Ý kiến của Ông Vũ Ánh Dương – Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam

Thứ Sáu 11:08 06-05-2011


Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền và chức năng chính là giải quyết tranh chấp thông qua hai dịch vụ: thứ nhất, thông qua phương thức hòa giải và thứ hai là phương thức trọng tài. Như vậy, có một số vấn đề tôi muốn tham gia vào Dự thảo Nghị định này.
Chúng tôi cũng hết sức vui mừng vì Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã mở ra một cơ hội cho việc cụ thể hóa quyền lợi của người tiêu dùng lựa chọn một cơ quan tài phán. Ở đây Luật đã đề ra bốn phương thức: thương lượng, hòa giải, Tòa án hoặc Trọng tài. Mặc dù chúng tôi có thẩm quyền giải quyết bằng hòa giải nhưng hòa giải ở đây lại không áp dụng với người tiêu dùng. Qua Luật Trọng tài mới cũng có một điều khoản liên quan đến người tiêu dùng liên quan đến việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.
Hiện nay đang tồn tại nhiều hình thức tài phán khác nhau bằng Trọng tài và Tòa án. Tất cả các tranh chấp bằng trọng tài có một số ưu điểm nhất định. Ví dụ như về mặt thủ tục: nhanh chóng, tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên. Nguyên tắc giải quyết có tính chất chung thẩm. Đặc biệt, hiện tại Trung tâm của chúng tôi có đội ngũ trọng tài viên đại diện trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vấn đề tinh thần của Luật Bảo vệ người tiêu dùng là giải quyết tranh chấp nhưng lại có một giới hạn như sau: "không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng." Khi đối chiếu lại Nghị định, tôi thấy có sự khác nhau giữa Luật và Nghị định. Chẳng hạn như, Luật chỉ giới hạn tới việc: "tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhiều người tiêu dùng." Trong khi đó Nghị định quy định là "không được hòa giải các vụ việc nghiêm trọng." Chúng tôi thấy có một thuật ngữ mới, khác so với Luật. Thế nào là nghiêm trọng? Ai xác định tính chất của vụ việc là nghiêm trọng? Thứ hai, "ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng". Có một vấn đề là tại sao Luật đã cho phép hòa giải mà lại giới hạn ở các vụ việc nghiêm trọng và liên quan đến nhiều người. Chẳng hạn như vụ Vedan, nhà sản xuất thải ra một chất ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân. Nhưng rõ ràng ở đây là chưa cần phải ra Tòa án, mà bằng sức ép của dư luận mà các nhà sản xuất và các nhà nông đã đạt được giải pháp hòa giải. Quay trở lại trong trường hợp Vedan bán một sản phẩm chất lượng kém, không đạt vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì có thể hòa giải được hay không? Theo như đây thì hạn chế, vì liên quan đến lợi ích của nhiều người. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề băn khoăn.

Về chương liên quan đến thủ tục hòa giải, chúng tôi thấy còn tương đối đơn giản, chưa rõ ràng và cụ thể. Cụ thể là khi Luật cho phép lựa chọn Trọng tài, có một câu là: "Trình tự giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật liên quan đến Trọng tài". Câu đó là ổn. Và đến Tòa án thì có câu dẫn chiếu đến trình tự giải quyết tại Tòa án theo trình tự của Tòa án. Tuy nhiên, thủ tục hòa giải lại bị để trống, không theo một quy trình nào. Chúng tôi thấy còn bị bỏ ngỏ. Về cơ chế phí hòa giải, có được thu không. Một biểu phí cụ thể được áp dụng như thế nào? trong trường hợp nào? Chúng tôi thấy cũng chưa rõ. Đó là một số vấn đề liên quan đến chế định về hòa giải.

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về liên quan đến gợi ý của Ban Soạn thảo. Thứ nhất, đặc biệt về vấn đề cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Tôi cũng nghiêng về ý kiến của phương án 1. Rõ ràng không nên xác định tiêu chí trong hoặc ngoài trung tâm. hoặc ngoài chợ Cần tính tới tính chất của từng cá nhân, từng chủ thể cụ thể, không phân biệt phạm vi không gian nào cả. Đều phải áp dụng một chế tài như nhau. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề đăng ký hợp đồng mẫu. Cụ thể là khi đăng ký hợp đồng mẫu đã được cơ quan Nhà nước cấp phép, hoặc chấp thuận một hợp đồng mẫu rồi mà trong trường hợp hợp đồng đó có thể gây ra rủi ro, hậu quả rất lớn mà đã được cơ quan Nhà nước chấp thuận trong hợp đồng này. Vai trò của cơ quan đăng ký kinh doanh là như thế nào? Đặc biệt là ở những doanh nghiệp có đội ngũ luật sư vô cùng hùng hậu để thảo ra một hợp đồng rất là lớn, rất công phu và chi tiết. Vậy cơ quan Nhà nước có thể thẩm tra từng nội dung cụ thể của mỗi điều khoản là phù hợp với Luật không hay trái Luật? Đây cũng là vấn đề cần đặt ra.

Vấn đề thứ hai, hiện nay chúng ta có một loạt các Luật, tranh chấp liên quan ví dụ là đến bảo hiểm: các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải có hợp đồng mẫu và phải đăng ký với Bộ Tài chính. Vấn đề đặt ra là những hợp đồng đã đăng ký với Bộ Tài chính theo Luật này thì phải đăng ký một lần nữa. Có phải đang gây ra một sự chồng chéo hay không?Với hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, điện thoại, điện nước. Phải chăng là những luật chuyên ngành cũng đã quy định phải đăng ký với cơ quan Nhà nước. Vậy Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì có gây chồng chéo hay không. Đây là một vấn đề.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy rằng không cần quy định hợp đồng mẫu có cỡ chữ tối thiểu là 12. Cái này nghiêng về mặt hình thức quá. Ví dụ, một vận đơn đường biển mà chúng ta khống chế cỡ chữ là 12 thì không thể diễn đạt hết được các nội dung. Chúng ta nên nhấn mạnh nội dung của hợp đồng là gì. Như thế thì hơn là nhấn mạnh yếu tố về mặt hình thức.
Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan