Sửa Luật báo chí không phải để hạn chế, bóp chẹt thông tin

Thứ Sáu 10:19 18-07-2008


Sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet đã khiến rất nhiều qui định của Luật báo chí hiện hành không còn phù hợp. Sự bùng nổ của các loại hình thông tin cá nhân như blog đang đặt ra những thách thức lớn đối với báo chí truyền thống.

Khi trao đổi với báo chí tại hội nghị tổng kết tám năm thi hành Luật báo chí ở Hà Nội (24 và 25-12-2007), ông ĐỖ QUÝ DOÃN - thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông - đã cho biết ý kiến của mình về vấn đề này như sau:

Với loại hình blog, chủ thể cũng chỉ là cá nhân, người soạn thông tin là cá nhân, người đưa thông tin lên blog là cá nhân nên yếu tố pháp lý ở đây là trách nhiệm của cá nhân đối với thông tin, khác với nội dung thông tin trên một tờ báo. Nội dung thông tin trên một tờ báo thể hiện quan điểm, chính kiến, định hướng của một tờ báo, mà tờ báo đó đại diện cho một tổ chức, một cơ quan, một đơn vị nên tính chính thống ở thông tin qua một tờ báo khác hoàn toàn với thông tin trong blog. Tất nhiên bất cứ một thông tin nào khi đưa ra xã hội đều có tác động của nó.

Ngay một tin chưa đưa lên mạng mà chỉ lan truyền trong xã hội dưới dạng “buôn dưa lê” cũng có tác động lớn. Internet là một xã hội ảo, những vấn đề trong xã hội thật được chuyển lên mạng cũng có tác động như tất cả các thông tin khác trong xã hội. Phải xác định như vậy để có sự bình tĩnh phán xét, có phương thức làm sao bảo đảm cho hoạt động này đúng nghĩa vụ của tất cả mọi công dân khi cung cấp thông tin và tạo ra sự lành mạnh cho những thông tin được truyền tải trong xã hội.


“Mỗi lần sửa đổi luật là một lần tạo điều kiện cho báo chí
phát triển chứ không phải sửa luật để hạn chế, bóp chẹt thông tin.
Khi có đầy đủ các qui định của pháp luật thì quyền tự do của báo chí được phát huy tối đa trong khuôn khổ của pháp luật”



Tất cả hoạt động trong xã hội đều phải được quản lý nhưng quản lý bằng phương thức nào thì phải tính toán và lựa chọn phương thức phù hợp. Loại hình blog cũng như vậy.
Thứ nhất, phải làm sao có hướng dẫn để mọi người biết cần đưa những thông tin gì để bản thân họ có trách nhiệm trước những thông tin họ đưa ra và những thông tin mà họ truy cập, trên cơ sở đó tạo ra sự giáo dục, tuyên truyền.

Thứ hai, những chế tài để điều chỉnh hoạt động này chúng ta đã có. Luật dân sự, Luật hình sự, Luật báo chí đều qui định những vấn đề nào được thông tin, tức là tất cả những yếu tố đó chúng ta đã có cơ sở để điều chỉnh. Ngay trong xã hội, nếu anh thông tin xuyên tạc tôi thì tôi có quyền khởi kiện chứ chưa nói đến chuyện đưa thông tin xuyên tạc đó lên blog. Có người lo ngại thông tin đưa lên blog thì không thể xác định được, nhưng đó chỉ là vấn đề chúng ta chưa làm đến tận cùng thôi vì không có blog nào tồn tại ngoài những cơ sở cung cấp dịch vụ.
Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước thì chúng ta hoàn toàn có điều kiện nắm bắt được, còn những nhà cung cấp dịch vụ quốc tế hoạt động trong nước ta cũng đều phải tuân thủ theo qui định của ta. Nếu chúng ta có chế tài thì chúng ta có điều kiện để trao đổi khi người ta cung cấp dịch vụ ở nước mình.

Về ý kiến cho rằng có sự bùng nổ của các loại hình thông tin cá nhân là do báo chí chính thống bị bó hẹp thông tin, theo tôi, điều đó chưa hẳn. Nhu cầu trao đổi thông tin của công dân, của cá nhân là nhu cầu thường trực. Bây giờ không thể đưa những vấn đề tâm tư riêng lên báo được mà nó chỉ có thể được đọc trong blog. Dù chúng ta có hệ thống báo chí như thế nào đi nữa thì nhu cầu thông tin vẫn là nhu cầu rất thiết thực trong giao tiếp xã hội. Có phương tiện blog thì người ta chuyển thông tin lên blog để chia sẻ, trao đổi. Đó là vấn đề bình thường.
 
Việc sửa đổi quan trọng nhất của Luật báo chí sắp tới đây chính là để tạo điều kiện đủ cơ sở pháp lý cho báo chí phát triển. Với nhu cầu rất lớn của xã hội, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và với những đòi hỏi cao hơn về cung cấp thông tin thì báo chí cần có chế tài phù hợp hơn, sát với thực tế hơn. Khi tất cả cơ quan báo chí tạo được điều kiện phát triển, những thông tin chính thống ngày càng rộng rãi trong xã hội thì nó sẽ đóng vai trò chủ đạo trong đời sống và chính nó là thông tin định hướng trong xã hội. Như vậy vô hình trung các thông tin khác phải tuân thủ thông tin chính thống ấy.

Về quyền được thông tin của báo chí sẽ được sửa đổi như thế nào trong lần tới, tôi nghĩ rằng luật qui định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, chính vì vậy các điều qui định của luật phải hướng tới việc phát huy tối đa các quyền đó (chắc chắn chúng ta sẽ làm sao để bảo đảm tốt nhất). Ngoài ra, những điều luật nào không phù hợp, chưa được điều chỉnh thì cần phải xem xét.

Ví dụ trước đây luật cũ qui định cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một loại hình báo chí, nhưng bây giờ một cơ quan báo chí có nhiều loại hình thì phải điều chỉnh. Hay vấn đề kinh tế báo chí, cơ quan báo chí được kinh doanh dịch vụ như thế nào, được xác định là đơn vị sự nghiệp có thu hay là doanh nghiệp? Hay trách nhiệm của tổng biên tập trước đây luật đưa ra chung chung thì bây giờ luật phải xác định tổng biên tập có quyền gì, nghĩa vụ gì... Mỗi lần sửa đổi luật là một lần tạo điều kiện cho báo chí phát triển chứ không phải sửa luật để hạn chế, bóp chẹt thông tin. Khi có đầy đủ các qui định của pháp luật thì quyền tự do của báo chí được phát huy tối đa trong khuôn khổ của pháp luật.


Báo chí trở thành nơi công dân gửi gắm niềm tin
Bộ Thông tin - truyền thông cho biết đến nay cả nước có 702 cơ quan báo chí. Loại hình báo in có 634 cơ quan với 813 ấn phẩm. Có 67 đài phát thanh, truyền hình. Có 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử. Cả nước có gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ.
Sau tám năm thực hiện Luật báo chí, các tầng lớp nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho báo chí, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực. Báo chí đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của công dân khi hằng năm lượng đơn thư phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến cơ quan báo chí ngày càng tăng. Tuy nhiên có địa phương, đơn vị, cá nhân vẫn còn biểu hiện cản trở hoạt động của nhà báo, thu giữ phương tiện làm việc của nhà báo, thậm chí có người quá khích hành hung nhà báo. Nhiều vụ việc mặc dù đã được báo chí nêu lên hoặc được báo chí yêu cầu trả lời nhưng vẫn bị rơi vào tình trạng im lặng.

 

(Nguồn: Khiết Hưng, Báo Tuổi trẻ)

Các văn bản liên quan