Ý kiến của LS Phan Thông Anh

Thứ Ba 17:41 11-08-2009

GÓP Ý DỰ THẢO (7) LUẬT THUẾ NHÀ ĐẤT

Ths. Ls. Phan Thông Anh

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam,Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, Trưởng VPĐD Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM

Mười lăm năm một chặng đường nhìn lại, Pháp lệnh thuế nhà, đất đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Pháp lệnh là đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất; góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm phù hợp với pháp luật về đất đai ở một số địa phương; góp phần thực hiện chính sách của nhà nước đối với các đối tượng cần được ưu đãi và đã động viên sự đóng góp của người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Song song đó pháp luật thế nhà, đất hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới như về đối tượng chịu thuế chưa thu thuế đối với nhà,về hạng đất tính thuế xác định theo tiêu chí đất nông nghiệp nên không phù hợp với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; về mức thuế được tính bằng kilôgam thóc trên 1 ha của từng hạng đất nay còn không phù hợp. . .

Việc ban hành Luật thuế nhà, đất là cần thiết nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nội dung tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới chính sách pháp luật về đất đai; thực hiện chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010; hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế.

Việc ban hành Luật thuế nhà, đất nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu sau: Tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; Khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành. Nâng cao tính pháp lý của pháp luật hiện hành về thuế nhà, đất trên cơ sở bổ sung mới và kế thừa các quy định còn phù hợp; Tiếp cận với thông lệ quốc tế về thuế nhà, đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế và động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất nhất là những đối tượng sử dụng nhà, đất vượt hạn mức quy định vào ngân sách nhà nước.

Về bố cục của Luật thuế nhà, đất có 4 chương và 13 điều, sau 7 lần dự thảo, góp ý, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa bổ sung chúng ta đã có được một bản dự thảo (7) tương đối hoàn chỉnh.

1)-Về kỹ thuật :

(1) Đã bỏ ra ngoài những quy định trùng lắp với quy định của Luật quản lý thuế, luật thuế nhà đất chỉ quy định về đối tượng nộp thuế, người nộp thuế, giá tính thuế, thuế suất là chính còn các quy định chi tiết về kê khai, nộp thuế sẽ áp dụng theo Luật quản lý thuế.

(2) Đã khắc phục được lỗi kỹ thuật vừa liệt kê nhóm điều chỉnh, vừa liệt kê nhóm không điều chỉnh (luật thuế thu nhập cá nhân vừa quy định nhóm thu nhập chịu thuế, vừa quy định nhóm thu nhập miễn thuế và Luật thương mại 1997 thì quy định về 14 hành vi thương mại) thể hiện trong việc quy định loại trừ đối tượng nộp thuế đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khoản 3 điều 2 và đối tượng không phải nộp thuế tại điều 3 của dự thảo.

2)-Về nội dung :

(1)- Khi đưa ra lấy ý kiến dự thảo đưa ra được nhiều phương án :

(a) Về giá tính thuế 1 m2 nhà ở : có 2 phương án ;

(b) Về thuế suất : Đối với nhà ở có 2 phương án; đối với đất có 3 phương án

(2)- Khi tiếp thu ý kiến có bổ sung cho dự thảo mới :

Đã tiếp thu dự thảo (6) sang dự thảo (7) nhiểu điểm mới quan trọng :

(a)-Có sự thay đổi lớn về giá tính thuế nhà ở cụ thể dự thảo (6) có 3 khung : 600 triệu là 0% ; từ 600 triệu lên 1 tỷ 2 là 0,05% ; 1 tỷ 2 trở lên là 0,1% còn dự thảo (7) chỉ còn hai khung : đến 600 triệu đồng là 0% ; phần trên 600 triệu đồng là 0,03%.

(b)-Có sự thay đổi về biểu thuế luỹ tiến từng phần của đất ở cụ thể dự thảo (6) là hai khung: diện tích trong hạn mức là 0,05 % và phần diện tích vượt hạn mức 0,1% – dự thảo (7) thì ba khung : diện tích trong hạn mức 0,03 ; Phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức 0,06 và Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức 0,09)

3)-Về tồn tại cần góp ý bổ sung cho dự thảo :

Thứ nhất : Về đối tượng chịu thuế

Khoản 2 điều 13 Luật đất đai năm 2003 quy định về phân loại đất

2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất:

a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp;

c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

d) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

đ) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

e) Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng;

g) Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

k) Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ;

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

1. Nhà ở;

2. Đất ở;

3. Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp;

Đối tượng chịu thuế quy định tại Điều này không bao gồm các trường hợp theo quy định tại Điều 3 Luật này.

Điều 3. Đối tượng không thuộc diện chịu thuế

1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, phúc lợi xã hội hoặc từ thiện không vì mục đích kinh doanh;

2. Đất chuyên dùng vào việc thờ cúng của các tôn giáo, các tổ chức không vì mục đích kinh doanh;

3. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không vì mục đích kinh doanh;

4. Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối không vì mục đích kinh doanh;

5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội, công trình văn hoá, đất chuyên dùng vào mục đích quốc phòng và an ninh.

6. Nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ.

7. Nhà ở, đất ở của: Người tham gia, người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hoá học.

8. Đất xây dựng nhà tình nghĩa, trại trẻ mồ côi, trại cai nghiện, viện dưỡng lão.

9. Nhà ở, đất ở của người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn không nơi nương tựa không có khả năng nộp thuế; nhà ở, đất ở của đối tượng là hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.

10. Các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

So sánh quy định tại khoản 2 điều 13 của Luật đất đai (2003) và dự thảo điều 2 và điều 3 Luật thuế nhà, đất ta thấy không ổn về cách tiếp cận của ban dự thảo về phạm vi của Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp đất phi nông nghiệp.

Theo quy định trên thì Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp chỉ bao gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.Nhưng trong dự thảo điều 2 về đối tượng chịu thuế khoản 3 quy định về Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp lại rộng hơn nó bao gồm tất cả các loại đất thuộc khoản 2 điều 13 Luật đất đai thuộc Nhóm đất phi nông nghiệp do đó chúng tôi đề nghị Ban dự thảo phải xem lại phạm vi đối tượng chiu thuế về đất.

Nếu Ban dự thảo muốn mở rộng tất cả các đối tượng chịu thuế bao gồm trong nhóm đất phi nông nghiệp thì khoản 3 điều 2 của dự thảo phải điều chỉnh lại là đất phi nông nghiệp chứ không phải là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Thứ hai : Về hạn mức đất làm căn cứ tính thuế

Dự thảo quy định tại khoản 3 điều 7 về thuế suất “Chính phủ quy định cụ thể diện tích hạn mức đất làm căn cứ tính thuế “ chúng tôi cho rằng quy định như dự thảo là trái với điều 83 và 84 của Luật đất đai cần phải sửa lại vì thẩm quyền quy định hạn mức đất trong Luật đất đai là của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chứ không thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Điều 83. Đất ở tại nông thôn

Khoản 2. Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

Điều 84. Đất ở tại đô thị

Khoản 5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Theo thẩm quyền quy định của Luật đất đai, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số: 64/2001/QĐ-UB ngày 30/07/2001 quy định hạn mức đất ở tại thành phố Hồ Chí Minh.

KHU VỰC ÁP DỤNG

HẠN MỨC (m2/hộ)

- Các quận nội thành (1,3,4,5,6,8,10,11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thành, Gò Vấp)

Không quá 160m2

- Các quận mới 2,7,9,12, Thủ Đức và thị trấn (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè)

Không quá 200m2

- Khu quy hoạch phát triển đô thị

Không quá 250m2

- Huyện Cần giờ và các khu dân cư nông thôn

Không quá 300m2

Luật thuế nhà, đất không thể quy định trái với Luật đất đai 2003 được, theo chúng tôi cần sửa lại dự thảo theo hướng “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể diện tích hạn mức đất làm căn cứ tính thuế “. Trường hợp ban soạn thảo vẫn muốn quy định thẩm quyền thuộc chính phủ thì cùng lúc Quốc Hội thông qua Luật thuế nhà, đất phải thông qua sửa đổi điều 83 và 84 của Luật đất đai (2003) quy định lại thẩm quyền quy định về hạn mức thuộc về chính phủ chứ không phải Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ ba : Về người nộp thuế

Dự thảo 7 đã dự liệu khá đầy đủ các trường hợp xảy ra đối với người nộp thuế, không chỉ dừng lại là cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, dự thảo còn quy định đối với trường hợp đất chưa được cấp giấy chứng nhận thì người sử dụng đất thực tế sẽ nộp và đất góp vốn vào thành lập pháp nhân mới, nghĩa vụ nộp thuế đã chuyển từ chủ thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất sang chủ thể nhận vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đối với trường hợp quyền sử dụng nhà, đất đang bị tranh chấp mà chủ thể bị tranh chấp đã được cấp GCNQSDĐ đương nhiên phải nộp thuế nhưng đối với chủ thể đang chiếm giữ, sử dụng nhà - đất nhưng chưa được cấp GCNQSHNO-QSDĐO hoặc GCNQSDĐ có đương nhiên phải nộp hay không theo chúng tôi cần quy định bổ sung vì trường hợp này có khác so với trường hợp đã quy định trong dự thảo khoản điều 4 là chưa được cấp GCQNSDĐ nhưng không bị tranh chấp.

Thứ tư : Cần lùi ngày thực hiện luật thuế nhà đất

Theo Ban dự thảo nếu Quốc hội kỳ họp thứ sáu Khóa XII sắp tới thông qua thì hiệu lực thực hiện luật thuế nhà, đất sẽ vào ngày 1/1/2011 theo chúng tôi thì quá gấp cần lùi ngày có hiệu lực sang năm 2012 bởi lẻ để có thể triển khai tốt luật thuế nhà đất các cơ quan nhà nước cần phải làm rất nhiều việc như :

- Quy định cụ thể về các loại, cấp, hạng nhà;

- Ban hành đơn giá nhà mới xây dựng làm căn cứ tính thuế đối với nhà;

- Quy định chặt chẽ việc chuyển dịch, đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất;

- Xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu về quản lý nhà.

- Hướng dẫn ban hành giá đất, hạn mức sử dụng đất làm căn cứ tính thuế đối với đất;

- Gắn mã số thuế cho từng đối tượng sử dụng nhà, đất;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu trong việc quản lý thu thuế.

- Quy định cụ thể hạn mức công nhận đất ở tại địa phương;

Với những khối lượng công việc nêu trên thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Bộ xây dựng, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không thể làm kịp để hướng dẫn thực hiện luật thuế nhà đất ngay đầu năm 2011 được./.

Các văn bản liên quan