Góp ý của đại biểu Quốc hội Điểu K`Ré – Đắk Nông

Thứ Hai 09:22 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự án Luật thuế nhà, đất và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, tôi cơ bản tán thành về chủ trương nâng Pháp lệnh thuế nhà, đất lên thành Luật. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy với 5 mục tiêu yêu cầu xây dựng Luật thuế nhà, đất mà Chính phủ trình có tác động rất lớn đối với xã hội, nên cần được xây dựng một cách thận trọng, kỹ càng và chính xác. Vì thế tôi xin phát biểu 2 vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, đối tượng chịu thuế và thuế suất. Tại Khoản 1, Điều 2 quy định đối tượng chịu thuế là nhà ở, tôi chưa đồng tình với quy định này với lý do: Nhà ở đối với người Việt Nam, đặc biệt là người nông dân, không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân, cũng có thể một hộ gia đình phải tích lũy từ 15 - 20 năm kể cả những cán bộ liêm khiết, chân chính mới tích lũy đủ được số tiền trên 500 triệu đồng để xây dựng một căn nhà. Bây giờ ta đưa đối tượng này vào để đánh thuế, mặc dù trước đó để xây dựng được một căn nhà người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng v.v... Nếu tiếp tục lại đóng thuế nhà nữa tôi e rằng nhân dân không đồng thuận.

Tôi cũng xin thưa với Quốc hội, trong dự thảo luật cũng có 2 điều quy định về miễn, giảm thuế tại Điều 9, Điều 10. Tuy nhiên, ngoài đối tượng loại trừ được quy định tại 2 điều này ra thì đối tượng còn lại phần nhiều người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, cần được Nhà nước khuyến khích xây dựng nhà kiên cố, chống được bão lũ. Minh chứng cụ thể cho vấn đề này là những cơn bão vừa qua tại miền Trung - Tây Nguyên mà Nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục.

Nếu nhân dân được xây dựng một căn nhà kiên cố có thể hạn chế một phần nhất định về người và của. Nếu theo giá thành hiện nay nhân dân muốn xây dựng một căn nhà, nhà kiên cố có thể chống được bão lũ thì giá thành căn nhà lên trên 500 - 600 triệu đồng. Tôi nghĩ điều cần của việc xây dựng luật này là tăng cường quản lý Nhà nước đối với nhà, đất và góp phần điều tiết nhu cầu nhà, đất của xã hội. Nếu ta không phân biệt được đâu là nhà của nông dân, đâu là nhà nhằm mục đích kinh doanh, đâu là nhà, đất đầu cơ, để có biện pháp đánh thuế thích hợp, đúng người, đúng đối tượng thì mục tiêu xây dựng luật này là góp phần chống đầu cơ nhà, đất sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn, nếu đánh thuế không cẩn thận, tạo ra sự bất ổn trong lòng dân.

Mặt khác đối với đô thị mới thành lập và chia tách, chẳng hạn như đô thị Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông chúng tôi muốn có một đô thị đẹp chúng tôi phải khuyến khích nhân dân có điều kiện xây dựng nhà khang trang để tạo được bộ mặt của đô thị. Tuy nhiên, nếu quy định như dự luật nhà có giá trị 500 triệu đồng thì chịu thuế suất 0,03% thì e rằng nhân dân sẽ không xây dựng nhà trên 500 triệu đồng để phải chịu thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần tính theo năm, nếu vậy thì 20 năm sau thị xã Gia Nghĩa cũng chưa hình thành được một đô thị đích thực là đô thị. Tôi thiết nghĩ đối với cả nước hay cộng đồng, sự phát triển của đô thị là biểu hiện của sự phồn thịnh kinh tế của đất nước cần được khuyến khích không để đánh thuế vào đối tượng này.

Vấn đề thứ hai là giá tính thuế, Điểm a, Khoản 2, Điều 6 quy định: diện tích đất chịu thuế là diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận, trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận thì diện tích đất chịu thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng. Quy định này nghe thì dễ, nhưng thực hiện tôi cho rằng rất khó vì hiện nay tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội mục tiêu đến năm 2010 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi cho rằng mục tiêu này sẽ không đạt được trong năm 2010 để làm cơ sở tính thuế, mặt khác luật quy định những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận thì diện tích đất chịu thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng. Quy định này tôi cho rằng không thực tế, bởi lẽ chúng ta muốn xác định được diện tích đất thực tế đang sử dụng để làm căn cứ thuế, thì cơ quan chuyên môn phải đi đo đạc cụ thể, đo lô và giải thửa cụ thể thể của đất để làm căn cứ tính thuế thì không có lý do gì mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Tại điều này Khoản 3 quy định giá tính thuế đối với đất là nhà ở ổn định theo chu kỳ 5 năm kể từ năm đầu tiên luật này có hiệu lực thi hành. Quy định này tôi cho rằng không phù hợp bởi lẽ theo quy định của Luật đất đai thì giá đất này không ổn định theo chu kỳ 5 năm mà hiện nay hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành khung giá đất đai để áp dụng cho năm hiện hành để phù hợp với biến động của thị trường đất đai.

Từ những vấn đề trên nên sửa Luật đất đai trước để tăng cường công tác quản lý về đất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đẩy nhanh tiến độ chất lượng đăng ký bất động sản, cải tiến phương thức, cung cấp nâng cao chất lượng thông tin, bảo đảm độ chính xác cao của thông tin về bất động sản. Hoàn chỉnh cơ chế quản lý giá đất xây dựng hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường, ban hành quy trình định giá đất, thẩm định giá đất để xác định giá đất hợp lý, từ đó có đầy đủ pháp lý làm căn cứ xây dựng Luật thuế nhà, đất, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính ổn định của hệ thống pháp luật. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan