Bản góp ý của VCCI

Thứ Sáu 15:16 15-12-2006

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 6982/BTM-TTTN ngày 09 tháng 11 năm 2006 đề nghị góp ý kiến về Dự thảo 7 Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo). Sau khi nghiên cứu Dự thảo, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp thành viên và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   ĐÁNH GIÁ CHUNG

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, có tác động lớn và tức thì đến mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân. Do đó, việc xây dựng một văn bản pháp luật thống nhất về vấn đề này là hết sức cần thiết. Để đảm bảo hiệu quả quản lý, góp phần phát triển các ngành kinh tế, dân sinh đồng thời đảm bảo quyền lợi của các chủ thể kinh doanh xăng dầu, phù hợp với xu hướng hội nhập, các nội dung của Dự thảo cần đảm bảo các yêu cầu sau:

(i)            Quản lý theo các nguyên tắc thị trường là chủ yếu;

(ii)         Bảo vệ có hiệu quả lợi ích của người tiêu dùng và các ngành kinh tế khác;

(iii)       Minh bạch, hợp lý, khả thi, thuận lợi và không vượt quá mức cần thiết trong các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục liên quan

Các nội dung hiện tại của Dự thảo đã phần nào đáp ứng được các nguyên tắc nói trên. Tuy nhiên, còn khá nhiều điểm cụ thể trong Dự thảo cần được tiếp tục chỉnh sửa để phản ánh và chi tiết hoá một cách đầy đủ, thống nhất các nguyên tắc này

II.                CÁC NỘI DUNG GÓP Ý CỤ THỂ

1. Về nguyên tắc xác định giá xăng dầu theo các nguyên tắc thị trường

Dự thảo đã có cách tiếp cận mới trong các quy định về kinh doanh xăng dầu (đặc biệt là giá xăng dầu) theo hướng thiết lập dần các nguyên tắc thị trường trong lĩnh vực này. Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc duy trì khả năng can thiệp của Nhà nước vào giá của mặt hàng này trong những trường hợp đặc biệt cần thiết là phù hợp. Tuy nhiên, sự can thiệp từ phía Nhà nước, nếu có, phải minh bạch và có thể dự đoán trước. Do đó, một số quy định liên quan cần được điều chỉnh lại:

-         Điều 13.2 (Biện pháp bình ổn giá xăng dầu): Cần làm rõ:

+ “trường hợp đặc biệt” mà Thủ tướng có thể can thiệp bình ổn thị trường xăng dầu là những trường hợp nào? (Chú ý: những trường hợp này phải thực sự “đặc biệt” theo nghĩa nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội của một nhóm lớn các chủ thể)

+ “công cụ riêng” để bình ổn thị trường trong trường hợp này cụ thể là gì? (Chú ý: những công cụ này cần được thiết kế theo các mức độ can thiệp khác nhau để thích hợp với mức độ nghiêm trọng khác nhau của tình hình; ngoài ra cần nêu rõ nguyên tắc “không sử dụng công cụ can thiệp vượt quá mức cần thiết của từng trường hợp cụ thể”)

+ các biện pháp can thiệp này chỉ áp dụng trong giai đoạn quá độ trước khi chuyển hoàn toàn sang cơ chế thị trường hay áp dụng trong mọi giai đoạn?

+ phương thức đưa ra các biện pháp bình ổn giá như thế nào? (phải thông báo trước bao lâu? doanh nghiệp có thể phản hồi, bình luận như thế nào về biện pháp đó trước khi Thủ tướng quyết định chính thức?...

+ cần xác định rõ biện pháp can thiệp của Nhà nước trong trường hợp này có giới hạn ở các biện pháp thuế quan (thuế nhập khẩu) không? Nếu là Không thì cần tách khoản này thành một Điều riêng;

Chú ý: Trong trường hợp cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ áp dụng các quy định liên quan trong Pháp lệnh Giá và văn bản hướng dẫn thì cần có viện dẫn cụ thể.

-         Điều 14 (Giá bán xăng dầu): Cần làm rõ:

+ Khoản 1: Đây thực chất là nguyên tắc quản lý giá mà chúng ta hướng tới (nhưng chưa thể áp dụng ngay)? Nếu là Đúng thì cần nêu rõ ý này (vì cách quy định hiện tại có thể tạo ra mâu thuẫn với khoản 2)

+ Khoản 2: Nên giới hạn về thời điểm chuyển đổi sang cơ chế thị trường hoàn toàn (ví dụ trong 01 năm, 2 năm...); Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc xác định kế hoạch và chiến lược kinh doanh;

+ Khoản 3: Nên xác định rõ “Các quy định trong khoản này áp dụng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực cho đến thời điểm thực hiện giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường quy định tại khoản 2 Điều này);

