Góp ý của ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường – Quảng Bình đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:57 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Cách đây vài hôm Quốc hộI chúng ta có thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi và một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đó là vấn đề chủ quyền thuộc về nhân dân, vấn đề kiểm soát quyền lực, quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực và vấn đề nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Tôi cho rằng những tư tưởng, những quan điểm rất quan trọng này của Hiến pháp chỉ thực sự có ý nghĩa trên thực tế nếu như các luật chuyên ngành cụ thể hóa và quán triệt một cách đầy đủ các tư tưởng quan điểm này. Với cách đặt vấn đề như vậy, trở lại dự thảo Luật đất đai tôi xin có ý kiến về một số vấn đề sau đây.

Trước hết đối với quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất thì dự thảo Luật đất đai lần này có nhiều nội dung quan trọng trong đó có một nội dung sửa đổi là bỏ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp thông qua quy hoạch kế hoạch sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Tôi tìm trong hàng trăm trang tài liệu do Chính phủ trình nhưng vẫn chưa tìm thấy dòng nào lý giải về sự bỏ thẩm quyền này của Hội đồng nhân dân.

Tôi không tán thành với quy định này, tôi cho rằng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất là vấn đề rất quan trọng, không chỉ với phát triển kinh tế xã hội mà nó liên quan đến trực tiếp quyền và lợi ích của người dân. Trong đó có các nội dung liên quan về xác định diện tích, vị trí các công trình dự án, sử dụng đất để thực hiện thu hồi đất, diện tích đất cần chuyển mục đích sử dụng v.v...Chúng ta cũng nói nhiều đến vấn đề lợi ích nhóm, tôi cho rằng một trong những nơi dễ có điều kiện phát sinh lợi ích nhóm đó là trong vấn đề xây dựng các loại quy hoạch kế hoạch, trong đó có quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Chính vì vậy, việc chúng ta giữ lại cơ chế kiểm soát quyền lực, một cơ chế để Hội đồng nhân dân cơ quan đại diện cho nhân dân thông qua quy hoạch kế hoạch trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định là một vấn đề rất quan trọng và cần phải giữ. Có thể Hội đồng nhân dân hoạt động còn hình thức nhưng nếu Hội đồng nhân dân hoạt động còn hình thức thì chúng ta phải có cơ chế để làm cho nó hoạt động hiệu quả hơn chứ không phải bỏ nó đi.

Tiếp theo, mặc dù dự thảo quy định phải công khai dân chủ, phải lấy ý kiến người dân khi xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là ý kiến của người dân phải được lấy thế nào và phải được xử lý như thế nào? ai sẽ là người đại diện bảo vệ lợi ích của người dân trước Ủy ban nhân dân các cấp nếu như đó không phải là Hội đồng nhân dân, cơ quan đại diện cho nhân dân bầu ra trực tiếp đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân theo đúng yêu cầu của Hiến pháp. Hiện nay việc tổ chức Hội đồng nhân dân như thế nào còn chưa được ngã ngũ và còn là vấn đề đang tranh luận. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành vẫn giao thẩm quyền này cho Hội đồng nhân dân. Do đó tôi đề nghị giữ lại thẩm quyền này của Hội đồng nhân dân ít ra đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Giả sử sau này có sự thay đổi nào đó thì việc đưa một điều luật của Luật đất đai ra sửa đổi thì cũng không nên coi đó là vấn đề quá khó khăn.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến dự thảo Hiến pháp Luật đất đai có một chế định thu hồi đất. Định hướng của chúng ta là sửa đổi Luật đất đai song song với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Tuy nhiên, ngân sách của hai vấn đề này trong hai bản dự thảo là không thống nhất, dự thảo Hiến pháp quy định trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia nhà nước thu hồi đất cho tổ chức cá nhân sử dụng có đền bù. Dự thảo luật quy định trong trường hợp nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phát triển kinh tế - xã hội thì người sử dụng đất được bồi thường hỗ trợ.

Tôi tán thành với dự thảo Luật đất đai về vấn đề này hơn quy định của dự thảo Hiến pháp. Tôi cho rằng các nhà soạn thảo Hiến pháp có sự nhầm lẫn khi máy móc áp dụng quy định tương tự về trưng mua, trưng dụng tài sản thuộc sở hữu tư nhân trong Hiến pháp đưa sang vấn đề về đất đai khi ở đây có hai vấn đề khác nhau về bản chất. Tài sản thuộc sở hữu tư nhân trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Vấn đề trưng mua, trưng dụng khác với vấn đề thu hồi, do đó việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai chứ không thể có trưng mua, trưng dụng do vi phạm pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, tôi rất quan tâm với cụm từ "trong trường hợp thật cần thiết thì mới thu hồi đất" của dự thảo Hiến pháp, dự thảo Luật đất đai không có cụm từ này. Tất nhiên về mức độ cần thiết để thu hồi thì có thể khác nhau do đất đai khác với tính chất của tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Tôi cho rằng trong dự án luật cũng phải thể hiện tư tưởng khi cần thiết mới thu hồi và phải chặt chẽ trong các trường hợp thu hồi đất. Chúng ta chưa hoặc không tư nhân hóa trong đất đai, nhưng nhà nước cũng phải mở rộng và tôn trọng hơn do quyền của người sử dụng đất.

Hiện nay dự thảo khi quy định về các trường hợp thu hồi đất mới chỉ liệt kê về mục đích, lý do thu hồi đất chứ chưa quan tâm đến khía cạnh việc thu hồi đất đó có cần thiết thực sự hay không. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thu hồi đất cho các dự án do đó không sử dụng hết, sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang phí trong khi người sử dụng đất không có đất sử dụng. Vì vậy, tôi đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và có quy định chặt chẽ hơn đối với các trường hợp thu hồi đất và bên cạnh đó những quy định liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng v.v... cần phải được giải quyết dưới nhiều góc độ khác nhau, không chỉ dưới góc nhìn của nhà quản lý mà cần phải đặt vào vị trí của người sử dụng đất, của người dân để giải quyết các vấn đề đó, tôi nói ví dụ như ở Điều 80 chẳng hạn.

Vấn đề thứ ba là mục đích sửa đổi của luật lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đang xảy ra và tôi cho rằng dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế bất cập này. Tuy nhiên tôi nhận thấy cũng có những bất cập nêu rất rõ trong Tờ trình nhưng không được sửa đổi hoặc giải pháp đưa ra còn chưa hợp lý khó có thể giải quyết được vấn đề, tôi xin ví dụ về một số vấn đề.

Thứ nhất là Tờ trình nêu bất cập hiện nay là việc giải quyết tranh chấp đất đai không đáp ứng yêu cầu, kéo dài dẫn đến phức tạp, tuy nhiên phương án giải quyết được đưa ra là chỉ sửa đổi đối với việc giải quyết các tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng sửa nội dung Điều 264 Luật tố tụng hành chính mặc dù điều luật này mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực mới 1 năm. Trong khi đó cũng chưa có sự tổng kết đối với việc thực hiện điều luật mới này của Luật tố tụng hành chính nhưng trong dự thảo Luật đất đai chúng ta đã dự kiến đưa điều luật này trở lại dự thảo Luật đất đai và sửa đổi nội dung của điều luật này.

Theo tôi phương án này cũng không giải quyết được bất cập hiện nay vì tòa hành chính khi bác quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân thì cũng trở lại cho Ủy ban nhân dân giải quyết lại do đó gốc của vấn đề vẫn là việc cơ quan hành chính phải giải quyết tốt các tranh chấp. Nên chăng đối với các tranh chấp về đất đai có thể nghiên cứu thành lập tài phán hành chính thuộc hành pháp, đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết thì có quyền khởi kiện tại tòa án hành chính.

Thứ hai là Tờ trình nêu những bất cập về thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, nhiều địa phương quy định thêm thủ tục, tuy nhiên hướng giải quyết của dự thảo là bỏ những quy định của thủ tục trong dự án Luật đất đai. Chúng tôi cho rằng cách giải quyết như vậy là không hợp lý và như vậy luật ban hành xong vẫn phải chờ các nghị định thì mới có thể giải quyết được, như vậy là trái với tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan