Các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo và các hành vi quảng cáo bị nghiêm cấm

Thứ Ba 15:52 03-03-2009

Các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

- Các ý kiến tập trung: nên cấm quảng cáo đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh; nên quy định cụ thể về các hình thức đánh bạc để quy định này có tính khả thi; không nên cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi vì có nhiều bà mẹ không có sữa từ khi mới sinh nên rất cần cho con uống sữa; nên cấm quảng cáo đối với rượu có độ cồn trên 15 độ như Pháp lệnh là hợp lý.

- Ý kiến tham mưu:

+ Tiếp thu ý kiến: Nên cấm hoàn toàn đối với các loại hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật quy định cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.

+ Đối với việc quy định về hình thức đánh bạc: đây là một quy định được xây dựng từ quy định tại Bộ Luật Hình sự và tham khảo quy định quảng cáo của các nước, vì vậy, nếu đưa quy định này trong Dự thảo vẫn phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, trong trường hợp cấm hoàn toàn các loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hoặc hạn chết kinh doanh thì hình thức này không cần thiết phải quy định riêng vì nó là một trong những dịch vụ bị cấm kinh doanh trong danh mục được Chính phủ quy định.

+ Quy định sữa cho trẻ em dưới 6 tháng: nên giữ nguyên vì nội dung này kế thừa các quy định hiện hành của Việt Nam về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ, hơn nữa, trong Dự thảo Luật chỉ quy định về cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi chứ không cấm sử dụng, vì vậy, quy định trên không ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu sữa của các em bé mới sinh.

+ Quảng cáo rượu: Hiện nay, nội dung về cấm quảng cáo đối với rượu trên 30 độ cồn trong Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật thương mại hiện hành, trong quá trình thực thi thì quy định trên đã thể hiện sự phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, vì vậy cần giữ nguyên trong Dự thảo.

Các hành vi quảng cáo bị nghiêm cấm

Các ý kiến tập trung:

- Nên quy định cụ thể về các hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh; quảng cáo trái đạo đức,… để thuận lợi cho quá trình áp dụng, nhất là sau khi áp dụng việc xóa bỏ cấp phép và tăng cường hậu kiểm. Cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định của các băn bản pháp luật nước ngoài.

- Đối với quảng cáo so sánh thì không nên cấm vì quy định cấm này không khuyến khích được sản xuất, kinh doanh phát triển, tuy nhiên, cần quy định cụ thể khi sử dụng biện pháp so sánh trong quảng cáo, các doanh nghiệp càn phải có bằng chứng chứng minh việc so sánh đó là chính xác. Tại điều này, các hành vi so sánh nên tập trung một khoản.

- Quảng cáo gây ảnh hưởng đến trẻ em: Vì việc xác định ảnh hưởng của quảng cáo đến sự phát triển của trẻ em là rất khó, vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn để có thể áp dụng trên thực tế.

Ý kiến tham mưu:

- Tiếp tục nghiên cứu sâu vào các văn bản pháp luật quảng cáo của các quốc gia trên thế giới để quy định chi tiết hơn về các hành vi quảng cáo so sánh, quảng cáo có sử dụng quốc kỳ, quốc ca, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh; quảng cáo ảnh hưởng đến trẻ em,…;

- Đối với Quảng cáo so sánh: Theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh:

“Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:

1. So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;…”

Vì vậy, quy định cấm Quảng cáo so sánh trực tiếp như trong Dự thảo là phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu để bổ sung các hình thức quảng cáo so sánh khác để hoàn thiện hơn quy định về quảng cáo so sánh trong Dự thảo.

Các văn bản liên quan