Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư 15:53 27-10-2010

 

Kính thưa Quốc hội,

Vừa rồi đồng chí Phó Chủ tịch - Chủ tọa có hỏi 2 vấn đề: Làm rõ quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và vấn đề hợp tác xã. Tôi đồng tình với quan điểm của đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Quốc hội, tức là lần này chúng ta sửa một bước thôi chứ chưa đặt vấn đề toàn diện về Luật kinh doanh bảo hiểm vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, chúng ta biết rằng thị trường bảo hiểm là một trong 3 bộ phận của thị trường tài chính của một nước, nó là 3 chân của thị trường tài chính, gồm thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. Ba thị trường này luôn luôn liên thông với nhau. Trong các nước phát triển chính thị trường bảo hiểm là nơi cung cấp nguồn vốn chung, dài hạn rất quan trọng cho thị trường vốn. Hiện nay Việt Nam các công ty bảo hiểm đều hình thành các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư và dùng nguồn bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ đó là nguồn cung cấp vốn dài. Chính vì vậy nó xảy ra những rủi ro rất lớn do cơ chế đầu tư từ hoạt động của các công ty bảo hiểm. Do đó tôi yêu cầu luật là phải sửa đổi để hoàn thiện, vừa phát triển thị trường bảo hiểm, hiện nay ta có 2% GDP phải lên 7- 8% như các nước, nhưng phải bảo đảm tính bền vững của thị trường tài chính và an toàn cho người gửi bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ. Chính vì vậy, hiện nay còn vấn đề rất lớn chưa giải quyết mà rõ ràng nó liên quan đến việc tổ chức mô hình tổ chức thị trường tài chính Việt Nam như thế nào. Vừa qua Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 đạo luật: Luật ngân hàng nhà nước và Luật tổ chức tín dụng, cũng đã hình thành cơ chế, giám sát, thanh tra. Nay mai Quốc hội trong kỳ họp này sửa Luật chứng khoán cũng sửa một bước và như vậy lần này sửa Luật kinh doanh bảo hiểm cũng một bước để dần dần hình thành rõ nét một mô hình tổ chức thị trường tài chính như thế nào để xác định sự quản lý thống nhất của ba bộ phận thị trường này. Trong khi như vậy tôi nghĩ lần này ta sửa ở mức độ như thế này là phù hợp. Đó là vấn đề thứ nhất.

Thứ hai là liên quan đến vấn đề có nên thiết lập quỹ bảo vệ người bảo hiểm hay không. Tôi ủng hộ giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Ban soạn thảo. Bởi vì bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm rất dài, mà chúng ta lập quỹ gọi là dự trữ bắt buộc, đó là trong trường hợp công ty đó còn hoạt động tốt, nếu như công ty đó phá sản, vì nó là trách nhiệm hữu hạn do đó người bảo hiểm sẽ bị mất và trên thế giới đã xảy ra những trường hợp như vậy, khi thị trường còn phát triển thì cái đầu tiên trong quản lý Nhà nước thì hướng tới việc bảo vệ người được bảo hiểm. Việc này không ảnh hưởng gì hết vì quỹ này được thiết lập và công ty đó luôn sử dụng tiền này chứ không phải bỏ chết, nhưng nó là phần để bảo đảm khi phá sản thì quyền lợi của người bảo hiểm phải được giữ. Do đó tôi hoàn toàn ủng hộ là phải có quỹ này, nhất là chúng ta mới cho các công ty nước ngoài hoạt động trên thị trường, nhất là bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, tôi ủng hộ ý kiến Bộ Tài chính. Tôi muốn Quốc hội cần bảo vệ người đóng bảo hiểm mà theo thông lệ quốc tế cũng làm như vậy.

Về hợp tác xã, nay mai chúng ta lại sửa Luật hợp tác xã, chúng ta khuyến khích các hợp tác xã nếu đủ điều kiện là lập các công ty bảo hiểm, không có lý do gì mà một tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện làm bảo hiểm mà lại không cho. Tôi cho vấn đề là quy định điều kiện, nếu anh có đủ điều kiện thì anh có thể tổ chức.

Điểm cuối cùng, tôi đồng tình và chia sẻ với ý kiến vừa rồi, tôi cũng cho rằng Điều 10, Khoản 2 các hành vi nghiêm cấm là đúng. Hiện nay có tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty lập các đơn vị bảo hiểm khép kín trong ngành, khép kín trong nội bộ, khép kín chi phí và liên kết để nâng phí bảo hiểm đó là một cách làm trái thị trường. Do đó có những nghiêm cấm đó là đúng và tôi cho rằng những quy định liên quan đó phải làm sao các doanh nghiệp tự lập bảo hiểm khép kín, trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay cũng đang chống việc này và trong bảo hiểm cũng cần chống việc này, tạo sự minh bạch, giảm chi phí bảo hiểm xuống. Tôi nghĩ những quy định như vậy làm nâng cao vai trò quản lý nhà nước là cần thiết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan