Góp ý của ĐBQH Vi Thị Hương – Điện Biên đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:06 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) như sau:

Một, về thu hồi đất, tôi tâm đắc với phân tích của các đại biểu đã phát biểu trước tôi, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình; đại biểu Trần ngọc Vinh - Hải Phòng về vấn đề này. Theo tôi dự thảo Luật đất đai cần xác định rõ về thuật ngữ "thu hồi đất" và các trường hợp thu hồi đất bởi các lý do:

Thứ nhất, trong mối quan hệ về đất đai nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, vừa quản lý nhà nước về đất đai. Việc nhà nước thu hồi đất  là thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vì vậy sử dụng khái niệm thu hồi đất chưa hợp lý.

Thứ hai, vấn đề này có đại biểu đã phát biểu trước tôi, tôi xin phân tích sâu thêm. Điều 17 Hiến pháp năm 1992 quy định rõ đất đai là sở hữu toàn dân. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền sử dụng đất đai là tài sản, người sử dụng đất có quyền thừa kế quyền chuyển nhượng, quyền tặng, cho v.v...

Điều 23 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo giá thị trường. Như vậy, trong Hiến pháp không quy định về thu hồi đất mà chỉ quy định "Nhà nước thực hiện quyền trưng mua, trưng dụng tài sản khi thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia". Vậy, đặt vấn đề thu hồi đất trong Luật đất đai có chính xác hay không, có phù hợp với Hiến pháp hay không. Hơn nữa Hiến pháp chỉ quy định trưng mua, trưng dụng đất vì mục đích quốc phòng, an ninh vì lợi ích quốc gia, chứ không đặt vấn đề vì lợi ích công cộng.

Khái niệm vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng là hai phạm trù không mâu thuẫn nhưng không bao hàm lẫn nhau. Có thể vì lợi ích quốc gia có lợi ích công cộng, nhưng vì lợi ích công cộng chưa chắc đã đạt được mục đích vì lợi ích quốc gia. Khái niệm vì lợi ích công cộng không phải được làm rõ từ khái niệm vì lợi ích quốc gia, có khi lợi ích công cộng mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Ví dụ xây dựng một khu đô thị với đầy đủ cơ sở hạ tầng đi kèm để phục vụ cho nhiều hộ dân có thể vì lợi ích công cộng nhưng chưa phải là vì lợi ích quốc gia.

Trong thực tế, đã có những trường hợp dự án lợi dụng mục đích vì mục đích công cộng để thu hồi đất của dân với giá rẻ, sau đó tạo mặt bằng và bán lại cho dân với giá rất cao. Luật cần xác định rõ nội hàm vì lợi ích công cộng ngay trong luật để tránh những cách hiểu khác nhau.

Luật đất đai cần sửa đổi theo hướng đối với đất dùng để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì Nhà nước thực hiện trưng dụng. Đối với đất sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế thì Nhà nước thực hiện trưng mua. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước thu hồi.

Dự thảo luật (sửa đổi) lần này nên đặt vấn đề cho mượn đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Theo đó, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân, cho người dân mượn đất không thu tiền sử dụng đất để phát triển sản xuất. Người dân được mượn đất không được quyền mua, bán, sang, nhượng, tặng, cho, thừa kế mà chỉ có quyền canh tác, sản xuất trên mảnh đất đó với các lý do như sau:

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thì diện đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất là 558.485 hộ, trong số đó có cả các hộ đã được hỗ trợ cấp đất theo các chương trình, dự án của Nhà nước như Chương trình 134, Chương trình 1592, Chương trình 33, v.v., Nhưng vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi mất mùa, làm ăn không hiệu quả, gặp bệnh tật, những hộ này đã sang, nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất, thậm chí cả nhà ở, đất ở nhưng không có khả năng chuộc lại, trở thành các hộ không có đất ở, đất sản xuất. Họ trở thành những người làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Đối với những hộ này khó có khả năng áp dụng kiến thức để phát triển sản xuất. Họ không có kiến thức để thực hiện chuyển đổi ngành, nghề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bền vững. Họ rất dễ bị một vài đối tượng khác lợi dụng mua lại mảnh đất đó. Nói cách khác, họ không đủ năng lực thực hiện quyền của chủ sử dụng đất. Nếu cấp lại đất sản xuất cho họ lại một lần nữa thì nguy cơ họ bán lại mảnh đất của mình đi là điều rất dễ xảy ra.

Chính vì vậy, Nhà nước nên có chính sách riêng đối với đối tượng này để hạn chế tình trạng nhiều cá nhân ở nơi khác đến mua gom ruộng đất của các hộ dân tộc thiểu số. Một số hộ đã gom hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta nhưng chính quyền không quản lý hết được, không có báo cáo và số liệu cụ thể. Đối tượng bị thua thiệt nhiều nhất vẫn là đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến rất nhiều hiệu quả xảy ra. Người dân không có đất sản xuất di cư tự do đến những nơi có đất gây mất ổn định xã hội, rừng bị tàn phá, một số đối tượng di cư tự do bị lợi dụng, lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết, mất trật tự an ninh. Từ những phân tích trên đề nghị bổ sung vào Điều 12 những hành vi bị nghiêm cấm như nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, đối với các loại đất thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, giao đất không thu tiền sử dụng đất, không được mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho, việc mua nhận chuyển nhượng đất do nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số là trái pháp luật sẽ bị thu hồi đất. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan