Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI về Dự thảo Công văn quyết toán thuế 2010

Thứ Tư 16:39 12-01-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số:   0057 /PTM-PC

V/v: góp ý về Dự thảo Công văn

quyết toán thuế năm 2010

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 11  tháng 01 năm 2011

 

Kính gửi: TỔNG CỤC THUẾ

 

Phúc đáp Công văn số 5252/TCT-CS của Tổng Cục thuế về việc đề nghị góp ý về Dự thảo Công văn quyết toán thuế năm 2010 (gọi tắt là Dự thảo Công văn), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở các góp ý của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

I.                   Về tổng thể

Dự thảo Công văn chủ yếu hướng dẫn thi hành thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và một số nội dung cần lưu ý về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế nhà thầu đối với các nhà thầu nước ngoài. Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn đầy đủ các sắc thuế, đặc biệt là các thuế phải quyết toán thuế năm như: thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên …. Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn các mẫu biểu kê khai và quyết toán, đặc biệt là các luật thuế có nhiều thay đổi trong năm vừa rồi và có tác động diện rộng như thuế thu nhập cá nhân.

Đối với các sắc thuế như thuế VAT, TTĐB … không phải quyết toán năm cũng nên tổng hợp các văn bản hướng dẫn các vướng mắc, sửa đổi trong năm.

II.                Một số góp ý cụ thể

  1. Về một số nội dung cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN

1.1.  Đối với chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

-         Đối với chi phí được trừ: Thực tế có trường hợp doanh nghiệp phát sinh mua hàng hóa nhưng không có hóa đơn như: than, vật liệu xây dựng … có kết cấu vào công trình và hàng hóa bán ra, phát sinh doanh thu và đã kê khai nộp thuế nên đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ nếu đủ các điều kiện … cho phép ấn định tỷ lệ chi phí mua vào;

-         Đối với chi phí khấu hao tài sản cố định: Dự thảo Công văn hướng dẫn “Doanh nghiệp phải có thông báo gửi cơ quan thuế nêu rõ lý do tạm dừng của tài sản cố định chậm nhất khi nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế TNDN theo quy định của năm tài sản tạm thời dừng”. Trong Công văn 10589/BTC-TCT ngày 12/08/2010 thì Bộ tài chính không yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc ngừng hoạt động với thời gian ngắn này nhưng Dự thảo Công văn lại yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế về thời gian tạm ngừng ngắn hạn này. Đề nghị Dự thảo Công văn bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế nêu rõ lý do tạm dừng của tài sản cố định, bởi các lý do sau: Trong Thông tư 130/2008/TT-BTC không yêu cầu doanh nghiệp thông báo đối với trường hợp này, hơn nữa, Công văn 10589/BTC-TCT hướng dẫn chi tiết đã ban hành trước đó cũng không yêu cầu vấn đề này; Việc thông báo này sẽ làm tăng thời gian cho công việc liên quan đến thuế của doanh nghiệp trong khi Bộ tài chính đang hướng tới giảm thiểu thời gian doanh nghiệp dành cho công việc báo cáo thuế. Mặt khác, việc báo cáo này không đem lại lợi ích nào cho doanh nghiệp mà chỉ làm tăng thời gian xử lý, lưu trữ và theo dõi của cán bộ thuế đối với doanh nghiệp có tài sản cố định đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng do sự cố tạm thời nên ngừng hoạt động với thời gian ngắn; Trong trường hợp, nếu Dự thảo Công văn vẫn quy định doanh nghiệp phải báo cáo, đề nghị Dự thảo quy định rõ lý do và trường hợp doanh nghiệp không thông báo đúng thời hạn thì chi phí khấu hao này có được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ trong kỳ hay không?

-         Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn trường hợp chi phí khấu hao của tài sản cố định (áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng) dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tài sản cố định hoạt động dưới công suất bình thường do các nguyên nhân như thiếu nguyên vật liệu nên chạy cầm chừng, do mới đi vào sản xuất, do ít đơn đặt hàng … Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn vẫn tính chi phí khấu hao này vào chi phí hợp lý, bởi vì, đây là các chi phí thực chất phát sinh và do phương pháp khấu hao áp dụng là đường thẳng nên đã đảm bảo việc san đều các chênh lệch khi hoạt động với các mức công suất khác nhau;

-         Đối với “Đăng ký mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh”: Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất gia công hàng hóa mới cần đăng ký định mức để tránh thủ tục hành chính không cần thiết, gầy phiền phức cho doanh nghiệp (ví dụ: doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính, thiết kế thì không thể có định mức);

-         Đối với “Chi phí tiền lương”: Dự thảo Công văn yêu cầu “ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể” để được tính thưởng vào chi phí được trừ. Trong thực tế hoạt động, các doanh nghiệp không thể đưa ra giao kết cụ thể về điều kiện cụ thể được hưởng và mức được hưởng do doanh nghiệp không thể dự tính trước được kết quả kinh doanh và kết quả lao động của nhân viên. Do vậy, đề nghị Dự thảo Công văn đưa ra ví dụ cụ thể về điều kiện và mức để doanh nghiệp áp dụng, đồng thời đưa ra yêu cầu nếu mức thưởng được nêu tại thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động không trái với quy định của Bộ Luật lao động thì khoản thưởng này được tính là chi phí được trừ;

-         Điểm 12 Mục II Phần A hướng dẫn: “Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với: … và các khoản trích trước khác”. Đề nghị Dự thảo Công văn đưa ra ví dụ về các khoản trích trước khác. Hơn nữa, đề nghị các chi phí trước tại thời điểm kết thúc năm tài chính nhưng thực tế thanh toán trước hạn cuối cùng của việc nộp tờ khai quyết toán với cơ quan thuế thì được tính trừ, ví dụ: chi phí kiểm toán báo cáo tài chính, chi phí điện, nước, điện thoại tháng cuối của năm tài chính … các chi phí này được trích trước tại ngày kết thúc năm tài chính nhưng phải sau khi dịch vụ hoàn thành thì nhà cung cấp (công ty kiểm toán, công ty cung cấp điện, nước, điện thoại) mới phát hành hóa đơn cho doanh nghiệp thanh toán;

-         Đối với “Chi về tiền phạt”: Theo Dự thảo Công văn “Các khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng kinh tế không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu khoản chi này có đầy đủ chứng từ hợp pháp theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”. Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ chứng từ hợp pháp của các khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của cơ quan nhà nước là gì? Hoặc nêu ví dụ để vận dụng như: Chứng từ chi tiền phạt, tiền bồi thường và thỏa thuận giữa các bên về khoản phạt, bồi thường;

-         Đối với “Các khoản thuế”: Dự thảo Công văn hướng dẫn “Thuế thu nhập cá nhân không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là số tiền thuế do doanh nghiệp khấu trừ trên thu nhập của người nộp thuế để nộp vào ngân sách nhà nước”. Đề nghị Dự thảo Công văn bỏ câu nay do khi hạch toán kế toán khoản thuế này được trích từ tài khoản 3341 – phải trả công nhân viên sang tài khoản thuế 3335 – thuế thu nhập cá nhân và khi thanh toán thuế thì bút toán hạch toán là trích nợ tài khoản thuế 3335 và ghi Có tài khoản tiền (tức là việc hạch toán không liên quan tới đầu chi phí), do vậy, đề nghị Dự thảo Công văn bỏ đoạn này để tránh hiểu lầm là nếu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mà trong đó nêu nghĩa vụ thuế do người lao động chịu thì phần tiền thuế (vốn thuộc phần chi phí tiền lương của doanh n ghiệp và là khoản được hưởng của người lao động) sẽ không được tính trừ;

1.2.  Xác định các khoản thu nhập (Mục III Phần A)

-         Đối với “Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá” (điểm 1): Dự thảo Công văn hướng dẫn về việc xác định chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính như sau “Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào doanh thu hoặc chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập khác”, thực tế rất khó xác định chênh lệch tỷ giá có liên quan trực tiếp đến doanh thu như thanh toán tiền hàng chậm … Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn tương tự như thu nhập khác do lãi vay ngân hàng;

-         Đối với “Xác định các khoản thu nhập từ thanh lý tài sản, thu nhập từ việc bán phế liệu, phế phẩm” (điểm 4): Đề nghị Dự thảo Công văn làm rõ khái niệm “bán phế liệu, phế phẩm mà không liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh”. Phế liệu, phế phẩm là vật được sinh ra từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên luôn liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh.

1.3.  Một số góp ý khác

-         Đề nghị Công văn bổ sung hướng dẫn về “Thu nhập từ tiền hỗ trợ từ các tổ chức khác” vào Mục III Phần A “Xác định các khoản thu nhập”. Các khoản tiền hỗ trợ từ các tổ chức khác được tính vào thu nhập khác. Doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn cho các khoản thu nhập này nhưng phải có đầy đủ chứng từ thu tiền;

-         Về “Hướng dẫn xác định lỗ và chuyển lỗ” (Mục IV Phần A): đề nghị Dự thảo Công văn đưa ra ví dụ đối với trường hợp chuyển lỗ liên tục đối với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN;

-         Về “Ưu đãi thuế TNDN” (Mục VII Phần A), đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn đối với trường hợp doanh n ghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN (bao gồm thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thúe, giảm thuế) theo các quy định tại các văn bản trước đây về thuế TNDN hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp nhưng có thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư về nội dung địa điểm kinh doanh, ngành nghề nhưng thay đổi này vẫn đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNDN (bao gồm thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế) thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp;

-         Về “Ưu đãi thuế TNDN” (Mục VII Phần A), đề nghị Dự thảo Công văn bổ sung thêm câu “cho cả phần thu nhập chịu thuế TNDN tăng thêm theo kiểm tra, thanh tra” vào câu “Doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế TNDN theo quy định, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện tăng số thuế TNDN của thời kỳ miễn thuế, giảm thuế thì doanh nghiệp được hưởng miễn thuế, giảm thuế TNDN cho cả phần thu nhập chịu thuế TNDN tăng thêm theo kiểm tra, thanh tra theo quy định”.

  1. Một số lưu ý khi thực hiện chính sách thuế GTGT  năm 2010 (Phần B)

2.1.  Đối với “Đối tượng không chịu thuế” (Mục I):

-         Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ về thuế suất thuế GTGT áp dụng cho “Dịch vụ xử lý rác thải cho doanh nghiệp chế xuất” là 0% hay 10%;

-         Đề nghị Dự thảo Công văn bổ sung hướng dẫn trường hợp: doanh nghiệp không phải lập hóa đơn GTGT và kê khai thuế GTGT đối với các khoản thu do đóng góp hoặc hỗ trợ cho các tổ chức khác;

2.2.  Đối với “Thuế suất” (Mục II)

Điểm 1.a hướng dẫn về “Dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% bao gồm dịch vụ được cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan”, đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn nghĩa vụ xác định đối tượng cư trú là của người bán hàng hay của người mua hàng? Do thực tế áp dụng có trường hợp người bán hàng A cung cấp dịch vụ cho Công ty B ở nước ngoài (có hợp đồng cung cấp dịch vụ và thanh toán phí dịch vụ qua ngân hàng). Công ty B có văn phòng đại diện tại Việt Nam (một trong các tiêu chí để xác định là Công ty B là đối tượng cư trú của Việt Nam) và Công ty A không biết việc này. Do vậy, Công ty A xuất hóa đơn 0% là phù hợp với quy định hay không?

Ngoài ra nếu trong thời điểm giao kết hợp đồng giữa A và B mà B không tạo thành cơ sở thường trú nhưng ngay sau đó (trong cùng năm dương lịch) B tạo thành cơ sở thường trú tại Việt Nam thì bên A có phải điều chỉnh thuế suấ thuế GTGT đã xuất (0% thành 10%) hay không?

2.3.  Đối với “Phương pháp tính thuế GTGT” (Mục III)

-         Điểm 1.a hướng dẫn về phương pháp khấu trừ thuế đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn cách kê khai hóa đơn trên Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào (thuộc bộ tờ khai thuế GTGT hàng tháng) đối với mua ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) có giá trị vượt trên 1,6 tỷ đồng (chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ? Cột thuế GTGT chỉ điền số thuế GTGT được khấu trừ hay điền số thuế GTGT theo hóa đơn hay phải ghi chú vào cột Ghi chú của bảng kê;

-         Điểm 1.e hướng dẫn về “điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào”. Thông tư 129/2008/TT-BTC quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa bán ra; bù trừ công nợ; thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng  mà các phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng; Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Khi kê khai hóa đơn thuế giá trị gia tăng đầu vào, cơ sở kinh doanh ghi rõ phương thức thanh toán được quy định cụ thể trong hợp đồng vào phần ghi chú trên bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào”. Đề nghị Dự thảo công văn bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ phương thức thanh toán vào phần ghi chú trên bản kê hóa đơn, chứng từ, dịch vụ mua vào do việc này làm tăng thời gian kê khai thuế và theo dõi thuế của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc xuất trình chứng từ chứng minh thanh toán qua ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Nếu đề nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ phương thức thanh toán vào phần ghi chú trên bản kê hóa đơn, chứng từ, dịch vụ mua vào không được chấp thuận thì đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp không ghi phương thức thanh toán bù trừ vào phần ghi chú (nhưng thỏa mãn điều kiện phương thức thanh toán bù trừ nêu tại hợp đồng và phần sau bù trừ được thanh toán qua ngân hàng) thì doanh nghiệp có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng hay không?

2.4.  Một số góp ý khác

Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ thêm các điểm sau:

-         Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm: trước ngày 01/01/2009 thực hiện theo Thông tư 111/2005/TT-BTC ngày 13/12/2005 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tương đối phù hợp với đặc thù ngành bảo hiểm, không phát sinh vướng mắc. Nhưng từ 01/01/2009 thực hiện theo Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008, không có hướng dẫn riêng đặc thù ngành bảo hiểm, vì vậy đã phát sinh nhiều vướng mắc ở các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt đối với các hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm …. Trong năm 2010, Tổng Cục thuế đã có nhiều văn bản trả lời chưa thống nhất. Do vậy, đề nghị, lúc chưa xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 111/2005/TT-BTC thì đề nghị có hướng dẫn thống nhất theo nguyên tắc đã có của Thông tư 111/2005/TT-BTC;

-         Đối với dịch vụ cho đối tượng  nước ngoài thuê tàu, vận tải biển ở nước ngoài hiện nay có một số văn bản hướng dẫn chưa rõ: thuộc đối tượng chịu thuế hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế; áp dụng thuế suất 0% … đề nghị Dự thảo Công văn có sự tổng hợp và hướng dẫn rõ trường hợp này;

-          Đối với đối tượng không chịu thuế: Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư bao gồm các hoạt động thu, dọn, vận chuyển, xử lý rác và chất phế thải; thoát nước, xử lý nước thải; bơm hút, vận chuyển và xử lý phân bùn, bể phốt; thông tắc công trình vệ sinh, hệ thống thoát nước thải; quét dọn nhà vệ sinh công cộng; duy trì vệ sinh tại các nhà vệ sinh lưu động (nhà vệ sinh lắp trên xe ô tô); đặt dụng cụ thu chứa rác thải phục vụ vệ sinh môi trường và thu gom, vận chuyển xử lý chất thải khác cho tổ chức, cá nhân là không chịu thuế GTGT. Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn rõ sau xử lý rác , chất thải có sử dụng  chất thải sản xuất ra sản phẩm : than bùn, nilon … thì các sản phẩm này có chịu thuế GTGT không?

3.      Một số lưu ý khi thực hiện chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài năm 2010 (Phần D)

Đề nghị Dự thảo Công văn hướng dẫn thuế suất thuế TNDN đối với trường hợp doanh nghiệp mua hàng (nguyên vật liệu, hàng hóa) theo phương thức ĐU (tức là nhà thầu nước ngoài giao hàng trong lãnh thổ Việt Nam, tại kho của Công ty).

Ví dụ: Doanh nghiệp A (thành lập tại Việt Nam) ký hợp đồng mua nguyên vật liệu theo giá DDU với Công ty B (thành lập tại Nhật Bản). Bên B trả phí vận chuyển đường biển và nội địa để hàng giao tại kho của doanh nghiệp A. Hợp đồng không tách riêng giá trị hàng hóa vật liệu và dịch vụ vận chuyển.

Vì vậy, thuế TNDN sẽ áp mức đối với “Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam: 1%” hay “Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không): 2%” hay “Dịch vụ: 5%” cho toàn bộ giá trị hợp đồng?

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Công văn quyết toán thuế năm 2010. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan