Góp ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Thứ Tư 15:54 27-10-2010

 Kính thưa Đoàn chủ tọa,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, qua ý kiến thảo luận ở tổ và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau.

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp vào những nội dung cụ thể của dự án luật. Chúng tôi xin ghi nhận đầy đủ và sẽ nghiên cứu tổng hợp, có những điểm chúng tôi thấy rằng có thể tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện luật này.

Tôi xin phát biểu điểm thứ nhất là về phạm vi, tại sao lần này đặt vấn đề chỉ sửa đổi một số điều. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo, cho thảo luận và cũng trực tiếp lấy ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và những người tham gia bảo hiểm, tôi thấy có hai vấn đề, hai nội dung.

Thứ nhất, như anh Lịch đã nói tôi xin không nói thêm. Hiện nay thị trường bảo hiểm của chúng ta quy mô phát triển cũng chưa phải lớn, tốc độ có nhanh nhưng chưa lớn, cũng cần phải khuyến khích.

Thứ hai, thị trường hoạt động bảo hiểm này là một loại hình dịch vụ tài chính gắn kết với các lĩnh vực khác rất nhạy cảm và linh hoạt, cho nên cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước.

Thứ ba là như lúc nãy anh Lịch có nói rồi, tôi xin không nhắc lại.

Vấn đề thứ hai, qua thảo luận thì thấy rằng những nội dung cơ bản của luật hiện hành vẫn còn thực hiện không nhiều vướng mắc. Luật này khi ban hành là luật chuyên ngành tương đối cao, nó có rất nhiều nội dung cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế xã hội, nó có sự điều chỉnh nhất định cho nên trong luật cũng đã giao một số điều cho Chính phủ xử lý. Trong thời gian qua Chính phủ đã có một số lần sửa đổi nghị định để phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì vậy nhiều điểm quy định trong luật vẫn còn hiệu lực và vẫn đang thực thi không có vướng mắc.

Về các quy định mà nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết, được tán thành với nguyên tắc chung nhưng cho rằng quy định còn chung quá hoặc thể hiện chưa đầy đủ, chưa rõ. Chúng tôi có hội ý với Ủy ban Kinh tế, có một số nội dung chúng tôi thấy phải cụ thể hóa thêm vào luật, ít nhất về nguyên tắc. Những nội dung căn bản, những nguyên tắc quan trọng để nếu có giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn thì cũng trên nguyên tắc và những nội dung căn bản đó, không quy định quá chung. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này.

Tuy nhiên, cũng xin báo cáo thêm với Quốc hội, có những điểm cũng xin Quốc hội giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bởi vì nó khá kỹ thuật. Trong quá trình biến động của nền kinh tế phù hợp với từng giai đoạn của sự phát triển thì có thể chúng ta cần phải mở ra, nhưng cũng có thể chúng ta cần phải cho nó chặt lại. Ví dụ như các tiêu chí quy định về năng lực tài chính hoặc tiêu chí về các điều kiện có được những yếu tố về nguồn nhân lực ở trong một doanh nghiệp bảo hiểm khi ra đời doanh nghiệp này. Báo cáo Quốc hội, thời gian đầu chúng ta đang khuyến khích thị trường này phát triển, cho nên quy định mức vốn điều lệ, vốn pháp định là rất thấp. Nhưng đến thời gian khi chúng ta mở cửa thì các doanh nghiệp thành lập tương đối nhiều, tương đối ào ạt, lúc bấy giờ Chính phủ đã có quy định sửa đổi nâng mức vốn điều lệ này lên. Như vậy trong thời gian vừa qua đã nhiều lần quy định thay đổi những tiêu chí để cho nó phù hợp với tình hình.

Vấn đề thứ ba, về quỹ bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cũng nhiều vị đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm và nói cũng khá rõ, chúng tôi chỉ xin báo cáo thêm một chút. Hiện nay trong luật đã cho phép được trích quỹ rủi ro, nhưng quỹ này chủ yếu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Đúng như có đại biểu đã phát biểu chính phí đóng bảo hiểm, mua bảo hiểm, tham gia bảo hiểm đó là nguồn để thanh toán, tức là đóng góp của số đông để thanh toán cho những rủi ro xảy ra cho số ít. Đúng là đó là nguồn để thanh toán. Nhưng quỹ này không phải để thanh toán trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, mà đề phòng chuyện rủi ro xảy ra nếu doanh nghiệp này không có khả năng để thanh toán thì quỹ này sẽ thanh toán và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Với mục tiêu như vậy, chúng tôi qua nghiên cứu thì hầu hết các nước đều có thực hiện và cho phép được trích lập quỹ này. Tuy nhiên thì nội dung cụ thể và những nguyên tắc lớn thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa vào luật quy định một số các nguyên tắc, nếu được Quốc hội tán thành thì chúng tôi xin báo cáo phân biệt 2 mục tiêu cho nó rõ là Quỹ đã cho phép trích chủ yếu để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Còn quỹ này là bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm khi khả năng thanh toán không đảm bảo hoặc khi có những rủi ro, đặc biệt hoạt động trên lĩnh vực thị trường tài chính thì nó cũng có thể xảy ra rủi ro mà trên thực tế thế giới cũng đã có rất nhiều những trường hợp đã xảy ra những rủi ro.

