Sửa đổi Luật Đất đai: Phải đổi mới từ tư duy

Thứ Ba 09:02 22-07-2008
Sửa đổi Luật Đất đai: Phải đổi mới từ tư duy
22/7/2008
Tại một hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên cho biết, lần sửa đổi năm 2008 này chỉ sửa một số nội dung, tới năm 2011-2012 sẽ có luật hoàn chỉnh.

Vậy là việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 lại đi đúng vào những bước sửa đổi Luật Đất đai 1993. Nếu coi quá trình sửa đổi Luật Đất đai 1993 kết thúc bằng luật 2003 là một chu kỳ, trong đó có hai  lần sửa đổi vào năm 1998 và năm 2001, thì chu kỳ sửa đổi luật 2003 cũng bắt đầu bằng lần sửa một số nội dung vào năm 2008 này. Rồi sẽ còn một lần sửa nữa vào năm 2011-2012. Và sẽ có một luật 2013-2014 chăng?

Dù sao cũng có thể kết luận rằng đến năm đó tuổi thọ của Luật Đất đai vẫn là ngắn. Vài năm một lần sửa nhỏ, mươi năm một lần sửa lớn!

Tình trạng Luật Đất đai luôn phải sửa như vậy chứng tỏ rằng cho đến nay, tuy đã tới tuổi 15, luật này vẫn chưa phù hợp với thực tế. Vì thế việc triển khai luật luôn gặp vướng mắc, luôn phải bị động sửa luật, nhưng vẫn thiếu căn cơ. Hiện tượng tiêu cực không những phát sinh phổ biến, mà còn kéo dài, trong đó rõ nhất là:

1) Khiếu kiện liên quan tới đất đai chiếm tới 70-80% tổng số khiếu kiện các loại, trong đó không ít khiếu kiện đông người, vượt cấp.

2) Tình trạng xây dựng công trình kéo dài chỉ vì không giải tỏa được mặt bằng rất phổ biến, công trình chậm đưa vào sử dụng, chi phí đầu tư tăng, hiệu quả giảm, nhà đầu tư nản.

3) Quy hoạch “treo” hành dân, muốn sửa mà không sửa được.

4) Tình trạng dân lấn đất công, quan “ăn” đất không phải là cá biệt.

5) Đến nay đã qua 15 năm, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa hoàn thành, việc giao đất coi như chưa xong. Người dân gặp nhiều phiền nhiễu về thủ tục đất đai. Đó là những mảng tối trong bức tranh quản lý đất đai ở nước ta. 

Trong các cuộc họp góp ý sửa đổi Luật Đất đai gần đây, Bộ TNMT đã nhận xét về Luật Đất đai hiện hành như sau: có ba mặt được, đó là quản lý đất đai đã đi vào chiều sâu, góp phần bảo hộ quyền sử dụng đất của dân, hạn chế nhiều tiêu cực trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại các địa phương; tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, riêng năm 2007 đã thu 16.000 tỉ đồng; góp phần hình thành và phát triển gần 200 khu công nghiệp và 500 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 2 triệu nông dân.

Đồng thời Luật Đất đai cũng còn tám mặt chưa được, cần sửa đổi là: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về tài chính đất đai, giá đất; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; về thời hạn sử dụng đất; về quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa; về thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất; về quản lý và phát triển thị trường bất động sản.

Các đánh giá như trên của Bộ TNMT cho thấy một tình hình quản lý đất đai khá lạc quan so với thực trạng. Với cách nhận định như vậy, người dân khó hy vọng việc sửa đổi lần này không sa vào đường mòn.

Cần phải thẳng thắn đánh giá là chúng ta chưa thành công trong chính sách đất đai. Những vấn đề đổi mới chính sách, mà cơ sở của nó là đổi mới tư duy, cần được đặt ra. Đó là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống có tác dụng định hướng cho việc sửa luật lần này và phải làm ngay, không đợi đến ba bốn năm nữa. Chúng ta đã có 15 năm kinh nghiệm xây dựng và sửa đổi luật này và điều kiện cần phải có chỉ là đổi mới căn bản cách nghĩ, cách làm, từ tư duy, chính sách.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Các văn bản liên quan