Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Tư 15:52 27-10-2010

 

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy Tờ trình của Chính phủ lần này qua 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm của chúng ta sửa tập trung vào 3 nhóm vấn đề với 16/129 điều. Tôi vẫn còn băn khoăn là không biết mình còn phải sửa nội dung nào nữa không, điều khoản nào không để chúng ta đáp ứng được các nhu cầu về quản lý Nhà nước, về thúc đẩy tăng trưởng của ngành này, bảo đảm hội nhập thì tôi đề nghị Ban Soạn thảo xem thử. Nếu như chủ tọa phiên họp nói ngay từ đầu thì bảo là lần này chúng ta chưa sửa căn bản thì không biết đến bao giờ sửa căn bản và nó còn nội dung gì, vướng chỗ nào chưa sửa được. Điều thứ nhất tôi xin phát biểu như thế.

Thứ hai, qua Báo cáo chúng ta cũng thấy trong vòng chưa tới 10 năm thị trường kinh doanh bảo hiểm hoạt động rất tốt, từ 14 doanh nghiệp hiện nay chúng ta đã lên 50. Đánh giá kết quả đạt được thì báo cáo cũng nêu ra nhiều kết quả, trong đó tôi thấy có 3 mặt mà tôi ấn tượng nhất.

Một là chúng ta đã đầu tư trở lại nền kinh tế để trở thành kênh huy động vốn đáng kể trong vòng 10 năm, từ năm 2001 đến năm 2009 thì chúng ta đã tăng hơn 10 lần, đóng góp vào đầu tư lại nền kinh tế là gần 67 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số hết sức lớn với 50 doanh nghiệp trong một thời gian không phải là dài lắm.

Hai là chúng ta đã đóng góp vào kinh doanh bảo hiểm, đóng góp vào ổn định nền kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Trong vòng 10 năm chúng ta cũng đã giải quyết đền bù thiệt hại, giải quyết được rủi ro cho người tham gia bảo hiểm. Riêng năm 2009 là gần 10 nghìn tỷ đồng, đây cũng là con số ấn tượng giúp chúng ta ổn định kinh tế - xã hội. Đặc biệt tôi quan tâm là yếu tố thứ ba. Trong này rất là nhiều yếu tố, tôi chọn ra ba yếu tố, đó là chúng ta giải quyết việc làm. Trong chừng ấy năm, đến cuối năm 2009 chúng ta giải quyết được 182.000 lao động ở 50 doanh nghiệp bảo hiểm, tôi bình quân ra một doanh nghiệp giải quyết được 3.640 người lao động. Chúng ta cũng hết sức đánh giá cao về việc này. Từ đây tôi xin trở lại vấn đề tuy báo cáo có nêu ra nhưng tôi nghĩ chúng ta chưa thảo luận sâu và vần đề nay hết sức quan trọng. Đó là nhận xét ở trang 6 Báo cáo của Chính phủ có nói: nhiều ngành và tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp này chủ yếu cung cấp trong nội ngành, thiếu cạnh tranh, không đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trên thị trường và không đáp ứng những yêu cầu khác v.v... Tôi thấy như vậy có hai vấn đề đặt ra ở đây.

Thứ nhất, những yếu tố tôi vừa nêu ra ở trên, nếu tốt như thế thì chúng ta nên quy định luôn cho tổng công ty, tập đoàn và tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước được kinh doanh trong lĩnh vực này. Thậm chí nếu tốt như thế này thì ta nên đầu tư thêm tiền vốn vào, thông qua Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước để làm có được không, nếu như không chúng ta phải chấn chỉnh.

Vấn đề thứ hai, nếu ngược lại không tốt thì chấn chỉnh để rồi chúng ta không phải đặt vấn đề nữa, vấn đề này đã nói tại Quốc hội rồi, không thấy ai nói gì, lĩnh vực này tôi đề nghị cũng cần hết sức quan tâm. Vấn đề này theo tôi trong luật này bỏ ngỏ, tôi đề nghị quy định cụ thể hơn, được thì nên phát triển như thế nào, không được thì nên chấn chỉnh như thế nào cho rõ.