Vấn đề thứ tư, về thanh tra, kiểm tra và giám sát. Đúng là cơ quan quản lý Nhà nước có quyền được giám sát. Nhưng chúng tôi cũng báo cáo thêm với Quốc hội là trong lĩnh vực thị trường tài chính và dịch vụ tài chính thì yêu cầu thanh tra, kiểm soát nó đòi hỏi rất cao. Chúng tôi có nghiên cứu các nước thì hầu hết tất cả các nước có thị trường tài chính phát triển hoặc mới phát triển, người ta đều hình thành những cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, mô hình thì có thể khác nhau nhưng đa phần thì người ta tập trung. Ví dụ một Ủy ban giám sát người ta làm công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát này và làm cho cả các dịch vụ về ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán và bảo hiểm, làm luôn cả 3. Nhưng cũng có anh làm phân tán, nhưng chúng tôi nghiên cứu hầu hết người ta đều tập trung. Hiện nay ta chưa làm tập trung được và cũng đang xây dựng một mô hình để thực hiện việc này thì vẫn phải có thanh tra, kiểm tra ngân hàng, thanh tra, kiểm tra chứng khoán và thanh tra, kiểm tra bảo hiểm. Bởi vì như anh Lịch cũng đã nói rồi, lĩnh vực này rất nhạy cảm, nó liên thông với nhau rất linh hoạt và nó cũng biến hóa. Pphải nói thực nó cũng biến hóa, cho nên cũng muốn để ghi được vào trong luật cho nó thể hiện một qui định mạnh mẽ để cơ quan này có đầy đủ quyền lực để thực hiện.

Báo cáo với Quốc hội, vừa rồi Chính phủ cũng đã qui định có thanh tra bảo hiểm, tuy nhiên mới ở mức nghị định, chưa phải ở mức luật. Chúng tôi cũng muốn được ghi vào luật để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, một lĩnh vực cũng khá nhạy cảm.

Vấn đề về các tập đoàn, các tổng công ty tham gia trong lĩnh vực này, tôi xin báo cáo ngắn gọn. Trước đây đúng là có một số các tập đoàn và các tổng công ty cũng xin phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mà do mình quản lý. Sau một thời gian thực hiện và cũng qua quá trình giám sát, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng thấy rằng các tập đoàn phải tập trung nguồn lực của mình đầu tư và kinh doanh vào ngành sản xuất chính, mà đầu tư ra bên ngoài đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm thì phải có sự khống chế và hạn chế. Chính vì vậy cho nên vừa rồi Chính phủ đã sửa đổi Nghị định số 199 về chế độ tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước bằng Nghị định 09 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009, trong đó đã có khống chế.

Khống chế thứ nhất là khống chế đầu tư ra ngoài ngành tối đa chỉ được 30%, còn 70% đầu tư vào ngành sản xuất chính.

Thứ hai, đối với những ngành mà có lĩnh vực nhạy cảm là tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán thì giới hạn là góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm này không quá 20% vốn pháp định để doanh nghiệp này cũng không có quyền được chi phối trong doanh nghiệp và hạn chế việc góp vốn.

Thứ ba, hiện nay tất cả các tập đoàn các tổng công ty nếu như có đầu tư vào những lĩnh vực này thì phải được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong thực tế, 2 năm vừa qua Thủ tướng không cho phép tập đoàn nào được đầu tư thêm vào các lĩnh vực về ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, thậm chí đã có yêu cầu các doanh nghiệp phải rút vốn ra như dầu khí vừa rồi cũng định hình thành đầu tư tiếp và một doanh nghiệp nữa nhưng Thủ tướng không đồng ý, đã phải rút vốn ra. Báo cáo đã dùng nhiều các quy định, có cả quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm, có cả quy định trong các quy định khác để làm thế nào đấy kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Quá trình hoạt động chúng tôi thấy thường các doanh nghiệp này là bảo hiểm trong lĩnh vực của mình, thành ra thị trường cũng có chia cắt. Chính vì thế chúng tôi kiến nghị trong luật này khi sửa đổi bổ sung có điểm sửa đổi là phải đấu thầu các sản phẩm bảo hiểm, chính là đấu thầu các dịch vụ bảo hiểm để cạnh tranh lành mạnh, chống chia cắt và khép kín trong doanh nghiệp bảo hiểm.

Điểm cuối cùng về nghiêm cấm, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số điểm sẽ đưa vào đây nếu thuộc lĩnh vực bảo hiểm, một số điểm khác có thể nằm trong quy định khác rồi. Tóm lại có rất nhiều những điểm mà chúng tôi thấy phải quy định thành nguyên tắc và những nội dung quan trọng vào ngay trong luật. Tôi xin hết

Các văn bản liên quan