Góp ý của ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng – Bạc Liêu đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:05 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án luật sửa đổi, tôi tham gia hai ý kiến. Thứ nhất, về vấn đề tăng hạn mức, hạn điền; Thứ hai là thể chế quản lý đất đai.

Thứ nhất, về vấn đề tăng hạn mức, hạn điền cho phép tích tụ đất đai lớn hơn với những lý do như sau:

Về tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất là quy luật tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sự manh mún ruộng đất không chỉ hạn chế hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích mà còn làm chất lượng nông sản, tính đồng đều sản phẩm không được bảo đảm. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất hàng hóa lớn gặp khó khăn.

Ở những năm 90 của thế kỷ, ở đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ, do trình độ sản xuất lúc đó máy cày nhỏ, gặt thủ công, xạ tay, hóa học hóa trong nông nghiệp còn hạn chế, mỗi hộ có được từ 2-3ha là hợp lý để sản xuất lúa.

Tuy nhiên, hiện nay nông dân sử dụng phân bón, thuốc hóa học, máy gặt liên hợp, xay lúa bằng máy để sản xuất lúa hiệu quả, người dân sống bằng nghề làm lúa họ không cần diện tích lớn hơn từ 3-5ha/hộ, thậm chí hàng chục hecta, tùy theo mức độ trang bị thiết bị kỹ thuật.

Việc tích tụ sản xuất để sản xuất nông nghiệp chỉ diễn ra suôn sẻ khi giá đất nông nghiệp còn thấp. Khi kinh tế phát triển, giá đất nông nghiệp sẽ tăng khiến hiệu quả đầu tư sẽ giảm đi, khi đó muốn có nhà đầu tư vào nông nghiệp thì cũng không dám đầu tư, mở rộng sản xuất, vì lý do không có lợi nhuận.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay có một số hộ đầu tư tích tụ ruộng đất với quy mô khá lớn, việc san lấp hạn điền có nhiều hộ tích tụ được hàng chục, hàng trăm hecta để lập trang trại quy mô lớn nhưng không làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng, để người thân đứng tên, thậm chí vẫn để tên người chủ đất cũ, như tạo lập hợp đồng vay mượn, thế chấp bảo đảm bằng tài sản đất. Điều này dẫn đến hệ quả là vấn đề quản lý đất đai ngày càng trở nên phức tạp. Nói cách khác là mục tiêu dùng hạn điền để khống chế đầu cơ ruộng đất là không hiệu quả.

Nguyên nhân là do chúng ta chưa có công cụ quản lý để điều tiết quá trình tích tụ này. Theo tôi, các công cụ như thuế, phí nếu làm chặt sẽ tác động chống đầu cơ tốt hơn, nhất là tích tụ hạn điền đất. Việc để mức hạn điền tạo ra sự ngộ nhận chúng ta đang làm tốt cho việc bảo vệ cho người cày có ruộng chứ không hướng tới một nền sản xuất lớn hàng hóa với sản phẩm có chất lượng ổn định, có tính cạnh tranh cao để nâng cao giá trị, lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hạn chế sự liên kết 4 nhà trong sản xuất.

Tôi đề xuất xóa bỏ hạn điền, thiết lập các công cụ hữu hiệu, mềm dẻo trong việc định hướng quy mô sản xuất tối ưu phù hợp cho mỗi vùng khác nhau, mỗi thời kỳ phát triển khác nhau. Quan trọng nhất là việc điều chỉnh mức thuế nông nghiệp mỗi thời kỳ phải khác nhau.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế quản lý đất đai trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật đất đai Việt Nam năm 1993 và 2003 đã khẳng định 5 quyền, sau đó bổ sung 7 quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất; việc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Các nhà nghiên cứu gọi đây là quyền sở hữu tạm thời. Các quyền này nếu được thực thi một cách nghiêm túc còn mạnh hơn quyền sở hữu tư nhân về đất đai của nhiều nước, kể cả nước đang phát triển.

Đáng tiếc, trong thực tế các quyền này không được bảo đảm vì thế mới sinh ra nhiều khiếu kiện biểu hiện những việc các quyền không được bảo đảm là chính quyền khi cần lấy đất của dân thì ra quyết định quy hoạch, nếu chưa có quy hoạch chỗ đất cần lấy thì phải điều chỉnh quy hoạch hoặc quy hoạch lại. Người dân đang làm kinh tế trên đất mình nhưng trong luật lại quy định có thể lấy đất giao cho doanh nghiệp cũng là để phát triển kinh tế, điều mặc nhiên coi doanh nghiệp làm kinh tế sẽ hiệu quả hơn người nông dân. Một người là nông dân, hôm trước được giao mảnh ruộng 20 năm, nhưng cũng là người đó khi đăng ký trở thành doanh nghiệp thì họ được thuê 50 năm hoặc lâu hơn. Mặc nhiên quyền định đoạt của nhà nước phủ nhận tất cả các quyền chính đáng khác và bất kỳ người dân nào đang có đất. Nếu đấu tranh giữ đất lại để sản xuất, bảo vệ quyền sử dụng của mình, người dân sẽ bị coi là vi phạm pháp luật về đất đai, chống đối chính quyền. Không đồng tình với quyết định thu hồi đất, không đồng ý với đền bù đất rẻ mạt, khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp sang nhượng, mua, bán lại mảnh đất của chính mình với giá cao gấp hàng chục lần, hàng trăm lần, thậm chí hàng ngàn lần so với đất đền bù, nhưng người dân không biết kêu ai, khiếu nại về đâu, bởi người ta làm rất đúng luật, có khi chính quyền làm sai mười mươi, nhưng vẫn phải theo thứ tự thủ tục khiếu nại, tố cáo đang khiếu nại chính quyền thì người dân lại phải gửi đơn, khiếu nại lại chính là ở chính quyền và họ đang muốn khiếu nại để giải quyết, vừa cấp giấy sử dụng đất và vừa xử lý vụ tranh chấp đất đai. Nguyên nhân cơ bản của các vấn đề trên nằm ở chỗ là chúng ta thông thoáng hệ thống lập pháp, tư pháp độc lập với hệ thống quản lý Nhà nước, thi hành pháp luật, xây dựng một Nhà nước pháp quyền không đồng nghĩa với việc chỉ xây dựng pháp luật và dùng pháp luật một cách lạm dụng để cai trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền bản chất là xây dựng cơ chế công cụ để chế ngự sự mở rộng lạm quyền thái quá. Điều này chúng ta chưa làm tốt trong hệ thống đất đai. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền đất đai của người dân, hạn chế xung đột. Tôi đề ra những giải pháp như sau.

Một là thành lập các Hội đồng quốc gia định giá đất độc lập với chính quyền và có cơ chế đại diện người dân tham gia.

Hai, thiết lập hệ thống tài khoán đất đai trên cơ sở thành lập trong hệ thống tòa án trong đó có tòa đất đai, tập trung đào tạo thẩm phán tòa đất đai đi kèm với không kém tầm quan trọng để tránh tình hình quản lý đất đai minh bạch trên hồ sơ chứng nhận quyền đất đai của người dân. Khi xây dựng pháp luật đất đai phải cần thiết phải thiết kế hệ thống điều luật các chế tài cho phép xem xét phán quyết về tính đúng đắn và các quyết định hay hành vi quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai. Trên đây là ý kiến của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan