Bỏ cơ chế thoả thuận đền bù giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất?

Thứ Tư 11:20 19-03-2008

Tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

Bỏ cơ chế thoả thuận đền bù giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất?

 

Tiếp sau hội nghị tại TP Hồ Chí Minh, hôm qua (12/3/2008) Bộ TN và MT tiếp tục lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Theo Bộ trưởng Bộ TN và MT Phạm Khôi Nguyên, sau 4 năm triểu khai thi hành, Luật Đất đai 2003 đã đưa lại những hiệu qủa đáng kể cho phát triển kinh tế, thông qua việc chuyển đổi hơn 3% đất nông nghiệp sang đất cho mục đích công nghiệp, dịch vụ; đã có 200 khu công nghiệp, 500 điểm, cụm công nghiệp, giải quyết được hơn 2 triệu lao động và thu hút được hơn 40 tỷ đô la đầu tư vào các cụm công nghiệp; thu tiền đấu thầu đất theo thống kê năm 2007 khoảng 25 đến 28 ngàn tỷ đồng; đồng thời, quyền của người sử dụng đất trong việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng, tặng cho...được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “phải thừa nhận Luật Đất đai cũng bộc lộ những bất cập, cần phải đuợc sửa đổi, bổ sung ngay mới giải quyết được vấn đề phát triển bền vững. Dự kiến đến năm 2011-2012 chúng ta cố gắng xây dựng hoàn chỉnh một bộ luật về đất đai chặt chẽ, áp dụng lâu dài”.

Có 8 vấn đề được gợi ý để tập trung thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; quyền sử dụng khi cổ phần hoá; thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng đất và quản lý thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo, các đại biểu tập trung nhiều cho hai vấn đề bức xúc nhất, gây khiếu kiện nhiều nhất trong quá trình thi hành Luật đất đai ở các địa phương, đó là: xác định giá đất như thế nào để dân không thiệt và cơ chế giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù như thế nào cho hợp lý.

Giá đất cần được áp dụng từ 3-5 năm

Theo quy định hiện nay, nguyên tắc định giá đất phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, Ông Trịnh Kiên Kĩnh – Phó Giám đốc Sở TNMT& NĐ Hà Nội cho rằng quy định như vậy là quá chung chung, và giá đất cho các địa phương công bố vào ngày 1/1 haàngnăm gây không ít khó khăn cho việc GPMT. Thực tế, nhiều dự án không thể thực hiện được vì người dân chây ì, chậm bàn giao mặt bằng chỉ để hưởng tiền chênh lệch theo bảng giá tăng dần qua cá năm. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang cho rằng bảng giá đất của đại phương nên có hiệu lực trong khoảng 3-5 năm, chứ không phải 1 năm như hiện nay để thuận lợi cho công tác GPMB. Nếu có biến động giá trên 20% so với giá địa phương đã quy định thì mới điều chỉnh, nhưng không vượt khung của Chính phủ đã quy định. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc mới đây Chính phủ giao đất cho Bộ TN và MT quản lý giá đất (do Bộ Tài chính trước đây quản lý) là đúng đắn, sẽ bình ổn được giá đất. BộTN và MT mong muốn định giá tới từng thửa đất. Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Khôi nguyên cho rằng, xác định giá đất cần dựa theo nhiều yếu tố như loại đất, giá đất giáp ranh giữa vùng đo thị, nông thôn, các tỉnh như thế nào, phải tính theo giá trị đang sử dụng, chứ không phải theo giá trị sẽ sử dụng...

Cần bỏ cơ chế thoả thuận đền bù giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định hiện nay một số trường hợp nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất, nhà đầu tư phải tự nhận chuyển nhượng, thoả thuận giá đền bù với người dân là điều không tưởng, không thể thực hiện được. Nhiều dự án bị kéo dài, dân khiếu kiện chỉ vì “ganh tỵ” với các dự án khác về giá cả. Vì thế, phần lớn các đại biểu góp ý nên bỏ quy định này, thay vào đó, các dự án khác vẫn do nhà nước thu hồi, đền bù theo giá chung của nhà nước, có chăng nhà đầu tư chỉ hỗ trợ thêm khoản tiền nào đó mà thôi. Nói thêm những bất cập trong quy định về bồi thường, tái định cư, ông Nguyễn Thăng – Phó giám đốc sở tài chính tỉnh Thanh Hoá cho rằng, riêng đất ở là đất do người dân bỏ tiền ra mua, khi bị thu hồi thì cần bồi thường theo giá thị trường, còn đất nông nghiệp là đất Nhà nước giao không cho các hộ dân, không thu tiền sử dụng đất, cấp tiền để đo đạc và cấp giấy chứng nhận...thì không thể bồi thường theo giá thị trường được. Nhà nước cần quy định một mức giá gọi là đền bù công cải tạo đất thống nhất với đất nông nghiệp, tất nhiên có tính đến vùng đô thị, đồng bằng, miền núi. Đại biểu tỉnh Hải Dương cũng tán thành việc không đến bù đất nông nghiệp theo giá thị trường, không gọi là bồi thường mà nên chăng dùng khái niệm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mới chính xác. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng góp ý không nên đưa khái niệm đất liền kề, đất xem kẽ trong khu dân cư mà nên dựa theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho công tác bồi thường. Thực tế ở các địa phương, có hộ hàng héc ta đất nông nghiệp liền kề đất ở mà Nhà nước cứ phải bồi thường 30-50% so với giá đất ở liền kề là bất hợp lý...

Giá phải để có đất sạch cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đó là phải tăng cường vai trò của các tổ chức tín dụng phát triển quỹ đất. Tổ chức này lĩnh trách nhiệm bồi thường. GPMB cho tất cả các dự án đã có chủ đầu tư chứ không phải chỉ có các dự án chờ nhà đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, tại hội nghị, ít có ý kiến nào bàn thêm về vấn đề này, cũng như vấn đề giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phẩn hoá sẽ thuộc về nhà nước hay doanh nghiệp.

Lần sửa đổi, bổ sung này, theo Bộ TN và MT sẽ thông được các ách tắc, bất cập nổi bật, trong đó lĩnh vực GPMB sẽ được minh bạch hoá, người bị thu hồi sẽ dược bồi thường theo đúng giá trị đất.

Thanh Quý - Theo Pháp luật Việt Nam

Các văn bản liên quan