Dự luật Thuế nhà đất không chống được đầu cơ

Thứ Sáu 09:55 13-11-2009

Dự luật Thuế nhà đất không chống được đầu cơ

Dự án Luật quan trọng mà soạn thảo sơ sài, cách đánh thuế chưa hợp lý, thiếu cơ sở, không chống được đầu cơ…, nhiều đại biểu cho rằng cần xem xét cẩn thận trước khi bấm nút thông qua, kẻo mất uy tín Quốc hội.

Theo dự thảo Luật Thuế nhà đất được đưa ra thảo luận tại tổ chiều 12/11, chịu thuế đối với nhà có giá từ 500 triệu đồng, với thuế suất áp dụng là 0,03%. Đối với đất ở hộ gia đình, cá nhân, Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Đối với diện tích trong hạn mức sẽ phải chịu thuế 0,03%; phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần áp dụng thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức có thuế suất 0,09%.

Đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn TP HCM đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu chúng ta đưa ra cái Luật này để làm gì khi mà mục đích ban hành chưa được thể hiện rõ”.

Theo ông mọi lý lẽ đưa ra trong Luật đều chưa có cơ sở và rất vô lý. Chính phủ nói đánh thuế nhà đất để chống đầu cơ, song với thuế suất lũy tiến quá thấp chỉ khoảng 0,03-0,09% sẽ không thực hiện được. Trong khi đó, vấn đề bức xúc hiện nay là thị trường bất động sản bong bóng, giá bị hét trên trời lại không được xem xét và giải quyết tận gốc.

Ông Lịch nêu một thực tế thị trường nhà đất đang bị một nhóm những người giàu thâu tóm, giá qua nhiều khâu trung gian và bị đẩy lên quá cao. “Thử hỏi ở đất nước mình có người giàu nào mà không phất lên từ đất đai của nhà nước. Trong khi đó, đại bộ phận người dân cố làm, cố tích góp mới đủ sức mua được một căn nhà nay lại đứng trước nguy cơ bị đánh thuế”, ông Lịch nói.

Theo ông, dự thảo Luật mới “nắm được người có tóc chứ không lôi được kẻ trọc đầu”. Nghĩa là thuế thấp không đủ chống đầu cơ, trong khi những người có nhu cầu nhà ở thực sự, thu nhập thấp lại còng lưng đóng thuế. “Ở là nhu cầu chính đáng của con người, Hiến Pháp của chúng ta đã ghi rõ. Vậy cớ sao nhà người ta đang ở lại bị đánh thuế”, ông Lịch nói và đề xuất: Nếu cứ nhất thiết phải có Luật thì cần phải chỉnh sửa và bổ sung rất nhiều. Trong đó, người chỉ sở hữu một căn nhà thì chưa phải đóng thuế. Bên cạnh đó, Luật cần phân loại từng khu đất ở và đánh thuế theo giá trị, đặc biệt là áp dụng thuế suất cao đối với các diện tích đất bỏ hoang, dự án chậm tiến độ và những người sở hữu quá nhiều nhà, đất.

Ý kiến của ông Trần Du Lịch được coi là “gãi đúng chỗ ngứa” và nhắm đúng vào những vấn đề mà các đại biểu khác quan tâm. Đại biểu Vũ Duy Hòa - Đoàn TP HCM cho rằng dự án Luật Thuế nhà đất quan trọng, tác động đến hàng triệu hộ dân nhưng lại được soạn thảo một cách vội vã và quá sơ sài. Luật chỉ vỏn vẹn 6 trang giấy, mục đích chưa rõ ràng, nội dung không cụ thể.

“Một Luật lớn như vậy mà Chính phủ tính toán nguồn thu chỉ được 1.500 tỷ đồng mỗi năm thì nghĩa lý gì. Tôi muốn biết Luật ban hành để làm gì, có chống được đầu cơ và kéo giá đất xuống hay không?”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Theo ông, ngay cả khi đổi tên thành Luật chống đầu cơ với mục đích rõ ràng tính khả thi cũng không cao. Cả nước có hàng triệu ngôi nhà, mảnh đất, ai sẽ làm công tác thống kê, xác định giá đất để đánh thuế. Cơ quan nào làm nhiệm vụ thống kê mỗi người có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà, chúng nằm ở đâu và giá trị thế nào? “Tôi xin được hỏi thuế suất 0,03% liệu có chống được đầu cơ hay phải áp một mức cao hơn rất nhiều lần? Chưa kể Luật lại không phân biệt rõ đâu là đất sử dụng đúng mục đích, đâu là đất sử dụng sai mục đích để áp thuế, như vậy là đánh đồng, cào bằng, bất hợp lý”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng đồng tình quan điểm không nên đánh thuế với người chỉ sở hữu một căn nhà để ở với cái lý là người có nhà chưa chắc đã có thu nhập cao để có khả năng đóng thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng nếu chưa làm rõ xem đánh thuế nhà là đánh thuế chỗ ở hay đánh thuế tài sản thì chưa nên có thuế nhà, vì tuyệt đại đa số nhân dân còn nghèo.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị: “Nên xin ý kiến Quốc hội xem có đánh thuế nhà ở hay không rồi hãy nên bàn đến cái luật này, chứ đi vào chi tiết còn nhiều vấn đề lắm”.

Đại biểu Dao Nhiễu Linh bổ sung thêm Quốc hội nên lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành Luật. Đồng thời các cấp, các ngành cần tham mưu, bổ sung kỹ các điều khoản và cần đặt lại vấn đề có nên ban hành Luật. “Dự thảo Luật này rất quan trọng, tác động đến hàng triệu hộ gia đình. Tôi đề nghị tiếp tục cân nhắc thận trọng và chưa thể thông qua. Một đề án thiếu khả thi như thế này mà vẫn bấm nút thông qua e rằng mất uy tín Quốc hội”, bà Linh nói.

Hồng Anh- Theo Vnexpress ngày 13/11/2009

 

Các văn bản liên quan