Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Năm 11:46 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Để kết thúc thảo luận tại hội trường, chúng ta có 21 vị đại biểu phát biểu ý kiến, các ý kiến rất chất lượng. Tôi xin có một số ý kiến để kết thúc nội dung thảo luận sáng nay. Căn cứ vào các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến tại tổ đề cập đến một số nhóm vấn đề.

Một là đối tượng chịu thuế cũng còn hai loại ý kiến, một là đồng ý trong dự thảo vì cho rằng đây là một sắc thuế mới, cũng phù hợp với sức quản lý của ta và cũng phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế xã hội của nước ta. Nhưng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phải mở rộng phạm vi các đối tượng chịu thuế với một nguyên tắc tất cả các sản phẩm nào dùng gây ô nhiễm môi trường thì phải chịu thuế còn thuế thấp, thuế cao thì là chuyện khác. Nếu theo hướng mở rộng này thì đề nghị Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, sẽ đưa thêm một số đối tượng chịu thuế cụ thể vào trong điều quy định về đối tượng chịu thuế.

Thứ hai có thể xin phép Quốc hội trong trường hợp đặc thù này thì có thể sử dụng một khoản quét là các đối tượng chịu thuế khác, Chính phủ sẽ trình và giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định để đảm bảo tuổi thọ của luật này, đồng thời cũng phù hợp với quá trình vận động của kinh tế xã hội của nước ta, còn các Luật khác thì cơ bản chúng ta không đồng ý có khoản quét, nhưng đối với Luật này thì cũng có thể nghiên cứu có một khoản quét như vậy.

Vấn đề thứ hai, về thuế suất thì qua thảo luận ở tổ và ý kiến ở Hội trường nhìn chung đồng ý với quy định của dự thảo. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng phải xem thêm kể cả trần và sàn, cũng như độ rộng hẹp của khung thuế suất.

Về hình thức thuế suất thì nhiều ý kiến nên áp dụng thuế suất theo %. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của quốc tế thì để cho thuận tiện, đơn giản và có thể ăn ngay được thì phần lớn quy định áp dụng thuế suất theo số tuyệt đối, tôi báo cáo thêm với Quốc hội như vậy.

Còn việc căn cứ vào mức độ gây ô nhiễm môi trường như thế nào để xác định thuế suất trần, sàn, khung thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng đã nghiên cứu tiếp thu những kết quả của các nước đã áp dụng loại thuế này. Đồng thời cũng tiến hành nghiên cứu để xác định nó phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Vấn đề thứ ba, về hoàn thuế thì cũng có đại biểu nói rằng sản phẩm xuất khẩu tại sao không đánh thuế bảo vệ môi trường thì cũng xin báo cáo thêm với Quốc hội để tạo điều kiện cho anh em có thể tiếp thu chỉnh lý thì đối với khâu sản xuất hàng xuất khẩu mà phát thải đương nhiên chịu phí bảo vệ môi trường. Còn sản phẩm xuất khẩu khi xuất sang nước người ta đương nhiên người ta phải đánh thuế nếu như sử dụng nó gây ra ô nhiễm môi trường. Còn nước ta không đưa vào tạo điều kiện tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm trong nước ta xuất khẩu ra nước ngoài vì thuế là một yếu tố cấu thành giá cả. Chỗ này chúng ta nên suy nghĩ thêm.

Ý thứ hai, của khoản thuế đại biểu cũng lưu ý là tổ chức thực hiện để tránh tình trạng lợi dụng để hoàn thuế khống gây thất thoát về thuế.

Thứ tư, về đối tượng không chịu thuế thì đại biểu cũng đề cập đến hàng quá cảnh nhưng chúng tôi suy nghĩ kể cả hàng tạm nhập tái xuất và hàng quá cảnh thời gian lưu lại ở Việt Nam như thế nào thì cũng cần nghiên cứu thêm để hạn chế đến mức thấp nhất sự phát thải gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hàng hóa lưu tại lãnh thổ của Việt Nam. Điều này cũng sẽ thể hiện ở quy định hướng dẫn chi tiết.

Thứ năm, về vấn đề phân chia nguồn thu, việc này nguyên tắc như thế nào, thẩm quyền ra làm sao đã được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Hiện hành giao quyết định phân chia nguồn thu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn nguyên tắc ở trong Luật Ngân sách nhà nước đã quy định rất rõ. Rất lưu ý nguồn thu này hướng dẫn sử dụng như thế nào, đặc biệt sử dụng nguồn này vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường là chính.

Thứ sáu, xoay quanh vấn đề thuế và phí chúng ta cũng nghiên cứu để không trùng vào nhau, đương nhiên giữa thuế và phí cũng có bản chất khác.

Đối với xăng dầu thì trên diễn đàn Quốc hội tôi có thể nói một ý đằng sau một chút. Hiện tại giá xăng dầu bán lẻ ra trong đó có thuế nhập khẩu và có phí sử dụng xăng dầu nhưng sắp tới chúng ta phải thực hiện cam kết về thuế. Khi ta đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì thuế nhập khẩu bằng 0, cho nên chúng ta chuyển nguồn thu từ thuế nhập khẩu vào thuế nội địa, cộng thuế nội địa với phí xăng dầu chuyển sang hình thức thu thuế để đảm bảo cho nguồn thu của ngân sách mà không tăng giá, không ảnh hưởng đến đối tượng sử dụng xăng dầu, tôi cũng xin nói ngầm trong Quốc hội như vậy, chính vì thế cho nên cũng gắn với thời gian có hiệu lực của luật thuế này.

Vấn đề thứ bảy, về thời điểm có hiệu lực chúng tôi sẽ tính thêm, ý tứ ở đây là gắn với thời điểm mà chúng ta phải tuân thủ cam kết về thuế khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và thuế suất bằng 0. Thời gian hơn 1 năm thì chuẩn bị cũng dễ dàng nhưng muốn bắt nhịp vào thời điểm đó, chúng ta cũng đang thương lượng để có thể kéo dài thời gian này ra nhưng chắc là khó. Cơ bản đến năm 2012, 2013 các sắc thuế về nhập khẩu bằng 0 hết, chỉ còn 1, 2 sản phẩm đến năm 2018 chúng ta mới áp dụng thuế suất bằng 0.

Về tên luật, giải thích từ ngữ và một số vấn đề kỹ thuật khác chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật này. Đó là một số những vấn đề xin báo cáo thêm với Quốc hội như vậy.

Ý kiến cuối cùng, hôm nay là ngày mùng 5/6, đại biểu nào chưa bỏ thuốc lá thì chọn ngày này để bỏ thuốc lá thì chắc chắn là bỏ được. Xin cảm ơn đại biểu Quốc hội.

Các văn bản liên quan