Ý kiến của LS. Nguyễn Thị Cam – Cty Luật TNHH Đất Luật

Thứ Ba 17:40 11-08-2009

Ý kiến đóng góp dự thảo luật thuế nhà, đất

Ths.luật sư Nguyễn Thị Cam, Công ty luật TNHH Đất Luật

1/- Về Đối tượng chịu thuế :

- Theo quy định của PL hiện hành liên quan đến Đất có hai VB PL điều chỉnh đó là : Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Pháp lệnh Thuế Nhà Đất.

Dự thảo Luật thuế nhà đất với các quy định Về đối tượng chịu thuế và Đối tượng không thuộc diện chịu thuế cũng chỉ mới dừng lại ở việc kế thừa, khắc phục và nâng cao tính pháp lý của Pháp Lệnh thuế nhà, đất. Chứ chưa mang đầy đủ ý nghĩa như tên gọi Thuế Nhà, Đất . Các loại đất theo quy định của Luật Đất đai, phải bao gồm cả đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp có thuộc đối tượng chịu thuế hay không thiết nghĩ nên đưa vào Dự thảo luật lần này để vừa đảm bảo tính đồng bộ, Logic,lại vừa không phải bàn hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp riêng ngoài thuế Đất, trong khi đất nông nghiệp cũng là một loại Đất

- Không nên đưa đất xây dựng công trình, loại đất có thời hạn( trừ đất ổn định lâu dài) do nhà nước giao hoặc cho thuê, người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Nhà nước trong thời hạn sử dụng đất. Đúng bản chất địa tô thì trong trường hợp này người có nghĩa vụ nộp thuế là chủ sở hữu – Nhà nước. Nếu cần thì nhà nước có thể tính tiền thuế vào giá đất giao hoặc thuê, không nên vừa thu tiền SDĐ, tiền thuê đất lại vừa thu thuế đất.

2 /- Về giá tính thuế và thuế suất :

Về cơ bản tôi cho rằng các quy định trong dự thảo là phù hợp, song tôi vẫn còn một số vấn đề băn khoăn.

- Thứ nhất trước mắt (ít nhất là đến năm 2015) với việc chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận và hạn chế trong khâu quản lý hồ sơ cơ sở dữ liệu nhà, đất , làm sao chúng ta có thể thu thuế lũy tiến từng phần, hoặc thuế suất 0,03% đối với các đối tượng có nhiều nhà, đất ở nhiều địa phương khác nhau, nếu như đối tượng nộp thuế không tự giác kê khai thuế. Mặc dù trong mục 9 của bản giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính có đề cập đến các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề trên,nhưng nếu trong 5 năm tới các giải pháp đó không thể hoàn thành, thì quy định này trong dự thảo sẽ thiếu tính khả thì, pháp luật sẽ nhờn và không được tôn trọng . Nên chăng Luật nên quy định một thời hạn nhất định trong thời điểm giao thời theo hướng dẫn của chính phủ chỉ áp dụng tính thuế lũy tiến hay miễn trừ thuế nhà đất nơi chủ sở hữu, người sử dụng cư trú thường xuyên(có hộ khẩu thường trú)

Ví dụ: Ông A có nhà, đất ở 3 nơi: quận 1 thành phố HCM; Tp Đà Lạt; Tp Vũng tàu.

Nơi ông cư trú thường xuyên (có hộ khẩu thường trú) và có nhà thuộc QSH của ông tại Phường Nguyễn Thái Bình Q1 Tp HCM . Nhà ở Tp HCM ông sẽ đươc hưởng thuế suất 0% đến 600tr còn trên phần đó và các nơi khác ông phải nộp thuế suất 0,03%. Trong trường hợp nơi ông cư trú thường xuyên không có nhà thuộc QSH thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương mới được khấu trừ thuế ở địa phương khác.

Đối với đất đóng mức thuế suất 0,03% cho dt đất tại Tp HCM và tính lũy tiến nếu vượt hạn mức. Các nơi còn lại tạm thời tính mức 0,06%...

- Thứ hai : Để tránh hiểu nhầm trong quá trình áp dụng và phù hợp với Bản thuyết minh dự án Luật thuế nhà, đất nên sửa lại khoản 3 Điều 6 của dự thảo “Giá tính thuế đối với nhà, đất được ổn định theo chu kỳ trong vòng 5 năm kể từ năm tính thuế đầu tiên theo quy định của Luật này.”

- Thứ ba : Mục tiêu khi xây dựng Luật thuế nhà ,đất là chống đầu cơ về nhà, đất, nhưng do mức thuế suất lũy tiến từng phần trong luật chưa cao mới chỉ đáp ứng được việc điều tiết mức sống giữa các đối tượng giàu và nghèo trong xã hội, mặt khác trên thực tế chưa có cơ sở dữ liệu quản lý nhà, đất trên phạm vi toàn quốc nên việc áp dụng mức lũy tiến từng phần cho ngươi có nhiều nhà đất rất khó thực hiện, Vì vậy quy định như trong dự thảo luật chưa hạn chế được đầu cơ.

Theo tôi để đạt được mục tiêu này dự thảo Luật nên bổ sung thêm một mức thuế suất khác thật cao đánh vào nhà đất không sử dụng trong thời hạn một năm. Loại nhà, đất này dễ dàng nhận diện, dễ áp dụng mà lại có tác dụng hạn chế đầu cơ một cách triệt để.

Các văn bản liên quan