Dự thảo luật Lao động mới: Nhiều điểm chưa hợp lý

Thứ Hai 10:13 29-03-2010
Dự thảo luật Lao động mới: Nhiều điểm chưa hợp lý

Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Đây là ý kiến của ông Phùng Quang Huy – Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI. Ông Huy cho rằng, mục tiêu hàng đầu mà BLLĐ sửa đổi cần hướng tới là hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).

- Dưới góc độ là cơ quan đại diện cho NSDLĐ, ông nhận xét thế nào về vai trò của NSDLĐ thể hiện trong dự thảo bộ luật sửa đổi ?

Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã chủ động lấy ý kiến của DN trên cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Vì vậy chúng tôi đã tập hợp được nhiều ý kiến đánh giá, nhưng điều đáng buồn là đa số ý kiến cho rằng BLLĐ sửa đổi thiên nhiều về bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Luật mới càng rõ ràng thì càng có lợi cho các bên. Với vai trò là một trong hai bên quan trọng được BLLĐ điều chỉnh, chúng tôi cho rằng, ban soạn thảo nên xây dựng 1 chương quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức giới sử dụng lao động trong bộ luật mới, trong đó quy đinh rõ VCCI là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ.

Bên cạnh việc dự thảo BLLĐ sửa đổi xem nhẹ vai trò của NSDLĐ, thì lại quy định thái quá tới vai trò của công đoàn cấp trên. Điều 199 quy định “trong trường hợp DN chưa thành lập được công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên cơ sở có quyền đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ”. Đây là điều rất khó thực hiện. Thực tế các tổ chức công đoàn cấp trên thường có số cán bộ mỏng. Với số lượng DN đông đảo như hiện nay, rất dễ xảy ra trường hợp một cán bộ phải theo dõi nhiều DN hay tổ chức công đoàn cơ sở. Vậy những cán bộ này có nắm sát tình hình từng DN hay tổ chức công đoàn cơ sở không ? Họ có thể đại diện được không khi mà họ hiểu mơ hồ về tình hình hoạt động thực tế tại DN. Đây là những điều mà nhiều NSDLĐ còn băn khoăn.

Chúng tôi kiến nghị, Điều 199 nên quy định: những DN chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm thành lập công đoàn cơ sở để đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

- Tuy vậy, khúc mắc trong việc thời gian làm thêm giờ cũng đã được dự thảo luật mới nới rộng. Đây cũng có thể coi là một điểm tiến bộ, thưa ông ?

Theo BLLĐ hiện hành quy định 1 năm NLĐ chỉ làm thêm tối đa là 200 giờ. Dự thảo mới tăng lên 300 giờ. Tuy nhiên, thực chất những năm qua số giờ làm thêm của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, gia công giày dép, may mặc thường ở mức từ 500 đến 700 giờ. Do vậy, nhiều DN kiến nghị nên điều chỉnh tăng số giờ làm thêm trong năm lên 500 đến 700 giờ, để tránh cho các DN phải vi pham pháp luật.

Nhưng theo tôi, việc làm thêm giờ nên để tự NLĐ và NSDLĐ định đoạt vì hai bên đều có quyền và lợi ích hợp pháp trong khoảng thời gian này.

- Dự thảo BLLĐ sửa đổi cũng đã có quy định mới về việc ký kết thỏa ước lao động tập thể. Theo đó cho phép ký thỏa ước lao động tập thể theo ngành. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này ?

Đúng là Dự thảo BLLĐ sửa đổi cho phép ký kết thỏa ước lao động tập thể theo ngành. Tuy nhiên, việc phân định ngành nghề ở VN hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận xét, hiệp hội DN hiện tại làm tốt việc liên kết cộng đồng DN nhưng chưa đủ điều kiện đại diện trong việc ký thỏa ước lao động tập thể. Do vậy, quy định này rất khó thực hiện. Chúng tôi kiến nghị cần làm thí điểm ở một số ngành cụ thể. Nếu thí điểm thành công mới triển khai rộng rãi.

- Giải quyết tranh chấp lao động, đặc biệt đình công luôn là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Theo ông, dự thảo nên sửa đổi theo hướng nào để giải quyết vấn đề này ?

Chúng tôi cho rằng, ban soạn thảo cần thiết kế lại chương quy định về tranh chấp lao động. Mọi vấn đề cần được làm rõ, cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện. Chương này cần chú trọng tới quy định cơ quan ba bên. Vai trò của Ủy ban ba bên là vô cùng quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động nói chung, đình công nói riêng. Chính vì vậy, dự thảo cần quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của ủy ban ba bên. Mỗi tỉnh đều nên thành lập các ủy ban ba bên để giải quyết tranh chấp lao động.

- Xin cảm ơn ông !

Theo DĐDN ngày 21/3/2010

Các văn bản liên quan