Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Bình – TP Hải Phòng

Thứ Hai 10:49 22-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin góp ý một số nội dung về Dự án Luật kiểm toán độc lập.

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật kiểm toán độc lập, tôi nhất trí cần phải ban hành Luật kiểm toán độc lập nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh hơn trong việc điều chỉnh họat động kiểm toán độc lập, góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế rủi ro gây nên những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và xã hội.

Thứ hai, về tên gọi của luật, tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về tên gọi của luật là Luật kiểm toán độc lập vì tên gọi của luật có tính kế thừa các quy định pháp luật hiện hành và là thuật ngữ đã sử dụng quen thuộc ở Việt Nam.

Thứ ba, về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí đưa tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán vào phạm vi điều chỉnh của luật vì kiểm toán độc lập là loại hình kinh doanh có điều kiện, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các kiểm toán viên và các doanh nghiệp kiểm toán nên có tính đặc thù so với các hội nghề nghiệp khác. Hoạt động của tổ chức nghề nghiệp có liên quan đến kiểm toán viên và một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kiểm toán độc lập. Do đó, đề nghị xem xét để có những biện pháp, chính sách cụ thể nhằm nâng cao năng lực của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán để đủ khả năng đảm nhiệm thêm một số chức năng, nhiệm vụ theo kinh nghiệm quốc tế, mà không nhất thiết phải để cơ quan quản lý Nhà nước đảm nhiệm.

Bốn, về quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, tôi nhất trí với dự thảo luật giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập, cụ thể giao cho Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên tại Điểm c, Khoản 2, Điều 10 chỉ khi nào tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán của Việt Nam đủ khả năng và nguồn lực mới xem xét chuyển giao trách nhiệm, như kinh nghiệm một số quốc gia đã thực hiện. Hai, tôi nhất trí giao cho Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập của doanh nghiệp kiểm toán chi nhánh, văn phòng đại điện của doanh nghiệp kiểm toán, chấp nhận thành lập chi nhánh và công ty của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài tại Điểm d, Khoản 2, Điều 10 và Điều 22. Vì kiểm toán là ngành kinh doanh có điều kiện, việc thành lập doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diên của doanh nghiệp kiểm toán không chỉ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể, cần tập trung vào một đầu mối là Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập có đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực liên quan đủ khả năng thực hiện quản lý kiểm tra, giám sát chất lượng, xử vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán để cấp giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động.

Năm, về quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề, tôi nhất trí với quy định không cho kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán.

Tôi đề nghị xem xét lại quy định kiểm toán viên phải thi sát hạch bằng Tiếng Việt pháp luật Việt Nam tại Điểm b, Khoản 1, Điều 15. Quy định này là rào cản kỹ thuật chủ yếu đặt ra đối với kiểm toán viên là người nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy thị trường kiểm toán Việt Nam vẫn cần đến các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài và một số kiểm toán viên người nước ngoài. Việc yêu cầu các kiểm toán viên người nước ngoài phải hiểu biết về pháp luật Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, quy định họ phải thi sát hạch bằng Tiếng Việt là khó khả thi, chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập cũng như chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán tại Việt Nam.

Thứ sáu, về doanh nghiệp kiểm toán. Tôi đề nghị xem xét lại quy định không cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán trừ trường hợp công ty kiểm toán Việt Nam liên doanh với công ty kiểm toán nước ngoài để thành lập công ty kiểm toán liên doanh vì quy định này là quá chặt và chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO. Tôi đề nghị xem xét lại quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ tại Khoản 3, Điều 22. Theo quy định tại Điều 57 của Luật Doanh nghiệp, thành viên của doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có thể thuê, tuyển chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy yêu cầu giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ là không phù hợp.

Thứ bảy, về chế tài xử lý vi phạm. Các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo luật vẫn còn quá chung chung, chưa phản ánh được tính đặc thù của hoạt động kiểm toán độc lập. Tôi đề nghị cần nghiên cứu để đưa ra các chế tài xử lý vi phạm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành và phản ánh được tính đặc thù của hoạt động kiểm toán độc lập.

Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự án Luật Kiểm toán độc lập. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan