Dự thảo Luật Quảng cáo: Còn nhiều vấn đề cần bổ sung, sửa đổi

Thứ Ba 11:18 02-12-2008

(HNMO) - Ngày 26/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Quảng cáo nhằm hướng tới việc xây dựng bộ luật phù hợp thực tiễn và có tính khả thi cao. Các ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về Văn hóa, Xây dựng; Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo cho thấy bản dự thảo lần 4 vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Theo Quyết định số 25/QĐ – TTg của Thủ tương chính phủ ký ngày 7/1/2008 về việc phân công Bộ VH,TT$DL chủ trì biên soạn dự thảo luật, ngày 25/4/2008, Ban biên soạn và Tổ biên soạn đã tổ chức cuộc họp triển khai xây dựng Dự án Luật Quảng cáo.

Đề cương Dự thảo Luật Quảng cáo được xây dựng trên cơ sở lý luận và thực thiễn. Trong đó, dự thảo này được xây dựng dựa trên kết quả của Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo và tình hình thực tiễn của hoạt động quảng cáo cũng như công tác quản lý quảng cáo trong những năm qua; kế thừa một số quy định của Pháp lệnh Quảng cáo còn phù hợp; phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành; nghiên cứu, chọn lọc và tiếp thu một số nội dung trong các văn bản pháp luật về quảng cáo của nước ngoài như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Anh, Pháp.

Dự thảo Luật Quảng cáo gồm 5 chương và 46 điều. Chương 1 gồm những quy định chung, khái niệm, chính sách của nhà nước về sự phát triển hoạt động quảng cáo… Chương 2 gồm các điều về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo. Chương 3 là các hoạt động quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chương 4, hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Chương 5, nêu lên những điều khoản thi hành.

Phần lớn đại biểu nhất trí việc cần phải có những biện pháp quản lý hữu hiệu cho hoạt động quảng cáo đang ngày càng phát triển đa dạng như hiện nay. Việc soạn thảo Luật Quảng cáo là cần thiết, phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiêu, trong dự thảo Luật Quảng cáo còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ ở nhiều chỗ trong dự thảo cần phải làm rõ, chỉnh sửa. Ông Ngô Quang Chính, Chánh thanh tra Sở VHTT&DL Nghệ An đề nghị : tại mục 1, điều 11 – “Quyền của người quảng cáo” nên bỏ từ “tự do”. Ông Lưu Văn Nghiên, Trưởng bộ môn Quảng cáo - trường ĐH Kinh tế Quốc dân - lại có ý kiến tại mục 2, điều 1 về “Hoạt động quảng cáo là việc thực hiện chiến lược tiếp thị”. Theo ông thì không nên dùng từ “tiếp thị”, bởi đây chỉ là hoạt động nhỏ trong kinh doanh, thay vào đó nên dùng từ “maketting”…

Bên cạnh việc chỉnh sửa, thay đổi từ ngữ, thuật ngữ, các đại biểu cũng góp ý nhiều về nội dung dự thảo Luật. Ví dụ như ông Lưu Văn Nghiên cho rằng cần làm rõ một số nội dung trong dự thảo, ngoải hàng hòa và dịch vụ thì vẫn còn một số hình thức không phải là hàng hóa nhưng vẫn mang tính chất quảng cáo, liệu có được xếp vào không. Ông cũng đề nghị bổ sung thêm điều 9, đề cập đến quyền riêng tư, quyền cá nhân của các đơn vị quảng cáo. Kiến trúc sư Lê Đình Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc - Quy hoạch (Bộ Xây dựng) đề nghị không nên dùng từ “quy hoạch quảng cáo” mà nên dùng từ “quy hoạch không gian quảng cáo”, và vẫn nên duy trì việc cấp phép quảng cáo …

Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị chia nhóm loại hình quảng cáo - như "quảng cáo truyền hình", "nhóm quảng cáo ngoài trời", "nhóm in ấn", "nhóm quảng cáo trong nhà"…; đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành phần tham gia hoạt động quảng cáo (thiết kế, tư vấn, thực hiện dịch vụ…) khi có sự vi phạm.

Dự thảo luật Quảng cáo do Bộ VHTT&DL chủ trì vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Lệ Quyên

Các văn bản liên quan