GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Thứ Năm 16:23 17-04-2008

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

         I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm được xây dựng trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Dự án Luật thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, cụ thể như sau:
- “Cải cách hành chính nói chung, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính phải bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp và góp phần tích cực chống quan liêu, phòng và chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan... Cải cách hành chính phải hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, ứng dụng có hiệu quả thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin”. “Giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ quản lí đa ngành, đa lĩnh vực”. “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân... Các cấp chính quyền và từng cơ quan hành chính nhà nước khẩn trương rà soát các loại thủ tục hành chính, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên xem xét sửa đổi theo hướng tạo thuận tiện cho nhân dân và doanh nghiệp. “Công bố công khai các thủ tục (các loại giấy tờ, biểu mẫu) và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định để nhân dân biết và thực hiện thuận lợi.Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước và mở rộng áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công...”. “Thực hiện nhất quán nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. (Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí của bộ máy nhà nước).

- “Áp dụng các tiêu chuẩn giám sát thị trường theo thông lệ quốc tế; ...đảm bảo tính công khai, minh bạch”. (Điều 1, điểm C.2.d của Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020).

- “...bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu khác nhau trong nền kinh tế”; “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để các quyền về đất đai và bất động sản được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh.”; “Hiện đại hóa hệ thống quản lý hồ sơ địa chính, bất động sản. Phát triển đồng bộ các dịch vụ tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, đăng ký giao dịch...tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch trên thị trường đất đai, bất động sản.”. (Điểm II.2 và Điểm II.3 của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 31/01/2008 Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

- “Khuyến khích mở rộng các dịch vụ hỗ trợ thị trường tài chính; bảo vệ lợi ích hợp pháp của mọi đối tượng tham gia thị trường”. (Điểm III.2.1  Phát triển đồng bộ các loại thị trường trong Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010). 

2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam, kế thừa và pháp điển hóa các quy định hiện hành đã và đang phát huy có hiệu quả trong thực tiễn.

3. Dự thảo đáp ứng yêu cầu công khai hoá và minh bạch các quyền, giao dịch về tài sản.
Mở rộng phạm vi các trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm, lợi ích được bảo đảm, để tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của các chủ thể tham gia các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại. Xây dựng, hoàn thiện quy trình đăng ký các loại giao dịch bảo đảm theo hướng: đơn giản, thuận tiện, khoa học và chính xác trong quy trình đăng ký, cung cấp thông tin; xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán.

4. Từng bước đổi mới về tổ chức các cơ quan đăng ký, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại và thuận tiện cho người dân.

5.  Tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước có hệ thống pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo nêu trên, hiện nay chúng tôi đã xây dựng được dự thảo 4 Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm 7 chương, 75 điều  với nội dung cơ bản như sau:

1. Chương I “ Những quy định chung”
Chương này có 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 15) quy định các vấn đề chung về đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó nổi bật các vấn đề sau đây:

a)    Về khái niệm đăng ký giao dịch bảo đảm (khoản 1 Điều 4)
Dự thảo quy định đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan có thẩm quyền ghi nhận các quyền phát sinh từ các giao dịch bảo đảm và các giao dịch dân sự khác được quy định tại khoản 2 Điều 3 theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Đây là khái niệm chung để thuận tiện cho việc điều chỉnh và được cụ thể hóa trong một số trường hợp đăng ký như đăng ký thế chấp, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu biển, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

b)    Phạm vi điều chỉnh (Điều 2)
D ự thảo Luật quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đối với mọi loại tài sản, trong đó có cả đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tàu bay, tàu biển, nhằm khắc phục tình trạng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phân tán, thiếu đồng bộ, có trùng lặp và mâu thuẫn trong một số trường hợp và thống nhất pháp luật trong lĩnh vực nêu trên. Đồng thời, dự thảo Luật pháp điển hóa các quy định phù hợp và ổn định qua thực tiễn áp dụng mà hiện nay đang được quy định chủ yếu ở các Nghị định và Thông tư. Qua đó, giúp cho người dân và cơ quan đăng ký thuận tiện trong việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

c) Đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3)
Dự thảo quy định các trường hợp phải đăng ký (khoản 1 Điều 3) và các trường hợp đăng ký tự nguyện (khoản 2 Điều 3) trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/11/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các Thông tư  hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, dự thảo mở rộng phạm vi các quyền, giao dịch về động sản được đăng ký bao gồm: bán có thoả thuận chuộc lại hoặc bán hàng thông qua đại lý đối với tài sản là động sản và giao dịch dân sự khác nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc công khai hoá các quyền, giao dịch nêu trên không bắt buộc (nếu không đăng ký thì giao dịch vẫn có hiệu lực), nhưng việc đăng ký sẽ làm cho giao dịch đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba và thời điểm đăng ký là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên khi có sự xung đột quyền và lợi ích đối với cùng một tài sản.

Việc mở rộng đối tượng đăng ký nêu trên xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đáp ứng được yêu cầu minh bạch, công khai hóa tình trạng pháp lý của các tài sản là động sản nhằm thúc đẩy giao dịch dân sự, kinh tế phát triển.

Thứ hai, đảm bảo xác định một cách công bằng quyền của các bên có liên quan đến cùng một tài sản. Việc xác định thứ tự ưu tiên giữa họ cần được căn cứ vào một tiêu chí chung đó là thời điểm đăng ký.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định rất nhiều, theo đó mọi giao dịch nhằm xác lập một “lợi ích bảo đảm” bằng tài sản đều có thể được đăng ký theo thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, không phụ thuộc vào tên gọi hay hình thức thể hiện giao dịch đó.

d) Về nguyên tắc đăng ký (Điều 5 )
 Dự thảo quy định một số nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng. Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, trách nhiệm của cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký.

đ)    Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 7)
Dự thảo quy định giá trị pháp lý của việc đăng ký trên cơ sở cụ thể hóa khoản 2 Điều 323 Bộ luật dân sự và kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004,theo đó các quyền và hợp đồng về bất động sản thuộc đối tượng đăng ký theo Luật Đăng ký bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba cũng từ thời điểm đăng ký.Qua đó, dự thảo đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật có liên quan về vấn đề này.

2. Chương II “Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm”

Chương này gồm 8 điều (từ Điều 16 đến Điều 23) bao gồm các quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm và chức danh Đăng ký viên, đảm bảo các yêu cầu về cải cách hành chính đối với với vấn đề tổ chức. Theo đó, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm:

a) Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản trực thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
b) Cục Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải.
c) Chi cục Hàng hải hoặc Cảng vụ Hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải.
d) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh); Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ((sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện).
đ) Ủy ban nhân dân xã thuộc vùng sâu, vùng xa.

3. Chương III “Đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản”

Chương này có 4 mục, 19 điều (từ Điều 24 đến Điều 42) bao gồm các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, các động sản khác và đăng ký trực tuyến.

Các quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký được quy định đơn giản, rõ ràng hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Thời hạn giải quyết đăng ký được rút ngắn. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong việc công khai hoá các quyền, giao dịch về tài sản, dự thảo Luật đã quy định về trình tự, thủ tục đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản. Việc triển khai đăng ký trực tuyến đối với các giao dịch bảo đảm bằng động sản sẽ góp phần nâng cao tính chính xác của thông tin, rút ngắn tối đa thời hạn giải quyết việc đăng ký, làm cho hệ thống đăng ký thân thiện với người dân hơn, vì mọi người có thể đăng ký và tra cứu thông tin tại bất cứ nơi nào vào bất cứ thời điểm nào. 

4. Chương IV “Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất”
Chương này có 4 mục, 15 điều (từ Điều 43 đến Điều 57) quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất từ đăng ký lần đầu đến đăng ký thay đổi và chấm dứt đăng ký. Dự thảo tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thuận tiện cho người yêu cầu đăng ký.

5. Chương V “Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm”
Chương này gồm 10 điều (từ Điều 58 đến Điều 67) bao gồm các quy định về quyền tìm hiểu thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương thức tiếp cận thông tin, thẩm quyền và nguyên tắc cung cấp thông tin, nội dung thông tin được cung cấp và tính chính thức của Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm và Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm.
  Dự thảo khẳng định nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký.

6. Chương VI “Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm”
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 68 đến Điều 73) quy định về trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

7. Chương VII “ Điều khoản thi hành”
Chương này gồm 2 điều (từ Điều 74 đến Điều 75) quy định về hiệu lực của Luật và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Luật. 

Các văn bản liên quan