Góp ý của đại biểu Vũ Văn Ninh – Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ Tư 09:13 23-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí,

Chúng tôi nhận thức thấy luật này là luật rất nhạy cảm, hết sức phức tạp, cho nên khi xây dựng cũng đưa ra những quan điểm chung và những vấn đề thảo luận nội bộ cũng rất nhiều ý kiến, hôm nay tại đây cũng rất nhiều ý kiến, lấy ý kiến rộng rãi trên dư luận cũng nhiều ý kiến. Cho nên chúng tôi thấy trước hết có rất nhiều điểm phải nghiên cứu tiếp thu, tìm cách làm sao cho hợp lý nếu như chúng ta định thông qua luật này.

Thứ nhất, về quan điểm chung chúng tôi xin báo cáo Thường vụ vấn đề lớn như anh Ksor Phước nói chắc còn phải thảo luận thêm. Nói chung về tài sản trước đây đã có lúc định có thuế nhà đất, có thuế tài sản, ngay việc suy nghĩ lấy tên là Luật thuế tài sản hay Luật thuế nhà, đất cũng bàn cãi rất nhiều. Chúng tôi cũng khảo sát và nghiên cứu các nước, các nước có thuế tài sản nhưng ở mình nếu nói đúng ra hiện nay cơ bản là nhằm vào nhà và đất còn tài sản khác thì cũng có những điều tiết khác, chỉ một phần chứ cũng không phải hoàn toàn đầy đủ.

Ví dụ như ôtô thì có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ bây giờ cũng đã nâng lên rất cao, nếu lăn bánh thì còn thêm lệ phí giao thông v.v... Các nước người ta cũng có những quy định khác nhau nhưng tổng hợp lại nói chung là có điều tiết, cũng xin báo cáo các đồng chí như vậy. Việc đó chắc là còn phải bàn tiếp, tôi cũng xin sơ bộ nói như vậy và cũng chưa thể khẳng định hết tất cả nhưng sau khi rà soát lại nếu gọi là tài sản thì chủ yếu là nhà và đất, sau này đề nghị có Pháp lệnh thuế nhà, đất thì sửa nâng lên thành luật.

Thứ hai, chúng tôi cũng thấy rằng lần này xây dựng luật này có đặt ra một ý có phải tối đa là thu không. Chúng tôi xét ngay yêu cầu thu là cuối cùng mà cái chính là tăng cường quản lý, việc này đặt ra rất nhiều lần ở rất nhiều hội nghị, hội thảo từ Trung ương, Bộ Tài chính cho đến bên ngoài đều nói rằng vì luật thuế của chúng ta chưa góp phần điều tiết. Cũng có lần tôi trả lời phỏng vấn, đúng là luật thuế chưa điều tiết nhưng cũng không phải chỉ có luật thuế mà có thể hạn chế đầu cơ được mà còn phải đồng bộ các yếu tố khác nữa, ví dụ Luật đăng ký bất động sản. Nếu đăng ký được bất động sản và quản lý được thì sẽ biết được những người nhiều nhà, nhiều đất, ở đây chủ yếu việc quản lý đó nhằm vào những người có nhiều nhà, nhiều đất, đấy là một ý. Vì vậy cho nên ví dụ nhà ở các đồng chí đặt vấn đề có thu hay không thu thì sau này sẽ quyết định, nhưng tôi cũng báo cáo là nhà ở nếu với giá như thế này thì hầu hết dân thường không ai phải nộp thuế cả, các đồng chí đã phân tích rồi, với mức này ngay kể cả nhà kha khá một chút cũng không phải nộp, chủ yếu chúng tôi định nâng cả khởi điểm lên cao nữa để loại những người có một nhà không phải nộp, hầu hết người có một nhà gần như không phải nộp thuế với cách tính như hiện nay và chỉ đánh vào người có hai nhà trở lên, có nhiều nhà trở lên. Khi đó các đồng chí bảo là điều tiết, đầu cơ, có đầu cơ nhà không, bây giờ nhà chung cư đầu cơ rất nhiều, mua xuất bán rất nhiều chứ không phải chỉ có đất đâu, cả đất cũng có. Nhưng đúng như các đồng chí nói đặt vấn đề là như vậy chứ không phải là anh có nhà từ mét đầu tiên trở đi là đánh. Cho nên với giá như vậy nên mới đặt ra mức đầu tiên là 600 triệu, nhưng ra dư luận cho rằng 600 triệu cao quá, như vậy rất nhiều người không phải nộp thuế, chúng tôi tiếp thu và đưa xuống 500 triệu. 500 triệu vì làm sao cố gắng đơn giản và quản lý  thuận lợi chứ nếu không vô cùng phức tạp. Bây giờ xác định giá trị nhà theo giá còn lại của nhà thì không xác định được, nếu không sau này chúng ta nghiên cứu nhà mới trong 1 năm hay mấy năm thì chúng ta xác định là nhà mới, còn lại ta lấy một tỷ lệ, còn nhà cũ thì tương đối là sát, chỉ riêng đối với nhà mới thì các đồng chí nói đúng là 1 tỷ thì thực chất nó là 1 tỷ, với ý nghĩa như thế, cho nên cũng không phải nhằm vào tất cả mọi người có nhà đều đánh. Tôi xin báo cáo như vậy.