+ Khoản 4, 5, 6, 7: Cần xác định rõ các quy định này áp dụng cho giai đoạn nào (giai đoạn quá độ hay giai đoạn theo cơ chế thị trường hoàn toàn hay cả hai giai đoạn)? Chú ý quy định tại khoản 7 dường như không thích hợp lắm với giai đoạn thực hiện cơ chế thị trường hoàn toàn[1];
 
2. Về các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và các ngành kinh tế

Dự thảo đã đưa ra khá nhiều biện pháp quản lý nhằm mục tiêu nói trên (đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống phân phối... quy định từ Điều 6 đến Điều 10 Dự thảo[2]). Về cơ bản, các điều kiện này được thiết kế theo hướng đặt yêu cầu cao hơn để hạn chế các chủ thể kinh doanh nhỏ (sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu để tập trung vào các đơn vị lớn hơn với suy đoán là sẽ dễ quản lý hơn). Quan điểm này có lẽ cần cân nhắc thêm bởi:

(i)                Nguyên nhân của các hiện tượng tiêu cực (đong thiếu số lượng, xăng dầu không đảm bảo chất lượng...) phần lớn không phải xuất phát từ hệ thống phân phối phức tạp[3] (Hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay tương đối đơn giản, chỉ bao gồm tối đa là 03 cấp gồm Doanh nghiệp đầu mối - Tổng đại lý - Đại lý). Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì nguyên nhân chính nằm ở giá xăng: với giá xăng được ấn định bởi Nhà nước như hiện nay, nhiều đại lý bán xăng buộc phải gian lận nếu không muốn bị thua lỗ (nếu không gian lận thì lãi thu được không đủ bù đắp các chi phí thuê mặt bằng, nhân công...). Như vậy việc sắp xếp lại hệ thống phân phối có góp phần vào việc giải quyết triệt để các hiện tượng tiêu cực hiện nay hay không?

(ii)             Việc sắp xếp lại hệ thống phân phối bằng cách đặt ra các điều kiện tương đối cao sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp đại lý bán lẻ hiện nay (ví dụ 1: quy định “doanh nghiệp bán lẻ phải có ít nhất 02 cửa hàng bán lẻ” sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay phải giải thể bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực mở thêm 01 đại lý nữa để đáp ứng yêu cầu của Dự thảo, và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn kết hợp với chủ thể khác để đáp ứng điều kiện này; ví dụ 2: quy định “tổng đại lý phải có 10 cửa hàng thuộc sở hữu/liên doanh và 15 đại lý bán lẻ” đòi hỏi số vốn quá lớn mà có lẽ chỉ một nhóm công ty lớn đáp ứng được[4]); ngoài ra người tiêu dùng (đặc biệt ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi vốn đã có rất ít trạm bán lẻ xăng dầu) cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các biện pháp này (do số lượng các đơn vị bán lẻ ít đi, người dân phải đi nhiều cây số mới mua được xăng dầu). Tất cả những hệ quả tiêu cực này có lẽ sẽ khó có thể giải quyết ổn thoả trong năm 2007 (như quy định tại Điều 19.2 Dự thảo). Cơ quan soạn thảo đã tính đến những giải pháp nào cho vấn đề này?

(iii)           Hiện nay bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng thừa nhận là không thể quản lý/kiểm soát được các cửa hàng bán lẻ là đại lý hoặc Tổng đại lý của mình (do quan hệ giữa các chủ thể này chỉ là quan hệ hợp đồng). Vậy biện pháp sắp xếp lại hệ thống phân phối bằng cách buộc mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được thuộc một doanh nghiệp đầu mối liệu (vẫn bằng quan hệ hợp đồng) liệu có mang lại hiệu quả gì tích cực hơn không?

Tóm lại, các biện pháp nhằm hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong bán lẻ xăng dầu, khắc phục những lộn xộn gần đây trong hệ thống phân phối xăng dầu ở nước ta là cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn biện pháp nào cần cân nhắc đầy đủ đến (i) tác động xã hội và kinh tế có thể có và (ii) các hiệu quả có thể thu được. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có giải trình đầy đủ về cả 2 khía cạnh này đối với từng quy định trong Dự thảo có thay đổi so với các quy định hiện tại.

Có ý kiến doanh nghiệp cho rằng các điều kiện kinh doanh hiện hành về cơ bản đã là đủ để quản lý. Tiêu cực chủ yếu là do thực thi quy định chưa nghiêm. Vậy nên chăng thay vì tiếp tục bổ sung các điều kiện mới (như Dự thảo) thì các cơ quan quản lý nên tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý thật quyết liệt (ví dụ buộc chấm dứt kinh doanh) đối với các trường hợp vi phạm?

3. Về nguyên tắc minh bạch, hợp lý và thuận lợi trong điều kiện, thủ tục cấp phép
Dù quản lý theo biện pháp nào (giấy phép hay điều kiện kinh doanh không cần giấy phép) Dự thảo cũng cần bảo đảm rằng các quy định liên quan phải cụ thể, rõ ràng (tránh hiện tượng giải thích theo nhiều cách khác nhau bởi cơ quan thực thi), hợp lý. Cần lưu ý thêm là theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp thì Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; do đó Nghị định này cần quy định hết các điều kiện cần thiết liên quan đến kinh doanh xăng dầu (văn bản cấp Bộ chỉ có thể hướng dẫn thêm về thủ tục chứ không thể quy định về điều kiện kinh doanh).
Tuy nhiên, Dự thảo hiện tại dường như còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu này, ví dụ:

- Điều 6.2.4 (Điều kiện về nhân lực đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu)

+ “Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật” cụ thể là những ai? (Điều này rất quan trọng vì có hồ sơ xin cấp phép phải có bản sao bằng tốt nghiệp đại học của tất cả những người này)

+ Điều kiện “tốt nghiệp đại học” có ý nghĩa gì không? (Bằng cấp là quan trọng hay kinh nghiệm, kỹ năng là quan trọng?)

- Điều 6.4 (Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu)

+ “Tài liệu chứng minh” gồm những tài liệu nào? (cần nói rõ, nếu không cơ quan cấp phép có thể đòi hỏi rất nhiều văn bản, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp)

+ Quyết định/chứng nhận của Bộ Giao thông vận tải đối với cầu cảng của doanh nghiệp: Quyết định như thế nào? quy định ở đâu? thủ tục, điều kiện xin như thế nào?

+ Danh sách cửa hàng, trạm bán lẻ thuộc sở hữu và thuộc hệ thống phân phối của mình: Chỉ cần danh sách, không cần giấy tờ gì khác để xác thực? nếu Có thì là những giấy tờ gì?

- Điều 7.2 (Điều kiện sản xuất, chế biến xăng dầu)

+ Điều kiện phải có dự án công suất tối thiểu 500.000 tấn/năm được phê duyệt có ý nghĩa gì không (vì các Dự án chỉ là ý định, không phải hiện thực)? Cấp nào “phê duyệt”? “Phê duyệt” về vấn đề gì?

- Điều 8.8 (Điều kiện kinh doanh của Tổng đại lý, đại lý bán lẻ):

+ Các chủ thể này phải tuân thủ “Quy chế đại lý” do Bộ Thương mại ban hành: Lưu ý là cấp Bộ không có thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh; hơn nữa việc giao Bộ Thương mại quy định quy chế mà không có bất kỳ hướng dẫn hay nguyên tắc nào kèm theo là không hợp lý (vì không đảm bảo khả năng có thể dự đoán trước);

+ Quy định tổng đại lý phải “chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá cả xăng dầu bán ra trong hệ thống thuộc mình quản lý” là không hợp lý (trách nhiệm về vấn đề này không chỉ thuộc về tổng đại lý, hơn nữa hiện tại tổng đại lý không có điều kiện cũng như khả năng để kiểm soát các vấn đề này).

- Điều 6.5, 8.6 (thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu):

+ Các quy định trong các Điều này quá “ngắn gọn”, không rõ quy trình thẩm định ra sao, bộ phận nào trực tiếp thực hiện việc này, nếu không đảm bảo thời hạn quy định thì xử lý thế nào? cơ quan cấp phép có trách nhiệm như thế nào trong việc hướng dẫn người nộp đơn để có được “bộ hồ sơ hợp lệ”...

+ Nếu đặt ra yêu cầu riêng cho Tổng đại lý và Đại lý thì “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu” mà Dự thảo quy định cho 02 đối tượng này có lẽ nên khác nhau (ví dụ: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh xăng dầu” và “Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu”).

4. Những vấn đề khác cần lưu ý

- Về hình thức: Các Điều trong Dự thảo được thiết kế rất dài, rắc rối, khó theo dõi và không rõ ý. Do đó nên cân nhắc tách mỗi loại hình kinh doanh thành một Mục riêng (trong mỗi Mục sẽ có các Điều riêng về điều kiện kinh doanh, về hồ sơ thủ tục cấp phép... với tên Điều ngắn gọn thể hiện rõ từng vấn đề)

- Điều 6:

+ Điều 6.7.6 đề nghị sửa cụm từ “cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận” bằng cụm từ “cảng Việt Nam thuộc hệ thống cảng biển quốc tế không có khả năng tiếp nhận” để đảm bảo tính thống nhất với mục 2.2a của Điều này.

