Góp ý của ĐBQH Hà Thị Lan – Bắc Giang đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:05 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và gợi ý của chủ tọa cũng như Đoàn thư ký tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau.

Thứ nhất, về quyền của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai ở khía cạnh pháp lý. Sở hữu luôn luôn là vấn đề nền tảng của cả pháp luật kinh tế lẫn pháp luật dân sự, hơn một nửa thế kỷ qua việc xây dựng pháp luật ở nước ta đều xoay quanh khái niệm này. Trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu và nổi bật cơ bản, đó là thông qua các Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 và các đạo luật đơn lẻ khác. Vì vậy, quy định tại Điều 14 đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu là phù hợp với quy định của Hiến pháp hiện hành và Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ hai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên bổ sung thêm vào Khoản 2, Điều 32 quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để nhà nước ban hành các văn bản chính sách về đất đai. Theo tôi nhà nước muốn ban hành các chính sách về đất đai cần có các dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu không có các dữ liệu này thì chính sách về đất đai sẽ không đảm bảo tính khoa học, chính xác. Đơn cử như trong thực tế có hiện tượng san lấp đất trồng lúa làm khu công nghiệp, nhiều khu công nghiệp không sử dụng hết diện tích đất bỏ hoang, cỏ mọc hoang hóa lãng phí trong khi dân không trồng cấy lại được do đã lấp cát. Đứng trước hiện tượng này nhà nước đã ban hành chính sách siết chặt bảo vệ đất nông nghiệp, ngày 11/5/2012 Chính phủ ban hành Nghị định 42 về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Nguyên nhân là căn cứ vào thực tế cho thấy các số liệu sụt giảm của diện tích đất trồng lúa do đó nhà nước có chính sách xiết chặt sử dụng đất trồng lúa và có chính sách bảo vệ. Do vậy, việc sử dụng nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để nhà nước ban hành các văn bản chính sách về đất đai là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, về cơ chế thu hồi đất: Một là làm lành mạnh hóa quá trình đầu tư, phát triển, không còn dự án treo; Hai là đỡ gây cơ hàn cho những người bị thu hồi đất; Ba là loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng.

Vì vậy, phải thu hẹp phạm vi áp dụng của cơ chế Nhà nước thu hồi đất, không được áp dụng quá rộng cơ chế này. Khi áp dụng cơ chế này cần phải quan niệm người có đất là người dân và nhà đầu tư đều được hưởng lợi từ dự án. Như vậy, cần phải cân đối hài hòa giữa ba bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi.

Tại Điều 57 Khoản 1. Tôi đề nghị bổ sung quy định điều tra, thăm dò ý kiến người dân trong khu vực dự kiến thu hồi đất trước khi ra quyết định thu hồi. Thời gian thông báo cho người có đất bị thu hồi 90 ngày đối với đất nông nghiệp, 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp là quá ngắn, không đảm bảo đủ thời gian để người dân chuyển đổi, đảm bảo cuộc sống. Cũng cần quy định rõ trình tự, thủ tục thu hồi đất đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Thứ tư, về giá đất. Phải do Nhà nước xác định đảm bảo phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên ở mức độ nào, thời điểm nào và khu vực nào cần phải tính toán, cân nhắc và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tại Điều 99, giá đất do Nhà nước quy định. Dự thảo luật đưa ra hai phương án. Tôi đề xuất phương án thứ hai vì phương án thứ hai mới phù hợp với Khoản 1 Điều 98 nêu trên. Mặt khác giá đất liên quan đến rất nhiều những yếu tố như mục đích sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cùng một khu vực có các điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội giống nhau nhưng quy mô của khu đất và tầng cao cho phép xây dựng khác nhau thì giá đất không thể như nhau được.

Tại Điều 99 quy định khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh và thời gian tăng, giảm thì phải liên tục từ 180 ngày trở lên Chính phủ điều chỉnh khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh cho phù hợp là chưa hợp lý. Các mốc 20% và 180 ngày cũng chưa có cơ sở. Trên đây là đóng góp của tôi vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tôi xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan