Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Hai 09:47 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Dự án luật này Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cho phép tôi có một số ý kiến kết thúc phiên thảo luận chiều nay.

Về vấn đề chung, có 4 điểm:

Thứ nhất, cùng với tờ trình và dự án luật, cơ quan soạn thảo đã có Báo cáo tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh về thuế nhà, đất, có báo cáo tác động, dự kiến được ban hành luật này và có dự thảo bước đầu nghị định hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hôm nay để nghiên cứu các báo cáo đã chuẩn bị để bổ sung, hoàn chỉnh cho đầy đủ và sâu sắc hơn.

Thứ hai, mỗi một vấn đề có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, các đại biểu Quốc hội đã trực tiếp nghe, tôi xin phép không nhắc lại.

Thứ ba, giữa mục đích, yêu cầu đặt ra của dự án luật này và một số nội dung quy định cụ thể trong dự án luật còn có những vấn đề chưa ăn khớp với nhau.

Thứ tư, căn cứ vào trình độ quản lý và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta cần nghiên cứu, quy định luật này như thế nào cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì Ban Soạn thảo cùng với các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án Luật này.

Về một số vấn đề cụ thể tôi xin nói mấy điểm:

Một là đối tượng chịu thuế và người nộp thuế thì đối với đất thì ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội là đồng ý. Tuy nhiên phải làm rõ nhiều vấn đề khi trình với Quốc hội tại kỳ họp sau, trong đó có vấn đề liên quan đến thu thuế đối với đất được thuê, được giao có thu tiền. Và trong trường hợp đất được sử dụng xây dựng nhà chung cư cao tầng thì người nộp thuế là nhà đầu tư hay là các hộ được mua và sở hữu các căn hộ. Về nhà ở thì có nhiều ý kiến nhưng ý kiến chung là nếu có một nhà ở và trong trường hợp nhiều nhà ở mà có nhà ở đầu tiên người chủ chọn để ở gắn liền với hạn mức sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì không chịu thuế.

Thứ hai về căn cứ tính thuế đối với đất thì đối với diện tích đất là đất ở thì trong hạn mức là không chịu thuế, ngoài hạn mức thì phải chịu thuế, còn thuế nó có thể 1 mức hoặc là lũy tiến thì sẽ nghiên cứu thêm. Còn đối với đất khác thì phải nộp thuế theo diện tích thực tế, còn trên giấy chứng nhận hay đo đạc thực tế thì nay mai tùy từng trường hợp cụ thể.

Đối với diện tích nhà như trên đã nói, nhà đầu tiên được sử dụng để ở dù bất cứ nhà đó là nhà cấp 4 hay nhà gì chăng nữa, gắn liền với hạn mức sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì không phải nộp thuế, còn trên hạn mức thì sẽ xác định một mức thuế suất cho phù hợp.

Về giá, các đại biểu cũng lưu ý nghiên cứu kỹ hơn về thẩm quyền vì giao cho các địa phương thì tính thống nhất bị hạn chế, nhưng cũng có mặt tốt là phù hợp với tình hình thực tế, giá cả trong từng khu vực.

Ban soạn thảo cũng cần lưu ý đơn giá xây dựng làm căn cứ để nay mai tính tỷ lệ phần trăm của từng loại nhà cũng phải được phân biệt theo từng khu vực. Các đại biểu cũng lưu ý về thời điểm tính giá và giá đó có hiệu lực trong một thời gian bao lâu để làm căn cứ tính thuế và thu thuế hàng năm.

Về thuế suất, các đại biểu cũng lưu ý phải tính toán thuế suất hướng vào 2 mục tiêu chính đối với đầu cơ và đối với những người có nhiều tài sản là nhà ở, từ nhà thứ hai trở đi.

Về miễn, giảm thuế, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải cụ thể hơn đối tượng chịu thuế và người nộp thuế, trong những trường hợp nào thì được miễn giảm phải rất cụ thể, không nên để quy định trong nghị định của Chính phủ.

Về thẩm quyền các đại biểu chưa phát biểu nhiều nhưng sẽ nghiên cứu tiếp thẩm quyền xoay quanh vấn đề quyết định về tỷ lệ phần trăm từng nhà làm căn cứ để xác định mức thuế phải thu và quyết định việc miễn, giảm thuế cho các đối tượng chịu thuế và những người nộp thuế.

Thứ năm, về chế tài đề nghị nghiên cứu để có quy định cụ thể chế tài trong luật này.

Thứ sáu, lưu ý phải cụ thể hơn, rà lại những vấn đề đã được tổng kết qua việc thực hiện Pháp lệnh về thực hiện thuế nhà, đất thấy đã rõ, đã ổn định và khẳng định sức sống của nó trong thực tế thì đưa vào trong luật, không nên để ở những văn bản dưới luật.

Thứ bảy, về thời điểm có hiệu lực cũng còn có ý kiến muốn kéo dài hơn sang đầu năm 2012, nhưng có lẽ đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nếu nghiên cứu kỹ với những mục tiêu đặt ra của dự án luật này thì có hiệu lực vào đầu năm 2011 cũng hợp lý, nếu chúng ta được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 khai mạc vào tháng 5 năm 2010.

Kính thưa Quốc hội,

Đoàn thư ký đã ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các bước chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2010. Xin cảm ơn Quốc hội, chúng ta nghỉ tại đây.

 

Các văn bản liên quan