Dự án về thuế môi trường: Xả khói, phun thuốc trừ sâu…sẽ phải nộp thuế

Thứ Ba 09:48 05-01-2010

Dự án luật về thuế môi trường:

Xả khói, phun thuốc trừ sâu... sẽ phải nộp thuế

 

Pháp luật TP HCM, Sài Gòn tiếp thi, ngày 02-07-2008

 

Bộ Tài chính cho biết đang xúc tiến cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự án luật về thuế môi trường. Đây sẽ là một đạo luật toàn diện về các mức thuế đánh vào các hoạt động khai thác tài nguyên, giao thông vận tải; đánh thuế trực tiếp vào các hoạt động xả chất thải ra không khí, nước và môi trường...

Chỉ có thu phí, lệ phí là không đủ

Hiện nay cũng đã có một số chính sách thuế, phí và lệ phí được đặt ra với mục đích bảo vệ môi trường như thuế tài nguyên (theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên năm 1990) với các mức thu cụ thể như khai thác dầu mỏ 6%-25%; khoáng sản kim loại 1%-5%; nước khoáng 2%-10%... Có các loại phí như phí bảo vệ môi trường với nước thải (theo tỷ lệ % trên 1m3 nước sinh hoạt), phí xăng dầu, lệ phí cấp phép sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên trên thực tế, theo ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, các loại thuế và phí hiện nay đều rất tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, mức thu rất thấp... đã khiến mục tiêu của các loại thuế, phí đó không đạt được.

Một nghiên cứu trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Ủy ban châu Âu cho Việt Nam cho thấy các loại phí, lệ phí về môi trường hiện nay của Việt Nam như phí rác thải, nước thải công nghiệp hay gia đình không thể trang trải được các chi phí (mà nhà nước bỏ ra) để thu gom chứ chưa nói đến việc đầu tư thiết bị xử lý các loại chất thải đó đúng cách. Hay như với các loại nhiên liệu xăng, dầu - những sản phẩm được sử dụng có mức độ gây ô nhiễm lớn nhất hiện nay thì mức thu phí thuộc loại thấp nhất thế giới: 300 đồng/lít dầu diesel và 500 đồng/lít xăng...

“Chỉ có thu phí, lệ phí... như hiện nay thôi thì rõ ràng không có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường. Có những loại phí như phí nước thải sinh hoạt, có nơi thu - như Hà Nội chẳng hạn nhưng rất nhiều tỉnh, thành khác lại không thu thì cũng không thể nào tạo ra ý thức về bảo vệ môi trường. Cho nên việc nghiên cứu, xây dựng một đạo luật về thuế môi trường vào thời điểm này theo tôi là rất cần thiết” - ông Đinh Văn Nhã nói.

Thuế môi trường, không vì mục tiêu tăng thu ngân sách

Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của châu Âu cho Việt Nam giai đoạn II cũng đã giúp Việt Nam phác thảo một dự án luật thuế môi trường dựa theo kinh nghiệm xây dựng luật thuế môi trường của nhiều nước. Theo dự án này thì hệ thống thuế về môi trường sẽ dựa trên các sắc thuế căn bản về năng lượng (chủ yếu là điện) nhằm giảm khí nhà kính và các khí độc, bảo vệ tài nguyên; thuế đánh vào các hoạt động sử dụng chất hóa học (thuốc trừ sâu) trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ nguồn nước, đất đai không bị thoái hóa... Dự án xây dựng một chương riêng về thuế phương tiện (giao thông) đánh vào người đăng ký và sở hữu phương tiện (chủ yếu là xe hơi) nếu phương tiện đó có hệ số phát thải khí CO2 quá mức cho phép.

Đáng chú ý là các khoản thu được xác định không nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước mà chủ yếu được để dành để bù đắp chi phí quản lý hành chính hoặc tái phân bổ (20%) cho các biện pháp bảo vệ môi trường, khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái sinh, sử dụng năng lượng có hiệu quả hay hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội... Ví dụ như nguồn thu thuế môi trường trong nông nghiệp được phân bổ trở lại cho nông dân, hỗ trợ họ sử dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Tác giả của dự án luật thuế môi trường đầu tiên của Việt Nam - tiến sĩ Michael Rodi còn đưa ra khuyến cáo rằng do Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng và khả năng quản lý để đánh thuế vào các hành vi thải trực tiếp ra môi trường không khí, nước và đất... nên cần phải ưu tiên thành lập hệ thống giám sát chức năng về các loại thải cụ thể trên cơ sở các tiêu chuẩn thải tối đa. Có hệ thống này mới có tác dụng cải thiện hiệu quả môi trường.

Dự án này đã có những phản ứng khá tích cực. Ông Nguyễn Đình Xuân - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò, Xa Mát (Tây Ninh), Ủy viên ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội nói: “Nếu chúng ta có một đạo luật về thuế như vậy thì quá tốt. Nhưng dự án luật nên bổ sung các chính sách ưu đãi như giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các công nghệ, sản phẩm làm giảm ô nhiễm, thân thiện với môi trường. Chính sách thuế phải hướng tới sự công bằng để những ai làm môi trường xuống cấp, ô nhiễm thì phải có trách nhiệm đóng góp để khắc phục”.

Bà Phạm Thị Loan - Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á cũng nói rằng: “Tôi tin một luật thuế về môi trường như vậy sẽ làm tăng trách nhiệm về quản lý môi trường và nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp. Nhưng cũng nên tính ở một mức thuế hợp lý, thực tế để người ta sẵn sàng chấp nhận”.

Các văn bản liên quan