Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Nhiều quy định về lao động nữ xa rời thực tế?

Thứ Hai 10:09 29-03-2010

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Nhiều quy định về lao động nữ xa rời thực tế?

  • Theo số liệu trong Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) ngày 9/3/2010, tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 46,6% lực lượng lao dộng. Mặc dù pháp luật lao động đã quy định phải trả lương cho nam, nữ bằng nhau nếu cùng làm một công việc như nhau, song mức lương của lao động nữ khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, vẫn thấp hơn nam giới 54- 90%.

Nhằm tăng cường tính khả thi của pháp luật về lao động cho lao động nữ, trong hai ngày 15- 16/3/2019, tại Hải Phòng, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Dự án quan hệ lao động Việt Nam (Tổ chức Lao động quốc tế) tổ chức tọa đàm về những nội dung liên quan đến lao động nữ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã được nghe giới thiệu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các nội dung liên quan tới lao động nữ trong Bộ luật Lao động, kinh nghiệm của các nước về lao động nữ, tình hình thực hiện pháp luật về lao động đối với lao động nữ...

Ông Đặng Đức San- Vụ trưởng vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Bộ luật Lao động hiện hành dành riêng chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ” gồm 7 diều, sửa đổi lần này đưa thêm 2 điều. Khoản 4, Điều 160, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, có từ 10- 100 lao động nữ, chiếm 50% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp; hoặc có trên 1.000 lao động nữ, chiếm 30% trở lên trong tổng số lao động làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Về vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này có thể dẫn đến tình trạng tiêu cực trong việc khai xác nhận số lao động là nữ cao hơn thực tế để hưởng chính sách ưu đãi. Vì vậy, nên quy định theo hướng, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ một lần từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm tùy thuộc vào tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động thường xuyên tại doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, rất ít doanh nghiệp có đông lao động nữ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn ưu đãi rất rườm rà và phức tạp, không có tính khả thi, không nên đưa quy định này vào Bộ luật Lao động sửa đổi. Riêng khu vực HTX chưa có HTX có đông lao động nữ được vay vốn với lãi suất thấp hay được hỗ trợ kinh phí từ quỹõ quốc gia giải quyết việc làm và chưa được hưởng miễn giảm thuế theo các qui định của Nhà nước. Chỉ có rất ít HTX sử dụng vốn đầu tư hàng năm của HTX vào việc cải thiện điều kiện làm việc và vệ sinh an toàn cho lao động nữ...

Bà Hoàng Thị Thu- Trưởng ban nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương- nhận xét: Trong dự thảo, chương những qui định riêng đối với lao động nữ có nhiều vấn đề xa rời với thực tế. BàThu cho biết, từ năm 2003 tới nay, cả tỉnh Hải Dương chỉ có 25 lượt doanh nghiệp có đông lao động nữ được hưởng thuế ưu đãi. Theo kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay hơn 50% doanh nghiệp không có buồng tắm riêng, chỗ thay quần áo cho lao động nữ; 56% lao động nữ được khảo sát cho biết phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn, rung và nóng bức; chị em phụ nữ hiện nay rất cần nước sạch, song nước sạch lại rất khan hiếm ở những KCN-KCX, thậm chí còn thiếu cả nước để cho chị em rửa mặt... Bà Thu đưa ra câu hỏi: Nếu doanh nghiệp có 2.000 lao động nữ thì cần có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu buồng tắm, bao nhiêu nhà vệ sinh?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt doanh nghiệp bỏ ra những khoản chi phí cho việc xây buồng tắm, nhà vệ sinh, nhà trẻ chính lại là rào cản đối với cơ hội tìm kiếm việc làm cho phụ nữ. Vin vào cớ chi phí tốn kém cho nên doanh nghiệp hạn chế việc tuyển dụng lao động nữ. Các đại biểu đề nghị đây là trách nhiệm của cả xã hội, vì vậy Nhà nước cần có kinh phí trợ cho việc xây nhà trẻ, nhà tắm, nhà vệ sinh... không nên để các doanh nghiệp phải gánh chịu khoản chi phí này.

Bà Hà Thị Thanh Vân- Phó ban pháp chế Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam- đề nghị bổ sung thêm quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm các công việc nhạy cảm. Theo bà Vân, Ban soạn thảo cần tính đến chương VI về nguyên tác trả lương của người sử dụng lao động cho những trường hợp người lao động nhận làm thêm phần việc mà lao động nữ nghỉ thai sản đã làm trước đó để làm giảm khó khăn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đào tạo người thay thế. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng các quy định dành cho lao động nữ không thực thi trên thực tế. Theo bà Vân, Điều 164 cần đổi thành “Chính sách đối với lao động nữ liên quan đến đặc thù giới tính và vai trò làm mẹ”.

Hiện nay vẫn còn 12,9% lao động nữ đang làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại, trong đó có những công việc cấm lao động nữ làm vì có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con, nhưng vì kế mưu sinh, họ vẫn phải làm.

Bà Jonna Naumanen- chuyên gia về giới của Tổ chức Lao động quốc tế- khuyến nghị: Cần xóa bỏ hoàn toàn danh sách các ngành nghề ngăn cấm phụ nữ làm việc và thay vào đó là đưa ra các yêu cầu về an toàn lao động và sức khỏe áp dụng cho cả nam và nữ. Cần xóa bỏ các ngăn cấm liên quan tới công việc dưới lòng đất và ca đêm của phụ nữ, bởi vì những ngăn cấm này đã trở nên lỗi thời.

Bà Nguyễn Tuyết Lan- Phó Phòng nghiệp vụ Công ty TNHH một thành viên dệt kim Đông Xuân Hà Nội- cho biết: Tổng số lao động của công ty là 951 người, trong đó nữ là 688 người, chiếm 72%. Độ tuổi trung bình của lao động nữ trong công ty là 32,4 tuổi, diện sinh đẻ chiếm 29%. Lao động dệt may là lao động loại 4- cần thời gian làm dãn ca nhiều. Khoản 2 điều 164 Bộ luật Lao động quy định người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ 7 được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương, điều này rất khó cho doanh nghiệp vì không thể kiếm ra nhiều việc làm nhẹ hơn và rất khó khăn trong việc bố trí sản xuất, thiếu lao động. Theo bà Lan, quy định này chỉ nên áp dụng cho các ngành đặc biệt nặng nhọc như xây dựng, cầu đường...

Rất nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị của bà Phạm Thị Thanh Hồng- Phó trưởng ban nữ công Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thời gian nghỉ thai sản phải tăng lên 6 tháng thì mới bảo đảm sức khỏe cả mẹ và con.

 

Ngọc Cầm

Theo Kinh tế hợp tác Việt Nam ngày 24/3/2010

 

Các văn bản liên quan