời bằng hình thức gửi qua bưu điện, giao trực tiếp, hoặc đăng tải trong thời hạn tối thiểu 10 ngày trên trang thông tin chính thức của mình. 
  
3- Điều 6: bỏ “triển khai thực hiện các văn bản pháp luật” do đây là Nghị định quy định về trách nhiệm hỗ trợ pháp lý. Trách nhiệm triển khai thực hiện văn bản pháp luật đã được quy định trong chính văn bản pháp luật. 

Sửa: Các Bộ có trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý. Các Bộ, Ủy ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phối hợp với nhau và với với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp phổ biến các tài liệu giới thiệu cho doanh nghiệp và triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại nghị định này. 
  
4- Điều 7: thêm “3. Các Bộ, Ủy ban và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với nhau để đảm bảo xây dựng, cập nhật tài liệu đầy đủ, đảm bảo thống nhất và hiệu quả khi triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.” 
  
5- Điều 8: khoản 1, đoạn 2 phải sửa cho phù hợp vì các vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết, các Bộ, Ủy ban phải có trách nhiệm giải quyết (trong đó có hình thức giải đáp thắc mắc). Sửa: giải đáp thắc mắc về nội dung các quy định của pháp luật không thay thế việc giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến việc áp dụng, thực hiện các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng theo luật định. 
  
6- Điều 8, khoản 4: do việc kinh doanh của doanh nghiệp nhiều trường hợp phải xử lý, ra quyết định sớm để tránh mất cơ hội, hoặc thiệt hại nên cần quy định các Bộ, Ủy ban có trách nhiệm giải đáp kịp thời các thắc mắc của doanh nghiệp. Thời hạn tối đa vì lý do chính đáng là 10 ngày. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 là 20 ngày. Trường hợp không giải đáp, phải trả lời rõ lý do (trừ trường hợp yêu cầu giải đáp gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền, còn lại việc trả lời phải thực hiện bằng văn bản). 
  
  7- Điều 9, khoản 2: cần quy định thêm trách nhiệm phản hồi, tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp từ các Bộ, Ủy ban và quy định sự tham dự, hoặc tham gia tổ chức của các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại định kỳ. Cụ thể: khoản 2. ..thêm có sự tham dự, hoặc cùng tham gia tổ chức của các tổ chức đại diện doanh nghiệp.  Thêm khoản 4. Các Bộ, Ủy ban có trách nhiệm thông báo kịp thời lại cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đã gửi kiến nghị về kết quả tiếp thu, xử lý kiến nghị. 
  
8- Điều 10 khoản 3: bỏ “Thúc đẩy thị trường tư vấn pháp luật phát triển” như đã nêu ở điều 3, khoản 3. 
  
9- Điều 11: cần thực hiện định kỳ hàng năm khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (từ phía doanh nghiệp và từ phía các cơ quan chức năng) trước khi xây dựng chương trình hỗ trợ mới đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả của chương trình. 

Thêm: hàng năm, Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các Bộ, Ủy ban, các tổ chức đại diện khác của doanh nghiệp, và doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp cung cấp các dữ liệu, thông tin thực trạng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho Bộ, Phòng tổng hợp, hoàn chỉnh trước ngày 1/12 để phục vụ cho công tác lập kế hoạch, xây dựng chương trình cũng như công tác điểu chỉnh, bổ sung kế hoạch, chương trình  hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. 

10- Điều 13 khoản 2: bổ sung thêm nguồn đóng góp từ doanh nghiệp cho chương trình. Cụ thể cuối đoạn 1 “..và sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước” 
  
11- Cần bổ sung thêm về xử lý vi phạm như đề cập ở phần góp ý chung và đưa thêm vào trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho các Bộ, Ủy ban và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
  
Trên đây là một số ý kiến góp ý của Chi nhánh VCCI tại TP.HCM về nội dung dự thảo Nghị định. 
Chúc hội thảo thành công, tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích từ các doanh nghiệp, các chuyên gia và luật sư.
 

Các văn bản liên quan