Ý kiến của ông Nguyễn Nam Hưng (YKVN)

Thứ Hai 14:36 24-03-2008

1. Quy định tại khoản 2 Điều 3

Các trường hợp b, c, d, đ, e và g đều không phải là giao dịch bảo đảm theo quy định tại Điều 318 của Bộ luật Dân sự và cũng không có tính chất của giao dịch bảo đảm (vì chúng không nhằm bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào). Câu hỏi đặt ra là liệu việc đăng ký các giao dịch này có nên gọi là đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo tôi hiểu, các giao dịch này sở dĩ cần phải được đăng ký là nhằm bảo đảm cho bên có quyền ưu tiên thanh toán khi xảy ra sự kiện bên có nghĩa vụ sử dụng các tài sản là đối tượng của các giao dịch đó làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của mình (như quy định tại Điều 13 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (Chính phủ, 29/12/2006) về giao dịch bảo đảm). Ngoài ra, mặc dù không rõ ràng và chưa có cơ sở pháp lý, việc đăng ký các giao dịch này cũng có thể nhằm bảo đảm thứ tự ưu tiên thanh toán cho bên có quyền khi bên có nghĩa vụ bán, tặng cho hoặc bằng cách khác định đoạt tài sản là đối tượng của các giao dịch đó. Tuy nhiên, mục đích này cũng không giúp các giao dịch này có thể được gọi là các giao dịch bảo đảm và việc đăng ký các giao dịch này không thể được gọi là đăng ký giao dịch bảo đảm.

Đề nghị xem xét việc gọi tên các giao dịch này cũng như gọi tên việc đăng ký các giao dịch này để tránh xung đột về khái niệm với Bộ luật Dân sự và tính chất của giao dịch bảo đảm.

2. Quy định tại khoản 4 Điều 4


Hiện nay chỉ có các giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam mới được phép đăng ký. Đề nghị xem xét việc có cho phép đăng ký đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam.

3. Quy định tại khoản 1 Điều 5


Đề nghị nói cụ thể hơn về giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Thế nào là hiệu lực đối với người thứ ba? Theo quan điểm của tôi việc đăng ký các giao dịch quy định tại Điều 3 có giá trị pháp lý như sau:

(i)          đối với các trường hợp đăng ký bắt buộc: việc đăng ký tạo ra hiệu lực của giao dịch đồng thời giúp xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp tài sản đó được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ;

(ii)          đối với giao dịch quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 3: việc đăng ký không tạo ra hiệu lực pháp lý của giao dịch vì bản thân giao dịch đó sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận hoặc theo các điều kiện khác như công chứng, chuyển giao tài sản (đối với việc cầm cố như quy định tại Điều 328 của Bộ luật Dân sự).  Như vậy không thể nói loại giao dịch bảo đảm này có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Chỉ có thể nói việc đăng ký như vậy giúp xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch đó được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ;

(iii)          đối với giao dịch cho thuê động sản và giao dịch mua trả chậm, trả dần quy định tại điểm c và điểm d, khoản 2, Điều 3: theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 163/3006/NĐ-CP nêu trên, việc đăng ký giúp xác định quyền ưu tiên thanh toán cho bên có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ dùng tài sản là đối tượng của các giao dịch đó đẻ bảo đảm cho một nghĩa vụ khác với người khác. Như vậy, giá trị pháp lý của việc đăng ký là nhằm đảm bảo quyền ưu tiên thanh toán của bên có quyền; và

(iv) đối với các giao dịch còn lại: hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để xác định giá trị pháp lý của việc đăng ký.

Với các phân tích trên, tôi cho rằng dự thảo Luật cần phải xác định cụ thể giá trị pháp lý đối với các loại giao dịch, đặc biệt đối với các giao dịch được nêu tại đoạn (iv) trên đây.  Việc quy định chung chung như dự thảo hiện tại không hoàn toàn chính xác và có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

4. Tiêu đề của Điều 6

Đề nghị sửa lại tiêu đề của Điều 6 thành: “Giao dịch bảo đảm phải được đăng ký theo quy định của Luật này có hiệu lực kể từ thời điểm muộn hơn trong hai thời điểm sau thời điểm đăng ký và thời điểm do các bên thỏa thuận. Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm ”.

5. Quy định tại Điều 11

-   Đề nghị bổ sung tiêu đề của Điều 11: “ Lệ phí đăng ký và phương thức thanh toán đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản ”.
-   Đề nghị xem xét xem liệu có nên để Bộ Giao thông Vận tải (thay vì Bộ Tư pháp) phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xác định lệ phí, việc quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản là tàu bay, tàu biển.
-   Không nên quy định phí cung cấp thông tin và phương thức thanh toán phí tại Điều này nếu đã có riêng Chương IV về cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

6. Quy định tại khoản 3 Điều 12

Đề nghị xem xét liệu có nên quy định thêm trường hợp từ chối đăng ký đối với giao dịch bảo đảm rõ ràng không hợp pháp, ví dụ người thế chấp không có quyền thế chấp hoặc bên nhận thế chấp không được quyền nhận thế chấp. Tuy nhiên, ngay cả khi quy định thêm trường hợp từ chối đăng ký đó, đề nghị xem xét thêm liệu có nên quy định việc đăng ký giao dịch bảo đảm không có ý nghĩa như một sự công nhận giao dịch bảo đảm được đăng ký là (i) hợp pháp (không trái với Điều 5) và xác thực (ii) như thể hiện trong khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.

7. Quy định tại khoản 1 Điều 13

Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản được quy định tại khoản 1 Điều 13 phải trừ tàu bay và tàu biển ra (xem bài góp ý kèm theo).

8. Đề nghị bổ sung quy định tại Điều 22 

     Cần có điều khoản quy định về việc dịch, công chứng bản dịch, hợp pháp hóa lãnh sự trong trường hợp hồ sơ có tài liệu bằng tiếng nước ngoài. 

9. Quy định tại khoản 2 Điều 41

Mức lệ phí, việc quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký đối với giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp (hay Bộ Tài nguyên và Môi trường??).

10. Quy định tại Điều 42

Đề nghị xem xét liệu có nên quy định thêm trường hợp từ chối đăng ký đối với việc thế chấp rõ ràng không hợp pháp, ví dụ người thế chấp không có quyền thế chấp hoặc bên nhận thế chấp không được quyền nhận thế chấp (ví dụ tổ chức nước ngoài). Tuy nhiên, ngay cả khi quy định thêm trường hợp từ chối đăng ký đó, đề nghị xem xét thêm liệu có nên quy định việc đăng ký giao dịch bảo đảm không có ý nghĩa như một sự công nhận giao dịch bảo đảm được đăng ký là hợp pháp (không trái với Điều 5) và xác thực như thể hiện trong khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.

11. Quy định tại Điều 58

-   Đề nghị sửa khoản 2 thành:
“ Người yêu cầu cung cấp thông tin phải nộp phí thông qua một trong những phương thức áp dụng cho việc nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tương ứng theo quy định của Luật này ” .

-   Mức phí, việc quản lý và sử dụng phí yêu cầu cung cấp thông tin được xác định theo phương thức áp dụng đối với mức lệ phí, việc quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tương ứng.

-   Theo dự thảo hiện tại, phương thức nộp phí được phân chia thành hai loại: loại đối với giao dịch bảo đảm bằng động sản (Điều 10) và loại đối với giao dịch bảo đảm bằng bất động sản (Điều 41).  Hai loại phương thức này là khác nhau. Trong khi đó khoản 2 Điều 58 quy định việc nộp phí sẽ theo phương thức tại Điều 11. Quy định này trái với Điều 41, vì thế tôi đã sửa Điều 41 như thể hiện ở trên và sửa khoản 2, Điều 58 này một cách tương ứng.

Các văn bản liên quan