Luật Báo chí: Còn nhiều bất cập

Thứ Sáu 10:10 18-07-2008

Từ góc độ quản lý nhà nước, PGĐ Sở VHTT Nguyễn Tuấn Việt nêu ý kiến cảnh báo hiện tượng "lạm phát" báo chí hiện nay.


Ông nói: "Quá nhiều ấn phẩm con, ấn phẩm cháu lũ lượt ra đời dẫn đến sự trùng lặp về nội dung, chất lượng thông tin không đảm bảo, đội ngũ phóng viên yếu kém. Các cơ quan chức năng cần mạnh dạn, thẳng tay thu hồi giấy phép hoạt động của những tờ báo như thế".

Vẫn theo ông Việt, sau 8 năm thực hiện Luật Báo chí trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh các giai đoạn từ 1999 - 2000 và 2000 - 2007, hiện thành phố Hồ Chí Minh có 41 cơ quan báo chí được tiếp tục hoạt động cùng với 27 phụ san, phụ bản; 3 tạp chí. Số phụ san phải đình bản là: Tạp chí Mỹ Thuật, Tạp chí Hoa Học Trò và Phụ san Y học cho mọi người; 4 báo, tạp chí mới được đề nghị cấp phép hoạt động báo chí. Cấp 2.567 thẻ nhà báo

Phát hiện 145 trường hợp các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí đề xuất không đủ điều kiện, có trường hợp không phải là người trong cơ quan báo chí, xử lý thu hồi thẻ 5 nhà báo trong đó có 1 trường hợp thu hồi không thời hạn.

Những bất cập làm hạn chế sự phát triển

Trong khi đó, về phía báo chí, đại diện nhiều cơ quan báo, đài cũng đã phản ảnh những bất cập trong Luật Báo chí hiện nay làm hạn chế sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Huỳnh Văn Nam, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM góp ý: Tại Khoản 1, điều 5 chương II của Quy chế có đề cập đến việc phát sóng chương trình truyền hình ra nước ngoài nhưng không nói rõ đài địa phương có được phép hay không bởi hiện nay chỉ có kênh VTV4 của Đài THVN được phát sóng ra nước ngoài với chương trình tổng hợp và kênh "Thuần Việt" của Đài TH TP.HCM vừa được phép phát sóng ra nước ngoài nhưng không bao gồm các bản tin.

Trong khi đó, đại diện báo Tuổi Trẻ cũng nêu ý kiến: "Sự phát triển của báo chí hiện nay đang đi đến kỷ nguyên đa phương tiện, sự hội tụ truyền thông đang diễn ra khắp nơi. Điều này có nghĩa, trong thời gian tới các cơ quan báo chí sẽ khó phát triển và thực hiện tốt chức năng của mình nếu chỉ dựa vào một loại hình duy nhất.

Ở điều 1 quy định, báo chí là phương tiện truyền thông của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

Vì vậy, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đề nghị bổ sung trong Luật Báo chí điều khoản: "Các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội được phép triển khai các loại hình báo chí khác nhau theo tôn chỉ mục đích của mình, nhu cầu phát triển và điều kiện của các cơ quan báo chí trực thuộc".

Đối với quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đại diện báo Người Lao Động có ý kiến rằng hiện nay việc triển khai thực hiện quy chế ở các cấp chưa được coi trọng, nhất là đối với các trường hợp đột xuất, bất thường.

Trong khi các cơ quan báo chí trước áp lực dư luận cần thông tin nhanh, chính xác các vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm thì người phát ngôn không hề xuất hiện (quy chế quy định chậm nhất 2 ngày sau khi sự việc xảy ra) thực tế nhiều trường hợp cả một thời gian dài, phóng viên không tìm thấy người phát ngôn, hoặc có thấy thì người phát ngôn cũng nói một cách vô thưởng vô phạt không đáp ứng được yêu cầu thông tin của báo chí, của công luận.

Tại Điều 16 về lưu chiểu báo chí quy định, báo in không ra hàng ngày phải nộp lưu chiểu trước khi phát hành 6 tiếng đồng hồ, đại diện báo Công An TP.HCM cho rằng, thực tế báo CA TP.HCM thường phát hành vào vào lúc 3h sáng. Theo quy định thì lúc 21h đêm trước phải nộp lưu chiểu nhưng lúc đó cơ quan nhận lưu chiểu là Bộ VH-TT; Sở VH-TT không làm việc thì không thể nộp lưu chiểu theo đúng quy định.

Vì thế, đại diện báo đề nghị cần có quy định nộp lưu chiểu sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Còn đối với báo điện tử, đại diện báo cũng nêu rõ: Trong Luật Báo chí cũng như Nghị định của Chính phủ chưa có phần quy định cụ thể đối với loại hình báo chí này (hiện mới chỉ có Quy định số 27 ngày 10/10/2002 của Bộ VH-TT về quy chế quản lý và cấp giấy phép cung cấp thông tin thiết lập trang điện tử trên Internet). 

 Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về quản lý hoạt động loại hình báo điện tử tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là quản lý các trang điện tử, blog cá nhân hiện nay đang hoạt động như một tờ báo điện tử nhưng công tác quản lý thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Chỉ khoảng 30% đơn thư được phúc đáp

Những hạn chế trong việc giải quyết đơn thư của bạn đọc cũng cần được bổ sung cụ thể. Theo điều 5 chương II (trách nhiệm của báo chí) phần 2 đã nêu rõ: "Cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời hoặc yêu cầu tổ chức người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến" nhưng trên thực tế chỉ có rất ít những đơn thư mà báo chí gửi đến các cơ quan chức năng được phúc đáp.

(Báo Thanh Niên trong 8 năm nhận được hơn 10.000, báo Công An TP. HCM nhận được gần 50.000 đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân nhưng chỉ có khoảng 30% đơn thư được các cơ quan chức năng phúc đáp).

Câu hỏi đặt ra ở đây là, những trường hợp tổ chức, người có chức vụ không trả lời báo chí thì báo chí có quyền khởi kiện cá nhân, tổ chức đó hay không? Nếu có thì mức phạt là như thế nào trong khung Luật Dân sự?

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thông - Phó TBT báo Thanh Niên còn đề nghị phải  bổ sung quy chế phúc khảo các chương trình nghệ thuật do các cơ quan báo chí tổ chức, tuy nhiên không nhất thiết chương trình nào cũng phúc khảo nhưng cần phải dựa trên hai tiêu chí cụ thể là định hướng chính trị và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật của chương trình.

Được biết, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết sau 8 năm thực hiện Luật Báo chí.


(Nguồn: Vietnamnet, ngày 25/4/2008)

Các văn bản liên quan