10% diện tích quảng cáo cho báo in: “Quá ít”

Thứ Ba 18:18 25-11-2008

10% diện tích quảng cáo cho báo in: “Quá ít”

ICTnews - Các cơ quan báo chí cho rằng Dự thảo Luật Quảng cáo quy định không được quảng cáo quá 10% diện tích báo in là thiếu thực tế và 'bóp ngẹt' nguồn thu của các báo.

Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định quảng cáo không được quá 5% thời lượng phát sóng đối với báo nói, báo hình.

Thiếu thực tế!

Theo ý kiến của nhiều cơ quan báo, nếu quy định cấm quảng cáo quá 10% diện tích trên báo viết, báo điện tử và trang tin điện tử như trong dự luật là quá khắt khe và bất cập. Nhiều cơ quan báo đặt câu hỏi: 10% diện tích là dựa trên cơ sở nào? Vì sao Nhà nước phải hạn chế việc quảng cáo trong khi tờ báo do người đọc tự bỏ tiền túi của mình ra mua?

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, một tờ báo có nguồn thu quảng cáo dồi dào, tự chủ được về kinh tế thì mới có thể tồn tại và phát triển, đồng thời giúp cho Nhà nước đỡ gánh nặng bao cấp. "Tôi vừa đi thăm một số tờ báo Đảng ở Trung Quốc. Quảng cáo trên báo của họ khá thoải mái, họ cho phép quảng cáo cả một phần hai trang bìa hoặc góc trên tay phải của trang bìa. Họ quảng cáo kể cả rượu, chỉ trừ thuốc lá. Báo nào cũng làm kinh tế nên tiềm lực rất mạnh", bà Nga nêu ví dụ.

Đại diện nhiều báo điện tử, trang tin điện tử cũng tỏ ra bất ngờ và không đồng tình. ông Xuân Minh, Giám đốc dự án Công ty quảng cáo trực tuyến 24h, cho biết các trang tin điện tử chỉ có nguồn thu duy nhất là quảng cáo. Vì vậy, nếu giới hạn diện tích như trên thì kinh phí duy trì website sẽ rất eo hẹp, từ đó không thể cung cấp nội dung hay, thậm chí có thể phải đóng cửa. ông Minh đề nghị "Các nhà làm luật cần xem xét kỹ lưỡng vì quy định trên sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh qua nền Internet, kể cả các doanh nghiệp đang sử dụng quảng cáo trên Internet như là một giải pháp quảng cáo giá rẻ, hiệu quả".

Giám đốc một trung tâm quảng cáo dịch vụ truyền hình cũng cho rằngG, Luật quảng cáo ra đời không chỉ quản  lý quảng cáo mà còn phải góp phần phát triển quảng cáo. Hiện nay, doanh số quảng cáo của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên cần ủng hộ việc tăng diện tích và thời lượng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài việc đảm bảo nguồn thu, đảm bảo đời sống cán bộ phóng viên, các cơ quan báo chí cũng có điều kiện về kinh tế để tham gia nhiều hơn nữa các chương trình xã hội, từ thiện…

Thực tế cho thấy, quảng cáo góp phần giảm giá thành sản phẩm và phí sử dụng dịch vụ, mang lại lợi ích thực cho người tiêu dùng. Vì thế, quy định cấm không được quảng cáo quá 10% diện tích trên báo in và không quá 5% thời lượng phát sóng trong ngày đối với báo nói, báo hình là không thực tế...

Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan báo chí lại đồng tình với quy định này. Phó Tổng biên tập một tờ báo cho biết, quan điểm cá nhân ông thấy điều này không là "vấn đề" lắm. Bởi, các báo vẫn có thể xin phụ trương quảng cáo. Tuy nhiên, điều thiệt thòi thuộc về các tạp chí, bởi họ ra phụ trương thì kẹp vào đâu. Làm sao đó để không đẩy cơ quan báo vào thế "bí" và  khiến họ "lách" luật.

Không lo quảng cáo làm nhiễu thông tin

Theo ông Hà Văn Tăng, phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trên thực tế, quy định trên là chưa hợp lý và không tuân theo thông lệ quốc tế. Bởi, doanh nghiệp quảng cáo bao nhiêu là quyền của họ, tùy tình hình kinh tế mà họ đưa ra mức cân đối hợp lý. Không lẽ họ làm ăn được, họ muốn quảng cáo nhiều trên báo, đài để khuếch trương thương hiệu, mà các cơ quan báo lại từ chối chỉ vì lý do "quy định chúng tôi chỉ được quảng cáo như vậy". Các báo sẽ tự biết cách điều chỉnh sao cho hợp lý, không có tờ báo nào mà rặt toàn quảng cáo. Không có thông tin thì không có ai đọc, mà bạn đọc không có thì doanh nghiệp nào quảng cáo, nên không lo chuyện quảng cáo làm "nhiễu" thông tin, ông Tăng nói.

Cán bộ phát hành một tờ báo cho biết, nếu quy định này được áp dụng, bằng hình thức này, hình thức khác, không ít các cơ quan báo sẽ buộc phải "lách" luật để đảm bảo "nồi cơm" của mình. Trên thực tế, việc này cũng đã và đang diễn ra. Hình thức "lách" luật chủ yếu vẫn là các báo xin mở phụ trang thông tin, sau đó các thông tin bị mờ dần, thay vào đó là quảng cáo và sau đó chỉ có quảng cáo. Việc quy định 10% hay 15%, hay thậm chí 20% chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, bởi nhiều báo hiện nay tự điều chỉnh diện tích cho phù hợp. Đây cũng là hình thức các báo tự "bơi trong cơ chế", do cơ chế thiếu thực tế, còn xét khía cạnh nào đó, họ không có lỗi!

ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hoá Cơ sở (Bộ VH -TT-DL) cho biết, đây đang là quá trình lấy ý kiến, nên có thể sẽ có những điều chỉnh trong dự Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, điểm mới trong dự thảo Luật Quảng cáo là việc bãi bỏ giấy phép cho nhiều lĩnh vực quảng cáo như: quảng cáo trên màn hình điện tử; quảng cáo trên các ấn phẩm; quảng cáo trên các phương tiện truyền dẫn, phát sóng, Internet; quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo điện tử, báo viết,... đều không cần xin phép mà phải tự chịu trách nhiệm về việc quảng cáo của mình. Chỉ riêng một số trường hợp vẫn phải xin phép gồm: phụ trương chuyên quảng cáo trên báo in, báo điện tử; chương trình chuyên quảng cáo trên báo nói, báo hình. Tới đây, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cơ quan báo chí... cho dự thảo Luật Quảng cáo cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội để xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát thực tế, mang tính khả thi cao - ông Toàn nói.

Minh Giang

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 115 ra ngày 24/11/2008

Các văn bản liên quan