Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên tổng kết chương trình thảo luận về thuế nhà, đất

Thứ Tư 09:17 23-09-2009

Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội

Thưa các đồng chí,

Sau khi xin ý kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội tôi xin phép có một số ý kiến kết thúc chương trình chiều nay.

Ý kiến chung thứ nhất, đối với dự án luật này xin ý kiến Quốc hội lần đầu cho nên còn thời gian để chúng ta vừa nghiên cứu, vừa tranh thủ xin ý kiến của nhiều đối tượng có chịu tác động bởi các quy định của luật này tham gia vào trong quá trình hoàn chỉnh dự án luật.

Thứ hai, đúng đây là một dự án luật phức tạp, nhạy cảm, nói như vậy cũng tác động đến tất cả những chủ thể đang quản lý và sử dụng đất, nhất là các hộ dân. Nó phức tạp nhạy cảm từ chính sách thu đến vấn đề tổ chức thu như thế nào, đến căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước hiện nay và tình hình nhà ở nói riêng của nước ta. Cho nên cũng cần có sự nghiên cứu kỹ, đối chiếu, đối chứng thực tế của nước ta với hoàn cảnh cụ thể của các nước để chúng ta có thể xem xét vận dụng, áp dụng trong nước như thế nào cho phù hợp, tăng được sự đồng thuận cao nhất của xã hội, của nhân dân.

Thứ hai, với tinh thần quy định của luật thì ta tập trung vào một yêu cầu tập dượt, quản lý để đất đai, nhà ở đi dần vào nề nếp và góp phần chống đầu cơ. Do đó việc quy định nó cũng đơn giản, dễ thực hiện, nó phù hợp với khả năng quản lý của các cơ quan Nhà nước. Còn nếu không nhiều khi mình nêu ra xem chừng có vẻ khoa học nhưng trong thực tế thực hiện nó không phải đơn giản. Ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân thì chúng ta cũng đặt vấn đề là một bước tập dượt cũng đã có thời gian miễn đến bây giờ chúng ta thu. Nhưng đăng ký mã số thuế đến bây giờ vẫn còn chưa xong, mà việc thu theo quy định của pháp luật cũng không đơn giản. Nếu như chúng ta đưa ra những quy định của luật này nó quá rắc rối mang tính chất vét cho đủ bảo đảm đúng là khoa học khách quan thì chắc cũng khó trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế.

Về nội dung tôi cũng chỉ xin nêu mấy điểm:

Thứ nhất, đối tượng chịu thuế thì đối với đất ở các đồng chí trong phiên họp hôm nay đều nhất trí cả, nhưng đối với nhà ở thì còn nhiều ý kiến cũng rất khác nhau. Có nhiều vấn đề đặt ra nhưng xoay quanh một vấn đề lớn nhất là nhà ở do các hộ gia đình những người lao động tần tảo bỏ tiền ra để xây dựng. Để có số tiền xây dựng này thì người ta đã phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế trong tất cả các hoạt động của họ rồi, trong đó kể cả thuế thu nhập cá nhân v.v.... Cho nên chúng ta cũng rất chú ý nếu đưa nhà ở vào phạm vi điều chỉnh và xác định đây là đối tượng chịu thuế thì cũng nên tính toán kỹ. Nếu đồng ý đưa cả đất và nhà ở vào đối tượng chịu thuế thì chúng ta cũng phải tính toán đến hạn mức được sử dụng theo một xu hướng là cải thiện và tiến bộ đối với những hộ và cá nhân có nhà ở gắn liền với đất ở.

Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định về đất ở đô thị thế nào, ở nông thôn ra sao, ở miền núi ra sao, nhà ở cũng quy định ở mức phấn đấu chứ chưa phải quy định mang tính bắt buộc, mang tính pháp lý trong văn bản pháp luật của nhà nước ta. Vì vậy nếu đưa vào đối tượng chịu thuế thì chúng ta cũng phải xác định rất rõ hạn mức theo một xu hướng cải thiện dài hơi đối với những hộ và cá nhân có nhà ở gắn liền với đất ở.

Ý thứ hai, đối với những nội dung thấy rằng nó cũng nhạy cảm và liên quan đến hạn chế đầu cơ về nhà và đất thì cũng đồng ý là chúng ta đưa ra nhiều phương án, đương nhiên thể hiện vào trong luật thì có thể ta chọn một phương án nào đó. Nhưng trong Tờ trình hoặc báo cáo thuyết minh khi gửi cho các đại biểu Quốc hội thì chúng ta cũng đưa ra nhiều phương án và mỗi một phương án này thì cũng làm rõ là chúng ta được cái gì và nó cũng hạn chế ở những cái gì như ý đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn đã nêu ra với tinh thần thật khách quan để cho các đại biểu nghiên cứu xem xét để khi tỏ rõ ý kiến chính thức của mình.

Ý thứ ba, xoay quanh đối tượng miễn và giảm thì các đồng chí cũng cân nhắc thêm qua ý kiến của các đồng chí phát biểu trong ngày hôm nay.

Vấn đề cuối cùng theo tôi thì đây là dự án cho ý kiến lần đầu, tuy nhiên để cho Quốc hội thảo luận cho ý kiến có chất lượng dù là lần đầu thì cũng nên chuẩn bị để gửi trước cho các đại biểu Quốc hội trước khi các đại biểu Quốc hội về dự kỳ họp, có điều kiện các vị đại biểu Quốc hội khi còn ở địa phương, ở cơ quan thì nghiên cứu. Còn đến với kỳ họp thú thực thời gian cũng rất khẩn trương, khối lượng công việc thì nhiều nghiên cứu không kỹ thì sẽ rất hạn chế trong việc tham gia ý kiến. Cho nên đề nghị với các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan trực tiếp là cơ quan chủ trì thẩm tra thì các đồng chí cũng dành thời gian thỏa đáng bằng nhiều hình thức chúng ta trao đổi với nhau hoặc trao đổi xin thêm ý kiến thông qua các hội nghị, các hội thảo, bằng hình thức xin ý kiến thích hợp để có thể có được tài liệu này gửi cho đại biểu Quốc hội trước 20 ngày, trước khi về dự kỳ họp thì rất tốt. Đấy là một số ý kiến xin báo cáo với các đồng chí như vậy, xin kết thúc chương trình chiều nay ở đây. Xin cám ơn các đồng chí.

Các văn bản liên quan