Góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai: Tính giá bồi thường theo thời điểm trả tiền?

Thứ Ba 09:07 22-07-2008
Góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai: Tính giá bồi thường theo thời điểm trả tiền?
20/7/2008

Tại cuộc họp góp ý dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức ngày 17-7, nhiều đại biểu quan tâm đến việc áp giá bồi thường, hạn chế việc bỏ hoang đất...

Trung tâm phát triển quỹ đất được huy động vốn góp bằng trái phiếu? Người bị thu hồi đất thường chịu thiệt theo kiểu nhận tiền bồi thường đất năm 2007 với giá bồi thường của năm 2003.


Không nên chi trả theo thời điểm thu hồi

Trong việc bồi thường, giải tỏa, đa phần các khiếu nại của người dân liên quan đến giá đất. Theo quy định hiện hành, người dân được bồi thường theo phương án do cơ quan nhà nước phê duyệt khi có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, từ lúc có quyết định thu hồi đất cho đến khi cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục để người dân nhận tiền bồi thường có khi là ba năm hoặc năm năm. Bấy giờ, giá đất tại thời điểm nhận tiền bồi thường đã khác xa giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi. Vì thế, người bị thu hồi đất luôn chịu thiệt thòi theo kiểu nhận tiền bồi thường đất năm 2007 với giá bồi thường của năm 2003. Trong những năm đó, giá đất và cả chính sách bồi thường về đất đai đã thay đổi, đồng tiền giảm giá trị, cơ hội đầu tư kinh doanh hay có nhà ở khác của người dân cũng bị mất...

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị nhà nước nên tính giá bồi thường theo thời điểm trả tiền bồi thường trên thực tế. Ý kiến khác thì đề nghị phương án bồi thường của các dự án chỉ nên áp dụng trong vòng một năm. Nếu việc bồi thường kéo dài sang năm khác, chính quyền phải tính thêm lãi suất ngân hàng cho người nhận tiền.

Nhận vốn góp bằng hình thức trái phiếu

Tại TP.HCM, khu đất gần chục hecta ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) sau khi giải tỏa hai năm vẫn không đấu giá được nên người dân quay lại lấn chiếm. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP phải bỏ tiền ra xây hàng rào, mướn người giữ đất tốn cả chục triệu đồng mỗi tháng mà không có nguồn thu nào để bù vào. Tương tự, khu đất tại phường Hiệp Thành (quận 12) thu hồi gần ba năm mà chưa đấu giá được, đất để hoang gây lãng phí nên bị người dân phản ứng. Giám đốc trung tâm Huỳnh Kim Phát đề nghị nên cho trung tâm quyền khai thác ngắn hạn những khu đất đang quản lý chờ đấu giá, tiền thu được sẽ dùng để trang trải các chi phí bảo vệ đất.

Hiện tại, ngoài trung tâm trên thì còn có hai đơn vị khác được hoạt động trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng: Đó là các ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Công ty Đức Khải (vừa được Chính phủ cho phép thành lập). Ban bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ giải phóng mặt bằng cho những dự án đã có chủ đầu tư, Công ty Đức Khải là đơn vị tư nhân có thể giải phóng mặt bằng thuê cho những doanh nghiệp khác. Vậy nếu có doanh nghiệp thuê trung tâm bồi thường giải phóng mặt bằng thì trung tâm có được làm hay không? Ngoài ra, sau khi huy động vốn từ nhiều nguồn, trung tâm sẽ giải quyết “đầu ra” như thế nào? Doanh nghiệp góp vốn có được chia lãi hay được ưu tiên trong đấu giá?

Theo ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà, đất TP, nhà nước nên cho phép các trung tâm phát triển quỹ đất nhận vốn góp bằng hình thức trái phiếu. Đơn vị nào sở hữu một lượng trái phiếu nhất định sẽ được hưởng những điều kiện ưu đãi khi mua đấu giá đất...

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM

Các văn bản liên quan