Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Hai 09:45 23-11-2009

Thưa Quốc hội,

Tôi rất nhất trí với nhiều ý kiến các vị đại biểu đã nêu. Tôi chỉ hơi tiếc một chút là lẽ ra dự thảo này tốt hơn thì tầm quan trọng của luật này rất tốt và sẽ tác động rất lớn đến xã hội. Dự thảo hơi sơ sài, chỉ có 13 điều mà 8 điều là Chính phủ hướng dẫn, cho nên chúng ta bàn như thế nhưng bên ngoài xã hội, thị trường ngoài kia họ không chú ý. Lẽ ra khi Quốc hội bàn luật này ngoài xã hội nín thở chờ xem quyết định như thế nào để tác động đến thị trường nhà, đất như thế nào. Cho nên chúng tôi rất mong sau kỳ họp này chúng ta sẽ có bước chuyển tốt hơn về dự thảo luật này.

Trước hết, về quan điểm chúng tôi đề nghị mấy quan điểm cần quán triệt trong dự thảo luật này.

Một, luật này ra phải tác động đến sự tiết kiệm về sử dụng đất đai, thay đổi tập quán sử dụng đất đai và nhà ở. Bởi vì Việt Nam chúng ta mật độ dân số rất đông, tình trạng đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay tràn lan trên mặt đất, rồi biệt thự, không gian resort v.v... tràn lan rồi, nếu một vài chục năm nữa không biết còn chỗ nào để chúng ta làm công nghiệp. Chúng tôi cho rằng tập quán ở giãn không gian như thế rất lãng phí, rất không đẹp. Cho nên luật này phải tiết kiệm đề đất đai và thay đổi tập quán mà trước đây chúng ta vẫn làm.

Quan điểm thứ hai là nó phải tăng thu được ngân sách và điều tiết được một bộ phận người khá, người giàu. Đây là mục tiêu rất trực tiếp, đừng nói chuyện chúng ta không tăng thu ngân sách, đừng nói chuyện chúng ta không điều tiết, vấn đề này điều tiết rất quan trọng, trực tiếp giữa người giàu và người nghèo, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, tại sao chúng ta không làm.

Thứ ba, chúng ta tích cực trong việc này để chống đầu cơ, hạ giá đất tạo điều kiện cho nhiều người cán bộ, người dân lao động có nhà ở. Hiện nay có nhiều nhà xây ra đấy nhưng cán bộ không có nhà ở, lao động công nhân không có nhà ở bởi vì họ cứ ôm để đấy thôi cho nên luật này phải thúc đẩy hàng hóa này lưu thông. Nếu ngành chuyên môn tính được thì tôi nghĩ chúng ta đang mất nhiều vốn và tài sản nằm ứ đọng, nhà ở, đất đai không lưu chuyển, đất đai đầu cơ không lưu chuyển để hoang hóa, chậm sử dụng. Chính vì vậy tăng tín dụng này cũng chỉ để đấy, không mang lại việc làm cũng như sản xuất. Luật này phải thúc đẩy loại hàng hóa này đưa ra thị trường, không thể nằm đắp chiếu mãi. Vì vậy chúng tôi đề nghị phải cụ thể luật này, phải chi tiết hơn và chặt chẽ hơn, để ít điều Chính phủ hướng dẫn, nếu không còn lâu chúng ta mới tác động đến thị trường, xã hội. Cũng như máy tính, chúng ta ấn nút mà mãi mới điều hành, chuyển động được thì không biết mất bao nhiêu thời gian. Cho nên phải cụ thể để chúng ta quyết định ở Quốc hội thì nó tác động đến thị trường chứ không phải chờ Chính phủ, chờ các bộ, ngành, không nên để 8 điều cho Chính phủ hướng dẫn.

