Bản góp ý của VCCI

Thứ Ba 14:43 26-12-2006

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 3087/BNN-CB ngày 21 tháng 11 năm 2006 đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 66/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn (Dự thảo). Sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến các cộng tác viên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   ĐÁNH GIÁ CHUNG

Dự thảo này chủ yếu quy định về nội dung và tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống và xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Nghị định 66/2006/NĐ-CP thì nội dung Dự thảo phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định nội dung và tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Việc đưa ra tiêu chuẩn của Bộ phải hết sức rõ ràng: địa phương phải đáp ứng các điều kiện gì; ai được quyền nộp đơn đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Các quy định về thủ tục cần được quy định cụ thể và minh bạch: hồ sơ gồm những tài liệu gì, thời gian tiến hành thủ tục trong bao lâu?

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn của cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn.

II.                CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ

1.                  Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo

Điều 1 Dự thảo quy định “Thông tư này quy định nội dung và tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống....”. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định 66/2006 thì “Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định nội dung và tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống”. Hai khái niệm “tiêu chí” và “tiêu chuẩn” là không đồng nhất, do đó đề nghị sửa đổi các thuật ngữ trong Dự thảo này từ “tiêu chí” sang “tiêu chuẩn”. Một mặt đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, mặt khác đảm bảo tính chính xác và cụ thể của nội dung quy định.

2.                  Công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

2.1                     Xác định khái niệm

Khi đưa ra định nghĩa về Làng nghề, điểm a mục 3 Phần I của Dự thảo, có bảy khái niệm được đề cập, bao gồm: thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc. Tuy nhiên khi đưa ra tiêu chí (tiêu chuẩn) công nhận làng nghề tại điểm 1 mục I Phần II, Dự thảo chỉ đề cập tới một khái niệm “Làng được công nhận là làng nghề phải đạt 03 chỉ tiêu sau đây:”. Để giải quyết được sự thiếu thống nhất về nghĩa này, đề nghị sửa định nghĩa Làng nghề như sau: “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn (được gọi chung là làng), có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau”.

2.2                     Tiêu chuẩn công nhận làng nghề

Dự thảo đưa ra ba tiêu chuẩn để công nhận làng nghề, trong đó tiêu chuẩn thứ ba là: “Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Ở đây đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì đó là một tiêu chuẩn mang tính chung chung và không định lượng được. Thứ nhất, làng chỉ đơn giản là một khu vực địa lý bao gồm một tập thể dân cư. Làng không phải là một chủ thể, để chấp hành tốt luật và chính sách thì toàn bộ dân cư trong khu vực phải thực hiện tốt. Việc chấp hành có tốt hay không chủ yếu là mang tính định tính nhiều hơn là tính định lượng. Thứ hai, vì đây là một tiêu chuẩn để công nhận làng nghề. Tiêu chuẩn mà không rõ ràng thì sẽ khó thực hiện. Vì vậy, đề nghị không đưa tiêu chuẩn này vào Dự thảo.

Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ tiêu chuẩn b điểm 1, mục I, Phần I của Dự thảo. Theo Dự thảo làng muốn được công nhận là làng nghề khi làng có “hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính tới thời điểm đề nghị công nhận”. Theo cách hiểu thông thường thì tiêu chuẩn b được áp dụng với cả làng. Điều này không hợp lý và khó thực hiện. Sẽ hợp lý hơn nếu điều kiện này áp dụng với 30% tổng số hộ trên địa bàn (đoạn a, điểm 1 mục I, Phần I Dự thảo).

2.3                     Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống có ý nghĩa văn hoá, kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, do những yếu tố khách và chủ quan khác nhau, các làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Nghị định 66/2006 ra đời thể hiện chính sách phát triển của Nhà nước đối với các nghề này nói riêng và ngành nghề nông thôn nói chung. Khi được công nhận, làng nghề truyền thống được hưởng các ưu đãi của Nhà nước. Nhưng họ phải được công nhận là làng nghề sau đó mới được xác nhận làng nghề truyền thống. Có trường hợp trong các khu dân cư có sự hiện diện của nghề truyền thống nhưng không đáp ứng được điều kiện làng nghề như số hộ kinh doanh, giá trị sản lượng và thời gian sản xuất kinh doanh như Dự thảo đã đề ra. Tuy nhiên nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển nghề truyền thống, đề nghị Ban soạn thảo đưa ra các điều kiện linh hoạt hơn đối với trường hợp làng nghề truyền thống này.

2.4                     Trình tự, thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hai điểm sau:

Thứ nhất, về trình tự xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Điểm 3.a mục II, Phần II có quy định “Uỷ ban nhân dân xã có các ngành nghề quy định tại mục 2, phần I của Thông tư này tổ chức tuyển chọn, lập danh sách cáctổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) lên Uỷ ban nhân dân huyện, quận....”. Đối với nghề truyền thống, Dự thảo chỉ quy định điều kiện về nghề chứ không quy định tiêu chuẩn về chủ thể. Vì vậy, tiêu chuẩn ai có quyền đề nghị công nhận nghề truyền thống là không rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn (vì theo nguyên tắc Bộ quy định tiêu chuẩn và Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận, Uỷ ban nhân dân xã không có quyền quy định tiêu chuẩn). Đề nghị ban soạn thảo làm rõ các tiêu chuẩn đối với hai thủ tục công nhận còn lại về làng nghề và làng nghề truyền thống là các tiêu chuẩn được quy định tại mục I, Phần I của Dự thảo.,

Thứ hai, về thời gian xét công nhận. Trong Dự thảo không quy định thời gian cụ thể cho việc xét công nhận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó đề nghị Ban soạn thảo đưa ra mốc thời gian cụ thể trong việc thực hiện trình tự công nhận của các cấp uỷ ban. Ban soạn thảo cũng có thể trao quyền quyết định về mặt thời gian cho các cấp Uỷ ban nhưng đưa ra mức thời hạn tối đa mà cơ quan này phải thực hiện, tránh tình trạng kéo dài, gây phiền hà và tốn phí cho các chủ thể yêu cầu công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

3.                  Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và tổ chức thực hiện

Nói chung, các quy định về quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và tổ chức thực hiện trong Dự thảo là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo lưu ý một số điểm sau:

- Điểm 2 mục III Phần III của Dự thảo quy định về quy hoạch kế hoạch phát triển. Trong đó có chia ra các bước đi từ 2007-2010 và giai đoạn 2015-2020 nhưng lại bỏ ngỏ giai đoạn từ 2010-2015. Đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện hoặc/ và làm rõ quy định trên.

- Đoạn cuối cùng trong Dự thảo có ghi nhận: “Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp”.  Về bản chất, đây là một văn bản pháp lý, có ý nghĩa quy định tới những hành vi cụ thể, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể. Tuy nhiên các nội dung trong đoạn này mang tính thông báo/công văn nhiều hơn. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ đoạn này cho phù hợp với nội dung và tính chất của văn bản pháp quy.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 66/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Các văn bản liên quan