+ Điều 6.2.2a: Có ý kiến cho rằng trường hợp đi thuê kho, bể thì thời gian thuê nên là 2 năm (thay vì 5 năm như trong Dự thảo) bởi 5 năm là quá dài, làm mất đi yếu tố cạnh tranh (góp ý tương tự với Điều 8.2.2)

- Điều 8:

+ Có thể cân nhắc bổ sung thêm một khoản riêng khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa đó là Quyền của các Thương nhân là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nếu có đủ điều kiện quy định đều có quyền kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa.

- Điều 18 - Xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

+ Đề nghị bỏ tiết f điểm 1 khoản 1.1 điều này vì không rõ ràng, thiếu chặt chẽ và có thể chưa đầy đủ vì trong thực tế có nhiều đối tượng mua xăng dầu nhưng chưa được quy định trong Nghị định. Đề nghị sửa lại là: “Mua-bán xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ” và hành vi vi phạm này nên được liệt kê lặp lại ở tất cả các khoản 2,3,4 và 5 của Điều này.

+ Có ý kiến cho rằng cần điều chỉnh các chế tài xử lý vi phạm để đảm bảo hiệu quả trong răn đe, phòng ngừa vi phạm, ví dụ nêu rõ các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý bằng biện pháp đình chỉ kinh doanh, thu hồi Giấy phép...

- Đề xuất về loại xăng cho phép lưu thông: Theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thì hiện tượng gian lận (đặc biệt gian lận về chất lượng) trong kinh doanh xăng dầu một phần là do hiện nay trên thị trường cùng lúc lưu thông quá nhiều loại xăng có phẩm cấp chất lượng khác nhau gồm: xăng M83, M90, M92 và M95 (tạo kẽ hở để gian lận thương mại về chất lượng). Đơn vị này đề nghị chỉ quy định tối đa không quá 2 loại xăng được phép lưu thông trên thị trường nội địa vì:

(i)                Hiện tại, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới không còn sử dụng xăng M83; hơn nữa giá xăng M83 thấp hơn giá xăng M92 (mặt hàng phổ biến hiện nay) tới 400đ/lít và so với xăng M95 tới 700đ/lít, dễ dẫn đến pha trộn vào xăng có trị số ốc-tan cao nhằm thu chênh lệch giá.

(ii)             Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu đầu mối hiện nay không kinh doanh mặt hàng xăng M83 và nhu cầu xăng M90 là không đáng kể;
Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan lưu ý cân nhắc chỉnh sửa để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

[1] Một doanh nghiệp gợi ý điều chỉnh lại Điều 14 như sau:
Điều 14 - Giá bán xăng dầu
  1. Giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, do doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu hoặc doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu quy định bảo đảm bình ổn thị trường, sản xuất và đời sống nhân dân, kể cả các địa bàn xa cảng tiếp nhận hoặc nơi sản xuất, chế biến xăng dầu; doanh nghiệp có tích luỹ và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình.

1.1    Doanh nghiệp được quyền quy định giá bán lé phù hợp với từng địa bàn áp dụng đối với hệ thống phân phối của mình.
1.2    Nghiêm cấm bán xăng dầu dưới giá vốn hoặc liên kết độc quyền tăng/giảm giá bán nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, gây bất ổn thị trường trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 13 của Nghị định này.
  1. Thời điểm giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, giá bán xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  2. Trước thời điểm giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, giá bán xăng dầu do Nhà nước quy định bảo đảm hài hoà các lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

3.1    Giá bán xăng dầu bảo đảm bù đắp đủ giá vốn, chi phí kinh doanh và các khoản nộp ngân sách, doanh nghiệp chưa có tích luỹ.
3.2    Giảm dần việc bù giá các loại dầu (diesel, dầu hoả, dầu madut) và tiến tới chấm dứt việc bù giá các mặt hàng dầu chậm nhất vào cuối năm 2008.
4.      Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn thực hiện chi phí kinh doanh, lợi nhuận theo các quy định tại Điều này; phối hợp với Bộ Thương mại kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định về giá xăng dầu.

[2] Các biện pháp quản lý dưới dạng giấy phép và điều kiện kinh doanh tương tự sẽ được xem xét riêng trong mục 3 dưới đây.

[3] Với suy đoán là hệ thống càng phức tạp, nhiều tầng nấc thì tỷ lệ lãi trong cơ cấu giá phải tăng lên, và vì không thể tăng giá bán cuối cùng nên người bán phải gian lận để có lãi)

[4] Theo một doanh nghiệp ở phía Nam thì hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long không có Tổng đại lý nào có nhiều hơn 4 cửa hàng bán lẻ (trừ một vài công ty Nhà nước). Doanh nghiệp này cho rằng chỉ nên quy định Tổng đại lý phải có ít nhất 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu/liên doanh và 10 cửa hàng đại lý.

Các văn bản liên quan