Góp ý của ĐBQH Dương Hoàng Hương – Phú Thọ đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:51 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Theo sự gợi ý của Chủ tọa kỳ họp tôi xin tham gia ý kiến về những nội dung cụ thể của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Trước hết, tôi cho rằng một trong các quan điểm phải nhấn mạnh khi xây dựng dự thảo luật đó là phải đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích giữa 3 nhóm chủ thể tham gia quan hệ đất đai, bao gồm:

Thứ nhất là nhà nước vừa với tư cách là đại diện chủ sở hữu, vừa với tư cách là cơ quan quản lý về đất đai;

Thứ hai là người có đất.

Thứ ba là nhà đầu tư.

Vấn đề cân đối hài hòa lợi ích của 3 nhóm chủ thể trên được coi là yêu cầu, là quan điểm xuyên suốt và là mục đích hướng đến trong quá trình thiết kế tất cả các nội dung sửa đổi của luật hiện hành. Bởi lẽ các mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật đất đai năm 2003 trong nhiều năm qua đến nay do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng có một nguyên nhân đó là việc không thực hiện và thực hiện không đầy đủ quan điểm này trong một số quy định của pháp luật hoặc là trong quá trình thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó mà ý kiến tiếp theo của tôi liên quan đến việc đề nghị thể hiện rõ hơn quan điểm nói trên trong các nội dung dự kiến điều chỉnh, sửa đổi.

Vấn đề thứ nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tôi tán thành việc phân định hệ thống quy hoạch gồm 3 cấp là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó quy hoạch đất đai ở cấp huyện phải tích hợp được các nội dung sử dụng đất ở cấp xã. Để bảo đảm quan điểm hài hòa lợi ích của 3 bên tôi đề nghị bổ sung một số quy định như sau.

Một là bổ sung quy định về việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân bao gồm cả người dân có đất và chủ đầu tư trong quá trình xây dựng quy hoạch cả ở 3 cấp quốc gia, tỉnh, huyện với phương thức và mức độ phù hợp tùy theo từng cấp độ quy hoạch, có thể là thông qua việc lấy ý kiến trên các trang mạng, có thể thông qua việc phát phiếu lấy ý kiến hoặc trưng bày công khai lấy ý kiến về quan điểm, mục tiêu, về các phương án quy hoạch tại những nơi công cộng để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quy hoạch ngay trong quá trình xây dựng. Quy định này nhằm đảm bảo sự phù hợp của các nội dung quy hoạch với nguyện vọng chung và với lợi ích phổ biến của người dân.

Bổ sung quy hoạch về vai trò, vị trí và sự tham gia của cơ quan phối hợp liên vùng trong công tác định hướng xây dựng và thực hiện quy hoạch. Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp quy hoạch của các địa phương hầu như chỉ tính đến các yếu tố nội tỉnh, ít có tính liên thông, ít có sự phối hợp kể cả khi xây dựng cũng như khi thực hiện dẫn đến lãng phí nguồn lực do không tận dụng được các kết cấu hạ tầng có thể dùng chung cho nhiều địa phương hoặc do không thống nhất thậm chí xung đột trong định hướng phát triển không gian lãnh thổ ở các khu vực giáp ranh. Dự thảo cũng quy định về vai trò của Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành liên quan trong công tác thẩm định quy hoạch.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần thêm vai trò của một cơ quan phối hợp liên vùng như là ý tưởng của Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Cơ quan này không chỉ đóng vai trò khi tham gia thẩm định, tức là khi đã cơ bản hoàn thành xong bước dự thảo quy hoạch ở các địa phương mà sẽ tham gia ý kiến của các địa phương ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch. Việc xác định vai trò, vị trí của cơ quan này sẽ khắc phục được tình trạng manh mún, chia cắt quy hoạch và góp phần đảm bảo sự thống nhất phù hợp của quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch quốc gia. Tăng cường được tính liên thông, liên kết quy hoạch của các địa phương vùng, miền và từ đó kết hợp được nguồn lực cũng như cân đối được lợi ích của các địa phương trong lợi ích chung, tổng thể của quốc gia.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế thu hồi đất tôi cho rằng quy định về việc Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để giao cho thuê đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế xã hội như các Điều 53, 54. Bên cạnh đó xác định rõ các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải tổ chức đấu giá đất như Điều 103 của dự thảo là phù hợp và đảm bảo được vai trò của nhà nước trong điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi, không để khoản chênh lệch này rơi vào chủ đầu tư một cách không công bằng. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo xác định rõ được cơ chế tài chính đối với phần chênh lệch thu được này theo hướng để lại một phần thỏa đáng nhằm trực tiếp đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế xã hội ngay tại khu vực dân cư có đất bị thu hồi.

Điều 58 của dự thảo có quy định về các trường hợp, tổ chức cá nhân được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án đầu tư nếu dự án đó không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và phù hợp quy hoạch. Tôi tán thành bởi vì nó phù hợp với các nguyên tắc dân sự về quyền tự do định đoạt tài sản của người dân. Mặt khác sẽ khuyến khích và tạo điều kiện của người có đất nhất là các hộ dân sản xuất nông nghiệp có cơ hội chuyển đổi phương thức sử dụng đất từ cá thể đơn lẻ sang tập trung hơn, hiệu quả hơn hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác đem lại giá trị cao hơn. Xong những trường hợp nhận chuyển nhượng và góp vốn như vậy mới chỉ cân đối được lợi ích của hai bên tham gia trực tiếp trong dự án. Những người khác có đất trong điều kiện tương tự nhưng phải thu hồi theo quyết định của nhà nước sẽ cảm thấy không công bằng, bị thua thiệt về lợi ích. Bởi vì mức bồi thường theo đơn giá Nhà nước thường thấp hơn so với mức thỏa thuận. Mặt khác lại không có cơ hội góp vốn bằng quyền sử dụng đất như trường hợp thỏa thuận. Điều này dẫn đến sự so sánh, không đồng thuận khi xảy ra thu hồi đất.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng phải có cơ chế định giá, sát giá thị trường hơn của Nhà nước quy định coi mức giá thỏa thuận trung bình đã đạt được trong các dự án thuộc diện thỏa thuận nói trên là một trong những căn cứ tham khảo quan trọng để định giá những diện tích đất có điều kiện tương tự, để từ đó xác định được một mức giá công bằng cho cả trường hợp thu hồi và thỏa thuận.

Mặt khác, trong điều 58 này đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc và cơ chế điều tiết cụ thể của Nhà nước đối với phần giá trị tăng thêm mà các bên trong dự án có được từ việc được xét chuyển mục đích sử dụng đất mà có. Bởi vì phần tăng thêm này thì không do đầu tư của người sử dụng đất hay của chủ đầu tư đem lại.

Vấn đề thứ ba, về giá đất. trong dự thảo có đề cập đến tổ chức tư vấn giá đất ở Điều 101 nhưng chưa xác định được cụ thể về ý nghĩa và về mức độ giá trị tham vấn của giá đất do các tổ chức này đưa ra. Cho nên đề nghị cần phải quy định rõ hơn về các nội dung này trong dự thảo luật.

Điều 99 của dự thảo trình bày 2 phương án về giá đất. So sánh 2 phương án, tôi thấy rằng nếu thực hiện theo phương án hai thì sẽ có 2 mức giá đất khác nhau áp dụng cho 2 nhóm trường hợp. Như vậy, sẽ không đảm bảo được sự công bằng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng như của tổ chức được giao đất.

Người sử dụng đất khi thực hiện các nghĩa vụ như nộp thuế, nộp phí và lệ phí, nộp các khoản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được tính trên cơ sở mức giá đất thấp hơn so với khi mà chính người đó thực hiện các quyền nhận bồi thường. Có nghĩa là không đảm bảo được nguyên tắc quyền tương xứng với nghĩa vụ. Do vậy, tôi tán thành cơ bản với tinh thần quy định của Phương án một và cho rằng việc quy định thống nhất một mức giá cho các trường hợp như trong phương án này sẽ đảm bảo cho sự công bằng cao hơn, cân đối hơn lợi ích của các bên tham gia trong quan hệ đất đai. Nhưng đề nghị bổ sung, điều chỉnh và làm rõ hơn một số nội dung sau:

Thứ nhất, làm rõ căn cứ để xác định con số biến động giá thị trường 20% thì điều chỉnh khung giá đất. Theo tôi nên xác định khi mức biến động giá thị trường 15% trở lên thì cần điều chỉnh khung, bảng giá đất này. Với quy định như thế này thì giá đất do Nhà nước quy định sẽ bám sát hơn giá thị trường và bảo đảm hơn lợi ích của xã hội cũng như của người có đất.

Ngoài quy định về điều chỉnh khung giá đất khi giá đất có biến động lớn của thị trường thì đề nghị bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm phải rà soát, điều chỉnh tổng thể khung giá đất, bảng giá đất khu vực giáp ranh để đảm bảo sự phù hợp cao nhất giữa đất do Nhà nước quy định với giá thị trường. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan