Góp ý của Ls. ThS Trịnh Minh Tân

Thứ Tư 17:36 04-08-2010

Ý KIẾN THẢO LUẬN

v/v sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

-Luật sư, ths Trịnh Minh Tân-

Nghị định số 59/2006 ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Nghị định chỉ mới ban hành được 4 năm. Tuy nhiên, nhiều quy định của Nghị định tại các Phụ lục cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung phải xuất phát từ những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, trong đó việc phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi song hành với việc bảo vệ môi trường, đồng thời phải quan tâm đến kỹ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không để có những lỗ hổng pháp lý cho tham nhũng lợi dụng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung.

Các quy định về hàng hóa, dịch vu cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện lại rất nhạy cảm với thị trường. Việc xây dựng danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện do một bộ, một ngành ban hành theo chức năng quản lý. Nói như vậy không có nghĩa là khoán trắng vì một bộ, một ngành không thể bao quát được hết các nhu cầu của thị trường, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế mà nếu việc cấm hoặc hạn chế kinh doanh có thể sẽ gây ra nhưng thiệt hại cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cho nên trước khi ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì bộ, ngành có trách nhiệm cần tham khảo các bộ, ngành liên quan, thậm chí là phải ra thông tư liên bộ để hướng dẫn kèm theo danh mục các hàng hóa trên.

Trước tình hình nguyên liệu cho sản xuất khan hiếm và đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tìm đến các nguyên liệu thay thế, thậm chí là nhập phế liệu về để làm nguyên liệu sản xuất. Nhưng thế nào là “phế liệu” thì hiện nay vẫn có những ý kiến khác nhau. Điều này ít nhiều anh hưởng đến việc ra các quyết định cho phép nhập, cấm nhập hay hạn chế nhập khẩu loại hàng hóa này. Do đó cần có nhận thức thống nhất về khái niệm “phế liệu”, có như vậy mới có chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Phế liệu được định nghĩa trong Luật bảo vệ Môi trường như sau: “Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất” (Khoản 13, Điều 3 luật bảo vệ môi trường năm 2005).

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Phương, “nội hàm của khái niệm chất thải rộng hơn và bao trùm cả khái niệm phế liệu. Hay nói một cách khác, phế liệu là một dạng của chất thải.”[*]

Luật bảo vệ môi trường quy định: “Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.” (Khoản 10, Điều 3 Luật BVMT năm 2005).

Theo Khoản 13, Điều 3 thì phế liệu “là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất” hoặc phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ “quá trình tiêu dùng” nên dễ bị nhầm lẫn với “chất thải”. Mà đã gọi là chất thải thì có lẽ không quốc gia nào khuyến khích nhập chất thải làm nguyên liệu sản xuất cả.

Có luật sư khi tư vấn cho doanh nghiệp nhập khẩu dây thừng, bện, cáp bằng plastic về làm nguyên liệu sản xuất lưới đanh cá đã không thể giải thích cho doanh nghiệp rằng đó là chất thải hay là phế liệu. Ví nếu đó là phế liệu thì vẫn có khả năng nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất lưới đánh cá. Còn nếu là chất thải thì không có trong danh sách được phép nhập khẩu.

Căn cứ Khoản 13, Điều 3 Luật BVMT năm 2005 thì khi đã xác định sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được coi là phế liệu thì không nên cấm nhập khi doanh nghiệp có nhu cầu về nguyên liệu để sản xuất hàng hóa. Đương nhiên việc cho phép nhập khẩu phế liệu phải đi kèm nhưng điều kiện cụ thể cho từng loại phế liệu với những tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển và sản xuất.


[*]http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=273:knplvbcplcpl&catid=107:ctc20071&Itemid=110

Các văn bản liên quan