Một ý nữa, ở Điều 10 sửa đổi chúng ta có nhắc tới chuyện kinh doanh, mặc dù hiện nay tốt như thế nhưng vẫn còn nhiều việc phải chấn chỉnh, trong đó có việc chúng ta đã phát hiện ra rồi. Đó là có một số doanh nghiệp trong thời gian qua như công luận nói là "đi đêm", hợp tác với nhau, bắt tay với nhau để nâng mức phí bảo hiểm, cụ thể là trách nhiệm bảo hiểm phương tiện cơ giới đường bộ để quy định mức bảo hiểm cao làm thiệt hại đến người tham gia bảo hiểm. Tôi đề nghị trong Điều 10, chúng ta phải quy định ra một điều cấm tại Khoản 2 là nghiêm cấm việc thông đồng để nâng mức phí bảo hiểm, làm thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm, đó là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, tôi cũng đã thấy trong phần tập hợp ý kiến nhưng tôi xin nhấn mạnh lại. Liên quan đến việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, quy định như thế này thì tôi thấy chưa thỏa đáng, Bộ Tài chính sẽ thành lập thêm một trung tâm nữa để chúng ta quản lý, đào tạo và cấp chứng chỉ. Vừa rồi chúng ta bảo là nếu sau khi luật này có hiệu lực, Hiệp hội bảo hiểm và những doanh nghiệp mà chúng ta đã cho cấp chứng chỉ bảo hiểm và cho đào tạo phải đổi hết và phải được Bộ Tài chính công nhận mới được. Tôi thấy nếu quy định như thế này thì chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chúng ta nên tính một hình thức khác, chúng ta thường hay nói là trong một số luật gần đây, việc gì chúng ta không cần phải nắm, không cần phải quản lý trừ yêu cầu của các cơ quan Nhà nước thì nên chuyển cho các hiệp hội nghề nghiệp người ta làm thì tốt hơn. Tôi đề nghị cũng lưu ý ý này, sửa theo hướng đó chứ, còn theo nghị định hướng dẫn của Chính phủ là Bộ Tài chính thành lập thêm một trung tâm tại Chương IV của dự thảo nghị định, tôi đề nghị lưu ý thêm vấn đề đó. Tôi đề nghị không nên quy định như vậy.

Vấn đề thứ tư, tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Quân và lúc nãy đồng chí Nguyễn Đức Kiên cũng có nói. Tôi ủng hộ việc phải quy định hợp tác xã cũng là một trong những tổ chức được phép kinh doanh bảo hiểm. Loại hình thế nào thì chúng ta cần phải nghiên cứu để quy định cụ thể.

Vấn đề cuối cùng, Chủ tọa hỏi về việc thành lập quỹ, tôi cũng thấy băn khoăn giống như đại biểu Đặng Như Lợi. Bây giờ anh kinh doanh bảo hiểm là dứt khoát anh phải đảm bảo bồi thường thiệt hại và đảm bảo thanh toán rủi ro.

Thứ nhất, nếu chúng ta thấy không bảo đảm, vốn điều lệ thế nào, vốn pháp định như thế nào, phải có. Trong này quỹ dự phòng rất lớn đã có rồi, các doanh nghiệp bảo hiểm đã quy định trích ra rồi, bây giờ chúng ta có nên quy định thêm quỹ này nữa không? Theo tôi không nên mà dùng quỹ dự phòng đó, nếu không bảo đảm thì chúng ta dùng biện pháp nâng vốn pháp định, vốn điều lệ lên, đặc biệt là dùng quỹ dự phòng thì tốt hơn. Bởi vì dùng quỹ dự phòng bản chất vấn đề khi phá sản là giải quyết tất cả các mối quan hệ khác, việc bồi thường cho người lao động thì dựa vào doanh nghiệp là điều đầu tiên, phải bồi thường cho người tham gia bảo hiểm nên dùng quỹ dự phòng. Xin hết.

Các văn bản liên quan