Về đối tượng, chúng tôi đề nghị phải chi tiết, tôi đồng tình quan điểm như đại biểu Trần Du Lịch và các vị nêu là hộ có một nhà, hộ có một mảnh đất sử dụng trong hạn mức là không đánh thuế, cái đó rất phổ biến mà chúng ta đỡ mất chi phí. Hộ có 2 nhà, 2 thửa đất trở lên và vượt hạn mức đất sử dụng thì phải chịu thuế và nhà chung cư thì chịu thuế thấp hơn là nhà xây dựng để chúng ta khuyến khích ở chung cư, quan điểm phải rõ ràng như vậy.

Thứ ba là hạn mức đất thì nên quy định theo vùng chứ không nên theo quy định của từng tỉnh, theo vùng, theo loại đô thị, chúng ta căn cứ vào đó để đánh thuế thì công bằng hơn, miền núi khác, vùng sâu khác, nông thôn khác, đồng bằng khác, đô thị loại 1 khác, đô thị loại 2 khác thì chúng ta mới có cơ sở.

Thứ tư là các đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng miễn thuế, đối tượng giảm thuế thì phải rất cụ thể, rõ ràng, chi tiết, không để chung chung và không để Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu Quốc hội chúng ta là ở tất cả các vùng, có cơ cấu ở tất cả các tầng lớp dân cư, nếu đưa ra được cụ thể những đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng miễn thuế, đối tượng giảm thuế thì đại biểu sẽ có căn cứ để bàn và như thế tác động rất tốt. Nếu chỉ quy định chung chung sau lại để Chính phủ hướng dẫn thì không sát với từng vùng. Trong này có những điều không đúng, ví dụ đất sông, suối thuộc diện đối tượng không chịu thuế nhưng đất suối ở vùng resort tắm bùn sao lại không chịu thuế, phi trường kinh doanh cũng phải thuế. Cho nên không thể quy định chung chung như thế mà phải rất cụ thể, loại kinh doanh nào thì chịu thuế, loại kinh doanh nào không chịu thuế, bệnh viện nào chịu thuế và bệnh viện nào không chịu thuế, sân thể thao cũng vậy, thể thao thì sân golf rồi thì thể thao phong trào cái nào có thuế, cái nào không thuế, trường đua ngựa cái nào có thuế, cái nào không thuế. Chứ chung chung thế này nay mai nó méo hết luật của chúng ta đi thì không được. Chúng tôi đề nghị kể cả đối tượng miễn thuế cũng vậy, hay là cái giảm thuế. Ví dụ trong Khoản 4 Điều 7 dự thảo như thế này, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà nếu làm sao mục đích thì áp vào 0,06% thuế. Đã sai mục đích rồi lại còn chịu thuế chúng ta cho thừa nhận, thừa nhận họ là sai. Ví dụ 1ha Mỹ Đình người ta thu đất nông nghiệp vào làm biệt thự, ta công nhận thu thuế 0,06 nay mai thế là đúng à. Không được, tôi cho rằng phải rất cụ thể để đại biểu Quốc hội bàn chứ không là rất sơ hở. Đất hoang hóa, đất chậm đưa vào sản xuất, đất sử dụng sai mục đích cũng phải rất cụ thể thì mới đưa được đất này vào hoạt động. Còn mức thuế suất chúng tôi đề nghị phải nâng nó lên cao hơn chứ không làm như thế này thì nó hình thức quá. Phải cao nó lên và lũy tiến càng lũy tiến nhiều càng cao hơn, chúng ta mới điều tiết được, mới điều chỉnh được. Và đảm bảo công khai, đảm bảo chế độ hậu kiểm và đảm bảo tự kê khai nhưng nếu kê khai không đúng thì phải có chế tài để phạt và cần phải có sự kiểm soát của dân phố. Vì người dân phố là tai mắt rất rõ, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội, sự công khai đối với tổ dân phố về vấn đề này.

Nếu chúng ta làm chi tiết thì kỳ họp sau Quốc hội bàn tôi nghĩ nó sẽ tác động đến thị trường xã hội bên ngoài người ta sẽ nín thở chờ đợi quyết định của Quốc hội. Tôi xin hết. Xin cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan