Góp ý dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm – LS Phan Thông Anh

Chủ Nhật 14:42 23-03-2008

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

                                                            --------------
Th.s.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Trưởng VPĐD Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM  

1) - Đối tượng
đăng ký:

1.1. Các trường hợp sau đây phải được đăng ký:
Trong khoản 1 điều 3 của dự thảo luật đăng ký giao dịch bảo đảm quy định về các trường hợp phải đăng ký thì
a)-quy định: “thế chấp quyền sử dụng đất“ nhưng tại khoản 1 điều 38  của dự thảo lại quy định “Cơ quan đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất“ nên theo chúng tôi cần quy định bổ sung vào khoản 1 điều 3  là thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho đảm bảo tính thống nhất của quy định từ phần chung cho đến phấn chi tiết 
b)-không có quy định nội dung: “Thế chấp nhà ở, công trình xây dựng“ nhưng tại khoản 3 điều 38 của dự thảo lại có quy định nên theo chúng tôi cần quy định bổ sung vào khoản 1 điều 3 cho đảm bảo tính thống nhất của quy định từ phần chung cho đến phấn chi tiết. 

1.2. Các trường hợp sau đây được đăng ký tự nguyên theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức:
 Dự thảo luật quy định mở rộng các trường hợp tự nguyện theo yêu cầu của cá nhân tổ chức bao gồm :
a) Thế chấp, cầm cố tài sản là động sản, bất động sản, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cho thuê động sản có thời hạn thuê từ một năm trở lên;
c) Cho thuê tài chính;
d) Mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản là động sản;
đ) Bán có thoả thuận chuộc lại hoặc bán hàng thông qua đại lý đối với tài sản là động sản;
e) Chuyển nhượng quyền đòi nợ;
g) Giao dịch khác nhằm chuyển giao quyền chiếm giữ động sản do pháp luật quy định
 rất hợp lý theo chúng tôi nên giữ nguyên.
 
2) Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm 
      Tuy hiện nay các quy phạm quy định vấn đề giao dịch bảo đảm còn quy định rải rác ở Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hàng hải ; Luật Hàng không dân dụng nhưng theo chúng tôi nên chọn phương án ý kiến thứ nhất là 
      “Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, bao gồm đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhằm thống nhất pháp luật trong lĩnh vực này 
      Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật sau này khi sửa đổi các bộ luật và luật nêu trên nên sửa theo hướng bỏ ra ngoài những quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm để cho Luật giao dịch bảo đảm điều chỉnh thống nhất như dự thảo này đã bãi bỏ điều 130 Luật Đất đai năm 2003
 
3)- Cơ cấu của dự thảo 
      Về cơ cấu của dự thảo Luật hiện nay có 5 chương:
chương 1 là quy định chung;
chương 2 : Đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản;
chương 3 : Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
chương 4 : Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và
chương 5: Điều khoản thi hành
tương đối hợp lý vì những nội dung về quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm thay vì phải quy định một chương riêng nay được quy định trong phần quy định chung là hợp lý
 
4)- Vấn đề tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm 

       Theo ý kiến của chúng tôi nên chọn phương án ý kiến thứ nhất : “ Giữ nguyên hiện trạng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay” để đảm bảo tính ổn định cho hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay cho dù có sự thay đổi của pháp luật. 

        Còn việc cung cấp các thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm của các cơ quan đăng ký cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để xây dựng Hệ thống dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm thì cần quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan đăng ký với một thời gian nhất định phải báo cáo về cho Hệ thống dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm vào Luật này và theo chúng tôi có thể quy định chung trong chương 1 hoặc quy định tại từng mục của chương 2 và 3 tương ứng với phần của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đăng ký.  

5)- Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực  

      Về vấn đề này hiện nay đang có hai ý kiến khác nhau:
Một là nên theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ. Kể từ thời điểm này, giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.

Hai là xác định thời điểm việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm hoặc đã được ghi nhận vào Sổ đăng ký.

Mỗi ý kiến đều có lý lẽ riêng theo chúng tôi thì chọn phương án một bởi lẽ nếu chọn phường án hai thì việc xác định thời điểm việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào cơ sở Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm hoặc đã được ghi nhận vào Sổ đăng ký thì cá nhân tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm không thể tự xác định được ngày chính xác đăng ký giao dịch bảo đảm, còn với phương án một thì cá nhân tồ chức lấy được biên nhận đăng ký giao dịch bảo đảm là xác định được ngày theo biên nhận.    
 
6)- Vai trò của công chứng viên trong việc yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm

Chúng tôi hoàn toàn thống nhất theo dự thảo chọn ý kiến thứ hai : Dự thảo cần quy định Công chứng viên có trách nhiệm yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm đối với những hợp đồng mà mình đã công chứng vì nếu quy định như thế thẩm quyền của công chứng viên là đương nhiên được quyền nếu được yêu cầu không phải phiền hà làm thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
 
7)- Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm

Trong điều 9 của dự thảo luật đăng ký giao dịch bảo đảm có hai phương án theo chúng tôi nên chọn phương án (1) là “ Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản được tính từ thời điểm đăng ký quy định tại Điều 13 của Luật này đến thời điểm chấm dứt hiệu lực đăng ký được kê khai trong đơn yêu cầu “. nhằm hạn chế việc phải gia hạn việc đăng ký giao dịch bảo đảm nếu thời hạn đăng ký giao dịch bảo đảm đó chỉ hơn 5 năm là phải đăng ký lại lần thứ hai, mất thời gian cho cả hai bên./.

Các văn bản liên quan