Ý thứ hai là đất. Hiện nay đất trong hạn mức thu rất thấp, hiện nay đang thu rồi, cho nên chúng tôi duy trì thu như hiện nay. Còn bắt đầu điều tiết là điều tiết đất trên hạn mức trở lên. Báo cáo anh Hiền như thế, ý anh Hiền nói trong hạn mức thì thôi không thu. Hiện nay đang thu, chúng tôi muốn giữ như hiện hành, coi như không có điều tiết gì thêm đối với trong hạn mức, chỉ có vượt hạn mức lên thì bắt đầu điều tiết.

Trong này có ý các đồng chí định đưa ra giá, ví dụ giá theo vùng và theo vị trí. Chúng tôi thấy căn cứ tính thuế là giá, diện tích và thuế suất. Thuế suất quy định ở đây rồi, còn diện tích mình cũng có quy định, ví dụ đất có công bố hạn mức, hiện nay là các địa phương công bố, còn giá, tại sao chúng tôi lại lấy giá Ủy ban nhân dân công bố. Vì giá Ủy ban nhân dân công bố chính là nó đã thể hiện theo vùng và nó thể hiện theo vị trí của đất, hiện nay đang chia ra vùng rồi. Nếu chúng ta áp dụng theo cách này nó thể hiện cái đó, cho nên giá đất ở những vùng khác nhau thì giá trị của mảnh đất đấy và đánh thuế cũng khác nhau.

Thứ ba, trong này giá còn vấn đề nữa là giá đất công bố do địa phương công bố mà lại không lấy giá đất đấu giá, đấu thầu. Giá đấu giá, đấu thầu thể hiện giá của từng việc giao dịch một, chúng tôi muốn giá này tương đối ổn định, người ta đã công bố hàng năm, nhưng ổn định trong 5 năm luôn để tính toán, còn thay đổi hàng năm là phức tạp lắm, quản lý thuế mất nhiều thời gian và tốn kém. Trên thực tế cũng có nhiều giá hiện nay chúng ta ổn định 5 năm, lấy giá địa phương nhưng ổn định 5 năm. Ví dụ giá thuê đất, giá giao đất, giá tính thuế v.v... Đấy là ý thứ hai.

Ý thứ ba, về vai trò địa phương, đúng như anh Hiển nói là hiện nay đất này gắn với vai trò địa phương rất nhiều, cho nên trong này nó cũng đã thể hiện được một phần, ví dụ hạn mức đất là bây giờ địa phương công bố theo Luật đất đai quy định ở rất nhiều luật hay giá đất là do địa phương công bố, Hội đồng nhân dân ở địa phương công bố. Đơn giá xây dựng nhà ở, khung thì Bộ Xây dựng nhưng cụ thể thì vẫn là địa phương vì nó cũng gắn với địa phương.

Ý thứ tư là vấn đề căn cứ tính thuế thì nó có vấn đề về hạn mức đất, trong hạn mức và ngoài hạn mức thì các đồng chí cho ý kiến nếu không thu thì thuế rất thấp, rất nhỏ không đáng kể gì. Còn thuế tính có cộng dồn hay không cộng dồn ở địa phương thì cũng báo cáo các đồng chí nếu không cộng dồn thì nó không có ý nghĩa về mặt quản lý và điều tiết như anh Nam vừa nói, tôi không nhắc lại mất thời gian của các đồng chí. Chính vì cộng dồn thì mới tính được anh có nhiều nhà, nhiều đất thì cũng đúng là dữ liệu quản lý hiện nay thì nó cũng có mức độ dần dần chúng ta phải tiến đến.

Ý thứ năm là miễn, giảm thì báo cáo các đồng chí tất cả những ý kiến các đồng chí nêu ở đây đều đạt được rồi. Ví dụ, bệnh viện điều trị, điều dưỡng, ký túc xá sinh viên, chung cư công nhân đều được miễn thuế. Thứ hai là vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo thì nó thể hiện ở Luật đầu tư thì cái này được miễn cao độ, cao nhất trong tất cả các thứ miễn. Cho nên cũng không phải vì thế mà thu thuế vào những chỗ này.

Về mặt quản lý tôi chỉ xin nói rất ngắn một ý là quản lý thì đúng là bước đầu còn có khó khăn, chứ không phải dễ gì làm được nhất là việc nhiều nhà, nhiều đất. Làm thế nào để biết người ta nhiều nhà, nhiều đất thì chúng tôi cho rằng nó cũng là một quá trình, hiện nay thì thu đất cũng đã có một phần dữ liệu hiện nay chúng ta đang thu, còn tiến thêm một bước nữa là nhà. Tôi vẫn cho rằng phải đồng bộ các pháp luật khác nữa như đăng ký bất động sản, nguyên tắc về đăng ký bất động sản là phải bắt buộc, nối mạng, kỹ thuật v.v... rồi nó mới tiến đến được, để làm sao khi bật máy lên anh biết được ông A có 4, 5 cái nhà ở 4 địa phương khác nhau, chứ không phải trong cùng một địa phương, đúng là cũng phải từng bước. Xin báo cáo thêm với các đồng chí như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan