Góp ý của ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:48 21-12-2012

Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị

Kính thưa Quốc hội.

Để góp phần hoàn thiện Luật sửa đổi đất đai, tôi xin tham gia một số vấn đề như sau.

Một, về nguyên tắc sử dụng đất, Điều 8, dự thảo đưa ra ba nguyên tắc, tôi đồng tình với nguyên tắc sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích sử dụng đất. Đề nghị bỏ nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả bảo vệ môi trường vì thực tế cho thấy không thể đánh giá được sử dụng đất theo nguyên tắc này và việc bảo vệ môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời cũng xem lại nguyên tắc người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan. Vì nội dung không phải là nguyên tắc sử dụng đất hơn nữa đã được quy định ở Chương XI về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất và bổ sung các nguyên tắc ổn định, bền vững theo mục đích sử dụng và được pháp luật bảo hộ thì mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Hai, về phân loại đất, Điều 10 dự thảo phân loại đất thành 3 nhóm. Tôi xin có ý kiến về nhóm đất nông nghiệp, trong nhóm này dự thảo đã có chỉnh sửa so với Luật đất đai năm 2003. Tuy nhhiên vẫn giữ phân loại đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm.

Thực tế cho thấy sự khác biệt giữa 2 loại đất này rất ít, nói cách khác không có cơ sở khoa học vì trên đất trồng cây hàng năm có thể trồng cây lâu năm và ngược lại, vấn đề là đất đó có thích hợp với loại cây trồng nào thì phải tổ chức trồng loại cây đó. Hơn nữa, phân biệt đất trồng cây hàng năm với cây lâu năm để có chính sách đặc thù thì hệ lụy và ngăn cản sự chuyển dịch các loại cây này trên đất, theo tín hiệu thị trường để mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Từ đó ngăn cản quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ quy định này.

Đối với đất rừng sản xuất cũng nên xem lại, vì thực tế cho thấy sự phân biệt đất 3 loại rừng không dựa trên các tiêu chí rõ ràng đang gặp phải những bất cập lớn về chế độ sử dụng và dễ bị lợi dụng. Hơn nữa, bản chất của đất rừng sản xuất cũng để sản xuất kinh doanh như đất sản xuất nông nghiệp và mang lại giá trị môi trường rất to lớn. Vì vậy, nên nhập đất rừng sản xuất vào nhóm đất nông nghiệp để phù hợp với chế độ sử dụng.

Ba về sở hữu đất, Điều 14 và Điều 23, dự thảo quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai, quy định này có những điểm chưa rõ sau đây. Toàn dân chủ sở hữu là hư vô Nhà nước đại diện chủ sở hữu mâu thuẫn đã xác định chủ sở hữu thì không thể có đại diện chủ sở hữu áp đặt được. Cơ quan Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai cũng không logic vì cơ quan Nhà nước không đại diện cho toàn dân được. Quy định Nhà nước thực hiện 8 quyền, nhưng lại không quy định nghĩa vụ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai là gì. Những điểm chưa rõ ràng này đã tồn tại ở Luật đất đai năm 2003 đang gây ra nhiều khó khăn trong quản lý sử dụng đất đai, dự thảo lần này chưa khắc phục được, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ để phù hợp với hội nhập quốc tế.

Bốn, về giao đất không thu tiền sử dụng, giao đất có thu tiền sử dụng và cho thuê đất tại Điều 65, 66, 67. Tôi xin có hai nhận xét như sau.

Thứ nhất, dự thảo lần này cần giải thích rõ hơn căn cứ để xác định các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng, giao đất có thu tiền sử dụng và hình thức cho thuê đất. Thực tế cho thấy việc duy trì cùng một lúc nhiều chế độ sử dụng đất đang gây ra những bất cập, bất bình đẳng giữa những người sử dụng và làm méo mó thị trường quyền sử dụng đất không thúc đẩy sử dụng hiệu quả đất đai mâu thuẫn với nguyên tắc đặt ra là Luật đất đai phải thúc đẩy sử dụng hiệu quả đất đai.

Thứ hai, Khoản 2, Điều 65 quy định nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên không nhằm mục đích kinh doanh quy định trên cho thấy có sự mâu thuẫn đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên vì rừng này cũng kinh doanh hơn nữa mâu thuẫn là rừng trồng phải nộp tiền sử dụng đất. Theo tôi hai loại rừng này nên thống nhất lại thành một chế độ sử dụng như đất nông nghiệp.

Năm, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Điều 68. Thực tiễn đã chứng minh vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng  không tạo ra giá trị hoặc giá trị thấp sang mục đích sử dụng có khả năng tạo giá trị cao thường là những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội, tạo mâu thuẫn xã hội vì nó làm lợi cho nhóm người này thì đồng thời làm hại cho nhóm người khác dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện phức tạp và phổ biến. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế cẩn thận hơn các quy định tại Điều 68 về chuyển mục đích sử dụng đất trong đó cần quy định rõ phần giá trị tăng thêm do chuyển mục đích sử dụng tạo ra không phải do sức lao động của người sử dụng hoặc đầu tư tạo ra thì xử lý như thế nào và trách nhiệm của người chuyển mục đích sử dụng đất đối với sự thay đổi của giá trị đất, sau khi thay đổi mục đích sử dụng đối với tác động xã hội của quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất.

Sáu, về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất. Điều 69 dự thảo quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã đối với các loại đất, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhưng tính phân cấp logic của các quyền này làm chưa rõ. Tôi đề nghị thống nhất quy định theo hướng như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức là pháp nhân các cơ sở không phải là cá nhân. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho đối tượng là cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Bảy, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Điều 71 dự thảo đưa ra 6 nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi. Tôi đề nghị tách bạch các nguyên tắc bồi thường và các nguyên tắc hỗ trợ, không quy định lẫn lộn vào nhau như dự thảo.

Đối với bồi thường phần bổ sung. Các nguyên tắc ngang giá đối với hỗ trợ thì phải theo nguyên tắc đảm bảo tái tạo những thiệt hại mà người bị thu hồi đất phải gánh chịu.

Tám, về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Điều 73 dự thảo quy định 4 khoản quy định về bồi thường, hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, bồi thường tổ chức kinh tế sử dụng đất, hỗ trợ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất, bồi thường cộng đồng dân cư khi bị thu hồi đất. Các quy định như trên trong điều này cho thấy thiếu tính hệ thống, chưa toàn diện và khó hiểu trong thực hiện.

Đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng mức và chế độ khác nhau về bồi thường đối với đất nông nghiệp theo lợi thế về vị trí địa lý, khả năng sản xuất nông nghiệp của diện tích bị thu hồi, càng có lợi thế, càng có vị trí thuận lợi càng phải bồi thường lớn để hạn chế thu hồi chuyển mục đích sử dụng đối với đất nông nghiệp có lợi thế sản xuất nông nghiệp.

Chín, bồi thường thiệt hại do hạn chế sử dụng đất, thiệt hại tài sản trên đất tại Điều 78. Điều này quy định quá chung chung, chưa rõ ràng và định hướng của bồi thường và phương thức bồi thường. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa ở luật, không nên giao cho Chính phủ quy định.

Về đăng ký đất đai Điều 82. Vấn đề này hiện đăng nảy sinh quá nhiều phức tạp, tiêu cực vì vậy luật cần cụ thể hóa những điểm quan trọng về cơ chế đăng ký đất đai, không nên giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường quy định cụ thể việc đăng ký như Khoản 6 Điều này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan