Góp ý của ĐBQH Lù Thị Lừu – Lào Cai đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:54 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung, các nội dung góp ý tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội, cơ bản đã được tiếp thu nhiều ý kiến vào dự thảo luật. Tuy nhiên, từ thực tiễn còn một số vấn đề cần được nghiên cứu và hoàn chỉnh thêm. Tôi xin tham gia một số ý kiến đối với luật này như sau.

Thứ nhất, về giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo, khiếu nại về đất đai. Tôi không góp ý vào các điều, khoản cụ thể mà tôi muốn kiến nghị đến một lĩnh vực khác có thể làm hạn chế được tình trạng tiêu cực khiếu kiện về đất đai. Từ thực tiễn cho thấy, quá trình đo đạc thống kê số liệu về đất đai và các tài sản trên đất còn rất phức tạp, hết sức tinh vi bằng mọi hình thức để rút tiền Nhà nước hoặc của người dân để làm giàu bất chính từ công tác thống kê đền bù đã luôn xảy ra.

Tôi xin lấy ví dụ, có những trường hợp thì có 100m2 đất qua thống kê có thể tăng lên 150m2. Hình thức này có sự thỏa thuận giữa chủ hộ và người thống kê đo đạc hoặc thống kê 100m2 khi người dân được nhận tiền đền bù chỉ còn lại 80m2 hoặc cây trồng 1 năm, có thể tăng lên 3, 5 năm, những sự việc này thường diễn ra ở cơ sở. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai. Khi nghiên cứu tại Chương VIII về các điều, khoản, nội dung quy định chủ yếu là việc giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra. Còn biện pháp ngăn chặn hoặc giám sát từ khâu đầu tiên thì chưa được đề cập đến.

Tôi thấy rằng việc thẩm tra lại số liệu thống kê trước khi người có thẩm quyền ký quyết định đền bù là hết sức quan trọng. Đó là việc thẩm tra trực tiếp, gặp gỡ hộ gia đình chứ không phải số liệu trên sổ sách. Cùng với việc đó là cần niêm yết danh sách số liệu thống kê đền bù ở nơi công cộng và thông báo qua hệ thống loa, đài truyền thanh tại cơ sở để người dân thấy được, nghe được và tự giám sát lẫn nhau sẽ có những thông tin phản hồi tích cực. Đây là công cụ hữu ích và sửa đổi Luật đất đai lần này là một giải pháp để chúng ta bao quát toàn diện hơn với những bất cập bức xúc góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vẫn xảy ra.  Vì vậy, tôi kiến nghị bổ sung một điều tại Chương VIII quy định về kiểm tra, giám sát, thẩm tra số liệu thống kê trước khi người có thẩm quyền ký quyết định đền bù.

Thứ hai, về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, cụm từ "xem xét" được quy định nhiều lần trong việc bồi thường tại các khoản như Khoản 2, Điều 71; Khoản 3, Điều 74; Khoản 6, Khoản 7, Điều 76.  Ý kiến này tôi cũng tán thành với đại biểu Hạnh đã phân tích, tuy nhiên tôi xin được nhấn mạnh thêm. Theo tôi quy định cụm từ "xem xét" là chưa thể hiện được hết vai trò, trách nhiệm của nhà nước đối với người có quyền sử dụng đất khi bị thu hồi.

Việc xem xét còn thể hiện rất chung chung, chưa rõ ràng, có thể xem xét được hỗ trợ, được mua, được bố trí nếu không thì để người dân bị thu hồi đất đi đâu, sẽ hết sức khó khăn đối với họ. Việc này càng không thể hiện được sự công bằng giữa người có quyền được sử dụng đất và quyền thu hồi đất của nhà nước. Mặt khác quy định như vậy không nhất quán giữa Khoản 3, Điều 151 đã quy định, người sử dụng đất được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "xem xét" ở các điều, khoản đã nêu ở trên, chỉ nên quy định như là được nhà nước hỗ trợ, được bố trí, được mua là đủ, nếu không đây chính là khe hở của pháp luật.

Thứ ba, về nguyên tắc bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại Điều 71. Tôi nhất trí với các nội dung đã quy định như trong dự thảo, vì cơ bản đã rõ và đầy đủ. Tuy nhiên tôi muốn trao đổi và bổ sung thêm theo luật hiện hành việc thu hồi đất đã được quy định nhiều chính sách hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn khác. Luật sửa đổi lần này cũng vậy, nhiều chính sách được hỗ trợ như ổn định cuộc sống, đào tạo nghề, tạo việc làm v.v... tuy nhiên từ lâu nay thì các chính sách đến và để người dân bị thu hồi đất nắm được quyền lợi của mình còn rất bị hạn chế, thậm chí không nắm được, nhất là đối với đồng bào ở vùng cao càng khó khăn về tiếp cận với các chính sách quyền lợi này. Nên người bị thu hồi đất thường bị thiệt thòi đồng thời dễ nảy sinh ra những tiêu cực khác trong đất đai. Để khắc phục được tình trạng trên cũng như đảm bảo dân chủ khách quan, công bằng, công khai và đáp ứng được nguyện vọng chung của người dân thì cần thiết phải bổ sung thêm một khoản quy định tại Điều 71 là: khi nhà nước thu hồi đất phải cung cấp các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan